Tin tức

HKTV ra mắt sau một năm tranh cãi

06/01/2015

Cuối cùng HKTV đã ra mắt trên mạng sau thời gian dài mong đợi. Tác giả bài viết trút bỏ lối suy nghĩ thông thường và tìm hiểu ý nghĩa của sự kiện này đối với tương lai truyền hình Hồng Kông.

Bên cạnh vai trò là trung tâm tài chính, thời trang và điện ảnh nhiều năm qua, Hồng Kông cũng có lịch sử truyền hình đáng tự hào. Ngành truyền hình hưng thịnh của thành phố không ngừng lan tỏa sức ảnh hưởng về mặt văn hóa – cả trong khu vực lẫn trên quốc tế. Thật đáng kinh ngạc khi một khu vực nhỏ bé với thị trường chỉ gồm bảy triệu người có thể thường xuyên sản xuất các chương trình truyền hình với kinh phí tương đương ở Mỹ, nơi có thị trường gồm hơn 300 triệu người. Kể từ khi khái niệm đài truyền hình phát sóng miễn phí đầu tiên ở Hồng Kông, TVB, ra mắt ngày 19/11/1967, thành phố đã sản xuất các chương trình chất lượng không chỉ phục vụ khán giả địa phương mà còn, qua nhiều năm, lan rộng tới khán giả ở Malaysia, Mỹ, Australia, Canada, Anh, Thái Lan, Singapore, Ma Cao và New Zealand. Không tồi chút nào cho một đài truyền hình, trong 47 năm qua, đã sản xuất các chương trình tiếng Quảng Đông (chỉ là phương ngữ tiếng Trung phổ biến thứ ba) nguyên gốc.

TVB đã trở thành biểu tượng truyền hình trong khu vực

Đó có thể là một lịch sử huy hoàng, đầy tự hào, nhưng gần đây, có một lượng đáng kể bất mãn công khai nhắm vào TVB. Một số người nói đài truyền hình này đã lạc hậu và các chương trình chán ngắt. Một số người khác cho là TVB độc quyền trong ngành, bất chấp sự tồn tại của các đài truyền hình như PCCW, i-Cable, ATV và RTHK. Họ nói những đài này không thể cạnh tranh với TVB. Và, tệ nhất là, TVB cũng bị chỉ trích tự kiểm duyệt, nhất là khi đưa tin về các cuộc biểu tình sôi sục gần đây.

“Tôi nghĩ chúng tôi là nạn nhân của thành công của chính mình,” tổng giám đốc TVB Trịnh Thiện Cường bày tỏ khi nói đến tỷ suất người xem theo “điểm” trong ngành. Một “điểm” tương ứng với 64.200 người xem, nên ví dụ như, chương trình 25 điểm có 1,6 triệu khán giả. “Tôi không cho rằng chúng tôi thiếu sáng tạo. Chúng tôi đặt ngưỡng tương đối cao cho chính bản thân mình và sản xuất các chương trình mà chúng tôi cho rằng có thể đạt trên 25 điểm. Trước kia, ngưỡng này là 15 điểm. Và chúng tôi thử nghiệm những chương trình mới lạ như When Heaven Burns / Thiên và địa, được khán giả trẻ bầu chọn Phim hay nhất năm 2011. Tuy nhiên, chương trình này không vượt qua tiêu chuẩn 25 điểm và không được bộ phận thương mại của chúng tôi xem là thành công. Cá nhân tôi tin rằng chúng tôi nên tiếp tục sản xuất những phim truyền hình dạng này nhưng vì chúng tôi đặt mục tiêu quá cao nên có khuynh hướng nhái lại những thành công trước.”

Áp phích phim Thiên và địa

Trịnh Thiện Cường thẳng thắn khi đề cập tới những người phỉ báng TVB. “Một lý do khác khiến khán giả chỉ trích là vì thị hiếu của khách hàng đã mở rộng,” ông nói. “Không như trước, bây giờ người Hồng Kông xem nhiều phim truyền hình Hàn Quốc và Mỹ.” Đáng chú ý là mặc dù tổng giám đốc Trịnh nói tiêu chuẩn tăng lên, có những phim truyền hình TVB hồi đầu những năm 2000 đạt tỷ suất trung bình siêu khủng là 40 điểm. “Đúng là tỷ suất giảm trong những năm gần đây,” ông đáp. “Nhưng cũng là do mọi người chuyển sang xem trên các phương tiện khác. Xét trên bình diện tổng quát, thực ra tỷ suất tăng.”

Trong hoàn cảnh đó và với sự nóng lòng của khán giả về lựa chọn giải trí khác, thì, đây là thời điểm hoàn hảo cho sự xuất hiện hoành tráng của HKTV. Kênh truyền hình mới chỉ có trên mạng được xem là tia hy vọng sáng ngời đối với thế hệ khán giả mới. Nhưng HKTV không dự định chỉ phát trên mạng. Nếu bạn không hay biết gì, đây là tóm lược sơ qua: hồi năm 2009, chủ tịch HKTV Vương Duy Cơ đệ đơn xin cấp giấy phép truyền hình phát sóng miễn phí, nhưng bị bác bỏ vào ngày 15/10, năm ngoái, gây nhiều bất ngờ cho ông cũng như công chúng. Tuy nhiên, PCCW và i-Cable đều được cấp phép. Phiên tòa xét xử lại quyết định này dự kiến sắp diễn ra nhưng thật không thỏa đáng khi trên thực tế, chưa có báo cáo nào giải thích sự bác bỏ này. Chỉ có cục trưởng Cục Phát triển Kinh tế và Thương mại Tô Cẩm Lương tiết lộ phần nào câu trả lời khi ông phát biểu rằng báo cáo của cố vấn – không được công khai – cho rằng Hồng Kông không thể chứa chấp nhiều hơn bốn đài truyền hình.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ngày 20/10/2013

Những ngày sau sự bác bỏ năm ngoái chứng kiến sự phản đối kịch liệt của công chúng. Khán giả truyền hình phẫn nộ đòi chính phủ làm rõ quyết định của họ. Ước chừng 100.000 người tụ tập biểu tình bên ngoài Hội đồng Lập pháp vào ngày 20/10. Thế nên, vốn không phải là người dễ dàng từ bỏ, Vương Duy Cơ quay sang thu mua China Mobile Hong Kong với giá 142 triệu đôla và bất chấp tất cả, tiếp tục đưa đài truyền hình của ông tiến lên. Ông quyết định chỉ phát trên mạng. Và, vào ngày 19/11 vừa qua (trùng hợp thay, cũng là ngày kỷ niệm thành lập TVB), lễ khai trương kênh truyền hình cuối cùng đã diễn ra. HKTV đã lên sóng kể từ ngày đó – và đã tìm được đối tượng khán giả khá phù hợp trong tình hình Hồng Kông gần đây. Vượt qua những cản trở và thành công chống lại quyền lực, HKTV đặt mình trong lớp vỏ lấp lánh đầy hy vọng và ước mơ trong khi đưa ra câu khẩu hiệu hay “cuộc sống là những khởi đầu mới”. Vương Duy Cơ tuyên bố tại buổi khai trương rằng “người dân Hồng Kông và HKTV sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ chăm sóc thế hệ mới và kế sinh nhai của họ” những lời này dựa trên tình hình chính trị bất ổn hiện nay .

“Nhiều khán giả trẻ có thể chuyển sang kênh trực tuyến mới,” Phùng Ứng Khiêm, giáo sư tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông nói. “Chúng tôi vừa mới thực hiện một nghiên cứu và phát hiện rằng những người trẻ tuổi – sinh sau thập niên 1980 – thực sự dành rất ít thời gian xem truyền hình. Trên thực tế, 51% trong số họ nói rằng họ dành phần lớn thời gian tìm kiếm thông tin trên mạng, xem trực tuyến và ít bỏ thời gian xem truyền hình truyền thống. HKTV đi theo xu hướng đồng hành với thói quen của thế hệ trẻ tuổi hơn. Điều quan trọng nhất đối với HKTV là vốn và dù xu thế quảng cáo sẽ thay đổi trong phạm vi chấp nhận được và rót kinh phí vào các nền tảng trực tuyến về lâu dài, vì đó là cách họ nhắm vào khán giả trẻ hơn.”

HKTV bắt nhịp với lối sống của giới trẻ

Tiềm lực lớn của HKTV là đài truyền hình này sẽ thay đổi tương lai của truyền hình ở Hồng Kông như thế nào. HKTV cung cấp cho khán giả sự tiện lợi khi xem 22 phim truyền hình mới của đài theo yêu cầu. Không cần chờ đợi chương trình bạn muốn xem phát sóng nữa – bạn có thể theo dõi bất cứ lúc nào, nơi nào, theo bất cứ cách nào mà bạn muốn. Mỗi tập trong loạt phim truyền hình hiện tại của HKTV tốn khoảng 1 triệu đôla kinh phí sản xuất. Ước tính Vương Duy Cơ đã đầu tư 1 tỉ đôla vào công ty.

Vào sáu giờ sáng ngày 19/11/2014, HKTV đưa lên mạng phim tội phạm ly kỳ The Borderline / Cảnh giới tuyến và phim tâm lý chính trị đúng thời điểm The Election / Tuyển chiến, miêu tả cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2022. HKTV hầu như không mập mờ về các chương trình tiếp theo công ty định sản xuất. “Tôi rất bất ngờ khi trong vài giờ, chúng tôi đã đạt 250.000 lượt xem,” Vương Duy Cơ cho biết. Ngoài ra, một triệu người đã tải HKTV về tivi và điện thoại thông minh của họ. “Rất đáng khích lệ,” ông Vương nói. “Thành công của HKTV dựa trên hy vọng và hạnh phúc mà chúng tôi mang tới cho người Hồng Kông.” Dường như lại là toàn những lời sáo rỗng và khoa trương. Nhưng trong không khí chính trị hiện nay, HKTV đang đi phù hợp với thay đổi xã hội, gây được sự đồng cảm của công chúng.

Áp phích phim Tuyển chiến

“Nếu HKTV không bị từ chối cấp giấy phép,” cựu diễn viên TVB đầu quân cho HKTV Ngải Uy nói, “tôi nghĩ sẽ có ít người tham dự chiến dịch Chiếm trung tâm Hồng Kông. Không phải [toàn bộ] chính phủ bác bỏ giấy phép. Chỉ có một người mà ai cũng biết là ai đấy.” Ngải Uy chuyển sang HKTV cùng với một loạt diễn viên TVB khác. “Tất nhiên mọi người ra đi,” ông nói. “Hiển nhiên chúng tôi được đối đãi tốt hơn. Nhưng cũng rõ ràng một trong hai công ty chỉ vì lợi nhuận, trong khi công ty còn lại vì lợi nhuận song cũng có trách nhiệm xã hội.” Ngải Uy làm việc tại TVB trong 33 năm và vì hợp đồng nghiêm ngặt với TVB, ông thừa nhận mình không được phép nhận các dự án tự do hay làm việc cho các đài truyền hình khác. “Một hệ thống bất công,” ông nói. “Tôi đã chờ đợi cơ hội mới từ lâu lắm rồi. [HKTV] là đối thủ được hoan nghênh. Chỉ những chương trình chất lượng tốt từ cả hai bên mới được lăng xê.”

Về việc liệu TVB sẽ sản xuất chương trình nhạy cảm về chính trị hay không, Trịnh Thiện Cường nói: “Nếu bạn đang nói về chiến dịch Chiếm trung tâm Hồng Kông thì dĩ nhiên chúng tôi phải cẩn thận. Trong không khí chính trị quá khích hiện nay, chúng ta đang đi trên sợi dây vô cùng mảnh. Thế nên tốt hơn là chúng ta không động chạm vào chủ đề ấy ở thời điểm hiện tại vì không có cách nào làm chương trình công minh được. Mọi người nhìn nhận sự việc theo quan điểm bị chi phối, không bao giờ xem xét trên tinh thần trung lập. Tôi bị một người phụ nữ phản đối phong trào Chiếm trung tâm chặn lại trên đường, cô ấy nói cô ấy ghét TVB vì chúng tôi không bao giờ đưa tin ủng hộ sinh viên [đối lập với quan điểm của Ngải Uy]. Chúng tôi sẽ chờ tình hình nguội bớt và có thể đến một lúc nào đó, chúng tôi sẽ sản xuất các chương trình liên quan đến chủ đề này. Còn hiện tại, TVB sẽ tiếp tục cải thiện mô hình kinh doanh, phát triển ở Trung Quốc và làm tốt công việc của mình.”

Chủ tịch HKTV Vương Duy Cơ

Dù cư dân mạng gây trò vui khi đẩy TVB và HKTV đối chọi với nhau trong các bài viết trào phúng, có thể sự cạnh tranh giữa họ không gay gắt như vẻ bề ngoài. “Các kênh đang phát sóng gần như chắc chắn vẫn tiếp tục có lượng người xem ổn định vì hai kênh truyền hình trên mặt đất – TVB và ATV – không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp,” Phùng Ứng Khiêm nói. HKTV không có giấy phép, còn PCCW và i-Cabble chưa đủ lực nhập cuộc chơi. Thế hệ lớn tuổi hơn sẽ vẫn xem TVB và ATV, nên tôi không nghĩ cuộc cạnh tranh sẽ xảy ra, ít ra là trong ba năm tới.

Tuy nhiên làm sao tất cả trụ được về mặt thương mại? Chiếc bánh kinh phí quảng cáo có hạn. Khoảng 20% tổng kinh phí quảng cáo chảy về túi các đài truyền hình truyền thống và, vì không có giấy phép, HKTV vẫn ở thế bất lợi, nhất là với thị trường địa phương nhỏ bé ở Hồng Kông. Kênh truyền hình này còn thua xa tầm vóc của dịch vụ internet theo yêu cầu Netflix, đơn vị tích lũy lượng vốn lớn qua các dịch vụ khác trước khi bắt đầu sản xuất chương trình nguyên gốc của mình. Tuy nhiên, Vương Duy Cơ vẫn lạc quan. Ông đã có 30 nhà quảng cáo và sẽ có nhiều dự án hơn trong thời gian tới. Ông nói ông đã ký hợp đồng với đài truyền hình Malaysia Astro để phân phối các bộ phim tuyền hình tiếng Quảng Đông của HKTV, và lấy đây là một nguồn thu khác. Và, thêm vào đó, HKTV cũng mở nền tảng mua sắm trực tuyến như một cách đa dạng hóa kinh doanh.

Dù tương lai ngành truyền hình Hồng Kông diễn ra như thế nào, việc HKTV đi vào hoạt động chắc chắn mang lại sức sống mới cho thành phố. Đây không chỉ là truyền hình nữa. Cả TVB và HKTV, một ngày nào đó, có thể sẽ cạnh tranh trực tiếp. Và chúng ta hy vọng người được lợi ắt hẳn sẽ là khán giả.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time Out Hong Kong


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi