Năm 2010, điện ảnh Hàn Quốc chứng kiến vô số thay đổi quan trọng, phần nhiều trong số đó có liên hệ trực tiếp với bom tấn toàn cầu Avatar.
Doanh thu phòng vé tăng 6,5% so với năm ngoái, nhờ giá vé phim 3D tăng, thể loại phim ngày càng được yêu thích sau Avatar.
Tuy nhiên, số lượng khán giả lại giảm 5,2%, chỉ đạt 146 triệu người. Số
lượng khán giả trung bình tới rạp cũng giảm từ 3,15 năm 2009 xuống 2,92
năm 2010.
Kể từ năm 2007, điện ảnh Hàn Quốc phải cố gắng chống
chọi với sự suy giảm của những thị trường phụ thuộc. Năm 2010, Hàn Quốc
đạt bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này khi sử dụng cơ sở hạ tầng
công nghệ thông tin vững chắc để tung ra nhiều dịch vụ mới như dịch vụ
download hợp pháp trên mạng và truyền hình giao thức Internet.
Năm 2010, bảy phim Hàn Quốc lọt vào top 10 phim có doanh thu cao nhất
tại thị trường này, và thị phần phim Hàn tăng lên 46,5%, giúp tỷ suất
lợi nhuận của ngành tiếp tục duy trì tương đối ổn định.
CJ
Entertainment thống trị hệ thống phân phối phim suốt tám năm qua và 2010
không phải là ngoại lệ. CJ Entertainment phân phối 44 phim năm 2010 và
chiếm 27,8% thị phần. 20th Century Fox Hàn Quốc (hãng phân phối Avatar) xếp thứ hai với 10,9%, tiếp theo là Lotte Entertainment, với 10,6% thị phần nhờ các phim thành công như 71-Into the Fire.
Quán quân phòng vé 2010 tại Hàn Quốc là Avatar, bộ phim tạo nên
cơn sốt 3D. Không chỉ là phim thành công nhất năm 2010, với 13,41 triệu
khán giả, bộ phim đã phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé mọi thời đại tại
Hàn Quốc, vượt qua The Host với 13,02 triệu khán giả năm 2006. Bộ phim Hàn Quốc The Man from Nowhere xếp thứ hai, bất chấp việc bị xếp hạng R. Xếp thứ tư là Secret Reunion,
khắc họa mối quan hệ Nam Bắc Triều Tiên dưới một góc nhìn mới. Nam diễn
viên chính trong phim, Gang Dong Won, trở thành ngôi sao hàng đầu phòng
vé Hàn Quốc 2010 với thành công liên tiếp của Secret Reunion và Jeon Woochi.
Thị phần phim Mỹ năm 2010 là 47,3%, cao hơn một chút so với 46,5% của
phim Hàn. Tuy nhiên, nếu chỉ tính các phim ra mắt năm 2010 (không tính Avatar
ra mắt cuối năm 2009) thì thị phần phim Mỹ giảm xuống 44,5%, thấp hơn
3,3% so với phim Hàn. Không giống những năm trước, các phim châu Âu,
Trung Quốc (tính cả Hồng Kông và Đài Loan) và Nhật đều nắm giữ 2% thị
phần.
Xu hướng đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy của phim 3D, minh
họa bằng việc năm trong số mười phim nước ngoài có doanh thu cao nhất
đều là phim 3D. Phim 3D thu hút 11,4% khán giả và chiếm 16,5% tổng doanh
thu phòng vé Hàn Quốc.
Về thị trường toàn cầu, tỷ lệ phim Hàn xuất sang khu vực châu Á giảm
34,4%. Tuy nhiên tỷ lệ xuất sang khu vực châu Âu và Bắc Mỹ tăng lần lượt
72,1% và 59,4% so với năm ngoái. Ở khu vực châu Âu, các phim được giải
thưởng và phim của các đạo diễn nổi tiếng đóng vai trò then chốt trong
việc thúc đẩy xuất khẩu. Tại Bắc Mỹ, sự tăng lên là nhờ hệ thống rạp CGV
Los Angeles trực tiếp phân phối các phim Hàn Quốc.
Nhằm mở rộng ra thị trường toàn cầu, điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu hàng loạt
chương trình hợp tác đa dạng với các đối tác nước ngoài, trong đó có
bước đầu sản xuất và trao đổi công nghệ đồ họa vi tính/hiệu ứng hình
ảnh/3D để vượt qua những giới hạn của thị trường trong nước và mở rộng
biên giới của nền công nghiệp.
Các công ty sản xuất phim Hàn
Quốc đã nhận được đơn đặt hàng của 16 phim và ký hợp đồng với 22 phim để
cung cấp các dịch vụ: đồ họa vi tính, hiệu ứng hình ảnh, chuyển đổi và
biên tập phim 3D, trang điểm đặc biệt, diễn viên đóng thế và phối nhạc.
Khu vực Bắc Mỹ chiếm 75,95% tổng giá trị xuất khẩu. Thị trường Trung
Quốc (gồm Hồng Kông) có số lượng hợp đồng lớn nhất với 18 hợp đồng,
chiếm 81,8%.
Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: KOFIC