Tin tức

Thiếu niên phái 2 thành công với đề tài giới trẻ Trung Quốc mới bước vào đời

16/09/2022

Trưởng thành là một trải nghiệm cuộc sống buồn vui lẫn lộn, đặc biệt đối với những người sắp tốt nghiệp đại học.

Có rất nhiều câu hỏi lớn, chẳng hạn như có nên học lên cao hơn hay tìm một công việc tử tế? Làm thế nào đối phó với thất bại tiềm ẩn sau khi khởi nghiệp?

Lâm Diệu Diệu (Triệu Kim Mạch)

Phim bộ truyền hình Growing Pain 2 cố gắng đưa ra một số câu trả lời bằng cách thể hiện các nhân vật cũng đang phải đối mặt những tình huống khó xử tương tự trong giai đoạn quan trọng chuyển tiếp từ đời sinh viên thành thành viên mới của xã hội.

Mùa phim đầu được phát sóng hồi tháng 6 năm 2019, tập trung vào các sự kiện xung quanh cao khảo, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, chẳng hạn như cha mẹ bỏ việc để giúp con cái học hành và xung đột giữa các thế hệ.

Ba năm sau, phần tiếp theo đề cập đến các chủ đề quan trọng không kém, chẳng hạn như giáo dục gia đình, sinh viên mới tốt nghiệp mới bắt đầu đi làm, thay đổi nghề nghiệp ở tuổi trung niên và chăm sóc người già.

Được quay từ tháng 9 đến tháng 1 tại Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, Growing Pain 2 kể về hành trình tiếp tục của bốn nhân vật chính trẻ tuổi của mùa đầu tiên, Lâm Diệu Diệu (Triệu Kim Mạch đóng), Tiền Tam Nhất (Quách Tuấn Thần), Giang Thiên Hạo (Khương Quán Nam) và Đặng Tiểu Kỳ (Hàn Bái Dĩnh).

Tiền Tam Nhất (Quách Tuấn Thần)

Phim được phát sóng trên Truyền hình vệ tinh Hồ Nam và nền tảng phát video trực tuyến có liên quan Mango TV trong kỳ nghỉ hè gần đây, nhắm mục tiêu khán giả trẻ mới bước vào đời.

Đạo diễn Lý Thiếu Phi cho biết: “Ở lứa tuổi nào đi nữa con người cũng luôn rung động bởi chân-thiện-mỹ. Và đó là cách chúng tôi tiếp cận công việc viết kịch bản và sản xuất phim bộ truyền hình này.”

Anh nói rằng kịch bản được lấy cảm hứng từ những sự kiện trong đời thực và suy nghĩ của anh về các hiện tượng xã hội điển hình.

“Khi những người trẻ tuổi chắc chắn phải dấn thân đời công sở, họ có phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt? Đứng trước những bất công ở nơi làm việc, họ nên im lặng, hay dũng cảm đứng lên vì những nguyên tắc của mình?” anh hỏi.

Giang Thiên Hạo (Khương Quán Nam)

"Khi những người ở tuổi trung niên lạc lối, làm sao để họ tìm lại được bản sắc và giá trị hiện sinh của mình? Khi một người thân mắc bệnh hiểm nghèo, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng họ sống những ngày còn lại một cách hạnh phúc và chết một cách đàng hoàng?" đạo diễn tiếp tục.

Trong phim bộ truyền hình này, nhân vật Lưu Công, một kỹ sư lớn tuổi mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, chuyển đến trung tâm chăm sóc cuối đời, tinh thần sa sút. Nhân viên Vương Thắng Nam, do nữ diễn viên Diêm Ni thủ vai, phát hiện Lưu thích hội họa, nên cô khuyến khích anh cầm cọ vẽ một lần nữa, giúp anh tìm được bình yên nội tâm trong những ngày cuối đời.

Cốt truyện thực sự dựa trên một câu chuyện có thật mà các nhà biên kịch đã biết được khi họ đến thăm một trung tâm chăm sóc bệnh nhân cuối đời để nghiên cứu cho bộ phim.

Đặng Tiểu Kỳ (Hàn Bái Dĩnh)

Đạo diễn Lý vẫn còn nhớ rất rõ khi quay cảnh nhân vật Tiền Tam Nhất, mắc chứng trầm cảm, cố trầm mình xuống hồ.

Vì mặc chiếc áo gió bồng bềnh, nam diễn viên họ Quách đã phải cầm một món đồ bằng sắt để chìm xuống nước và kết cuộc là môi tím tái vì lạnh.

Trong mùa đầu tiên, nhân vật Tiền Tam Nhất là một học sinh xuất sắc và là đứa trẻ hoàn hảo. Đạo diễn cho biết cá nhân anh không thích một nhân vật “hoàn hảo”, vì theo anh điều này có thể hạn chế diễn viên phát huy hết khả năng của mình.

Thế nên, cũng như ngoài đời, nhân vật Tiền Tam Nhất thay đổi đáng kể trong phần tiếp theo. Người xem được thấy quá trình trưởng thành khi Tam Nhất cố gắng trở nên tốt hơn và tìm thấy tình yêu.

Nhân vật Tiền Tam Nhất thay đổi đáng kể trong phần tiếp theo. Người xem được thấy quá trình trưởng thành khi Tam Nhất cố gắng trở nên tốt hơn và tìm thấy tình yêu

“Con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn thường đầy chông gai và cỏ dại. Câu hỏi đặt ra là khi tuổi trẻ gặp khó khăn, họ nên vượt qua điều đó như thế nào để có một tương lai tốt đẹp hơn? Đó là điều chúng tôi muốn thể hiện,” Nhậm Song Hữu, giám đốc sản xuất của bộ phim, nói.

Yang Chenghu, phó giám đốc Trường Nghệ thuật và Truyền thông, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói rằng đó là những câu chuyện sống động về sinh viên Trung Quốc hậu tốt nghiệp muốn thực hiện ước mơ của mình, nhưng đòi hỏi phải có sự kiên trì và phải thích nghi với môi trường mới.

Ông nói trong mùa hai, bộ phim truyền hình đã mở rộng chủ đề từ chủ yếu là tương tác gia đình đến cuộc sống trong khu học xá và xã hội, và cách người ta cân bằng ước mơ của mình với thực tế sau khi tốt nghiệp. Các bậc cha mẹ trong phim này cũng phải đối mặt với những thách thức nghề nghiệp riêng của họ và phải thích nghi với tình hình mới.

“Khi những người trẻ tuổi chắc chắn phải dấn thân đời công sở, họ có phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt? Đứng trước những bất công ở nơi làm việc, họ nên im lặng, hay dũng cảm đứng lên vì những nguyên tắc của mình?” là những câu hỏi đạo diễn Lý Thiếu Phi đặt ra khi xây dựng kịch bản

Đội ngũ sản xuất đã lựa chọn các ngành nghề khác nhau tùy theo đặc điểm và bối cảnh của bốn vai diễn, giám chế Nhậm nói. Ví dụ, Lâm Diệu Diệu yêu môn văn học hồi đi học nên cô đã tìm được một công việc trong lĩnh vực truyền thông và Giang Thiên Hạo trở thành một doanh nhân trẻ bắt đầu kinh doanh và trải qua đủ thứ thất bại.

Phần tiếp theo cũng cố gắng lột xác các nhân vật khác, và thông qua Lâm Diệu Diệu, kể câu chuyện của nhiều người bình thường dễ bị bỏ qua trong cuộc sống hằng ngày, gồm cả nhân viên giao hàng và nhân viên vệ sinh đô thị.

Giám chế Nhậm nói đội ngũ sản xuất đã cân nhắc rất kỹ cách gắn bộ phim với các vấn đề xã hội và phản ánh cuộc sống thực.

Bên cạnh những nhân vật chính trẻ tuổi, những người trung niên cũng không bị bỏ qua trong phần tiếp theo. Mẹ của Diệu Diệu trải qua cảnh bị kỳ thị tuổi tác ở nơi làm việc và nhu cầu chăm sóc gia đình, còn sếp của Diệu Diệu thì bị chồng bạo hành.

Mẹ của Diệu Diệu trải qua cảnh bị kỳ thị tuổi tác ở nơi làm việc

Giám chế Nhậm nói về cách cân bằng những câu chuyện của thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi hơn, giao tiếp giữa các thế hệ và sự phát triển hai chiều luôn là trọng tâm của bộ phim.

“Những người trẻ tuổi ra trường và bước vào xã hội với những thách thức mới phải đối mặt, trong khi những người trung niên phải đối mặt với áp lực và trách nhiệm lớn hơn. Mặc dù họ chật vật nỗ lực theo những cách khác nhau, nhưng họ giúp đỡ lẫn nhau,” giám chế Nhậm lưu ý.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China DailyGlobal Times