Tin tức

The Crossing: Câu chuyện buôn lậu iPhone giữa Hồng Kông-Thâm Quyến của Bạch Tuyết

12/08/2019

Tại sao lại là chủ đề này? Vào ngày South China Morning Post hỏi nhà làm phim Trung Quốc Bạch Tuyết, cô đã trả lời câu hỏi năm lần vào hôm đó, và không ngạc nhiên khi cô phải thốt ra một tiếng rên rỉ và châm biếm: “Lần tới ta nên thực hiện phỏng vấn nhóm.”

Tuy nhiên, có lý do chính đáng cho sự tò mò.

Hoàng Nghiêu trong một cảnh phim, cô đóng vai Bội Bội 16 tuổi, hàng ngày qua lại giữa Hồng Kông, nơi cô học, và Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi cô sống và dính vào việc buôn lậu iPhone

Tác phẩm đầu tay của vị đạo diễn 34 tuổi, The Crossing, kể về một nữ sinh trung học, Bội Bội (do Hoàng Nghiêu thủ vai), hàng ngày qua lại giữa Hồng Kông, nơi cô học, và Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi cô sống, và tình cờ gặp một người buôn lậu iPhone xuyên biên giới. Bộ phim chạm đến các vấn đề nóng bỏng — giao dịch hàng hóa song phương, sinh viên và hôn nhân xuyên biên giới — đã gây ra tranh cãi lớn ở Hồng Kông.

Trong các phỏng vấn, nhà báo nào cũng bật ra câu hỏi: tại sao một nhà làm phim sinh ở Bắc Kinh lại quan tâm đến một chủ đề đầy thách thức như vậy?

Câu trả lời nằm ở Thâm Quyến, thành phố Bạch Tuyết sống phần lớn thời thơ ấu và cô cảm thấy có mối liên hệ mật thiết. Trong khi cô bị cuốn hút vào hoàn cảnh chính trị và xã hội độc đáo làm phát sinh học sinh xuyên biên giới, Bạch Tuyết nói The Crossing không nhằm phê phán xã hội.

“Tôi không tìm cách phản ánh bất cứ điều gì về xã hội. Tôi thấy điều đó khá ngớ ngẩn. Đó không phải là điều mà một bộ phim nên làm. Các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến nhân vật, vì vậy không tránh khỏi người ta sẽ thảo luận những vấn đề ấy, nhưng đó không phải là điểm khởi đầu của tôi,” Bạch Tuyết nói.

Tôn Dương trong vai gã du côn đường phố A Hào

“Tôi muốn viết một bộ phim về con người. Bội Bội là một nhân vật hấp dẫn. Di chuyển giữa hai thành phố và hai bộ giá trị, cô là một cô gái có nhiều nghịch lý phức tạp. Thông qua tính cách của cô ấy, chúng ta có thể thấy sự thay đổi của thời đại cũng như những thay đổi ở hai thành phố này.”

Sức hút chính của bộ phim là sự phát triển không ngừng của các nhân vật. “Tôi gắn bó với từng người trong các nhân vật và tôi đã cho họ một bí mật, là điều khiến họ trở nên lôi cuốn như thế,” Bạch Tuyết nói, từ từ tiết lộ chúng khi cốt truyện mở ra.

Bạch Tuyết mất hai năm nghiên cứu chủ đề và viết kịch bản. “Chỉ khi bắt đầu đi sâu vào vấn đề, tôi mới nhận ra mình không biết nhiều như tôi nghĩ. Rất khó để xây dựng một thế giới từ đầu,” cô nói.

Là một phần trong nghiên cứu của mình, Bạch Tuyết đã nghiên cứu các bài báo học thuật và nói chuyện với vô số người, kể cả học sinh qua lại giữa hai thành phố, người bán điện thoại, thương nhân bán hàng hai bên (bán sản phẩm hợp pháp để phân phối ở các nước khác), và nhân viên hải quan và chống buôn lậu. “Đây là một quá trình chậm chạp, trong đó các chi tiết dần dần được thêm vào,” cô nói.

Giang Mỹ Nghi và Hoàng Nghiêu trong một cảnh phim

Lâu hơn nhiều so với quá trình viết kịch bản là hành trình trở thành một nhà làm phim của Bạch Tuyết.

Mặc dù tốt nghiệp khoa đạo diễn của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm 2007 — nơi cô gặp chồng và đồng sản xuất bộ phim, Hạ Bân — mười năm qua, cô chủ yếu là một bà nội trợ, nuôi dạy con trai của họ, hiện đã 6 tuổi.

“Tâm trạng của tôi rất thất thường. Đôi khi rất cao hứng và thôi thúc, đôi khi chìm xuống đáy và đắm mình trong tuyệt vọng. Những cảm xúc nhất quán duy nhất là lo lắng và bối rối, không biết phải làm gì. Thậm chí tôi đã đi xem bói,” Bạch Tuyết nhớ lại.

Cô cũng tìm thấy niềm an ủi trong cuốn tự truyện của Lý An, nhà làm phim Đài Loan đã viết về việc dành sáu năm làm người nội trợ và hầu như không đạt được bất cứ điều gì khi sinh nhật thứ 40 của ông gần kề. “Tôi đã luôn tìm kiếm. Tôi chưa bao giờ rời mắt khỏi các bộ phim hoặc ngừng tưởng tượng bộ phim của mình sẽ là gì,” Bạch Tuyết nói.

Thang Gia Văn và Hoàng Nghiêu trong một cảnh phim

Cuối cùng, với kịch bản hoàn chỉnh của mình, cô đã trở thành một trong năm nhà làm phim được chọn cho Chương trình hỗ trợ đạo diễn trẻ của Hiệp hội đạo diễn điện ảnh Trung Quốc năm 2016 và được tài trợ từ công ty sản xuất phim Wanda Media.

Nhà làm phim nghệ thuật Trung Quốc Điền Tráng Tráng — từng là một trong những cố vấn chương trình và là giảng viên của Bạch Tuyết tại học viện — đã tham gia dự án của cô với tư cách điều hành sản xuất. Ông theo cách tiếp cận không can dự, để cho Bạch Tuyết tự mình đi đến tất cả các quyết định, nhưng sự hiện diện của ông là một mỏ neo cho cô dựa vào và bớt căng thẳng.

Nhờ ảnh hưởng của ông, Bạch Tuyết đã chọn đúng diễn viên, một nhân tố quan trọng cho sự thành công của The Crossing. Cô đã cho Hoàng Nghiêu, mới tốt nghiệp Học viện Hí kịch Trung ương Bắc Kinh, và Tôn Dương, đóng vai nam chính, vai diễn đầu tay trên màn ảnh rộng và họ đem đến cho các nhân vật nhiều tầng lớp của Bạch Tuyết sức sống.

Đạo diễn Bạch Tuyết nói rằng The Crossing kể câu chuyện về thanh thiếu niên trên thế giới đều giống nhau: muốn kiếm tiền, rời khỏi nhà và tự lập

Mặc dù đã 24 tuổi nhưng Hoàng Nghiêu diễn thuyết phục Bội Bội 16 tuổi. Sinh ra ở Bắc Kinh và lớn lên ở Quảng Đông, cô biết thế nào là một kẻ bị ruồng bỏ, sống giữa hai thế giới. Thử thách lớn hơn là tự tin vào diễn xuất của mình, điều mà cuối cùng Hoàng Nghiêu đã vượt qua với lời khuyên của Điền Tráng Tráng.

“Ông ấy hỏi tôi muốn trở thành một ngôi sao hay một nữ diễn viên. Và vì câu trả lời là điều sau, [ông ấy nói rằng] tôi chỉ nên tập trung vào diễn xuất và buông bỏ phần còn lại. Với điều đó, tôi đã có thể buông bỏ mọi áp lực,” Hoàng Nghiêu nói.

Lịch sự và ăn nói nhỏ nhẹ, Tôn Dương không giống gì A Hào, gã du côn đường phố mà anh thể hiện trong phim. Chàng trai 28 tuổi, chuyển từ Hồng Kông sang Đài Loan để học nghệ thuật biểu diễn và đã dành phần lớn sự nghiệp diễn xuất ở nhà hát, dựa vào nghiên cứu cẩn thận để hiểu nhân vật của mình và xuất thân của anh ta.

“Phần khó nhất là tránh thể hiện một kẻ bất lương rập khuôn như thường thấy trong các phim tội phạm Trung Quốc,” Tôn Dương nói.

Đạo diễn Bạch Tuyết cùng hai diễn viên chính Hoàng Nghiêu và Tôn Dương

Mười năm là thời gian dài để nuôi dưỡng một dự án phim, nhưng Bạch Tuyết hiểu tại sao lại cần như vậy. “Không chỉ thời gian,” cô nói. “Là đạo diễn, những gì bạn thực sự truyền đạt là quan điểm của bạn về thế giới. Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đối với hầu hết mọi người, cần có thời gian và kinh nghiệm sống để thực sự tìm thấy những điều bạn muốn nói.”

Không bao giờ là người thích triết lý tích cực của những cuốn sách sống đẹp như Chicken Soup for the Soul, Bạch Tuyết bác bỏ quan niệm rằng sự kiên trì luôn được đền đáp. “Tôi không thích nói về giấc mơ và khát vọng. Rất nhiều điều được quyết định bởi số phận. Trong hầu hết các trường hợp, người ta kiên trì mà không bao giờ thấy bất kỳ kết quả nào,” cô nói.

Mặc dù bối cảnh câu chuyện có thể phức tạp, Bạch Tuyết tin rằng cốt lõi của The Crossing là câu chuyện tuổi mới lớn mà mọi người có thể liên hệ. Sự hoan nghênh mà bộ phim nhận được của giới phê bình và tại các liên hoan phim bao gồm Liên hoan phim Viễn Đông ở Ý, Liên hoan phim châu Á Osaka và Liên hoan phim quốc tế Toronto cho thấy cô đúng.

Đạo diễn Bạch Tuyết

“Các nhân vật và câu chuyện trong bộ phim chỉ là một phương tiện sáng tạo. Suy cho cùng, bộ phim nói về cảm xúc,” Bạch Tuyết nói. “Thanh thiếu niên khắp thế giới đều giống nhau. Họ muốn kiếm tiền, rời khỏi nhà và tự lập. Bộ phim có điều gì đó mà mọi người đều đã trải qua.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post