Tin tức

Tiến thoái lưỡng nan với 3D

28/01/2011

Kể từ khi bom tấn 3D Avatar (2009) thu về 182 triệu USD tại các phòng vé Trung Quốc, 3D đã trở thành đề tài nóng hổi trong ngành điện ảnh bản xứ.

Một diễn đàn về 3D đã thu hút giới đạo diễn bản địa cùng các nhà làm phim nước ngoài, họ thảo luận về trào lưu mới nhất của dòng phim này.

Là một phần của Triển lãm Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo Quốc tế Bắc Kinh Trung Quốc lần thứ 5, diễn đàn đề ra câu hỏi liệu 3D là một cơ hội hay là ngõ cụt của ngành phim ảnh Trung Quốc, với mục tiêu tìm ra lý do vì sao phim 3D trong nước lại tụt lại phía sau Hollywood và làm thế nào để bắt kịp họ.

“Ở Mỹ, bao giờ cũng có ít nhất ba hoặc năm phim 3D được chiếu ở các rạp. Trò chơi 3D, chương trình thể thao 3D, đại nhạc hội 3D và nhiều dạng khác, tất cả đều cực kỳ nổi tiếng ở nước ngoài,” theo lời ông Bạch Cường, nhà sáng lập và là CEO của diễn đàn nghiệp đoàn 3D Trung Quốc.

“Chúng ta không thấy nhiều phản ứng ở Trung Quốc, vì nhiều người tin rằng 3D không phù hợp với Trung Quốc - Trung Quốc phải làm cho thật an toàn, thật thực tế bằng những phương cách cũ. Đúng là không phải mọi thứ đều phải ở dạng 3D, nhưng không ai có thể ngăn 3D phát triển,” ông Bạch giải thích. “Ngay cả Dream Works cũng nói rằng 3D không thể được thực hiện bởi một hay hai công ty. Trung Quốc có thể làm tốt 3D nếu chúng ta nhận ra những lợi ích nó mang lại cho tất cả chúng ta.”

Việc Trung Quốc thiếu người có kinh nghiệm và công nghệ 3D mới nhất cũng được thảo luận tại diễn đàn, đưa ra những quan điểm khác nhau. Lục Xuyên, 39 tuổi, đạo diễn của các phim Thảm sát ở Nam Kinh (Nanking! Nanking! – 2009) và Kekexili (Khả khả tây lý - 2004) nói ông tin Trung Quốc không lạc hậu về công nghệ nhưng lại thiếu chuyên gia, sự kiên nhẫn và thái độ đúng đắn.

Nêu bật kinh nghiệm gần đây của ông khi thực hiện một bộ phim quảng bá cho quốc gia tại World Expo 2010 ở Thượng Hải như một ví dụ, Lục Xuyên cho biết trong phim có phần hoạt hình 3D và dù các nhà làm phim trong nước rất hiểu công nghệ 3D nhưng kết quả cuối cùng lại có cảm giác thiêu thiếu so với mong đợi của ông.

Ông giải thích, “James Cameron mất 12 năm thí nghiệm nhiều cách, thậm chí những người làm trong bộ phận mỹ thuật của Avatar cũng mất nửa năm đi du lịch quanh thế giới để chụp ảnh làm tư liệu. Cái chúng ta làm ra ở Trung Quốc hiện nay hầu như là một sản phẩm đáng ngạc nhiên xuất phát từ con số không trong thời gian ngắn nhất. Làm như vậy không hiệu quả, đó là lý do chúng ta không thể có được tác phẩm như Avatar.”



Lục Xuyên nói thêm rằng bộ phim tiếp theo của ông sẽ không làm theo dạng 3D, vì cốt truyện phim không thích hợp với công nghệ 3D, ông vẫn có lòng tin vào tương lai của các nhà làm phim trẻ. “Trong khi thế hệ của chúng tôi có thể tập trung vào câu chuyện thì thế hệ trẻ trưởng thành cùng các bộ phim khoa học viễn tưởng, họ thuộc thế hệ của hình ảnh,” ông nói. “Tôi biết có một nhóm nhà làm phim trẻ ở Nam Kinh đang thực hiện bộ phim khoa học viễn tưởng 3D đầu tiên của mình, họ rất có khả năng là tương lai của phim Trung Quốc.”

Bên cạnh thảo luận về công nghệ 3D, các nhà làm phim quốc tế cũng bày tỏ quan điểm về ngành phim ảnh Trung Quốc. Greg Basser, CEO của tập đoàn giải trí Village Roadshow, từng đồng sản xuất nhiều bộ phim với Warner Brothers như The Matrix (1999), Happy Feet (2006), và Legend of the Guardians: The Owls of Ga'Hoole (2010), cho biết ông rất lạc quan về các nhà làm phim Trung Quốc và điện ảnh Trung Hoa.

Theo Basser, với nhiều rạp chiếu phim được xây dựng hàng ngày và doanh thu phòng vé đang tăng trưởng, Trung Quốc là địa điểm kiên cố để thu hút các tác phẩm nước ngoài cũng như các tác phẩm đồng sản xuất.

“Ở đây có nhiều nhân tài và nhiều câu chuyện thú vị, tôi tuyệt đối tin tưởng Avatar kế tiếp sẽ được sản xuất ở Trung Quốc,” Basser nói.

Ông nói với Global Times, “Trung Quốc sẽ làm ra bộ phim mới không thấy ở đâu khác, sẽ giống như Star Wars của thập niên 1970, Matrix của thập niên 1990, Avatar của hiện nay, bộ phim mới sẽ hoàn toàn gây sửng sốt.”

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times