Tin tức

Thu tóm AMC: Trung Quốc bành trướng văn hóa qua điện ảnh

01/08/2012

Tập đoàn bất động sản Trung Quốc đồng thời là nhà phân phối phim lớn nhất châu Á, Đại Liên Wanda Group, đã thu tóm cụm rạp chiếu phim Mỹ AMC, nhà phân phối phim lớn thứ hai thế giới với giá 2,6 tỉ đôla. Tuy nhiên những người trong ngành vẫn băn khoăn về tác động của thương vụ này đối với ngành làm phim và phân phối phim Trung Quốc.

Ngoài giá thâu tóm 2,6 tỉ đôla, Wanda sẽ chi 500 triệu USD để điều hành AMC và giải quyết nợ nần. Là thương vụ thâu tóm và sáp nhập lớn nhất trong ngành văn hóa Trung Quốc, Wanda hy vọng, bên cạnh các rạp chiếu phim, sẽ đạt được sức ảnh hưởng với tư cách là một doanh nghiệp văn hóa kiêm nhà sản xuất lớn.

Theo Vương Kiện Lâm, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Wanda, công ty này sẽ giảm doanh thu trong lĩnh vực bất động sản xuống dưới 50% vào năm 2020, khiến cho văn hóa và du lịch trở thành hai nguồn thu chính của họ.

Kinh nghiệm của AMC

Được hình thành vào năm 1920 tại thành phố Kansas, Mỹ, AMC nức tiếng về dịch vụ và thiết kế rạp chiếu phim chất lượng cao.

“AMC có một hệ thống dịch vụ và quản lý khách hàng hoàn hảo,” nhà phê bình phim La Kiệt nói. Họ cũng luôn đổi mới. Ghế ngồi kiểu sân vận động, cùng với ghế tình nhân và xếp chỗ cho người tàn tật, cụm rạp AMC là nơi đầu tiên thực hiện điều này.

Trong 90 năm lịch sử của mình, AMC trải qua bốn lần thâu tóm và sáp nhập. Wanda, người mua mới nhất, sẽ được lợi từ kinh nghiệm quản lý rạp chiếu phim tiên tiến của AMC, ông La nói.

La Kiệt chia sẻ kinh nghiệm của ông khi xem phim tại cụm rạp AMC ở Mỹ, nơi chuẩn mực về đỗ xe, chọn thức ăn và ghế ngồi điều chỉnh được. Trong khi những điều này vẫn còn hiếm ở Trung Quốc, với việc Wanda thu tóm AMC, sự xuất hiện những tiện nghi này chỉ là vấn đề thời gian.

Ghế đôi tại rạp phim AMC ở Kansas

“AMC giàu kinh nghiệm phân phối phim, và Wanda sẽ được lợi từ đó,” nhà phê bình phim Tất Thành Công nói. Nhìn chung, thị trường phim Mỹ phát triển hơn nhiều, ông Tất nói.

Hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của AMC bao quát toàn bộ chuỗi: làm phim, phân phối và phát hành phim. Hai mảng sau dễ được biết đến hơn, vì đó là định hướng kỹ năng chủ yếu của họ, ông nói.

Ngành điện ảnh nội địa

Mặc dù Wanda đã tham gia lĩnh vực phân phối phim, công ty này có tham vọng thâu tóm toàn bộ chuỗi quản lý trong ngành điện ảnh, theo lời Thu Nguyên, một nhà bình luận phim.

Một tuần trước thương vụ của Wanda, công ty News Corporation của Murdoch đã mua 20% cổ phần của công ty tư nhân Trung Quốc, Bona Film Group.

“Trong thị trường ngày nay, ngành điện ảnh và vốn kết hợp khăng khít với nhau, việc các nhà phân phối phim mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình khi có thể là chuyện bình thường,” Thu Nguyên nói.

Mặc dù hai thương vụ này tưởng chừng có mục tiêu khác nhau, cả hai đều cố gắng mở rộng ảnh hưởng của họ trong toàn bộ ngành điện ảnh, bắt đầu từ việc giành quyền kiểm soát quản lý chuỗi lĩnh vực.

Tuy nhiên trong khi vụ thu tóm mở ra cơ hội cho Wanda bao quát những lĩnh vực chính trong ngành điện ảnh, những người trong ngành điện ảnh Trung Quốc hoài nghi về tác động sau này tới ngành làm phim Trung Quốc. Nhà phê bình phim Tất Thành Công dự đoán vụ thu tóm này sẽ mang đến ít lợi ích đáng chú ý cho ngành làm phim Trung Quốc trong tương lai gần.

Sony, là ví dụ, mua Columbia Film Company vào năm 1989 nhưng cho tới nay chưa quay bộ phim Nhật nào. Dù là AMC hay Columbia, người mua cũng chưa chắc phát hành phim nội địa ở nước ngoài, ông nói.

Về việc liệu vụ thu tóm có đưa nhiều phim Trung Quốc đến AMC hay không, Vương Kiện Lâm phát biểu công khai rằng Wanda và AMC chưa bao giờ bàn tới vấn đề này trong hợp đồng của họ.

Việc phim Trung Quốc có thành công ở thị trường nước ngoài hay không không phải là trách nhiệm của riêng các nhà phân phối phim. Chất lượng phim rất quan trọng, theo lời ông Vương, và nếu các nhà sản xuất phim Trung Quốc có thể thực hiện những phim như Avatar thì những bộ phim đó đã thâm nhập thị trường quốc tế từ lâu rồi.

Avatar, bộ phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc

Trong khi đa số người trong ngành điện ảnh lưỡng lự về ảnh hưởng của thương vụ này đối với việc làm phim, có vẻ đây sẽ là sự cổ vũ về mặt tâm lý cho các nhà làm phim Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặt tích cực với các nhà làm phim nội địa là thương vụ này sẽ tạo điều kiện hợp tác làm phim giữa Trung Quốc và nước ngoài. Ông Tất nói nhờ vụ thu tóm, Wanda sẽ thực tế và chuyên nghiệp hơn khi hợp tác với các nhà làm phim Mỹ.

“Tôi hy vọng họ có thể thiết lập cơ chế hiệu quả cho phim hợp tác sản xuất Mỹ - Trung Quốc trong tương lai gần,” ông Tất nói.

Giấy phép phát hành phim

Hồi tháng 2, chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách về phim nước ngoài qua việc tăng hạn ngạch hàng năm từ 14 lên 34 cho các phim bom tấn nước ngoài. Hiện nay, chỉ có hai công ty nhà nước có đủ tư cách phát hành phim nước ngoài, đó là công ty phát hành phim Hoa Hạ và tập đoàn điện ảnh Trung Quốc.

Hai công ty này có giấy phép phát hành phim nước ngoài do Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Trung Quốc cấp. Tuy nhiên, theo thỏa thuận mà Trung Quốc và Mỹ đạt được đầu năm nay, giấy phép phát hành phim nước ngoài không chỉ được cấp cho các công ty nhà nước mà còn được cấp cho các công ty điện ảnh tư nhân.

Dù là Wanda hay News Corporation, các thương vụ sáp nhập của họ phần nào nhắm đến nỗ lực đạt giấy phép phát hành phim nước ngoài thứ ba, Thu Nguyên nói. Chủ tịch Vương của Wanda không phủ nhận tham vọng của họ về mặt này.

“Tôi là thương nhân và bất kỳ hoạt động nào của công ty chúng tôi đều vì lợi ích thương mại,” ông nói. “Hiện giờ chỉ có hai giấy phép phát hành phim nước ngoài do hai công ty nhà nước sở hữu. Các công ty điện ảnh tư nhân cũng nên có giấy phép này. Chúng tôi đã đệ đơn, còn việc chúng tôi có được cấp giấy phép hay không phụ thuộc vào chính quyền,” chủ tịch Wanda nói.

Một điều chắc chắn, với việc Wanda tiến ra nước ngoài và các công ty nước ngoài gia nhập thị trường nội địa, đó là thị trường phim Trung Quốc sẽ chứng kiến một số thay đổi.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi