Tin tức

The Dragon Pearl: Rồng trỗi dậy

22/03/2011

Nhân dịp năm Văn hóa Úc ở Trung Quốc 2010-2011, bộ phim hợp tác đầu tiên giữa Úc-Trung Quốc The Dragon Pearl (tạm dịch: Ngọc rồng) bắt đầu được chiếu tại các rạp toàn cầu từ thứ sáu 18/3.

Với phân nửa ngân sách được dùng cho phần hiệu ứng, câu chuyện phiêu lưu giả tưởng này hy vọng mang huyền thoại con rồng Trung Quốc đến với cuộc sống của khán giả.

Hình ảnh con rồng đồ họa vi tính

Do đạo diễn từng thắng giải Emmy Mario Andreacchio chỉ đạo và các diễn viên chính gồm Sam Neil (Jurassic Park, 1993), Lý Lâm Kim và Louis Corbett, câu chuyện kể về hai thiếu niên, cô bé người Hoa tên Ling và cậu bé người Úc tên Josh, cả hai cùng giúp đỡ một chú rồng đi tìm và bảo vệ viên ngọc rồng lâu đời khỏi tay những kẻ trộm.

Chú rồng đáng kính

Với kinh phí 100 triệu nhân dân tệ (15,21 triệu USD), công ty hiệu ứng hình ảnh nổi tiếng của Úc Rising Sun Pictures (RSP) chủ yếu chịu trách nhiệm phần đồ họa vi tính cho chú rồng và các hiệu ứng đặc biệt. Công việc kéo dài một năm và rất chi tiết kể cả về kỹ thuật lẫn văn hóa.

Theo truyền thống, rồng là biểu tượng uy quyền của Trung Quốc và thể hiện quyền lực, sức mạnh và vận may trong văn hóa Trung Hoa.

Không may thay, thuật họa rồng của Hollywood luôn gây nên xúc phạm đến con rồng của Trung Quốc. The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor (2008) miêu tả một vị vua thời nhà Thanh đầu thai thành một con rồng ba đầu chiến đấu với vị anh hùng trong phim và khiến nhà phê bình Perry Lam của Hồng Kông lên án bộ phim là “một phép ẩn dụ chính trị có ác ý”.

Mẫu quảng cáo năm 2004 của hãng Nike với hình ảnh ngôi sao NBA Lebron James đánh bại những con rồng hoạt hình đã bị cấm ở Trung Quốc sau khi gây ra một cơn bão tranh luận trực tuyến giữa những cư dân mạng giận dữ.

Nhận thấy mối nguy hiểm, nhóm hiệu ứng người Úc đã nhạy bén tôn trọng cảm giác của người Trung Quốc.

“Xem qua hàng ngàn bức ảnh rồng thay đổi dựa vào từng khu vực và từng thời kỳ, chúng tôi chọn hình ảnh mà nhiều người công nhận nhất: những con rồng trên bức tường cửu long ở Tử Cấm Thành,” Andreacchio nói với Global Times.

Theo Andreacchio cho biết, nhiều cuộc thí nghiệm đã được thực hiện để tạo ra âm thanh đúng nhất của chú rồng, âm thanh cuối cùng là hỗn hợp từ những loài động vật như hổ và sư tử. Cùng với hình ảnh sống động của khuỷu chân, nhãn cầu và móng vuốt, RSP tự tin rằng họ đã tạo ra một đại diện thích hợp cho con rồng Trung Quốc. Những yếu tố đáng tin cậy khác bao gồm âm nhạc và lời của bài hát chủ đề chứa những câu thơ của nhà thơ vĩ đại của Trung Quốc, Lý Bạch.

Poster phim

Dàn diễn viên hỗn hợp

Nam diễn viên chính Sam Neil đóng vai nhà khảo cổ Chris Chase, một vai tương tự với vai diễn nhà cổ sinh vật học Alan Grant trong Jurassic Park. Theo lời đạo diễn truyền thông của The Dragon Pearl, gần đây Neil đến New Zealand vì lý do cá nhân, liên quan đến trận động đất ở Christchurch, nhưng anh đã đồng ý là cả hai vai diễn đều đòi hỏi sự tận tâm và cống hiến lâu dài, thêm rằng quay phim ở Trung Quốc là một kinh nghiệm tuyệt vời và thú vị.

Nam diễn viên Hồng Kông vừa kết hôn Trần Tiểu Xuân, đóng vai người bảo vệ ngôi đền, đã thu hút nhiều chú ý của giới truyền thông, vì đây là vai diễn đầu tiên của anh sau khi kết hôn. “Tôi đã tập luyện võ kungfu rất nhiều, nhưng đây cũng là một vai hài.” Trần Tiểu Xuân mô tả cách anh có được vai diễn sau khi nói chuyện với đạo diễn Andreacchio: “Chúng tôi trao đổi qua điện thoại và điều tiếp theo mà tôi biết là tôi đã ở đó đóng phim.”

Sau những buổi chiếu trước ở Úc và Trung Quốc, khán giả phản hồi tốt. “Một số phản ứng chúng tôi nhận được từ Úc là ‘phim rất Trung Hoa,’ trong khi phản ứng ở Trung Quốc là ‘phim rất tây,’ đó là điều tốt. Ý tôi là chúng tôi đã pha trộn tốt giữa hai nơi,” Andreacchio nói với Global Times. “Nguyên tắc của một bộ phim đồng sản xuất là sự hợp tác sáng tạo, nhưng cũng là trao đổi văn hóa, và chúng tôi hy vọng làm được nhiều hơn sau bộ phim này.”


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times