Tin tức

The Hunger Games: 12 điều bạn chưa biết

20/11/2015

The Hunger Games (2012) đã mở ra chuỗi phim đưa Jennifer Lawrence lên hàng sao và đẩy lùi những biên giới của thể loại phim khoa học giả tưởng, chuyển thể, và phim dành cho tuổi mới lớn.

Các phần tiếp theo, Catching Fire (2013) và Mockingjay, Part 1 (2014) đều lập kỷ lục phòng vé, và Mockingjay, Part 2 (2015) ra rạp tuần này là một trong những phim được chờ đợi háo hức nhất năm nay – có sẽ chỉ đứng sau cơn cuồng Star Wars mới. Bốn phim, dựa theo bộ tiểu thuyết bán chạy của Suzanne Collins, đã tạo nên một chuỗi phim đầy sinh lực – ngay cả trước khi phần bốn ra rạp, The Hunger Games đã đứng thứ 20 trong số những phim chuỗi có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, ngay cả những ‘fan gộc’ của The Hunger Games cũng có thể bị ngạc nhiên bởi những câu chuyện lạ lùng đằng sau hậu trường, cả trong thế giới của Panem nơi phim diễn ra lẫn từ trường quay. Trước khi xem Mockingjay, Part 2, hãy lướt qua 12 điều bạn chưa biết về The Hunger Games:

Suzanne Collins có nhiều cảm hứng

Suzanne Collins, tác giả bộ tiểu thuyết ba quyển The Hunger Games, lấy từ rất nhiều cảm hứng để sáng tạo câu chuyện và nhân vật. Collins được trích dẫn đã nói rằng ngồi chuyển kênh tivi giữa chương trình truyền hình thực tế với chương trình thời sự về chiến tranh Iraq đã giúp bà nảy ra ý tưởng câu chuyện. Tuy nhiên, Collins cũng lấy từ thần thoại Hy Lạp – với Theseus và Minotaur – và từ trải nghiệm lớn lên trong thời Đại suy thoái và chiến đấu ở Việt Nam của cha mình.

Rome và các đấu trường La Mã cũng là một nguồn ảnh hưởng rõ rệt. Thế giới của The Hunger Games gọi là Panem, từ này trong tiếng Latinh có nghĩa là “bánh mì”. Điều này nối tiếng là gắn với cụm từ “panem et circenses”, tức là “bánh mì và gánh xiếc”, vốn là cụm từ được sử dụng để miêu tả việc làm hài lòng đám đông của người thường. Nếu có thức ăn (bánh mì) và có giải trí (gánh xiếc), thì chính phủ có thể kiểm soát dân chúng tùy thích. Tương tự, Tổng thống Snow của Panem sử dụng Đấu trường Sinh tử làm phương tiện để vừa khủng bố vừa tiêu khiển cho công dân của mình.

Katniss tương tự Ree Dolly từ Winter’s Bone

Jennifer Lawrence chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để nhận được vai diễn Katniss, trước các đối thủ gồm Emma Roberts, Saoirse Ronan, và Hailee Steinfeld. Nhiều người nói việc khắc họa nhân vật Ree Dolly của cô trong Winter’s Bone (2010) qua đó nhận được đề cử Oscar là một trong những lý do cô được chọn.

Có nhiều điểm tương đồng sửng sốt giữa Ree và Katniss – cả hai đều chiến đấu để giúp đỡ gia đình và em gái, đảm nhận vai trò của phụ huynh vì cha đã mất còn mẹ bị tâm thần. Cả hai nhân vật đều sống trong cộng đồng nghèo khổ, Katniss ở Quận 12 còn Ree ở vùng Ozarks. Thêm nữa, cả hai đều sử dụng những kỹ năng sinh tồn và điều kiện khắc nghiệt bên ngoài để tồn tại trong bạo lực và gian khổ.

Tuy nhiên, điểm tương tự kỳ lạ nhất là cả Ree lẫn Katniss đều săn bắn sóc. Ree lột da một con sóc trong Winter’s Bone, còn Katniss săn bắn những con sóc trong Hunger Games phần đầu tiên.

Jennifer Lawrence không được trả cát-xê cao cho The Hunger Games

The Hunger Games giúp Jennifer Lawrence một phát lên hàng sao, nhưng cô chỉ được trả 500.000 đôla cho phim đầu tiên, một khoản tiền không đáng gì so với thù lao hiện nay của cô. Vào lúc phần tiếp theo được sản xuất, cô kiếm được gấp 20 lần con số đó, 10 triệu đôla cho Catching Fire và 15 triệu cho mỗi phần Mockingjay.

Lawrence gần đây trở thành tiêu đề trên báo chí sau khi biết về khoảng cách thu nhập theo giới tính ở Hollywood. Sau vụ Sony bị rò rỉ email, Lawrence phát hiện ra cát-xê của cô không bằng các diễn viên nam cùng đóng trong American Hustle. Ngoài việc cát-xê kém hơn Christian Bale và Bradley Cooper, cô còn kiếm được ít hơn cả Jeremy Renner, người đóng một vai nhỏ trong phim và tiếng tăm không bằng cô. Lawrence nói rằng Katniss là một phần trong những điều tạo cảm hứng cho cô viết nên tiểu luận chiêm nghiệm cuộc đời thực của mình, “Why Do I Make Less Than My Male Co-Stars?”

Bộ tiểu thuyết thu hút các diễn viên kỳ cựu đến với phim

Bộ tiểu thuyết thu hút nhiều diễn viên kỳ cựu đảm nhận các vai phụ. Donald Sutherland đã viết một bức thư chi tiết cho đạo diễn Gary Ross nói những suy nghĩ của ông về nhân vật Tổng thống Snow; ông nhấn mạnh mình có thể nhập vai này thế nào, và ông tin điều gì là quan trọng với biểu hiện và cái hồn của nhân vật. Julianne Moore gửi thư đề nghị nhận vai Tổng thống Alma Coin sau khi con gái bà giới thiệu bộ tiểu thuyết cho bà đọc. Elizabeth Banks vận động để được đóng vai Effie Trinket sau khi đọc xong cuốn một và thấy mình trong nhân vật này.

Cả Sunderland lẫn Moore nghe nói đều viện dẫn tầm quan trọng chính trị của bộ phim với thế giới ngày nay, dù được đặt trong bối cảnh thế giới giả tưởng hậu tận thế. Họ tin rằng bộ tiểu thuyết là một lời kêu gọi hành động với người trẻ, và minh học cho thấy quyền lực mà một cá nhân có thể đảm nhận trong thế giới chính trị rộng lớn hơn.

‘Fan’ kỳ thị đã sai lầm về Rue

Amandla Stenberg đảm nhận vai Rue, một nhân vật trung tâm và đến từ Quận 11 trong The Hunger Games, trở thành đồng minh của Katniss. Một số ‘fan’ của loạt phim bực tức khi một nữ diễn viên Mỹ gốc Phi được chọn đóng vai Rue. Tuy nhiên, phàn nàn của họ hoàn toàn phi lý, và sự ngạc nhiên của họ không có cơ sở. Không chỉ những bình phẩm xung quanh việc chọn Stenberg là kỳ thị và vô cảm, mà còn sai rành rành. Như tác giả Suzanne Collins xác nhận, Rue là người da màu trong tiểu thuyết The Hunger Games – bất cứ ai bất ngờ trước việc chọn Stenberg hẳn đã không đọc tiểu thuyết kỹ. Amandla Stenberg bây giờ, ngoài việc là một diễn viên và ca sĩ thành công, là nhà hoạt động trên truyền thông xã hội có tiếng tăm và nhiều người theo dấu.

Tuy nhiên, có những ‘fan’ – rõ ràng có đọc sách – cũng không hài lòng rằng cô nàng cao ráo da trắng Jennifer Lawrence được chọn vào vai Katniss, nhân vật này được miêu tả là nhỏ con và “nước da màu ôliu”. Collins đã khẳng định rằng bà hồi hộp trước quyết định phân vai, và rằng Jennifer Lawrence có đủ mọi tố chất của Katniss mà một diễn viên cần có để thể hiện được vai diễn.

Có một chiếc lọ nguyền rủa trên phim trường

Trong thời gian làm phim Hunger Games đầu tiên, đạo diễn Gary Ross đã giữ một lọ nguyền rủa (swear jar) trên trường quay,* vì phần lớn việc ghi hình liên quan đến các diễn viên trẻ. Ross từng nói nhiều lần rằng hơn một nửa số tiền góp vào chiếc hũ là từ Jennifer Lawrence, nổi tiếng hay nói năng thô tục.

Conan O’Brien đã thách Lawrence liệt kê những câu chửi rủa hết mức có thể trong 30 giây trong chương trình truyền hình khuya của anh quảng bá cho Mockingjay, Part 2 – anh cam kết quyên tặng từ thiện 200 đôla cho mỗi câu chửi rủa mà Lawrence chọn. Lawrence thật là giàu trí tưởng tượng, nên rốt cuộc Conan phải ngừng đếm, và chỉ đơn giản góp 10.000 đôla cho Lawrence làm từ thiện.

Động lực duy nhất của Katniss là tình yêu

Jennifer Lawrence đã nói ở cốt lõi của Katniss, động lực thúc đẩy cô là tình yêu. Đầu tiên, cô tình nguyện tham gia Đấu trường Sinh tử vì lòng yêu em gái, Prim. Sau đó, mọi hành động tiếp theo của cô là vì tình yêu gia đình, bạn bè, và Peeta. Bất chấp ngoại cảnh tàn khốc, bản năng sinh tồn, và hành động bạo lực, Lawrence xem tình yêu là trong tâm và không thể tách rời khỏi Katniss.

Đó là cách Katniss tiếp cận những chọn lựa mà cô phải làm trong đời, nhưng cũng là điều khiến cô nổi bật lên thành anh hùng. Trong một thế giới mà nhiều người – từ Tổng thống Snow đến các đấu thủ trên đấu trường – đều chỉ biết có bản thân mình, Katniss sẵn lòng hy sinh vì những người mà cô quan tâm.

Phim được quay từ góc nhìn của Katniss

Bộ tiểu thuyết The Hunger Games được viết theo góc nhìn của ngôi thứ nhất, trong đó Katniss kể mọi sự kiện. Vì chuyện kể của Katniss là trọng tâm của bộ sách, trước khi có bộ phim đầu tiên, nên có sự đồn đoán về việc những suy nghĩ của Katniss có nói ra thành lời như thuyết minh phim không.

Thay vì vậy, Gary Ross, đạo diễn The Hunger Games phần đầu, đã chọn sử dụng góc nhìn của ngôi thứ nhất làm cách tiếp cận góc quay cho bộ phim, mà Francis Lawrence, đạo diễn Catching Fire và hai phần Mockingjay, tiếp tục làm theo. Bộ phim được kể bằng hình ảnh từ góc nhìn của Katniss. Ross đã bàn luận về việc điều này dẫn ông tới sử dụng camera cầm tay và những cận cảnh, thay đổi cách bộ phim được quay. Tương tự, Francis Lawrence đã nói ông luôn hình dung Katniss là “phát thanh viên” của bộ phim và “phát thanh viên” cho công việc quay phim của ông.

Katniss bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý

Từng có một số phỏng đoán – cả từ Jennifer Lawrence – rằng nhân vật của cô, Katniss, mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (post-traumatic stress disorder - PTSD) do trải nghiệm khó khăn và đau buồn ở Đấu trường Sinh tử và mất mát nhà cửa ở Quận 12.

Hai nhà tâm lý Vasilis K. Pozios và Praveen R. Kambam đã phân tích nhân vật Katniss và tin rằng cô thể hiện đủ những biểu hiện của chứng PTSD mà nếu cô sống trên đời thật, cô sẽ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này. Bao gồm sợ hãi về đêm, hồi tưởng, tránh né, chết lặng về cảm xúc, và bùng phát cảm xúc không lường được – tất cả cô đều trải qua trong Catching FireMockingjay sau khi chiến đấu trên Đấu trường Sinh tử.

Thương tích vô số trên trường quay

Cả Josh Hutcherson, đóng vai Peeta, và Jennifer Lawrence đều bị thương trên phim trường. Lawrence bị điếc một tai gần hai tuần lễ trong khi quay Catching Fire do bị vòi nước bắn vào lỗ tai. Lạ thay, Katniss bị điếc một tai trong truyện The Hunger Games, sau khi ở quá gần một vụ nổ – tuy nhiên, điểm này trong truyện bị loại ra không đưa vào phim, và thật may là, Lawrence, không như nhân vật của cô trong tiểu thuyết, đã phục hồi thính giác.

Thương tích của Hutcherson thì không phải do đóng phim. Thay vì vậy, anh và Lawrence đang đùa giữa hai cảnh quay trên phim trường và cô bất thần đá trúng vào đầu anh, khiến anh bị chấn động. Sau đó, Hutcherson an ủi Lawrence khi cô khóc vì đau khổ do hành động đã làm.

Cái chết của Philip Seymour Hoffman làm thay đổi Mockingjay, Part 2

Philip Seymour Hoffman đóng vai Plutarch Heavensbee, đã bị cuốn vào thế giới của Panem sau khi xem phim Hunger Games đầu, nhưng bi kịch thay, Hoffman chết năm 2014 do dùng ma túy quá liều trong lúc đang quay Mockingjay, Part 2.

Rất nhiều đồn đoán xung quanh việc Hoffman đã hoàn tất các cảnh quay hay chưa, và nếu chưa thì các nhà làm phim sẽ tính thế nào. Một số tin cho hay các nhà làm phim dự tính hoàn tất diễn xuất của Hoffman bằng CGI. Tuy nhiên, khi tin tức rò rỉ về những cảnh chưa hoàn tất, hình ảnh Hoffman không được làm kỹ thuật số. Thay vào đó, các nhà làm phim thay đổi kịch bản cho phù hợp với sự biến mất của Plutarch Heavensbee.

Đang triển khai các công viên chủ đề

Công viên chủ đề Hunger Games đang được triển khai trên thế giới. Hiện tại, ba địa điểm đã được công bố: Dubai (UAE), Atlanta (Mỹ), và đảo Hoành Cầm (Trung Quốc).

Công viên chủ đề ở Dubai được dự tính khai trương đầu năm 2016 nằm trong công viên Motiongate Dubai, còn công viên chủ đề ở Atlanta – thành phố mà bộ phim ghi hình rất nhiều – sẽ khai trương năm 2019 thuộc Công viên Avatron ở Atlanta. Công viên sẽ tái tạo những địa danh nổi tiếng từ Quận 12 (trong đó có chợ Hob và tiệm bánh mì của Peeta), cùng một đượng lượn cao tốc chủ đề Capitol. Khách tham quan không bị yêu cầu chiến đấu đến chết.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant


* Swear jar: lọ chứa tiền phạt mỗi khi có ai thốt ra lời chửi rủa trên trường quay