Tin tức

The Six: 5 năm làm phim tài liệu về sáu hành khách Trung Quốc sống sót của Titanic

29/04/2021

Hơn một thế kỷ sau khi RMS Titanic, con tàu lớn nhất thế giới, chìm xuống Đại Tây Dương năm 1912, một bộ phim tài liệu mới, với James Cameron là điều hành sản xuất, tiết lộ một câu chuyện ít được biết đến về những người Trung Quốc trên con tàu.

Tám hành khách Trung Quốc đi trên con tàu của Anh bằng một vé duy nhất ở hạng ba, thông lệ phổ biến đối với khoang rẻ nhất hồi đó. Sáu người trong số họ sống sót sau vụ chìm tàu ​​bi thảm.

The Six: The Untold Story of RMS Titanic's Chinese Passengers / Câu chuyện chưa kể về hành khách Trung Quốc trên tàu Titanic, bộ phim tài liệu mới tập trung vào những người Trung Quốc sống sót trên con tàu bất hạnh một thế kỷ trước

Một trong những thảm họa chết chóc nhất lịch sử hàng hải, tàu Titanic đã va chạm với một tảng băng trôi trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton ở Anh đến New York, giết chết khoảng 1.500 trong số hơn 2.220 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu.

Fang Lang, một người đàn ông Trung Quốc, một trong những người sống sót cuối cùng được cứu bằng thuyền cứu sinh của con tàu, đã truyền cảm hứng cho Cameron để tạo ra cảnh biểu tượng cho bộ phim bom tấn Titanic của ông, trong đó Leonardo DiCaprio, đóng vai Jack, nhường cơ hội sống sót cho Rose của Kate Winslet bằng cách đẩy người yêu lên một cánh cửa nổi.

Điều này được kể lại trong bộ phim tài liệu The Six: The Untold Story of RMS Titanic’s Chinese Passengers, ra mắt tại Trung Quốc hôm 16/4/2021.

Arthur Jones, đạo diễn của bộ phim tài liệu, cho biết anh đã nghe câu chuyện về những người Trung Quốc sống sót từ người bạn Steven Schwankert lần đầu tiên vào năm 2015. Jones, một nhà làm phim người Anh ở Thượng Hải, nói anh rất sốc khi biết rằng rất ít bạn bè Trung Quốc của anh biết câu chuyện này.

Manh mối về cuộc sống của những người sống sót này được ghép lại với nhau, cho thấy bức tranh về người nhập cư thế hệ đầu đấu tranh chống sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc

“Chúng tôi biết hai trong số tám hành khách Trung Quốc thiệt mạng, nhưng không ai nói về sáu người sống sót. Hầu hết những người sống sót từ con tàu Titanic đều có câu chuyện của họ, nhưng sáu người đó dường như đã hoàn toàn biến mất,” Jones, 47 tuổi, nói.

Người đàn ông gốc Yorkshire này sống ở Trung Quốc từ năm 1996. Anh từng làm phóng viên điện ảnh trước khi chuyển sở thích sang phim tài liệu.

The Six đánh dấu bộ phim tài liệu hợp tác thứ hai của anh với Schwankert, nhà nghiên cứu và sử gia người Mỹ sinh ở New Jersey, sau bộ phim năm 2013 của họ, The Poseidon Project, về cuộc tìm kiếm một chiếc tàu ngầm Anh bị chìm.

Schwankert, đã đến Trung Quốc vào cuối những năm 1980, cho biết: “Tôi lớn lên gần đại dương. Từ nhỏ tôi đã luôn quan tâm đến lịch sử hàng hải, các con tàu và những vụ đắm tàu.”

Phần kích thích suy nghĩ nhất của bộ phim không chỉ là những gì đã xảy ra với các hành khách Trung Quốc, mà còn là cuộc đời cay đắng của họ khi những người nhập cư thế hệ đầu đấu tranh chống sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, cũng như nỗi lo sợ họ có thể bị mất tất cả những gì họ đã phấn đấu có được

Tình cờ tìm thấy danh sách hành khách của Titanic và các manh mối khác, Schwankert nhận ra anh có thể biến sở thích cá nhân của mình thành một dự án mới, mà anh cùng với Jones đã đi đến 20 thành phố và phỏng vấn hơn 100 người trong vòng năm năm, cũng như đọc 1.000 tài liệu lưu trữ.

Bằng cách nghiên cứu các sự kiện xung quanh vụ chìm tàu, đoàn làm phim tài liệu đã tái hiện một số khoảnh giải hộ cứu và ghép câu chuyện về sáu người sống sót: Fang, Lee Bing, Chang Chip, Ah Lam, Chung Foo và Ling Hee.

Không giống như hầu hết những người sống sót khác được đưa đến bệnh viện hoặc khách sạn ở Hoa Kỳ, sáu người Trung Quốc sống sót đã bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ vì Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc, được lập ra để hạn chế người Trung Quốc nhập cư vào thời điểm đó.

Họ được một công ty chuyên chở hàng cập cảng ở New York thuê họ và đưa tới Cuba.

Một cảnh trong phim cho thấy một trong những nhà sáng tạo chính, Steven Schwankert, một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, đến thăm khu vực Titanic của Nghĩa trang Fairview Lawn ở Halifax, Nova Scotia, Canada

Xem xét tỷ lệ sống sót trung bình của các hành khách nam ở khoang hạng ba là dưới 20%, Schwankert nói ông tin rằng tỷ lệ sống sót 75% của số khách Trung Quốc là do họ đã có kinh nghiệm đi biển.

“Họ hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra trên con tàu. Là thủy thủ, họ sẽ biết việc tốt nhất nên làm là sớm đến được thuyền cứu sinh. Chúng tôi nghĩ rằng họ đã lên boong tàu và nắm lấy cơ hội của mình khi thuyền cứu sinh đã gần hết,” Jones nói.

Với các thử nghiệm bao gồm dựng một chiếc thuyền cứu sinh kích thước đầy đủ và sử dụng phần mềm 3D để mô phỏng lối thoát hiểm, bộ phim tài liệu đã xua tan tin đồn rằng những người Trung Quốc sống sót đã mặc váy đóng giả phụ nữ để được lên thuyền cứu sinh.

Jones nói: “Tất cả những tin đồn đó đều rất không công bằng. Một điều chúng ta nên nhớ về tàu Titanic là tất cả các thuyền cứu sinh đều còn chỗ. Một số thuyền cứu sinh từ tàu Titanic thậm chí còn chưa đầy một nửa. Cố gắng sống sót là sai sao?”

Đội ngũ sản xuất bộ phim tài liệu này đã đi đến 20 thành phố và phỏng vấn hơn 100 người trong vòng năm năm. Ảnh: Steven Schwankert (trái), một học giả về lịch sử hàng hải, phỏng vấn hậu duệ của một người sống sót

Phần kích thích suy nghĩ nhất của bộ phim không chỉ là những gì đã xảy ra với các hành khách Trung Quốc, mà còn là cuộc đời cay đắng của họ khi những người nhập cư thế hệ đầu đấu tranh chống sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, cũng như nỗi lo sợ họ có thể bị mất tất cả những gì họ đã phấn đấu có được.

“Không ai từng tuyên bố về họ. Không ai từng nói về họ. ... Có một vết thương tâm lý sâu sắc mà thế hệ này phải chịu đựng, đó không chỉ là ‘tôi có thể sống sót không?’ hay tiền bạc. Có một thứ khác nằm trong tâm trí họ,” Jones nói và thêm rằng nhiều lao động nhập cư Trung Quốc đã không kết hôn, và gia đình của họ cắt đứt với họ.

Người sống sót nổi bật nhất trong bộ phim tài liệu này là Fang, đã không kể câu chuyện sống sót của mình với gia đình mà sau đó ông sống ở Mỹ.

Đội ngũ sản xuất đã tìm thấy những hồ sơ hạn chế về cuộc sống của sáu người sống sót sau thảm họa ngoài việc họ di chuyển đến các quốc gia khác nhau.

“Chúng tôi muốn biết làm sao Cameron biết về câu chuyện này. Tại sao ông quay cảnh đó? Tại sao ông lại xóa nó? Chúng tôi có rất nhiều câu hỏi,” Jones, đã bay đến gặp Cameron ở New Zealand cùng với Schwankert, nói

Năm 2019, khi bộ phim tài liệu này đang trong giai đoạn hậu kỳ, Jones và Schwankert xem cảnh trong phim Titanic của đạo diễn Cameron kể về một thanh niên Trung Quốc trôi nổi với một mảnh gỗ. Cảnh quay nằm trong số hơn 20 cảnh bị cắt khỏi phiên bản chiếu rạp, nhưng được giữ lại trong bản phát hành DVD. Nhận ra rằng nhân vật này có thể là nguyên mẫu của Fang trong dự án của họ, Jones đã liên hệ với luật sư của Cameron, và rất ngạc nhiên khi biết rằng Cameron đã nghe về bộ phim tài liệu của họ và sẵn sàng chấp nhận cho họ phỏng vấn.

“Cameron hết sức giúp đỡ. Ông biết rất nhiều về con tàu Titanic. Ông nói với chúng tôi rằng câu chuyện về Fang Lang đã có ảnh hưởng lớn đến bộ phim của ông. Ông ấy có rất nhiều ý kiến về sự phân biệt đối xử với người Trung Quốc và vấn đề phân biệt chủng tộc,” Jones nói, đồng thời thêm rằng Cameron đã cắt cảnh này vì giống như một cảnh lặp lại không cần thiết với Rose và Jack, ảnh hưởng đến nhịp độ kể chuyện.

Cameron đã cung cấp miễn phí các cảnh quay từ bộ phim của mình cho bộ đôi và trở thành nhà điều hành sản xuất của bộ phim tài liệu kể lại câu chuyện của con tàu từ góc nhìn của người Trung Quốc.

Các nhà làm phim tại buổi chiếu ra mắt

Jones nói: “Mọi thế hệ sau vụ đắm tàu Titanic đều sử dụng con tàu như một cách để nói về xã hội,” đồng thời cho biết thêm thảm họa đã làm nảy sinh các vấn đề như phân biệt giai cấp.

Bộ phim tài liệu của họ muốn thể hiện “các vấn đề dân tộc và quốc gia và điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của con người ra sao.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily