Điện ảnh Hồng Kông là câu chuyện thần kỳ với khắp thế giới, nổi tiếng vì
sự miêu tả thế giới găng-xtơ, tâm lý đời sống đô thị sạn sỏi, những câu
chuyện về định mệnh và báo thù, pha chút võ thuật và hài hước.
Nhưng muốn thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hay nhất của Hồng Kông
đang trở nên khó khăn hơn ở đặc khu này, thị trường địa ốc tại đây đã
chứng kiến số lượng rạp chiếu giảm hơn 60% trong chưa đầy hai thập kỷ,
thúc đẩy một số nhân vật hàng đầu của ngành giải trí bày tỏ mối quan
ngại rằng lĩnh vực kinh doanh trình chiếu ở Hồng Kông chịu tác động bởi
sự khủng hoảng trong một nền kinh tế ngày càng dựa vào du lịch từ Đại
lục.
Cuối tháng giêng vừa qua, chứng kiến sự đóng cửa của cụm
phức hợp giải trí UA Cinema, một trong những cụm rạp lớn của Hồng Kông,
tọa lạc trong khu thương mại tại Quảng trường Thời Đại, Vịnh Đồng La
Loan, một quận thường xuyên xuất hiện trên danh sách "những địa bàn đắt
đỏ nhất thế giới".
"Là một lĩnh vực kinh doanh, chúng tôi đang tự
kiểm (lại chính mình)," Albert Lee, CEO của Emperor Motion Pictures,
nói. "Hồi đầu những năm 1990, chúng tôi có 140.000 chỗ ngồi, giờ đây chỉ
còn hơn 40.000. Tất cả chuyện này có hiệu ứng lan tỏa."
Số liệu
thống kê cũng không khá. Năm 1993, có 119 rạp, với 188 màn hình và tổng
cộng 121.885 chỗ ngồi. Đến 2003, còn 57 rạp với 188 màn hình và 52.440
chỗ ngồi. Rồi đến tháng 7/2011, còn 47 rạp với 204 màn hình và 39.674
chỗ ngồi.
Từ 1993 đến 2011, số rạp hát giảm 60%, và số chỗ ngồi giảm 67,4%. chỉ có số màn hình tăng 8,5% trong giai đoạn này.
"Kinh
doanh trình chiếu là một vấn đề ở Hồng Kông lúc này," Lee nói. "Cụm
phức hợp giải trí UA ở Quảng trường Thời Đại đã đóng cửa, có lẽ vì vấn
đề địa ốc. Vịnh Đồng La Loan là một khu vực lớn, nhưng hiện giờ có chưa
đến 1.000 chỗ ngồi xem phim ở đây."
UA đã hiện diện ở Quảng
trường Thời Đại 18 năm, và đã hình thành được một lượng khách hàng trung
thành: những người đi mua sắm đã thắp nến ở rạp hát để thay lời vĩnh
biệt.
Cụm rạp UA đóng cửa với một lời cám ơn khán giả
Cụm rạp hát này là một trong những cụm rạp chiếu bóng danh giá nhất đặc
khu, và có tin là nhà vận hành cụm rạp, Lark Intl., bị một thương hiệu
xa xỉ đánh bật ra khỏi đó; những thương hiệu như thế đang phất lên ở
Hồng Kông vì cơn lũ du khách từ Đại lục tràn qua, những người không mấy
mặn à với việc xem một bộ phim bằng mua sắm hàng xa xỉ.
Mặc dù
cụm rạp đang nói trong bài này có thể sẽ mở cửa lại ở một nơi nào khác,
không chừng là ở tầng cao hơn của khu thương mại Quảng trường Thời Đại,
rõ ràng là các rạp hát khó lòng cạnh tranh nổi.
Trong quá khứ, du
khách đói phim từ Đại lục có thể xem phim nhưng mấy năm gần đây, số
lượng điểm chiếu phim ở Trung Quốc đã bùng nổ. Lee lưu ý rằng ở Đại lục,
các công ty kinh doanh địa ốc như Wanda đang xây dững những trung tâm
thương mại có cả rạp chiếu phim vì các rạp thu hút khách hàng vào mua
sắm.
