Tin tức

Phim tài liệu Fukushima: Is There a Way Out?: Lời cảnh báo cuối cùng của thiên nhiên

15/04/2015

Đã bốn năm kể từ khi trận động đất và sóng thần làm một nhà máy điện hạt nhân rò rỉ phóng xạ ở Fukushima, đông bắc Nhật Bản.

Số người chết vì thảm họa này vượt con số 15.000 và hơn 2.000 người vẫn còn mất tích. Ngoài ra, hơn 220.000 cư dân sống gần nhà máy hạt nhân phải rời bỏ nhà của họ. Bốn năm sau, những người có nhà nằm trong bán kính 20km nhà máy vẫn bị cấm quay về.

Áp phích phim

Giữa những mối bận tâm của công chúng ngày một gia tăng về nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa, phim tài liệu Fukushima: Is There a Way Out? đã ra rạp Hàn Quốc ngày 9/4/2015.

Trong phim, đạo diễn Lee Hong Ki ghi chép chuyến đi của 17 cư dân Fukushima đến Chernobyl, nơi tai nạn hạt nhân thảm khốc xảy ra năm 1986, nhằm nâng cao nhận thức công chúng về sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn với Korea Times, đạo diễn phim tài liệu độc lập nguyên là nhà sản xuất truyền hình nhấn mạnh, “Thảm họa hạt nhân Fukushima là lời cảnh báo cuối cùng của Mẹ thiên nhiên khuyên chúng ta ngưng phát triển nhà máy điện hạt nhân.

“Tôi bắt đầu chú ý thảm họa Fukushima hai năm sau khi tai nạn xảy ra bởi vì sự chú ý của truyền thông về vấn đề này chỉ là qua loa. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để xem những cảnh thực tế,” Lee Hong Ki nói.

Đạo diễn Lee Hong Ki, trái, quay một cảnh phim trong chuyến thăm Chernobyl, Ukraine năm 2013, nơi thảm họa hạt nhân xảy ra vào tháng 4/1986. Ông cùng một nhóm người Nhật từ Fukushima, vùng diễn ra tấn thảm kịch năm 2011
Sau một năm tiền kỳ, đạo diễn 54 tuổi này phỏng vấn những người tị nạn vì thảm họa và dân thường. Dù có liên quan trực tiếp đến thảm họa này hay không thì nhiều người trong số họ vẫn xoay xở với cuộc sống thường ngày, vẫn e sợ phóng xạ.

Ông cũng gặp một nhóm điều tra, gồm 17 người từ Fukushima dự định đến Chernobyl để cân nhắc tương lai tại quê nhà.

Mặc dù 27 năm trôi qua kể từ tai nạn Chernobyl, nhóm điều tra và Lee Hong Ki gặp gỡ những nạn nhân nhiễm độc phóng xạ và tìm thấy một nơi mà phơi nhiễm phóng xạ cao hơn 300 lần so với mức tối đa cho phép ở một trong những khu vực tháo nước còn lại của nhà máy điện hạt nhân.

"Trong khi thăm nơi này, tôi nhận ra rằng năng lượng hạt nhân là một thứ phải hủy bỏ. Tôi có thể tự tin nói rằng có thể sẽ không có tương lai trong một vùng có nơi xảy ra tai nạn hạt nhân."

“Là một đạo diễn giàu kinh nghiệm, tôi đã thấy nhiều cảnh thảm khốc như người chết, nhưng đến thăm Chernobyl mang đến cho tôi một cấp độ sợ hãi khác,” Lee Hong Ki nói.

Cảnh đo độ phóng xạ trong phim

Sau khi đóng máy, Lee Hong Ki nói rằng ông chịu dày vò tinh thần một năm trời, ngăn ông sống một cuộc sống bình thường.

“Khi ngồi yên, tôi bị tác động bởi những cảm xúc hỗn độn bao gồm sự lo âu, căng thẳng và suy sụp. Giờ đây tôi cảm thấy ổn, vì tôi đã trải qua điều trị,” ông nói.

Vị đạo diễn này cho biết thêm ông nhận ra rằng đã đến lúc nghiên cứu làm thế nào hạn chế sử dụng năng lượng hạt nhân. Ông nói, “Sử dụng năng lượng hạt nhân giống hệt như sống trong một căn hộ mà không có nhà vệ sinh.”

“Mặc dù chúng ta biết làm thế nào sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện, chúng ta không biết làm thế nào tiêu hủy chất thải hạt nhân,” ông nói.

Cuối buổi phỏng vấn, Lee Hong Ki nói ông hiện đang thực hiện phần tiếp theo của Fukushima: Is There a Way Out?

Đạo diễn Lee Hong Ki

“Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng lớn nhất của Hàn Quốc. Và nước này lên kế hoạch thêm 11 nhà máy điện hạt nhân cuối năm 2014, nâng tổng số lên 34. Nếu kế hoạch thành công, Hàn Quốc sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về mật độ dày đặc nhà máy điện hạt nhân.”

“Là một người đã đến Fukushima và Chernobyl, tôi muốn nói chuyện này có thể gây nên một thảm họa trong tương lai,” Lee Hong Ki nói.

“Nhân dân Hàn Quốc nên biết rằng chúng ta không phải là một ngoại lệ của sự cố hạt nhân, và đây là lý do tại sao tôi lên kế hoạch viết một câu chuyện về nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc cho phim tiếp theo của tôi.”

“Là một đạo diễn, tôi sẽ cố gắng chuyển tải những vấn đề liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc, gạt bỏ ý kiến cá nhân tối đa trong khả năng,” Lee Hong Ki cho biết.

Phim dài 70 phút này khởi chiếu lần đầu ở Nhật Bản năm 2014.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times