Tin tức

Trịnh Hiểu Long đưa Cao lương đỏ trở lại trên màn ảnh nhỏ

21/11/2013

Trước khi nhà văn Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn học vào năm ngoái, tiểu thuyết Cao lương đỏ của ông đã nổi tiếng toàn cầu, sau khi được chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1987.

Giờ đây, sau 25 năm, bộ phim sẽ được đưa trở lại màn ảnh nhỏ trong một phim truyền hình với đạo diễn Trịnh Hiểu Long. Dự tính lên sóng cuối năm 2104, bộ phim sẽ có diễn viên chính là Châu Tấn và Chu Á Văn.

Trịnh Hiểu Long

Đạo diễn Trịnh Hiểu Long chưa là một cái tên quá quen thuộc với khán giả Trung Quốc. Tuy nhiên, qua nhiều năm, các tác phẩm của ông như Chuyện ban biên tập (1991), Người Bắc Kinh ở New York (1993) và Kim khánh hôn nhân (2007), đã tạo một ấn tượng sâu sắc và mang về cho ông nhiều giải Kim Ưng.

Nỗ lực gần đây nhất của Trịnh Hiểu Long là Hậu cung: Chân Hoàn truyện (2011), được yêu thích ở Trung Quốc không kém gì The Tudors ở phương Tây.

Nhiều người trong giới báo chí gọi ông là “Đại tướng quân ngành truyền hình Trung Quốc” vì phong cách làm phim chân thật của ông.

Tiềm năng câu chuyện

Cao lương đỏ là một trong những tiểu thuyết đầu sự nghiệp của Mạc Ngôn về một gia đình nông thôn ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, diễn ra từ thập kỷ 1920 đến 1970. Đây là khoảng thời gian nhiều biến cố ở Trung Quốc, và số mệnh gia đình trong truyện có liên kết chặt chẽ với các sự kiện lịch sử.

Củng Lợi trong Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu (1987)

Với các diễn viên chính Củng Lợi và Khương Văn, Cao lương đỏ bản điện ảnh 1987 từng đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1988.

Cuốn hút bởi một câu chuyện có thể được chuyển thể thành một phim truyền hình hấp dẫn, Trịnh Hiểu Long vẫn biết ông có một con đường khó khăn trước mắt.

“Sức ép rất lớn. Tôi có nhiều đêm mất ngủ,” ông nói trong họp báo gần đây.

Không chỉ muốn làm bản truyền hình của phim điện ảnh, đạo diễn cho biết bản truyền hình sẽ “có thể một số cốt truyện và nhân vật mới, tất cả đều có ảnh hưởng quan trọng tới bộ phim. Đây là một tác phẩm có tính nhân văn cao.”

Sự kết nối với xã hội

Từ năm 1984, năm ông trở thành Phó giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền hình Bắc Kinh, Trịnh Hiểu Long đã làm cả thảy 20 phim truyền hình. Phim của ông thường có liên hệ tới những sự kiện thời sự đương thời, và giờ đây cũng như những tấm ảnh tư liệu về văn hóa Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua.

Người Bắc Kinh ở New York

Người Bắc Kinh ở New York ra mắt trong những năm có một cơn sốt người Trung Quốc di cư nước ngoài. Được quay trực tiếp ở Mỹ, bộ phim kể về những khó khăn của người Trung Quốc định cư nước ngoài, và chính bộ phim có thể có ảnh hưởng làm nguội xu hướng này.

Rồi những năm tỷ lệ ly hôn sớm ở Trung Quốc tăng cao, ông cho ra mắt Kim khánh hôn nhân, bộ phim về những cặp vợ chồng gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đấu tranh ở bên nhau, khiến xã hội phải có cái nhìn thẳng thắn hơn về vấn đề hôn nhân.

Chân Hoàn truyện là phim cổ trang đầu tiên của Trịnh Hiểu Long, và đã tạo một tiêu chuẩn mới cho thể loại phim này, trong những năm nhiều phim cổ trang khác ngày càng bị chỉ trích là xuyên tạc quá nhiều.

“Nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này,” Trịnh Hiểu Long trả lời, khi được hỏi về việc ông làm thế nào để khai thác những nỗi lo xã hội một cách hiệu quả đến thế. “Nhưng tôi không làm phim vì mục tiêu cao cả tới thế. Tôi cũng không biết tôi làm như vậy như thế nào. Khi tôi mua bản quyền Chân Hoàn truyện, uy tín của thể loại phim cổ trang đang đi xuống và các cơ quan kiểm duyệt ngày càng có nhiều hạn chế với thể loại này.”

Tôn Lệ (trái) trong vai Chân Hoàn

Tờ People’s Daily từng chỉ trích Chân Hoàn truyện là có thái độ đa nghi với cuộc sống, Trịnh Hiểu Long đáp trả là lời nhận xét như thế rõ ràng hiểu nhầm tác phẩm của ông.

“Bộ phim là một bi kịch tình yêu trong một xã hội phong kiến, qua đó nó là sự chỉ trích với một hệ thống như thế,” ông cho biết.

Đạo diễn khó tính

Lớn lên trong một doanh trại quân đội, giấc mơ đầu đời của Trịnh Hiểu Long là trở thành một người lính. Trong tiểu sử viết về ông của Phùng Tiểu Cương, đạo diễn này mô tả Trịnh Hiểu Long là một con người “văn võ song toàn”.

“Ông ấy tin mình là Nhị Lang Thần, và cảm thấy tiếc rằng bản thân sống trong thời bình, không cho phép ông được ra trận phục vụ đất nước,” Phùng Tiểu Cương viết.

Sau nhiều năm làm việc theo hệ thống, Trịnh Hiểu Long cho biết, “Tôi đã làm Phó giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền hình 10 năm rồi, và làm đạo diễn trong vòng 16 năm. Giờ lớn tuổi hơn, tôi muốn làm phim cho chính bản thân.”

Ông cho biết ông muốn làm việc trong nhiều thể loại và đè tài khác nhau, để khám phá các trải nghiệm con người khác nhau.”

Cảnh múa trên băng trong Chân Hoàn truyện

Bề ngoài tỏ ra nho nhã nhỏ nhẹ, những người làm việc với Trịnh Hiểu Long cho biết ông cũng là đạo diễn khó tính, yêu cầu tính chi tiết cao.

Trong Chân Hoàn truyện, mỗi cảnh phim đều phải giữ đúng tính lịch sử, từ bàn ghế tới lư hương, tới trang phục và trang sức, tất cả đều phải đúng với thời đại nhà Thanh.

Trong phim có một cảnh múa trên băng ngắn, nhưng Trịnh Hiểu Long đã cho đoàn làm phim nghiên cứu tìm hiểu về những trang phục được mặc trong một sự kiện như thế vào thời điểm này của nhà Thanh. Quá trình nghiên cứu tốn vài nghìn nhân dân tệ.

“Có một lần, một đoàn làm phim khác đến thăm và thích thú với phim trường chúng tôi dựng nên và muốn xin mượn, nhưng rồi họ thấy rằng nó lại không hợp với những cảnh khác trong phim của họ,” một thành viên đoàn làm phim cho biết.

Tạo giá trị và sức hút toàn cầu

Dù quan tâm nhiều đến chi tiết, Trịnh Hiểu Long cũng cho biết ý nghĩa toàn tác phẩm là điều quan trọng hơn.

Chân Hoàn truyện - bi kịch tình yêu trong một xã hội phong kiến

Nói về sức hút của phim truyền hình Mỹ ở Trung Quốc, ông nói, “Điều khán giả trẻ ở Trung Quốc thích về phim Mỹ là phim có tính nhân văn. Diễn xuất tốt chỉ là yếu tố thứ hai.”

Vì thế, ông cho rằng phim Trung Quốc chỉ có thể được chấp nhận bởi khán giả quốc tế khi cũng có tính nhân văn không kém.

“Nếu bộ phim chỉ toát lên những giá trị của đạo diễn hay Trung Quốc, thì sẽ rất khó để khán giả nước ngoài hiểu được cho bộ phim.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi