Tin tức

Tần thì minh nguyệt và trào lưu bình luận trực tiếp khi xem phim

03/09/2014

Sau rất nhiều lần đình hoãn, cuối cùng bộ phim hoạt hình The Legend of Qin / Tần thì minh nguyệt (nghĩa: Thời Tần trăng sáng) cũng đã ra rạp. Thu hoạch 12,7 triệu tệ (2 triệu đôla) ngay ngày đầu, Tần thì minh nguyệt đã soán ngôi của Bạch phát ma nữ / The White Haired Witch of Lunar Kingdom and The Continent.

Bản chuyển thể điện ảnh mới nhất của loạt phim hoạt hình truyền hình cùng tên 7 năm tuổi, bộ phim đã có sẵn một lượng lớn ‘fan’ trung thành ở Trung Quốc.

Áp phích phim

Đạo diễn Thẩm Lạc Bình, từng đoạt giải đạo diễn phim hoạt hình xuất sắc năm 2012 của Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, không buồn giấu diếm tham vọng đưa loạt phim này vượt ra khỏi màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng và tiến vào địa hạt video game cũng như phim truyền hình do người thật đóng.

"Phong cách của phim hoạt hình điện ảnh và truyền hình, và thậm chí cả video game và phim truyền hình người thật đóng, sẽ khác nhau và nhắm đến khán giả khác nhau. Trong vòng năm năm tới, chúng tôi lên kế hoạch phát hành bộ ba phim điện ảnh và độc lập với các phiên bản chuyển thể khác," anh nói với Global Times.

Huyền thoại lại bắt đầu

Không cần có xem loạt phim truyền hình mới hiểu được cốt truyện phim. Một thế lực ác độc tìm cách sử dụng người khổng lồ cổ khởi động chiến tranh, nhưng muốn vậy trước hết phải tìm được linh hồn con rồng ẩn giấu trong một sinh vật huyền thoại gọi là tì hưu. Trong lúc đó, cậu trai trẻ Thiên Minh và người bạn Thiếu Vũ cùng kiếm khách Cái Nhiếp tìm cách ngăn chặn chiến tranh bằng cách gửi tì hưu và bạn đồng hành Cao Nguyệt, cô gái nhỏ biết được bí mật về linh hồn rồng, đến thành phố cổ bí ẩn Lâu Lan.

Một cảnh hành động trong phim

So với tinh thần bám sát lịch sử của loạt phim truyền hình – bao gồm sự xuất hiện và suy tàn của đế chế Trung Hoa đầu tiên, nhà Tần (221-206 trước Công nguyên), phim điện ảnh là một thế giới kỳ ảo chứa đựng nhiều yếu tố từ các huyền thoại cổ của Trung Quốc. Không dành thời gian đào sâu vào mối quan hệ phức tạp giữa các trường phái triết học và các nước chư hầu của giai đoạn lịch sử này, cốt truyện phim tập trung vào nhân vật Thiên Minh và lấy bối cảnh xảy ra trước loạt phim truyền hình.

Âm nhạc được nhấn mạnh rõ rệt nhờ nhà soạn nhạc người Nhật Kaoru Wada và nhà soạn nhạc Trung Quốc Roc Chen. Từng làm nhạc cho rất nhiều phim hoạt hình Nhật Bản, chẳng hạn như phim truyền hình và điện ảnh Inuyasha, Wada là cái tên lớn trong lòng người hâm mộ Trung Quốc và nổi tiếng với những âm giai thần kỳ mang yếu tố mỹ học phương Đông. Chen, từng làm nhạc cho loạt phim tài liệu A Bite of China, cũng có cảm nhận xuất sắc trong việc sáng tác những giai điệu mang âm hưởng Trung Hoa truyền thống.

Những điểm nổi bật khác là cảnh hành động và tạo hình vi tính 3D. Biểu cảm nét mặt gần như thật với rất nhiều chi tiết và nhân vật, trong khi các cảnh võ thuật hành động trong phim bay bổng mượt cùng nhạc nền rất đáng thưởng thức. Trong khi nhiều phim võ thuật hành động người thật đóng đánh đấm theo kiểu siêu năng lực do hiệu ứng đặc biệt, The Legend of Qin tập trung vào kiếm thuật và cảm giác rất thực của những cuộc đấu tay đôi.

Linh hồn con rồng

Phim cũng đầy ắp yếu tố hài hước, dù lời thoại không hẳn phù hợp với thời kỳ lịch sử đó. Thực ra, không chỉ ở cách nói năng của các nhân vật, thành Lâu Lan trông như một sự pha trộn các thành quách Hy Lạp và Ai Cập còn cư dân ăn mặc đủ loại sắc tộc. Tuy nhiên, một số những yếu tố không đúng quy chuẩn này có khi là cố tình, vì chúng cho khán giả có chuyện để ‘chat’ trong khi phim đang chiếu trên màn ảnh.

Một trải nghiệm tương tác

Mặc dù việc nói hay sử dụng điện thoại di động trong rạp khiến người ta cau mày, để bắt nhịp với một thời đại mà người ta đã quen sống trên các mạng xã hội khi xem những chương trình họ yêu thích, The Legend of Qin đã đưa việc hiển thị bình luận trực tiếp (live commenting) thường thấy trên các trang mạng xem phim vào rạp chiếu.

Được gọi là "danmu", một thuật ngữ quân sự trong tiếng Nhật nghĩa là dùng pháo bắn chặn mục tiêu, kiểu bình luận trực tiếp này bắt đầu xuất hiện trên nicovideo.jp năm 2007. Cơ bản là, người xem gửi bình luận khi đang xem phim hiện lên trên trang web cuộn trang màn hình và được đồng bộ hóa với một thời điểm cụ thể. Khi người khác xem cùng một phim đó, họ có thể thấy các ‘comment’ người khác đã đưa lên khi phim đang chiếu và bổ sung ‘comment’ của họ nếu thích. Chỉ sau một năm bổ sung tính năng này, nicovideo.jp đã thu thập được 1 tỉ những ‘comment’ kiểu này.

'Danmu’ được giới thiệu vào Trung Quốc qua các trang web chia sẻ trực tuyến là acfun.com và bilibili.tv cuối năm đó. Bắt đầu từ 2012, một số trang xem phim trực tuyến chính thống như tudou.com cũng bổ sung tính năng ‘chat’ tương tác này vào và từ đó ‘danmu’ lan tràn khắp các thể loại chứ không chỉ hoạt hình. Ví dụ, phát sóng trực tiếp Cúp Thế giới FIFA vừa qua cũng kèm hiển thị bình luận trực tiếp.

Hàng loạt 'comment' cuộn trang màn hình xem phim trực tuyến

"Chúng tôi nhận thấy số lượng bình luận trực tiếp tăng nhanh từ tháng 3. Chúng tôi nhận được từ 10-150 ngàn bình luận trực tiếp mỗi ngày," Dương Vỹ Đông, CEO của tudou.com, nói

The Legend of Qin hiện áp dụng bình luận trực tiếp vào 100 phòng chiếu tại các rạp khắp Trung Quốc. Khi phim đang chiếu khán giả có thể sử dụng điện thoại thông minh gửi tin nhắn đến một số điện thoại chính thức. Sau đó những tin nhắn này được chiếu lên tường dọc hai bên màn hình, bên phải trước và dần dần đẩy sang bên trái, rồi biến mất.

"Hầu hết các bình luận trực tiếp là những lời đùa cợt vô cùng phù hợp với nhu cầu tự thể hiện của thế hệ từ 9x trở về đây. Họ thích khẳng định quan điểm theo kiểu hài hước," đạo diễn Thẩm Lạc Bình nói.

Khi được hỏi liệu có quan ngại nào về việc bình luận trực tiếp tác động đến trải nghiệm xem phim không, đạo diễn Thẩm nói với Global Times, "Trước mắt không thể nào đưa việc này vào mọi phòng chiếu. Thế nên trừ phiên bản đặc biệt cho bình luận trực tiếp, hầu hết các rạp vẫn chiếu phiên bản thông thường. Những ai muốn chọn xem bản cho phép bình luận trực tiếp là những người có khuynh hướng chấp nhận văn hóa ‘danmu’."

Bình luận trực tiếp hiển thị trên tường cạnh màn hình trong một suất chiếu Tần thì minh nguyệt cho phép 'danmu'

Thẩm Lạc Bình nói anh nghĩ rằng ‘danmu’ là hình thức giải trí mang tính xã hội, "Trong phòng chiếu cho ‘danmu’, người ta không chỉ thưởng thức phim, mà còn giao tiếp với người khác. Giống hệt như xem đá bóng. Chúng ta có thể ở nhà xem một mình, hoặc đi quán xem để thưởng thức một bầu không khí khác."

Bầu không khí này hẳn sẽ tạo khác biệt trong việc xem phim. Ở rạp hát mà tác giả bài viết này đi xem, một thanh niên cứ mời WeChat với một cô gái trẻ ngồi cùng hàng với tác giả. Cô đáp để sau buổi xem phim, và khi đèn khán phòng bật sáng, tác giả thấy anh chàng kia rời ghế đi xuống chỗ cô gái. Cả hai cùng rời khỏi rạp.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi