Tin tức

Tóm lược lịch sử làm tuyết của Hollywood

13/12/2019

Một người chạy trên con phố đầy băng tuyết để trở về với những người thân yêu. Gia đình túm tụm trong nhà tránh thời tiết buốt giá. Một ca sĩ hát nhạc Giáng sinh dũng cảm chống lại cái rét để lan tỏa hơi ấm lễ hội.

Tuyết trắng trong Holiday In (1942)

Như bất cứ ai đã xem Holiday In (1942), hay It’s a Wonderful Life (1946), hay White Christmas (1954), hay Home Alone (1990), hay The Holiday (2006) đều biết, tuyết là không thể thiếu cho một bộ phim mùa lễ. Nhưng ở Los Angeles, nơi rất nhiều bộ phim vẫn còn được làm ra, tuyết đã ngừng rơi kể từ tháng 1 năm 1962. Tạo ra những cồn tuyết như thực, những trụ băng, bông tuyết bay mù mịt và chất đống từ lâu đã đặt ra thách thức cho các nhà làm phim. Cái khó ló cái khôn.

White Christmas (1954)

Hollywood thuở ban đầu, các nghệ sĩ hiệu ứng đặc biệt tạo ra tuyết từ những vật liệu tầm thường. Bông gòn được đánh bồng lên thành thành ụ bông mịn — hiểm họa hỏa hoạn, do tính dễ cháy của chúng và sức nóng của đèn đánh sáng trong trường quay. Thuốc viên trị chứng khó tiêu được nghiền thành bột mịn và dùng những chiếc quạt lớn thổi vào để làm giả bão tuyết (các diễn viên sớm phàn nàn rằng hít bụi ảnh hưởng đến sức khỏe của họ). Bánh ngô nướng sơn trắng, trông có vẻ thuyết phục trên màn ảnh nhưng có một số nhược điểm khó chịu đối với các đạo diễn làm “phim nói”. Tiếng bánh ngô nướng lạo xạo dưới chân khiến khó nghe được lời thoại, và sẽ phải được lồng tiếng lại.

Dorothy tỉnh giấc trên cánh đồng anh túc do tuyết rơi trong phim The Wizard of Oz

Vật liệu thay thế được sử dụng trong The Wizard of Oz (1939) tạo ra hiểm họa còn nghiêm trọng hơn. Dorothy tỉnh giấc trên cánh đồng hoa anh túc do tuyết rơi — thực sự là loại amiăng trắng công nghiệp có khả năng gây ung thư cao. Được bán dưới tên thương phẩm là Pure White, amiăng trắng đã được sử dụng trong phim cho đến sau Thế chiến hai, và thường được bán như đồ trang trí Giáng sinh. Khoảng 1.000 pound (453 kg) amiăng trắng đã được sử dụng trên trường quay The Country Doctor (1936) để làm giả vùng Quebec hoang dã ở Canada.

Tuyết trong một cảnh phim It’s a Wonderful Life (1946) của đạo diễn Frank Capa

Frank Capra phản đối những phương pháp này không phải vì lo cho sức khỏe đoàn làm phim của ông, mà vì chúng tạo tiếng động quá ồn, và Capra muốn ghi thoại tại chỗ cho It’s a Wonderful Life (1946). Russell Shearman, giám sát hiệu ứng đặc biệt của bộ phim, đã đưa ra một ý tưởng mới: foamite, bọt chống cháy có trong bình chữa cháy. Ông trộn nó với nước, đường và xà phòng, và phun 6.000 gallon hỗn hợp này trước những chiếc quạt công suất cao để bao phủ trường quay. Tuyết nhân tạo trông như thật và, quan trọng là, yên tĩnh để diễn. (Năm đó Shearman đã thắng giải Oscar Thành tựu kỹ thuật cho những nỗ lực của ông.)

Hành trình hai người yêu nhau băng qua vùng bình nguyên băng giá nước Nga trong Doctor Zhivago năm 1965

Khi chuyển thể Doctor Zhivago lên màn ảnh rộng năm 1965, David Lean đã phải vạch ra hành trình đưa hai người yêu nhau trong phim băng qua vùng bình nguyên băng giá nước Nga. Ông đã không thể quay phim trên thảo nguyên thực sự được mô tả trong tiểu thuyết của Boris Pasternak, vì lúc đó cuốn sách bị cấm ở Liên Xô. Nên bộ phim chủ yếu được quay ở vùng nông thôn bên ngoài Madrid (một số cảnh được quay ở Phần Lan), kết hợp sáp ong đông lạnh và bột đá cẩm thạch mang lại ấn tượng về băng và tuyết sâu.

Quay phim tại địa điểm có tuyết thật là một lựa chọn, nhưng tốn kém và khó dự đoán. Cảnh mở đầu phim The Gold Rush của Charlie Chaplin (1925) là một cảnh quay ngoạn mục dãy Sierra Nevada ở California (thay cho Đèo Chilkoot ở Alaska), nhưng điều kiện băng giá không có lợi cho phim hài. Chaplin sớm rút lui về chốn thoải mái ở trường quay, phong cảnh tuyết được làm bằng bột mì và muối.

Charlie Chaplin trên trường quay The Gold Rush (1925) với phong cảnh tuyết được làm bằng bột mì và muối

Sau đó, phong cách tỉ mỉ nổi tiếng của Stanley Kubrick đã ngăn ông làm việc với những thứ thực sự: chưa kịp quay xong hoàn hảo cảnh đầu tiên thì tuyết thật đã tan chảy mất rồi. Nỗi kinh hoàng ớn lạnh của The Shining (1980) được tái tạo trong một phim trường ở Anh bằng cách sử dụng xốp và muối. Gần đây hơn, Alejandro Iñárritu đã tìm cách quay bộ phim The Revenant (2015) dưới ánh sáng tự nhiên ở điểm quay. Ông đã hy vọng quay hoàn toàn ở Canada, nhưng thời tiết ở đó ấm áp trái mùa và việc sản xuất phải chuyển đến Argentina để quay những cảnh cuối cùng.

The Revenant (2015): Alejandro Iñárritu đã tìm cách quay bộ phim dưới ánh sáng tự nhiên ở điểm quay

Ngày nay, giấy tái chế (được biết đến với tên gọi Snowcel - tuyết giả) làm được việc. Sản phẩm này đã được sử dụng trong các bộ phim như The Day After Tomorrow (2004) và Gladiator (2000); nhược điểm duy nhất của vật liệu là khuynh hướng bất chấp trọng lực và bốc ngược lên trên. Càng ngày, hình ảnh do máy vi tính tạo ra (CGI), hoặc hiệu ứng thị giác, bổ sung hoặc thay thế các vật liệu này, ngay cả trong các phim người đóng (live-action). Mặc dù tuyết, giống như lửa và lông thú, rất khó để làm cho đúng, nhưng các kỹ thuật mới đã được phát triển cho Frozen năm 2013. Các nhà hoạt hình đã sử dụng “Phương pháp Điểm Vật liệu” (Material Point Method), sử dụng thuật toán để theo dõi và tái tạo các đặc tính của bông tuyết, thậm chí mô phỏng các loại bông tuyết khác nhau.

Các kỹ thuật mới đã được phát triển cho Frozen năm 2013 tạo nên những cảnh tuyết lộng lẫy

Ai cần mơ về một Giáng sinh trắng khi bạn có thể hô biến ra nó bằng bàn phím chứ?

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Economist