Tin tức

Phim bộ Trung Quốc Song of Life tôn vinh nghề giúp người ta hoàn thành lần từ biệt cuối cùng

04/10/2022

Biên kịch từng đoạt giải thưởng Du Hiểu Dĩnh lại ghi được một thành công khác, đồng thời phá bỏ cấm kỵ xã hội, với phim bộ mới về cuộc sống hằng ngày của một người trẻ làm dịch vụ tang lễ.

Là chủ đề cấm kỵ đối với hầu hết người Trung Quốc, cái chết lại trở thành đề tài khiến Du Hiểu Dĩnh quan tâm, nhà biên kịch từng đoạt giải thưởng, được biết đến với bộ phim Love Education của đạo diễn Trương Ngãi Gia và Sister do nữ diễn viên Trương Tử Phong đóng chính.

Một cảnh trong Song of Life, phim bộ trực tuyến kể cuộc sống hàng ngày của những người làm dịch vụ mai táng, trong đó nữ diễn viên Chu Ỷ Nhiên vào vai nhân vật chính Triệu Tam Duyệt (thứ hai từ trái sang), thợ trang điểm trong nhà xác

Câu chuyện mới nhất của biên kịch Du, Song of Life, phim bộ trực tuyến dài 13 tập ra mắt trên nền tảng Bilibili ngày 21 tháng 9, kể về cuộc sống hằng ngày của một cô gái trẻ làm nghề trang điểm cho người chết và bạn bè cô, khám phá những thay đổi trong quan điểm của xã hội hiện đại về lìa bỏ cõi đời.

Ý tưởng bộ phim nảy sinh vào năm 2016, khi Du Hiểu Dĩnh xem tin tức về dân số già đi nhanh chóng của Trung Quốc, khiến cô chú ý nhiều hơn đến các vấn đề xã hội như phân bổ nguồn lực y tế và ngành công nghiệp tang lễ.

“Ngoài ra, cha của bạn thân tôi đã qua đời vào khoảng thời gian đó. Tôi đi cùng bạn giải quyết các công việc ở nhà xác, và tôi khá ấn tượng với công việc của những người chuyên nghiệp tại nhà tang lễ,” Du Hiểu Dĩnh kể lại.

Trải qua vài tháng ở nhà trong giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 vào năm 2020, Du Hiểu Dĩnh bắt đầu hình thành câu chuyện Song of Life, vì tình hình dịch bệnh làm tăng mức độ liên hệ sâu sắc về sự sống và cái chết mà bộ phim gợi lên.

Một cảnh trong phim cho thấy hai đồng nghiệp của Triệu Tam Duyệt, do nam diễn viên Dương Tân Minh và nữ diễn viên Ngạc Tĩnh Văn thủ vai

Trước khi gõ dòng đầu tiên trên máy tính, Du Hiểu Dĩnh đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu, từ làm việc trong thời gian ngắn tại hai nhà tang lễ ở tỉnh Tứ Xuyên và Hà Bắc, đến phỏng vấn một số chuyên gia kỳ cựu.

Với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và lối sống ngày càng đa dạng, ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc chuyển sang các hình thức mai táng thân thiện với môi trường, chẳng hạn rải tro ra biển hoặc trồng cây tưởng nhớ bằng đất trộn tro, theo biên kịch Du.

Tuy nhiên, sau khi đọc một số thảo luận trên internet về môi trường ma quái trong nhà xác và những hiện tượng được cho là bí ẩn xảy ra ở đó, Du Hiểu Dĩnh tiết lộ rằng cô từng cảm thấy hơi kinh sợ khi bước vào nhà tang lễ, nhưng cô đã nhanh chóng thay đổi suy nghĩ.

Với việc nhà tang lễ trồng nhiều loại cây xanh như vậy, nhà biên kịch nói đến đó giống như bước vào một công viên lớn. Đó là nhà tang lễ ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi bộ phim được quay trong khoảng thời gian 70 ngày vào năm ngoái.

Tình hình dịch bệnh làm tăng mức độ liên hệ sâu sắc về sự sống và cái chết mà bộ phim gợi lên

“Vào những ngày nắng, bạn tung tăng giữa những tán cây xanh tốt, khiến bạn cảm thấy tràn đầy sức sống. Sự yên tĩnh của môi trường có thể xoa dịu tâm trạng, khiến bạn cảm thấy thư thái. Khi rời khỏi nhà tang lễ, bạn sẽ lấy lại sức để trở lại cuộc sống bình thường,” Du Hiểu Dĩnh nói.

Là người gốc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, biên kịch Du đã chọn một nhà tang lễ địa phương làm điểm dừng chân đầu tiên của cô để trải nghiệm các chuyên gia nỗ lực đến thế nào để tôn vinh nguyện vọng của người chết và gia đình họ.

“Một đám tang thường kéo dài từ 10 đến 20 phút. Tuy nhiên, người thực hiện nghi lễ cần thời gian lâu hơn thế nhiều để định hình chân dung người đã khuất nhằm tổ chức nghi lễ tốt hơn. Họ thường trò chuyện với gia đình để hỏi về cuộc sống và sở thích của người đã khuất, đôi khi đọc những dòng viết lách, hoặc trưng bày những bức ảnh do người đã khuất chụp để tạo ấn tượng sâu sắc hơn,” cô giải thích.

Một cảnh trong đó nhân vật chính nói chuyện với giám đốc nhà tang lễ, do nam diễn viên Lưu Quân thủ vai

Bằng cách quan sát một số chuyên gia trẻ, Du Hiểu Dĩnh đã hình thành nhân vật chính Triệu Tam Duyệt, 20 tuổi theo học chuyên ngành thiết kế sân khấu nhưng không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau khi nằm trên giường cả ngày chỉ nghịch điện thoại thông minh suốt một năm, cô gái trẻ bị người mẹ giận dữ bảo phải ra khỏi nhà và “buộc” phải chấp nhận đề nghị làm thợ trang điểm cho nhà xác.

Tuy nhiên, công việc hóa ra lại thành công bất ngờ, và cô tìm thấy ý nghĩa mới trong cuộc sống sau khi chứng kiến ​​một loạt khoảnh khắc đau buồn, từ một đạo diễn phim tài liệu ung thư giai đoạn cuối mua quan tài hỏa táng cho chính mình, đến một cặp cha mẹ nuôi không cầm được nước mắt khóc thương sự ra đi của con gái họ.

Tự miêu tả bản thân là người từng khá sợ chết, Du Hiểu Dĩnh cho biết quá trình tạo ra câu chuyện — đã được chỉnh sửa bốn năm lần — giúp cô trân trọng “từng giây từng phút trong cuộc đời.”

Mặc dù làm công việc đòi hỏi lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn, các chuyên gia tổ chức tang lễ vẫn phải chịu đựng một số định kiến xã hội

“Trước đây tôi là một người nhút nhát. Tuy nhiên, bây giờ tôi đặc biệt sẵn sàng bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu của mình, nhất là trong khi chúng ta vẫn đang chiến đấu với đại dịch,” cô nói.

Tốt nghiệp Học viện Hí kịch Trung ương Bắc Kinh, biên kịch Du nhận thấy hầu hết người làm dịch vụ tang lễ nói năng tương đối chậm rãi. Cô nhận xét, “Vì điểm dừng cuối cùng của tất cả chúng ta là cái chết, tại sao không giảm tốc độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự yên bình của cuộc sống?”

Mặc dù làm công việc đòi hỏi lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn, các chuyên gia tổ chức tang lễ vẫn phải chịu đựng một số định kiến xã hội, được thể hiện qua nhiều cảnh từ một người che giấu nghề nghiệp của mình trong buổi hẹn hò, đến việc nhân vật chính nghe mọi người đồn thổi về công việc của họ ở nhà hàng.

Du Hiểu Dĩnh nói cô hy vọng bộ phim sẽ giúp rũ bỏ những quan niệm rập khuôn về người làm dịch vụ tang lễ và cho phép nhiều người xem đối mặt và xử lý chủ đề cái chết

Tìm hiểu hiện tượng xã hội này, biên kịch Du cho biết cô cũng nhận thấy nhiều nhân viên nhà tang lễ rất có ý thức và cố gắng tránh làm người khác khó chịu.

“Ví dụ, họ không bao giờ nói ‘hẹn gặp lại’ trong nhà tang lễ. Hầu hết các chuyên gia tổ chức tang lễ hầu như không bắt tay khách hàng. Nếu có con, họ hiếm khi ghi nghề nghiệp của mình vào hồ sơ của con ở nhà trường.

“Thay vào đó, các bậc cha mẹ thích viết mơ hồ, chẳng hạn làm việc tại cơ quan dân sự địa phương (vì các nhà tang lễ của Trung Quốc trực thuộc cơ quan này),” cô nói.

Hiện đã thu được hàng nghìn lượt xem trực tuyến, Du Hiểu Dĩnh nói cô hy vọng bộ phim sẽ giúp rũ bỏ những quan niệm rập khuôn về người làm dịch vụ tang lễ và cho phép nhiều người xem đối mặt và xử lý chủ đề cái chết.

“Chính nhờ có những người sẵn sàng làm việc trong nhà tang lễ, mà lần từ biệt cuối cùng có thể được tươm tất và đáng nhớ,” biên kịch Du nói

“Chính nhờ có những người sẵn sàng làm việc trong nhà tang lễ, mà lần từ biệt cuối cùng có thể được tươm tất và đáng nhớ,” biên kịch Du nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily