Tin tức

My Name Is Kim Bok Dong: Câu chuyện phụ nữ giải khuây và chiến thắng của quyền con người

23/08/2019

Vào tháng 1 năm nay, nhà hoạt động nhân quyền Kim Bok Dong đã qua đời khi vừa ngấp nghé tuổi 93.

Sau cái chết của bà, tất cả 21 phụ nữ Hàn Quốc được biết đã bị người Nhật bắt làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II - được gọi một cách uyển ngữ là phụ nữ giải khuây - đều đã qua đời. Đồng thời, triển vọng chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe chính thức xin lỗi về những tội lỗi của nước này trong quá khứ ngày càng mờ nhạt.

Bà Kim Bok Dong trong phim tài liệu My Name Is Kim Bok Dong

Phim tài liệu My Name Is Kim Bok Dong, tập trung vào cuộc sống của bà Kim và những đấu tranh để buộc chính phủ Nhật phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những người phụ nữ giải khuây, thừa nhận bản chất cướng ép và chính thức xin lỗi nạn nhân kể từ khi công bố mình là nạn nhân vào năm 1992.

Được chỉ đạo bởi nhà báo điều tra Song Won Geun của Newstapa, bộ phim nhìn vào 27 năm qua của cuộc đời bà Kim, và cách bà chiến đấu để đảm bảo rằng sự thật đau khổ của những người phụ nữ giải khuây vẫn còn sống động để dạy cho thế hệ tương lai về sự khủng khiếp của chiến tranh.

Phim bắt đầu với lời khai của bà Kim, vào năm 1992, trong đó bà tiết lộ rằng mình đã trở thành nạn nhân của hệ thống phụ nữ giải khuây, trước sự khiếp đảm của gia đình.

Bộ phim tiếp tục lướt qua cuộc đời bà để chứng kiến bà bị gia đình xa lánh như thế nào sau tiết lộ, một số người đã đứng bên bà như thế nào, cuộc biểu tình vào thứ tư hàng tuần trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul và Tượng Hòa bình được xây dựng trước đại sứ quán cũng như các nơi khác trên thế giới.

Bà Kim bên Tượng Hòa bình

Những đột phá như Tuyên bố Kono năm 1993 - trong đó chính phủ Nhật Bản thừa nhận sự tồn tại của phụ nữ giải khuây và sự tham gia của quân đội - và những thất bại như thỏa thuận tranh chấp năm 2015 giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm giải quyết hoàn toàn và triệt để vấn đề, mà các nạn nhân đều công khai bày tỏ sự phản đối và khinh bỉ, đều được ghi lại theo trình tự thời gian.

Nó cũng ghi nhận những người đã đến hỗ trợ Kim, từ các thành viên của tổ chức phi chính phủ Hội Hàn Quốc cho Phụ nữ bị làm Nô lệ Tình dục Quân đội cho tới Mạng lưới Cánh bướm Hòa bình của các nhà hoạt động sinh viên đấu tranh vì cùng một lý do.

My Name Is Kim Bok Dong hạn chế việc đóng khung người phụ nữ lớn tuổi này đơn giản là một anh hùng hoặc một người đáng thương hại. Thay vào đó nó theo bà Kim trong những đấu tranh của bà và lắng nghe những gì bà nói; từ khi bà thúc giục Nhật Bản “ăn năn và xin lỗi trước khi tất cả chúng tôi chết!”, hay khi bà nhẹ nhàng thúc giục sinh viên Nhật Bản - hầu hết họ có ít hiểu biết về vấn đề này – không thể quên được, khi bà nắm tay các bé gái Hàn Quốc đến một trường học ở Nhật Bản, khóc vì lo ngại về sự phân biệt đối xử mà các em có thể phải đối mặt.

“Xin hãy quay về và viết những tin bài thời sự,” bà nói với các phương tiện truyền thông quốc tế

Bộ phim không buộc khán giả coi bà Kim là anh hùng, nhưng ý chí không thể khuất phục và trái tim không thể so sánh của người phụ nữ nhỏ bé này xuất hiện trong cuộc sống đáng ngưỡng mộ mà bà trải qua. Mặc dù già nua và ốm yếu, bà vẫn muốn lên một chuyến bay nữa để gặp thêm một người ở nước ngoài, truyền bá lịch sử kinh hoàng về những người phụ nữ giải khuây và gây áp lực với chính quyền Abe.

“Tôi hy vọng rằng sự đồng thuận chung sẽ gây áp lực (Nhật Bản phải xin lỗi). Xin hãy quay về và viết những tin bài thời sự,” bà nói với các phương tiện truyền thông quốc tế tập trung tại lễ ra mắt năm 2013 Đài tưởng niệm Hòa bình Glendale, một bản sao chính xác của Tượng Hòa bình ở Seoul tượng trưng và tôn vinh phụ nữ giải khuây.

“Ít nhất miệng tôi còn sống và khỏe. Tôi phải chiến đấu chừng nào tôi còn sống,” bà nói với một nhóm bạn hữu bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe ngày càng xấu đi của bà.

Bộ phim tài liệu gợi lên cảm xúc mạnh mẽ thông qua sức mạnh của cuộc sống bà Kim, và những khoảnh khắc đáng chú ý trong cuộc đấu tranh của bà.

Y chí không thể khuất phục và trái tim không thể so sánh của người phụ nữ nhỏ bé này xuất hiện trong cuộc sống đáng ngưỡng mộ mà bà trải qua

Một khoảnh khắc như vậy xảy ra sau thỏa thuận nói trên năm 2015. Đối mặt với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ Lim Sung Nam, bà lên tiếng phản đối đầy nước mắt và tức giận.

“Tại sao điều này xảy ra với chúng tôi? Các người đã chờ đợi tất cả chúng tôi chết hết đi à? Có phải các người đang cố giết chúng tôi thông qua điều này (thỏa thuận) vì chúng tôi chưa chết? Tại sao không ai thông báo cho chúng tôi? Ai đó nên nói với chúng tôi,” bà nói, trước khi lấy lại bình tĩnh nói với thứ trưởng rằng chính phủ nên thảo luận vấn đề trước với những người phụ nữ giải khuây.

“Chúng tôi không sống suốt những năm qua chỉ để nghe tin rằng chính phủ âm mưu tự mình đi đến một dàn xếp,” bà Kim nói với thứ trưởng Lim.

Mặc dù bộ phim tài liệu không bắt người xem phải rơi nước mắt, nhưng sức mạnh tuyệt đối của cuộc đời và câu chuyện của Kim, chắc chắn sẽ gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ từ bất cứ ai xem nó, bằng chứng là phản ứng từ khán giả tại buổi ra mắt.

Đó là một bộ phim tài liệu hiểu vấn đề của nó và tôn trọng một người phụ nữ tuyệt vời xứng đáng được tôn trọng.

My Name is Kim Bok Dong đã ra rạp ở Hàn Quốc từ ngày 8/8.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald