Seizo Fukumoto, 71 tuổi, đã đóng khoảng 50.000 cảnh chết, giờ đây lần đầu tiên trở
thành diễn viên chính trong một bộ phim về đề tài võ sĩ đạo
nhận được một giải thưởng quốc tế.
Sự nghiệp của ông bắt đầu với những vai nô bộc và người ở tầng lớp dưới
trong hàng trăm bộ phim về võ sĩ đạo của Nhật, luôn luôn vào vai những
kirareyaku
– kiếm sĩ có nhiệm vụ phải chết đẹp trong phim. Giờ đây, khi đã ở tuổi
71 và sau chuỗi 50.000 cảnh chết trên phim, Seizo Fukumoto đã giành được
giải thưởng cho vai chính đầu tiên của sự nghiệp trong một bộ phim bán
tiểu sử.
Seizo Fukumoto, người phía trước, với cú ngã chết đã thành thương hiệu trong bộ phim Uzumasa Limelight – bộ phim đã mang về cho ông giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Fantasia
|
Nam diễn viên kỳ cựu này vào vai một diễn viên đóng thế samurai đã ở tuổi xế bóng trong bộ phim
Uzusama Limelight, một vai diễn gợi nhắc rất nhiều đến chính sự nghiệp diễn xuất của ông, một trong những
kirareyaru nổi
tiếng nhất Nhật Bản. Vai diễn đã mang về cho Fukumoto giải thưởng nam
diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Fantasia tổ chức tại
Montreal, còn bản thân bộ phim đoạt giải phim xuất sắc của Cheval Noir.
“Tôi
vẫn không thể tin điều này là thực,” Fukumoto trả lời báo giới sau khi
nhận giải. “Tôi không có cảm giác đó là mình. Tôi vẫn có cảm giác như
mình đang bị lừa gạt.”
Một phát ngôn viên tại Toei Studios Kyoto, nơi mà phần lớn bộ phim được ghi hình, nói với tờ
Wall Street Journal rằng nam diễn viên đã cho là mình không xứng đáng và cân nhắc việc từ chối giải thưởng.
Fukumoto đã vào vai
kirareyaru trong các phim
samurai trên
truyền hình cũng như màn ảnh rộng suốt từ những năm của thập niên 60.
Ông bắt đầu diễn xuất ở tuổi 15 tại Kyoto – một nơi có thể coi như
Hollywood của Nhật Bản, và giờ đây được coi như một trong những người đi
tiên phong cho loại vai diễn này. Dấu ấn diễn xuất của ông được nhớ tới
là “ebi-zori” hay “cú bật tôm”, động tác yêu cầu uốn cong lưng, vặn
xoắn và co giật trong khi diễn cảnh chết. Fukumoto nói ông đã phát minh
ra tư thế này để “ăn gian” cho mình thêm thời gian xuất hiện trên màn
ảnh, bởi gương mặt nhăn nhó của
kirareyaku sẽ luôn quay về phía ống kính trước khi ngã xuống.
Seizo Fukumoto (trái) diễn xuất cùng Tom Cruise trong phim The Last Samurai [Nguồn: Warner Bros]
Vào năm 2012, chuyên gia dàn dựng các cảnh chiến đấu người Nhật
Mitsuhiko Seike đã giải thích tại sao Fukumoto đã vươn lên tới đỉnh cao
trong lĩnh vực của mình trong một bài phỏng vấn với Đài phát thanh quốc
gia Hoa Kỳ (NPR). “Với vai trò là chuyên viên dàn dựng các cảnh chiến
đấu, tôi luôn lựa chọn Fukumoto diễn trong những cảnh quan trọng. Không
chỉ bởi kỹ thuật mà còn bởi kỹ năng truyền tải cảm xúc của anh ấy. Anh
ấy luôn mang đến những giá trị mới cho phần dàn dựng của tôi.”
Fukumoto nói ông được truyền cảm hứng để trở thành
kirareyaku sau
khi xem những cảnh té ngã của Charlie Chaplin trong các bộ phim câm đen
trắng thời kỳ đầu. Ông nhanh chóng phát minh ra hàng tá những cách để
chết, đôi khi là gào thét với máu vọt ra từ miệng vết thương, đôi khi là
khuỵ xuống và lịm dần trong im lặng.
“Mỗi khi chúng tôi chết,
chúng tôi phải làm điều ấy, hoặc thật khó coi, hoặc thật kỳ quặc, chứ
không phải thanh nhã,” Fukumoto nói với NPR. “Trong khoảnh khắc ấy,
chúng tôi tìm thấy vẻ đẹp. Chết theo một cách khó coi nhất lại là chết
một cách tuyệt vời nhất.”
Seizo Fukumoto đã nhận được sự quan tâm của khán giả Âu – Mỹ sau diễn xuất cùng Tom Cruise trong bộ phim
The Last Samurai
năm 2003. Trong phim này, nam diễn viên khắc hoạ chân dung nhân vật
Silent Samurai/Võ sĩ câm lặng. Ông cũng vào vai nhân viên cảnh sát hay
dân xã hội đen trong những bộ phim hiện đại hơn. Fukumoto được cho là đã
chết trên màn ảnh khoảng 50.000 lần, nhưng bản thân ông thì nghĩ rằng
con số thực sự không lớn đến như vậy.
Trong bộ phim
Uzusama Limelight, nam diễn viên vào vai một
kirareyaku già
che chở một cô gái trẻ trong trắng trong vòng tay mình. “Tôi liên tục
từ chối đề nghị ngay từ ban đầu, nói với họ tôi không thể diễn được vai
đó. Một ý tưởng điên khùng,” Fukumoto nói về vai diễn của mình trong bài
phỏng vấn với tờ
Wall Street vào đầu năm nay. “Tôi vẫn còn lo
ngại khi bộ phim bắt đầu bấm máy. Tôi chưa bao giờ được chừng ấy camera
tập trung ghi hình chỉ mình mình.”
Fukumoto cũng đồng thời đoạt giải đặc biệt của Viện Điện ảnh Nhật Bản năm 2014.
Dịch: © Anh Phan @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi