Tin tức

The Wind Rises: Lời chia tay buồn của biểu tượng hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki

01/01/2014

Đạo diễn hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki có lẽ là nhà làm phim chỉ cho thiếu nhi, và phim mới ra mắt của ông, The Wind Rises, là phim buồn nhất của năm 2013 – bởi có vẻ như đây là phim cuối cùng của ông.

Jiro Horikoshi, kỹ sư hàng không nhiệt huyết, đang trên một chuyến tàu hơi nước đến Tokyo

The Wind Rises là phim buồn nhất của năm 2013. Thời khắc tác giả nhận ra điều này là khi đã trải qua một phần tư thời lượng tuyệt tác mới nhất của nhà làm phim hoạt hình người Nhật Bản Hayao Miyazaki. Phim lấy bối cảnh năm 1923, và Jiro Horikoshi, kỹ sư hàng không nhiệt huyết, đang trên một chuyến tàu hơi nước đến Tokyo. Đột nhiên, mặt đất rung động, biến đường ray thành một đường tàu lượn lượn sóng. Lao thẳng về phía vệt đứt gãy giữa cơn địa chấn, con tàu hú dài dừng lại. Đó là một trận động đất.

Khói lửa cuối đường chân trời. Hành tinh này phun lửa và rền rĩ. Hành khách trốn trong đầu máy xe lửa, lo sợ một vụ nổ. Và rồi, sự rung động bắt đầu giảm xuống, Miyazaki chuyển đến một cảnh cận mặt đất: đá xám, cỏ xanh. Trong ba giây, có thể bốn, đó là tất cả những gì chúng ta nghe và thấy. Những viên đá va vào nhau lạch cạnh, rồi chậm lại và an tĩnh, rồi trở nên bất động và câm lặng như cũ. Cơn động đất – chết chóc nhất trong lịch sử Nhật Bản – đã dừng lại.

The Wind Rises buồn bởi nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do bản thân cốt truyện, vốn phần nào là tiểu sử của Horikoshi, kỹ sư cơ khí tiên phong của Nhật Bản, người đã chế tạo ra chiếc máy bay chiến đấu trong Thế chiến II Mitsubishi A6M Zero, và một phần dựa trên Kaze Tachinu, một tiểu thuyết trong những năm 1936–1937 về một người phụ nữ trẻ mất vì bệnh lao phổi. Trong phim của Mizayaki, tất cả những gì Horikoshi muốn “làm là tạo dựng điều gì đó đẹp đẽ.” Nhưng khi anh yêu người con gái có vận mệnh bất hạnh, anh phải đối mặt với một tình thế bi kịch: theo đuổi giấc mơ của mình nghĩa là đẩy vợ vào nguy hiểm và phát động chiến tranh. Horikoshi không quản ngại mà tiếp tục. Vợ anh mất. Bom rơi.

Người con gái mắc bệnh lao, có số phận bất hạnh trong phim The Wind Rises

Một lý do khác khiến The Wind Rise buồn là có vẻ như phim là câu chuyện về chính bản thân Miyazaki. Mẹ của đạo diễn này đã phải chịu đựng, giống như cô gái trong phim, bệnh lao phổi, và cha ông, Katsuji Miyazaki, đã lập ra một công ty hàng không chế tạo các bộ phận, trong đó có cả bánh lái, cho chiếc Zero. Miyazaki bị ám ảnh với hàng không kể từ đó. Chữ ông lấy cho xưởng phim huyền thoại của mình, ghibli, là một từ mà phi công Ý đã từng sử dụng để miêu tả gió từ Sahara thổi đến, và yếu tố hàng không mang nặng trong nhiều phim của ông, trong đó có Porco Rosso, nhân vật chính là một phi công người lợn chống phát xít; Laputa: Castle in the Sky, với những con tàu lượn do cướp biển điều khiển; và My Neighbor Totoro, trong đó có chiếc xe buýt mèo siêu thực với cặp mắt đèn bay qua bầu trời.

Trong The Wind Rises, giấc mơ thiết kế máy bay của Horikoshi bản thân nó là phép cải dung cho sự sáng tạo – máy bay, cũng như nghệ thuật, là cố gắng thoát khỏi thế giới mặt đất – và như một hệ quả phim trở thành một ẩn dụ tinh tế cho cuộc đời và những quan tâm của Miyazaki trong vai trò một nghệ sĩ: thời gian dài, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ 30 sáng, khi ông làm công việc một nhà hoạt họa; người vợ, Akemi Ota, ông hiếm khi gặp; và những áp lực đời thực có thể làm hỏng ngay cả sự sáng tạo có ý nghĩa nhất.

Nhưng điều đáng buồn nhất về phim mới của Miyazaki – điều đã đánh vào lòng tác giả bài viết này như những viên sỏi va chạm trên màn ảnh – rằng đây có thể là tác phẩm cuối cùng của ông. Miyazaki đã tuyên bố về sự rút lui của mình trước đó, đặc biệt là sau khi phát hành Princess Mononoke năm 1997. Nhưng vào ngày 6/9/2013, ông khẳng định với người hâm mộ của mình rằng ông lần này “khá nghiêm túc,” cho biết thêm, ở tuổi 72, làm phim hoạt hình trở thành một điều quá “năng động” đối với ông. Không còn Miyazaki, thế giới điện ảnh thiếu nhi sẽ trở thành một nơi buồn bã hơn rất nhiều.

Một bức tranh từ phim hoạt hình My Neighbor Totoro, do Hayao Miyazaki đạo diễn [Ảnh: Everetty Collection]

Miyazaki thường được so sánh với Walt Disney, và trên bề mặt, sự so sánh này có một vài điểm đúng. Cả hai bắt đầu là những tác giả truyện tranh, chuyển sang lĩnh vực hoạt hình, và cuối cùng đã tạo dựng xưởng phim của riêng mình. Cả hai đều là những người có ý tưởng siêu thực và kết nối với nhiều thế hệ trẻ em cũng như người lớn.

Nhưng trong khi Disney trưởng thành từ bàn giấy đến văn phòng, Miyazaki luôn trốn trong hầm, biên kịch, đạo diễn, phác thảo, và vẽ nhân vật cho cả thảy 11 phim của mình. Ông có lẽ là đạo diễn chỉ của thiếu nhi, và tầm nhìn của ông rất khác với Disney. Không có cái tốt và xấu trong tác phẩm của Miyazaki, và gần như không có anh hùng lẫn nhân vật phản diện. Không có những khúc ballad điểm nhấn. Động vật là động vật, không phải những người bạn lém lỉnh. Trẻ con không được hình tượng hóa: tháo vát nhưng gai góc. Trong Spirited Away, Sen, nhân vật nữ chính nhỏ tuổi, bị một linh hồn nhút nhát, kỳ lạ tên Vô Diện luôn đeo mặt nạ và khao khát sẻ chia, ăn bất cứ thứ gì xuất hiện trong tầm mắt, bám theo. Trong The Wind Rises, Jiro giang đôi cánh máy bay vút lên với cố vấn trong mơ của mình, kỹ sư hàng không người Ý Gianni Caproni, và lao thẳng xuống mặt đất sau khi những đốm màu đen rung chuyển hất anh ra khỏi bầu trời.

Qua cả sự nghiệp của mình, Miyazaki đã đề cao nhiều tác giả và nhà làm phim có ảnh hưởng: Antoine de Saint-Exupéry, Akira Kurosawa, Ursula K. Le Guin. Nhưng ở một số khía cạnh, nghệ sĩ mà ông khiến tác giả bài viết này liên tưởng đến nhiều nhất là Maurice Sendak. Như tác giả đã từng viết, Sendak biết rằng những câu chuyện thiếu nhi xuất sắc nhất là về điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta thoát khỏi ràng buộc của chính quyền, dù bằng việc bất tuân, thảm họa, hay sự bất chấp, và cảm giác song hành giữa tự do và sợ hãi chúng ta trải qua khi chúng ta giữ chặt sự tự do mà chúng ta chưa hoàn toàn sẵn sàng để nắm. Chúng, theo nghĩa này, là sự chuẩn bị cho tuổi trưởng thành.

Cảnh trong Spirited Away

Giống như Sendak, Miyazaki hơi kỳ lạ – một người bi quan chống đối hiện đại. “Tôi muốn nhìn nước biển dâng lên khắp Tokyo và tháp NTV trở thành một hòn đảo,” ông cho tờ The New Yorker biết năm 2005. “Tôi muốn thấy Manhattan ở dưới mực nước biển. Tôi muốn thấy khi dân số hạ xuống và không còn nhà cao tầng, vì chẳng còn ai mua nữa. Điều này khiến tôi thích thú. Tiền bạc và khát vọng – tất cả đều sụp đổ, và cỏ dại xanh sẽ chiếm lĩnh.” Nhưng ông cũng ngưỡng mộ sức trẻ, và vinh danh điều này trong các tác phẩm của mình.

Với một người hâm mộ trẻ tuổi, các tác phẩm của Miyazaki bắt đầu, qua thời gian, có vẻ giống như kỷ niệm – như những trải nghiệm của riêng mình – thay vì những gì thấy trên màn ảnh. Phim giúp họ vật lộn với những điều khó hiểu bởi bản thân phim đã khó hiểu. Phim giúp họ đối diện với nỗi sợ hãi của một đứa trẻ 9 tuổi bởi bản thân phim, nhiều đoạn, đã đáng sợ. Miyazaki, giống Sendak, không coi trẻ con là trẻ con. Ông coi chúng là những con người. Như ông đã từng nói trong Spirited Away, “Phim không phải câu chuyện trong đó các nhân vật lớn lên, mà là câu chuyện trong đó các nhân vật tiếp cận thứ có sẵn trong mình, thể hiện ra chỉ trong những trường hợp đặc biệt. Tôi muốn các bạn trẻ của tôi sống như vậy, và tôi nghĩ họ cũng có ước mơ như vậy.”

Miyazaki sẽ được tưởng nhớ. Các tác phẩm hoạt hình ngày nay có thể xuất sắc, đặc biệt là của Pixar. Nhưng với tốc độ điên cuồng, những trò đùa chóng vánh, hài hình thể kiểu bốc đồng, những động vật biết nói chuyện, những kịch bản cô đọng, và những liên hệ văn hóa đại chúng nổi bật của họ, ngay cả những hiện tượng đương đại nhất dường như cũng quan tâm đến giải trí cho con trẻ là trên hết. Họ tràn tới bằng những hình ảnh kỹ thuật số loạn xạ không thể tránh khỏi. Họ chiều lòng những ai không có thời gian tập trung thẩm thấu. Họ liên tục cung cấp những kích thích tạm thời làm sẵn.

Tranh vẽ đạo diễn hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki (giữa, mang kính) cùng những
nhân vật mà ông đã sáng tạo cho cả thảy 11 bộ phim trong suốt sự nghiệp của mình

Nhưng những câu chuyện trẻ em xuất sắc nhất – sách của Sendak, phim của Miyazaki phim – sâu sắc hơn. Họ không chỉ tạo ra một phim giải trí. Họ tạo ra thứ gì đó hoang dã hơn: một không gian không bị chế ngự nơi trẻ em có thể lang thang; nơi trẻ em có thể biến mất và tìm thấy bản thân mình, nơi trẻ em có thể được bối rối và ngạc nhiên, nơi trẻ em có thể vạch ra hướng đi của riêng mình, nơi trẻ em có thể nán lại trên những tảng đá đang va chạm vào nhau sau khi động đất.

Miyazaki đã thể hiện ý này theo cách tốt nhất. "Tôi không tin rằng người lớn nên áp đặt tầm nhìn của họ về thế giới lên trẻ em," ông nói vài năm trước. "Trẻ em rất có khả năng trong việc hình thành tầm nhìn riêng của chúng." Nếu không có ông, những tầm nhìn này sẽ không còn nhiều nơi để thành hình.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi