Tin tức

Những thay đổi trong quản lý điện ảnh và truyền hình của Trung Quốc

24/04/2018

Một trong các chủ đề nóng nhất được bàn luận tại Filmart Hồng Kông vừa rồi là điều gì thực sự sẽ xảy ra với việc tái cấu trúc diện rộng về quản lý phim ảnh và truyền hình của Trung Quốc.

Một loạt thông báo được phát đi từ kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc gần đây (ngày 5–20/3), càng làm cho các bàn luận và suy đoán tăng lên.

Một cô gái Trung Quốc đứng trước các áp phích quảng cáo phim Trung Quốc và nước ngoài đang chiếu tại một rạp chiếu ở Thượng Hải

Nhưng trong những ngày cuối bức tranh đã trở nên rõ ràng hơn. Thông báo tuần trước đưa ra rằng Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh (SAPPRFT) sẽ giải thể và một cơ quan mới về Phát thanh và Truyền hình sẽ được thành lập trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Không thấy đề cập chuyện gì sẽ đến với ngành điện ảnh, cũng do SAPPRFT quản lý nhiều năm qua.

Sau đó ngày 20/3, có thông báo rằng Trung Quốc sẽ thành lập cơ quan mới cho phim ảnh, sách, tạp chí và báo chí trực thuộc ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thông báo này cho thấy phim ảnh nhận được đối xử đặc biệt bởi Trung Quốc xem lĩnh vực này có tác động lên tâm trí của người Trung Quốc hơn các loại hình khác như phát thanh và truyền hình. Thực tế, một thông cáo trên trang web của China Film nhắc đến “vai trò cực kỳ quan trọng của điện ảnh trong việc truyền bá tư tưởng và trong giải trí văn hóa.”

Thông cáo này cũng cho biết các trách nhiệm của bộ phận tuyên giáo bao gồm: “quản lý việc sản xuất, phân phối, phát hành và kiểm duyệt phim điện ảnh; hướng dẫn và điều phối các sự kiện điện ảnh tầm cỡ quốc gia và quy mô lớn; giám sát hợp tác quốc tế, xuất nhập phim; cũng như quản lý các chương trình trao đổi quốc tế liên quan đến điện ảnh.”

Giấy phép hay “long ấn” hiện đang đi kèm tất cả các suất chiếu phim do SAPPRFT cấp sẽ biến mất.

Cỗ máy tuyên truyền

Trong khi đó, đơn vị mới cho các hình thức truyền thông khác, Cơ quan quả lý Phát thanh và Truyền hình, cũng sẽ hoạt động chặt chẽ dưới sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện tại chưa thấy nhắc đến các nội dung dành riêng cho internet, nhưng có lẽ nó sẽ được quản lý bởi đơn vị điện ảnh mới hoặc đơn vị phát thanh và truyền hình.

Thông báo trên trang web của China Film vạch ra những nhiệm vụ của đơn vị quản lý phát thanh và truyền hình là: “triển khai những chủ trương tuyên truyền của Đảng, xây dựng chính sách quản lý phát thanh và truyền hình, giám sát việc thực hiện đánh giá, kiểm tra nội dung và chất lượng, cũng như phụ trách nhập khẩu, tuyển chọn và quản lý các chương trình phát thanh và truyền hình.”

Phim bộ truyền hình Trung Quốc In the Name of People

Đồng thời, Trung Quốc cũng phê duyệt việc thành lập một nhà đài mới, Voice of China, sẽ là hợp nhất từ việc sáp nhập các tổ chức nhà nước hiện tại bao gồm Đài truyền hình trung ương (CCTV), Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (China Global Television Network - CGTV) và Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio International - CRI).

Nhà đài mới sẽ là cỗ máy tuyên truyền khổng lồ hiệu quả, với hơn 70 văn phòng và hàng ngàn nhân viên khắp thế giới, được thiết kế để thúc đẩy ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc cả trong nước lẫn nước ngoài. Trong thông báo, chính phủ Trung Quốc cho biết Voice of China sẽ “dẫn dắt các vấn đề xã hội nóng, thúc đẩy hội nhập và phát triển đa phương tiện, tăng cường truyền thông quốc tế và kể những câu chuyện hay của Trung Quốc.”

Giới quan sát Trung Quốc đang loạn lên tìm ý nghĩa của những thay đổi này, tuy nhiên có lẽ đây là một phần trong việc thắt chặt cơ chế quản lý đặt truyền thông và giải trí dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ảnh hưởng đối với ngành điện ảnh

Tất cả những điều này thực tế có ý nghĩa ra sao đối với ngành điện ảnh thì còn phải chờ xem. Trước đó, quản lý điện ảnh, giải trí tại gia, truyền hình và nội dung số được chia sẻ giữa SAPPRFT, Bộ Văn hóa và một số cơ quan chức năng khác nữa. Trách nhiệm chồng chéo thỉnh thoảng dẫn tới sự nhầm lẫn và thường dẫn tới rất nhiều tự kiểm duyệt. Những thay đổi nói trên sẽ đem lại một hệ thống hiệu quả hơn, những cũng là một hệ thống với sự kiểm duyệt gắt gao hơn cả phim nội địa và nước ngoài.

Như The New York Times mô tả: “Về tác động, sự tách bạch mỏng manh trong việc Đảng Cộng sản chỉ đạo trực tiếp sản xuất phim và nhập khẩu phim nước ngoài đã được gỡ bỏ.”

Các nhà sản xuất trong nước cho biết trước mắt mối lo ngại chính của họ là những thay đổi này sẽ làm chậm lại quá trình kiểm duyệt phim, cho đến khi hệ thống mới vào guồng, làm trì hoãn lịch sản xuất vào một thời điểm vốn đã khó giữ lịch làm việc của những tài năng hàng đầu.

.Giới quan sát Trung Quốc đang suy đoán rằng chúng ta sẽ thấy nhiều phim mang thông điệp của Đảng hơn, như siêu bom tấn gần đây Chiến lang 2, thu được 860 triệu USD năm ngoái, và phim ra mắt dịp Tết Nguyên đán Operation Red Sea, vẫn đang chiếu với doanh thu tính đến nay là 560 triệu USD. Cũng đang chiếu là bộ phim tài liệu yêu nước, Amazing China, ca tụng thành tựu của Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm khoa học, công nghệ và cơ sở hạ tầng, đã thu về 60 triệu USD tới hiện tại.

Thông điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhất quán với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, được giới thiệu là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo Con đường Tơ lụa cũ, nhưng đã dấy nên nỗi sợ rằng Trung Quốc đang xây dựng ảnh hưởng chính trị và kinh tế khắp thế giới.

Cũng đang được đoán già đoán non là tất cả những thay đổi này sẽ ảnh hưởng ra sao tới đàm phán giữa Trung Quốc và Đại diện Thương mại Mỹ về việc đưa phim Hollywood vào thị trường Trung Quốc. Những thương lượng này cũng có thể trở nên phức tạp bởi quyết định gần đây của Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Lược dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily