Tin tức

Sự bùng nổ phòng vé đã thúc đẩy công nghệ 3-D của điện ảnh Trung Quốc

04/03/2011

Ở giữa tâm điểm của quá trình phục cổ, khi giới trí thức Trung Quốc xúm xít quay trở về với văn học cồ đại, tác phẩm dân gian kinh điển Tây du ký (Journey to the West) đã được xuất bản bằng tiếng bản địa trên đường phố và các gian hàng ở chợ tại đất nước này.

Thời đó là thế kỷ 16 và tác giả cuốn tiểu thuyết này đã gặp khó khăn trong việc viết ra nó – như lời một học giả hiện đại - “bằng thổ ngữ” tới mức ông đã chọn ẩn danh. Vài trăm năm sau kể từ ngày đó, kiệt tác Trung Hoa này đã được chuyển thể lên sân khấu, truyền hình và màn ảnh rộng, bao gồm cả một bộ phim mới cực kỳ tốn kém và quy mô sẽ được phát hành vào năm 2012. Bộ phim sẽ xuất hiện với ngôn ngữ đương thời của loài người: 3-D.

Điện ảnh Trung Quốc đang trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ. Năm ngoái, doanh thu phòng vé của Trung Quốc tăng mạnh 64% đạt mức cao kỷ lục 1,5 triệu USD. Nguồn gốc của sự nhảy vọt này là bộ phim khoa học viễn tưởng hoành tráng của đạo diễn James Cameron Avatar, bộ phim đã thu về hơn 250 triệu USD tại Trung Quốc, tương đương với gần 10% doanh thu toàn cầu của nó – một kỷ lục đối với quốc gia này. Thành công to lớn của tác phẩm nhập từ nước ngoài này đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang bùng nổ. Trung Quốc đã phát hành 526 bộ phim năm ngoái – tăng 15% so với năm 2009 – đưa đất nước này trở thành nước sản xuất phim lớn thứ ba trên thế giới sau Bollywood và Hollywood. Trình độ các bộ phim bom tấn Trung Quốc cũng tăng vọt; trong tháng 1 này với lợi nhuận 100 triệu USD, Nhượng tử đạn phi (Let the Bullets Fly) cũng trở thành bộ phim nội địa có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử đất nước.

Khán giả tại Thái Nguyên, Trung Quốc, xem Avatar vào 7/1/2009 [Ảnh: ChinaFotoPress/ Getty Images]

Các yếu tố gắn kết với nhau đến mức sự phát triển của thị trường điện ảnh 3-D đang song hành với sự bùng nổ phòng vé. Đó là một sự kết hợp đầy thuận lợi: khi các cụm rạp đang phát triển với việc mở rộng cơ sở hạ tầng một cách chóng mặt, công nghệ điện ảnh tân tiến và nguồn tài chính của các nhà đầu tư đang được đổ vào. Chỉ tốn ít hơn 60.000 USD để xây dựng một hệ thống trình chiếu phim 3-D như kiểu Trung Quốc đang làm. “Chỉ cần chiếu một Avatar và bạn có thể thu hồi khoản tiền đó lại.” – nhà sản xuất và phân phối phim Hồng Kông Thi Nam Sinh cho biết. Tại những nơi với truyền thống điện ảnh lâu đời hơn, tân trang những rạp chiếu phim cũ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn. Theo báo cáo của cục điện ảnh Trung Quốc trong tháng 1, đất nước này đã xây dựng 313 rạp chiếu phim và 1.533 phòng chiếu năm 2010 với tổng số hơn 6.200 phòng chiếu. Khoảng 80% trong số đó là kỹ thuật số và cho tới hiện tại 1.100 đã có khả năng chiếu phim 3-D, một con số chỉ xếp thứ hai sau khoảng 6.000 phòng chiếu 3-D tại Mỹ. Tất nhiên, giá vé phim 3-D tăng vọt cũng giúp mở rộng việc kinh doanh. Nhưng việc kinh doanh mở rộng– hoặc đúng hơn là sự dồi dào các rạp chiếu phim được xây để phục vụ điều đó – cũng giúp kích thích sự phát triển của phim 3-D.

Đây là một thời khắc văn hóa – và một cơ hội thương mại – không được bỏ phí. Như giám đốc điều hành của công ty sản xuất phim hàng đầu Trung Quốc Tập đoàn điện ảnh Bác Nạp (Bona) phàn nàn tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải vào tháng 6: “Trung Quốc đã xây dựng một làn đường siêu cao tốc cho phim 3-D, nhưng cho tới gần đây cũng chỉ để ngỏ các làn đường cho những hãng phim Hollywood.” Một trong những buổi hội thảo được tham dự đông đảo nhất trong sự kiện đó đã xem xét về việc các nhà sản xuất phim địa phương có thể phản ứng thế nào với thành tích vượt trội của Avatar. Không lâu trước đây, khán giả Trung Quốc phải được chỉ dẫn cách đeo kính 3-D. Giờ đây các nhà sản xuất phim đang cạnh tranh để đem lại các bộ phim 3-D cho một dân tộc đang tận hưởng sự hiện đại của chính mình.

The Monkey King , một trong những bộ phim 3-D mới nhất của Trung Quốc

Nhưng Avatar của Trung Quốc, nếu như có chuyện một bộ phim nội địa cố gắng đạt được thành công tương xứng với bộ phim trên, sẽ không giống như tác phẩm của Cameron. Như bà Thi cho biết: “Chúng tôi không làm phim khoa học viễn tưởng.” Mặc dù mang vẻ bề ngoài tân tiến nhất, các bộ phim Trung Quốc vẫn nặng tính lịch sử. Bộ phim 3-D trị giá 50 triệu USD The Monkey King (Đại náo thiên cung) của đạo diễn Hồng Kông Trịnh Bảo Thụy và có sự góp mặt của Châu Nhuận Phát – hiện đang quay trong thời tiết lạnh giá của Bắc Kinh - dựa trên một chương của câu chuyện viễn tưởng Tây Du Ký. Câu chuyện kể về một cao tăng Phật giáo Trung Quốc được cử đi, cùng với một chú linh hầu và những đồ đệ khác, tới Ấn Độ để tìm kiếm chân kinh. Với một nỗ lực khác, Thi Nam Sinh cùng chồng bà đạo diễn Từ Khắc hiện đang quay Long Môn Phi Giáp (Flying Swords of Dragon Gate), một bộ phim 3-D với vai chính thuộc về Lý Liên Kiệt – tác phẩm làm lại của một phim điện ảnh võ thuật lấy bối cảnh thời Minh. Một bộ phim hoạt hình 3-D mới phát hành vào tháng 7 sẽ đưa một chú thỏ đi đôi giày Thái cực đấu với – còn gì khác hơn là với chú gấu trúc biết võ Kungfu panda.

Tuy nhiên, bất chấp sức mạnh dân tộc của Trung Quốc, những thương vụ ngân sách lớn này vẫn dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài. Các nhà sản xuất nội địa vẫn chưa sẵn sàng để làm việc độc lập và theo ước tính của chuyên gia điện ảnh Ân Hồng từ Đại học Thanh Hoa, sẽ không đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ trong mười năm nữa. “Thời đại 3-D đã tới,” ông nói. “Trung Quốc chưa sẵn sàng nhưng chúng tôi phải đương đầu.” Đại náo thiên cung đã nhập toàn bộ lực lượng kỹ thuật từ Hollywood: để làm các hiệu ứng 3-D và IMAX, bộ phim này sẽ thuê đội ngũ sản xuất của Avatar, và để thực hiện các hiệu ứng đặc biệt, họ sẽ mời chính hãng Weta nơi đã đem lại sinh khí cho bộ phim ba phần Chúa tể của những chiếc nhẫn

Các nhà làm phim nội địa đang hy vọng sẽ học được từ sự trợ giúp thuê mượn này và đưa vào trong bộ phim của họ chất lượng ba chiều và mang tính Avatar rất thích hợp với các tác phẩm cổ trang hoành tráng của Trung Quốc. Hiện tại là một thời điểm quan trọng như mọi khi: vào giữa tháng 3, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường phim của mình cho các bộ phim nước ngoài và một làn sóng cạnh tranh mới. “Đó không phải là vấn đề tiền bạc,” bà Thi nói về sự chậm trẽ của nền điện ảnh của đất nước này: “Đó là về một nền tảng tri thức không thể xây dựng chỉ trong một đêm. Ở Mỹ vai trò của phim hoàn toàn khác ở đây.” Nói cách khác, giờ đây khi Trung Quốc đã sử dụng ngôn ngữ 3-D, họ có khá nhiều thứ cần phải học hỏi.


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time