Sự mở rộng ồ ạt số rạp chiếu được nền điện ảnh đang nở rộ
tiếp sức, vì tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh đưa khoản xem phim vào lựa
chọn đời sống của họ.
Năm ngoái, ở Trung Quốc mỗi ngày có thêm
hơn tám điểm chiếu phim. Đến cuối năm 2011, số lượng màn hình chiếu phim
ở các thành phố trong cả nước đã vượt hơn 9.200, tăng 33%, trong khi số
rạp hát tăng 29% lên 2.800 rạp.
Orange Sky Golden Harvest
Cinemas mới đây đã công bố rằng hãng này sẽ mua 200 thiết bị chiếu phim
kỹ thuật số từ GDC Technology, và số thiết bị này nhằm phục vụ cho các
cụm rạp rạp của hãng ở Đại lục.
Imax đặc biệt hưởng lợi từ sự
bùng nổ này. Lĩnh vực kinh doanh trình chiếu trên màn hình cực lớn đã có
74 màn hình ở Trung Quốc, với 217 rạp đã mở cửa hoặc sẽ mở cửa vào năm
2015.
"Chúng ta đang chứng kiến sự nâng cấp trải nghiệm xem phim
của người Trung Quốc, và các chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh trải nghiệm Imax,"
Imax CEO Richard Gelfond nói với
Variety hồi tháng 2.
Kinh
doanh trình chiếu sôi sục ở Đại lục từng có lợi cho Hồng Kông, vì nhiều
phim được làm bằng tiền đầu tư hoặc chuyên gia của Hồng Kông. Hơn nữa,
Đại lục chào hàng một lượng khán giả lớn hơn theo hàm mũ.
"Từ quan điểm làm ăn thì, không có lý do gì để không nhắm đến Trung Quốc," Lee nói.
Thế
nhưng, người mê xem phim Hồng Kông không hề hay biết trước về số lượng
rạp chiếu đang teo tóp lại. Hồi đầu thập niên 1970, nhà cầm quyên Anh,
cai trị Hồng Kông đến năm 1997, xem số ghế ngồi trong rạp hát là "dịch
vụ giải trí quan trọng" như hồ bơi và thư viện. Có hạn ngạch một ghế xem
phim trên 82 hoặc 83 người.
"Nhiều khu vực không hề có rạp chiếu
phim. Chuyện này thật đáng lo ngại," Nansun Shi, giám đốc điều hành của
Film Workshop và được xem là một nhân vật chủ chốt trong ngành giải trí
Hồng Kông. "Nếu Hồng Kông tự hào có những ngành sáng tạo, thì điện ảnh
chính là cỗ máy thúc đầy những ngành then chốt của Hồng Kông đi tới,
chúng ta phải giải quyết vấn đề rạp hát biến mất."
Rạp Imax đầu tiên tại sân bay sẽ có mặt tại Sân bay quốc tế Hồng Kông -
thêm một nỗ lực biến hành khách thành khán giả xem phim
Thành công mới nhất của Film Workshop là bộ phim Long Môn phi giáp, phim
3D đầu tiên của Từ Khắc, đã kiếm hơn 80 triệu đôla ở Đại lục, trong đó
có 10 triệu đôla doanh thu Imax.
Nhưng không phải chỉ là con số -- đây là dấu hiệu một sự thay đổi ở Hồng Kông.
Đạo
diễn kiêm diễn viên Tằng Quốc Tường nói rằng rất nhiều người tiếc nhớ
những rạp hát xưa với màn ảnh rộng có thể phục vụ một lượng khán giả
đông đảo.
"Những rạp hát đó là ký ức chung của người mê phim ở
Hồng Kông, với những người bán hàng ăn rong đủ loại ngoài cửa rạp," ông
nói.
"Đi xe phim hồi đó là cả một sự kiện lớn; còn bây giờ, thật
buồn mà nói, chỉ là một trong nhiều loại hình giải trí mà người ta có
thể chọn để giết thời gian."
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi