Tin tức

Nhìn lại điện ảnh Đài Loan 2010

21/02/2011

Năm vừa qua chứng kiến nền điện ảnh Đài Loan tiếp tục chạm đến những tầm cao mới khi các đạo diễn, từ trẻ đến kỳ cựu, đều cho ra đời những tác phẩm có chất lượng tinh tế và lối kể chuyện liên tục. Dù những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng do các thần tượng đại chúng đóng vai chính chiếm số nhiều trong nền điện ảnh năm 2010, nhưng có một sự đa dạng đáng kể được thể hiện qua cách lựa chọn chủ đề chính của các đạo diễn.

Năm 2010 khởi đầu với Monga của Nữu Thừa Trạch, một bộ phim băng đảng kể về thế giới ngầm qua lăng kính màu hồng. Tình bạn, lòng trung thành và sự mất mát tính ngây thơ đã chiếm quyền ưu tiên trước bạo lực trong câu chuyện về năm chàng trai trẻ. Với doanh thu phòng vé đạt 258 triệu Đài tệ (8,8 triệu đôla Mỹ), bộ phim là tác phẩm có doanh thu cao thứ ba ở Đài Loan trong năm, chỉ thua suýt soát Iron Man 2 (260 triệu Đài tệ) và Inception (288 triệu Đài tệ). Bất chấp lối kể chuyện không đồng đều, Monga vẫn thành công như một bom tấn của Đài Loan nhờ quảng bá hiệu quả, sự xuất hiện của các ngôi sao thần tượng và đề tài địa phương.

Monga

Mặt khác, Seven Days in Heaven (Bảy ngày ở thiên đường) lại là một thành công bất ngờ tại phòng vé với dàn diễn viên phần lớn là diễn viên sân khấu và không chuyên. Do đạo diễn truyền hình kỳ cựu Vương Dục Lân chỉ đạo, và tiểu thuyết gia Lưu Tử Khiết chấp bút, bộ phim hài buồn cười tập trung vào những nghi thức tang lễ truyền thống của Đài Loan, khám phá cái chết và cách chúng ta đương đầu với nó. Tác phẩm đi sâu vào truyền thống đã bước vào tốp năm phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất Đài Loan trong năm, với tổng thu nhập từ phòng vé đạt hơn 34 triệu Đài tệ, một thành công khó kiếm nhờ miệng lưỡi hơn là những chiêu thức quảng cáo nhất thời.

Cách xa vùng quê Chương Hóa bối cảnh của Seven Days in Heaven, Đài Bắc mang đến một tác phẩm lãng mạn ngọt ngào thông qua bộ phim đầu tay của đạo diễn người Mỹ gốc Đài Loan Trần Tuấn Lâm, Au Revoir Tapei (Tạm biệt Đài Bắc). Đây là bộ phim tình cảm lấy bối cảnh chủ yếu vào đêm cuối cùng của nhân vật chính trẻ tuổi ở Đài Bắc.

Trong Taipei Exchanges, cũng lấy bối cảnh Đài Bắc, đạo diễn phim quảng cáo trên truyền hình Tiêu Nhã Toàn gợi nên một câu chuyện cổ tích thành thị, ở đó ký ức và những mối quan hệ còn quan trọng hơn cả buôn bán thương mại, thông qua câu chuyện của một phụ nữ trẻ khởi nghiệp kinh doanh. Cả Seven Days in HeavenTaipei Exchanges đều may mắn có nhà quay phim lâu năm, chỉ đạo nghệ thuật phong phú và âm nhạc say mê, nhưng các đạo diễn nên chú ý hơn vào lối tường thuật nếu họ muốn kể lại những câu chuyện thực tế truyền tải những cảm xúc chân thật.

Hình thành từ ba phần ngắn, Juliets thể hiện trí tưởng tượng và tính sáng tạo đáng khâm phục so với các tác phẩm tình cảm giới trẻ của năm trước, phần lớn đều mờ nhạt và vô vị. Cả ba đạo diễn – gồm nhà làm phim triển vọng Hầu Quý Nhiên, đạo diễn phim tài liệu Trầm Khả Thượng và đạo diễn quảng cáo kỳ cựu Trần Ngọc Huân – mỗi người đều thực hiện các bộ phim mới đáng trông đợi.

The Fourth Portrait

Câu chuyện về những công nhân nước ngoài nhập cư Đài Loan rất hiếm khi được giới thiệu đến các khán giả chủ đạo. Nhưng trong bộ phim đầu tay của đạo diễn người Malasia Hà Úy Đình, Pinoy Sunday, các vai nam chính là những công nhân Philippines cố khuân một bộ trường kỷ cũ băng qua thành thị, ra khỏi Đài Bắc và trở về khu ký túc xá u ám của họ ở rìa thành phố. Bộ phim được thực hiện tốt đã khéo léo đưa ra tình trạng phân biệt và bất công mà các công nhân phải chịu bằng sự vô lý hài hước, giúp Hà Úy Đình trở thành tài năng mới của điện ảnh Đài Loan và là cái tên cần theo sát.

Trong bộ phim thứ hai được thực hiện một cách sắc sảo của mình là The Fourth Portrait (Bức chân dung thứ tư), đạo diễn mới Chung Mạnh Hoành đưa ra một cái nhìn sâu sắc về bạo hành trong gia đình thông qua câu chuyện của một cậu bé bị ám ảnh bởi thua thiệt. Đan kết màu sắc phong phú, kết cấu súc tích và ống kính liên tục vào một kỹ thuật quay phim đầy xúc cảm đem lại lối tường thuật mang cảm giác như mơ, một lần nữa Chung Mạnh Hoành đạt được một phong cách xuất chúng và gu thẩm mỹ độc nhất mà không một đồng sự nào của ông có thể sánh được.

Không để bị vượt qua, các đạo diễn kỳ cựu cũng trình làng những tác phẩm mới xứng đáng với thanh danh. Trong tác phẩm thứ năm, Tears (Nhãn lệ), Trịnh Văn Đường vẽ nên một bức họa trầm ngâm, đen tối về một nhân viên cảnh sát sống với một quá khứ đau đớn. Được xem như phần đầu tiên trong bộ ba phim đề cập đến công lý quá độ, bộ phim tập trung khéo léo vào các nhân vật và cẩn thận thể nghiệm cách mà những hành động của một cá nhân có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, dù đã được nhà nước tha thứ.

When Loves Come

Được biết đến qua việc tạo ra những thế giới điện ảnh gồm những con người từng trải, những tên cướp và những người mắc kẹt trong vòng tròn bạo lực khắc nghiệt, đạo diễn kỳ cựu Trương Tác Ký đã phá vỡ nhiều thói quen của mình với When Love Comes (Khi tình yêu đến), một câu chuyện thống thiết về con đường hòa giải và thông hiểu của một đại gia đình. Các nhân vật nữ chiếm vị trí trung tâm, và thuyết định mệnh mang thương hiệu của Trương Tác Ký chín muồi khi hướng đến kết cục của bi kịch trong phim và những người phụ nữ tập hợp lại cùng nhau, đem đến sức mạnh và niềm an ủi.

Về phim tài liệu, bộ phim đoạt giải Let the Wind Carry Me (Để gió đưa tôi đi) đem đến một bức chân dung cá nhân của nhà điện ảnh Lý Bình Tân trong vai trò một người con thân yêu và một nghệ sĩ tài năng. Do đạo diễn Đài Loan Khương Tú Quỳnh và đạo diễn Hồng Kông Quan Bổn Lương chỉ đạo, bộ phim có thể được xem là một ghi chép giá trị về những lời nói và sự hiểu biết của Lý Bình Tân, cũng như những vĩ nhân khác của điện ảnh Đài Loan như Hầu Hiếu Hiền. Trong khi đó, nhà làm phim 28 tuổi Tô Triết Hiền mang đến Hip-Hop Storm, một tác phẩm sinh động, vui vẻ về các vũ công đường phố.


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Taipei Times