Tin tức

Phim Hàn Quốc thập niên 80: Vì sao quá nóng bỏng?

31/08/2012

Ngày 6/2/1982, phim tình cảm nóng bỏng huyền thoại Madame Ae Ma của đạo diễn Jung In Yeop công chiếu tại rạp Seoul ở Jongno, trung tâm Seoul.

Rạp hát chật ních đám đông khán giả hào hứng và điên cuồng tranh nhau mua vé, hậu quả là nhiều cửa sổ bị vỡ. Đây là phim Hàn Quốc đầu tiên được trình chiếu vào đêm khuya, sau khi lệnh giới nghiêm được hủy bỏ đúng một tháng trước đó. Bộ phim về tình dục trần trụi, được xem là một trong những tác phẩm điển hình của điện ảnh Hàn Quốc thập niên 80, thu hút 315.000 khán giả chỉ trong bốn tháng sau khi ra mắt. Phim là nguồn cảm hứng cho hơn 10 hậu truyện, trở thành loạt phim dài nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.

Madame Ae Ma là một trong những sản phẩm văn hóa về chế độ quân phiệt thời Chun Doo Hwan những năm 1980, và chính sách "3S" nổi tiếng - "Tình dục, thể thao và điện ảnh". Ba điều này hợp thành nguồn giải trí chính cho công chúng, để lái mối bận tâm của họ ra khỏi chính trị - sau khi Chun Doo Hwan tiến hành đảo chính quân sự thành công năm 1980 và đập tan các phong trào dân chủ khắp nước này.

Cảnh trong Madame Ae Ma

Trong tám năm chế độ độc tài của Chun Doo Hwan, những giải bóng chày và bóng đá chuyên nghiệp được thành lập lần đầu tiên tại Hàn Quốc. Năm 1981, Soul giành quyền đăng cai Olympics mùa hè 1988 và Asian Games 1986. Tivi màu được phân phối khắp đất nước, công nghiệp tình dục bùng nổ, và lệnh giới nghiêm ban đêm chính thức bị hủy bỏ. Dân chúng bắt đầu đến rạp chiếu phim và quán rượu vào ban đêm.

Một số di sản ấn tượng nhất của chế độ quân phiệt Chun Doo Hwan là số lượng khổng lồ những phim "nóng" sản xuất vào thời này. Hầu hết những phim được phát hành đều có cảnh gợi dục, với áp phích và tiêu đề trần trụi.

Các rạp chiếu phim căng biểu ngữ quảng cáo với nội dung khiêu khích: hình một phụ nữ hở hang và gợi dục. Tựa phim cũng trần trụi không kém.

"Đó đa phần theo phương pháp cây gậy và củ cà rốt," nhà quản lý điện ảnh Kim Sang Cheol thuộc Trung tâm Lưu trữ phim Hàn Quốc cho biết.

"Dù có xu hướng đàn áp chính trị vô cùng hà khắc, chế độ này vẫn cho rằng điều đó là cần thiết nhằm cung cấp một lối thoát dự phòng cho công chúng để họ bộc lộ khát vọng đang bị đàn áp của mình. Những lối thoát này có dạng chương trình thể thao phát sóng trực tiếp và phim ảnh gợi dục.

Kể cả nhà làm phim huyền thoại Im Kwon Taek cũng không thoát khỏi chương trình văn hóa của Chun Doo Hwan thập niên 80. Vị đạo diễn, với hơn 100 bộ phim mà ông đã thực hiện từ phim đầu tay năm 1962 Farewell to the Duman River, từng được chính phủ Chun Doo Hwan yêu cầu thực hiện một phim tài liệu chỉ đơn giản nhằm đánh bóng Olympics 1988 tại Seoul. Những tác phẩm của ông ra mắt trong thập niên 80 trong đó có phim lịch sử khiêu dâm Surrogate Woman, nữ diễn viên chính Kang Soo Yeon đóng nhiều cảnh nóng trong vai một phụ nữ đẻ thuê thuộc tầng lớp hạ lưu bị một gia đình quý tộc tàn nhẫn áp bức.

Theo ông Kim Sang Cheol, không phim nào được phép đi sâu vào vấn đề xã hội hay chỉ trích chính phủ bằng bất kỳ hình thức nào dưới thời Chun Doo Hwan. Đề tài duy nhất được các nhà kiểm duyệt thông qua, mỉa mai thay, lại là tình dục và khỏa thân.

"Các nhà làm phim và nhà sản xuất phim thực sự không có lựa chọn," Kim Song Cheol cho biết. "Họ muốn làm phim và phải kiếm sống. Kết quả là những bộ phim khiêu dâm trần trụi tràn lan gần như thống trị thời bấy giờ."

Đạo diễn Lee Jang Ho có nhiều cảm xúc lẫn lộn về những năm 1980. Đó là thời kỳ mà ông trải qua nhiều thành công phòng vé lớn nhất trong đời. Phim tình dục ly kỳ Between the Knees (1984) của ông, nói về một phụ nữ trẻ kìm nén dục tình khác thường và không kiểm soát được của mình, là phim có lượng khán giả đông thứ hai năm đó. Eoh Wu Dong (1985), phim tiểu sử nóng bỏng về một nữ họa sĩ kiêm nhà văn đầy tham vọng thời Joseon thế kỷ 15, đem về cho nữ diễn viên chính Lee Bo Hee giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Nghệ thuật Paeksang.

Áp phích phim Eoh Wu Dong (1985) của đạo diễn Lee Jang Ho, một phim nóng
bị ảnh hưởng bởi chính sách "3S" thời Chun Doo Hwan
[Nguồn: Korean Film Archive]

Nhưng Lee Jang Ho cũng nhớ lúc phải đem nộp bản thảo kịch bản cho chính phủ cả lúc đang trong giai đoạn tiền sản xuất. Ông nhớ "không có gì được chính phủ duyệt cả".

Trước phim hài Declaration of Idiot (1983), bộ phim mà ông không ưng ý lắm, ông đã cho ra mắt những bộ phim đào sâu vào sự thoái hóa của con người và điểm yếu của xã hội.

Trong số đó có phim tâm lý The People at Dark Streets (1981), bức chân dung qua điện ảnh của một phụ nữ trẻ bần cùng phải bán thân để mưu sinh. Ban đầu Lee Jang Ho muốn làm phần tiếp theo cho phim nhưng kịch bản liên tục bị các nhà kiểm duyệt của chính phủ bác bỏ.

"The People at Dark Streets là bom tấn phòng vé nhưng chính phủ cấm phát hành ra nước ngoài, đơn giản vì phim đề cập đến mặt tối của xã hội," ông nói với The Korea Herald.

"Tôi gần như bị đưa vào sổ đen. Sau khi bị bác kịch bản cho phần tiếp theo của phim, tôi viết cái kịch bản ngớ ngẩn này, cố tình đi ngược hoàn toàn với điều tôi nghĩ là lý tưởng. Kịch bản đó lại được kiểm duyệt thông qua, và trở thành Declaration of Idiot. Sau đó tôi thực hiện Between the Knees Eoh Wu Dong.

Mặc dù chỉ có vài lựa chọn ít ỏi, Lee Jang Ho vẫn tự nỗ lực để thêm chút giá trị cho những phim nóng này. Trong Between the Knees, ông gián tiếp chỉ trích công chúng Hàn Quốc thần tượng văn hóa Tây phương mà không biết đánh giá, bằng cách tạo nên một nhân vật nữ trẻ bị bối rối vì những thành viên trong gia đình trung lưu của cô cố trở thành bất cứ cái gì được xem là "kiểu Mỹ".

Phim lịch sử Eoh Wu Dong một lần nữa bị kiểm duyệt kể cả khi đã ra mắt chính thức, bởi trong một cảnh phim, nữ họa sĩ thời Joseon quyến rũ và trêu chọc vua một cách khêu gợi, bị cho là "quá đậm tính chính trị" và "ngầm chống lại" chế độ Chun Doo Hwan. Cảnh này bị yêu cầu cắt bỏ và phim được tái phát hành sau đó.

Bất chấp những nỗ lực của ông, Lee Jang Ho cho biết ông không tự hào về những tác phẩm mình làm dưới thời Chun Doo Hwan.

Một cảnh trong Between The Knees

"Tôi có nỗ lực trong Between the Knees, nhưng cuối cùng lại giống phim khiêu dâm nhiều hơn," ông nói với The Korea Herald. "Tôi không thấy tự hào vì tôi đã chịu khuất phục. Tôi cảm giác như lẽ ra mình nên cố gắng hơn và thực hiện những bộ phim mình thực sự muốn làm."

Song, nhiều người cho rằng một số phim gợi dục thập niên 80 như Eoh Wu DongMadame Ae Ma lần đầu tiên khám phá sự tự kiểm soát bản năng tình dục ở nữ giới trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, và do đó, rất ý nghĩa.

"Những phim nóng cố gắng tiếp cận sự giải phóng phụ nữ bằng cách đối mặt với bản năng tình dục ở nữ giới trong thập niên 80," học giả kiêm nhà phê bình điện ảnh Kang So Won viết trong luận văn của bà năm 2006 có tựa đề "Tình dục và Giới tính thể hiện qua phim nóng Hàn Quốc thập niên 80".

"Những phim như Madame Ae Ma Eoh Wu Dong giới thiệu những nhân vật nữ dám thách thức tư tưởng Nho giáo gia trưởng và xã hội mà đàn ông thống trị - như là chủ thể cho khát vọng của chính họ."

Trung tâm Lưu trữ phim Hàn Quốc tổ chức những buổi chiếu trực tuyến phim gợi dục của thập niên 80. Tổng cộng có 10 phim thời đó, gồm Between the Knees (1984) và Eoh Wu Dong (1985) của Lee Jang Ho; Madame Ae Ma (1982) của Jung In Yeop; Parrot Cries with its Body (1981) của Jeong Jin Woo; Mist Whispers Like Women (1982) của Jeong Ji Young.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi