Tin tức

Stalingrad của Nga là một thành công điện ảnh vang dội

19/11/2013

Như bất cứ buổi chiếu ra mắt nào của Hollywood, tấp nập các ngôi sao màn bạc trong váy áo lộng lẫy và các đạo diễn diện com-plê bước trên thảm đỏ. Nhưng còn có những nhân vật khác nữa: dàn cận vệ của Tổng thống Vladimir V. Putin, Bộ trưởng Văn hóa, những người lính thắt cravat đen với hàng dãy huân chương trên ngực áo. Họ đến dự buổi chiếu ra mắt bộ phim Stalingrad, phim định dạng 3D Imax đầu tiên của Nga và là bộ phim thành công nhất kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã.

Áp phích tiếng Nga của Stalingrad

Câu chuyện tình trên bối cảnh điêu tàn của Trận chiến Stalingrad giữa Hồng quân Liên Xô chống phát xít Đức, trận chiến đã khiến hơn một triệu người thiệt mạng, cũng là bộ phim tham vọng nhất của Nga. Với khoảng 30 triệu đôla, gần như toàn bộ kinh phí của bộ phim do nhà nước và các công ty nhà nước cấp vốn và đầu tư. Phim cũng được quảng bá kịch liệt: các hình ảnh từ quá trình làm phim được trưng bày tại một trong những gallery hàng đầu của Nga và những rạp chiếu đã tặng vé miễn phí cho các cựu chiến binh Thế chiến II. Ngay trước khi ra rạp hồi tháng 10, ủy ban đề cử Oscar Nga đã chọn Stalingrad làm đại diện tranh giải thưởng Viện Hàn lâm năm 2014 hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Kể từ khi ra rạp vào đầu tháng 10, Stalingrad đã thu về khoảng 50 triệu đôla ở Nga và làm lu mờ thành tích doanh thu cao nhất trước đây của The Irony of Fate: Continuation, phần phim tiếp theo năm 2007 một phim hài thời Xô viết rất được yêu mến mà người Nga xem vào những dịp lễ. Đối với các nhà sản xuất, đạo diễn và quan chức của đất nước này, những người bao lâu nay than phiền về sản phẩm kém giá trị và doanh thu xanh xao vàng vọt của nền công nghiệp điện ảnh Nga, Stalingrad là câu chuyện thành công vĩ đại nhất của một nỗ lực tạo ra bộ phim “bom tấn có ý nghĩa xã hội” này.

Thuật ngữ trên, do Vladimir R. Medinsky, bộ trưởng văn hóa Nga và cũng là một sử gia nghiệp dư về Thế chiến II, nêu ra tại một bữa tiệc cocktail mừng bộ phim kinh phí lớn đậm tình yêu nước mà ngành công nghiệp điện ảnh và giới chức ở đây hy vọng sẽ thu hút khán giả của những phim Hollywood vẫn đang áp đảo ở phòng vé Nga.

Fyodor Bondarchuk, đạo diễn của bộ phim, và những người ủng hộ ông nói rằng sứ mạng của họ là nghiên cứu lại vai trò của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, như cách gọi của người Nga, theo chân truyền thống của các phim Hollywood như Saving Private Ryan đã thổi hơi thở mới vào những câu chuyện “Thế hệ vĩ đại” của nước Mỹ.

Một cảnh trong phim Stalingrad của đạo diễn Fyodor
Bondarchuk, kể câu chuyện chống phát xít Đức của Hồng quân Liên Xô

“Vì sao có những phim như thế?” Leonid L. Lebedev, ông trùm tư bản dầu khí và cũng là lãnh đạo của Code Red Productions, một công ty chế tác ở Moscow không tham gia vào bộ phim này, nói. “Sự kết hợp này, hành động và đại chúng có ý nghĩa đáng kể với nước Nga, có sức hấp dẫn đến mức sẽ nhận được sự ủng hộ tối đa của nhà nước. Và thế nên vốn sẵn thành công rồi.”

The Kino Fund, một tổ chức nhà nước của Nga mà ông Medinsky, bộ trưởng văn hóa, chỉ đạo cấp 10 triệu đôla để sản xuất “thành công phòng vé vĩ đại” này đã cấp hơn 13 triệu đôla cho các nhà làm phim, một đại diện của hãng chế tác bộ phim cho biết.

Từ năm 2010, khi quỹ này được chỉ đạo trợ cấp nhiều hơn từ nguồn kinh phí hàng năm 100 triệu đôla cho những phim có tiềm năng sinh lợi, bốn bộ phim Nga có doanh thu cao nhất đã nhận hỗ trợ từ Kino Fund. Thông thường, những phim này tập trung vào các nhân vật lịch sử nổi tiếng, như Legend No. 17 của năm nay, một phim tiểu sử sinh động về ngôi sao hockey trên băng thời Xô viết Valery Kharlamov mà Tổng thống Putin đã có buổi chiếu riêng với các thành viên của đội tuyển hockey trên băng Nga tại Sochi năm nay. Dù các câu chuyện phim khác nhau, tất cả những phim được Kino tài trợ đều tìm cách phủ lớp hào quang tích cực lên một khía cạnh nào đó của lịch sử nước Nga.

Nhưng Stalingrad đã có bước nhảy vọt khác thường từ việc không chỉ nổi tiếng ở Nga mà còn chứng tỏ được tiềm năng ở nước ngoài. Ở Trung Quốc, phim đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé với 8,65 triệu đôla tuần ra mắt, theo Tân Hoa xã, một khởi đầu tốt nhất từ trước đến nay ở đất nước này với một phim không phải của Hollywood sản xuất.

.Nữ diễn viên Maria Smolnikova (phải) vai Katya trong một cảnh phim

“Tôi có cảm gác đây là bước phát triển kế tiếp của điện ảnh Nga,” Maria Smolnikova, nữ diễn viên Nga đảm nhận vai Katya trong phim, phát biểu trong buổi chiếu ra mắt Stalingrad tại Bảo tàng nghệ thuật đa phương tiện ở trung tâm Moscow. “Về quy mô, phẩm chất và chuẩn mực, tôi nghĩ phim đạt tiêu chuẩn Mỹ, như một vài người đã nỗ lực nêu lên ở đây, thật sự có tính mạo hiểm. Đây là một nỗ lực đi theo hướng đó, để thử làm những gì điện ảnh Mỹ làm được.”

Bộ phim lấy bối cảnh trận đánh bước ngoặt trong Thế chiến II, được nhiều người xem là thời điểm quyết định cuộc chiến ở Mặt trận phía Đông và là một trong những trận đánh đẫm máu nhất lịch sử. Trong vòng sáu tháng năm 1942 và 1943, Stalin mở mũi tấn công vào thành phố mang tên ông để chặn bước tiến của quân Hitler trong một trận đấu đã trở thành “cuộc chiến tay đôi” giữa hai thủ lĩnh cầm quân, sử gia Anthony Beevor đã viết trong tác phẩm lịch sử của ông về trận này, Stalingrad: The Fateful Siege.

Stalingrad phỏng theo trận phòng thủ Ngôi nhà Pavlov, một chung cư ở Stalingrad mà trung đội Hồng quân Liên Xô do Thượng sĩ Yakov Pavlov chỉ huy đã phòng thủ kiên cường trước lực lượng phát xít Đức lớn hơn trong suốt 58 ngày. Các nhân vật chính của phim, năm chiến sĩ Hồng quân, đã dành thời gian trong tòa nhà bị vây hãm này lên kế hoạch tấn công quân Đức và chăm sóc Katya, một cô gái người Stalingrad quyết định ở lại trong căn hộ của cô thay vì bỏ trốn trước bước tiến của quân phát xít. Một sĩ quan Đức, tìm cách thoát khỏi cuộc chiến trong căn phòng ngủ rủ màn của một phụ nữ địa phương, được giao nhiệm vụ phá vỡ thế bí.

Đây không phải lần đầu trận đánh này lên màn ảnh rộng. Bản thân Bondarchuk từng đóng trong bộ phim sử thi Stalingrad năm 1989 kể lại toàn bộ chiến dịch. Năm 1993, Joseph Vilsmaier, đạo diễn người Đức, đã khắc họa trận Stalingrad qua cách nhìn của người Đức, khi những lính Đức một thời được tự hào đã hy sinh mạng sống trong thành phố bị tàn phá này. Năm 2001, Jude Law và Ed Harris trong vai hai kẻ bắn tỉa truy đuổi nhau trong những tòa nhà đổ nát trên phiên bản của Hollywood, Enemy at the Gates.

Một đại cảnh trong phim

Nhưng thị trường cho những phim và sách viết về Thế chiến II vẫn chưa được thỏa mãn ở Nga, nơi mà cuộc chiến này được tôn sùng theo những cách khó hiểu với những ai không từng trải qua thời Xô viết.

Ngày Chiến thắng, ngày 9 tháng 5 hàng năm kỷ niệm việc đánh bại phát xít Đức, vẫn là một trong những ngày lễ lớn ở Nga. Thiếu nhi tặng hoa cho cho các cựu chiến binh mặc quân phục. Xe tăng diễu hành rầm rập trên Phố Tverskaya. Sticker dán trên kính xe nói “Cám ơn các bậc cha ông đã đem lại chiến thắng này!” Có những sticker khác nói: “Tiến về Berlin!”

Trong quá trình làm phim Stalingrad, Bondarchuk nói rằng xuất phẩm ngoại cỡ này, nhất là đòi hỏi quay 3D của ông, là một nỗ lực để nắm bắt điều mà ông gọi là skaz, một điều gì đó vừa huyền thoại vừa hiện thực về Stalingrad.

“Nếu phim này được làm ở châu Âu, bạn có thể gọi là Trường thiên Stalingrad, Bondarchuk nói trong một cuộc phỏng vấn tại Bảo tàng nghệ thuật đa phương tiện. “Trên trường quay chúng tôi gọi đây là bi kịch của lịch sử.”

Khi Stalingrad đã thể hiện rõ là một bộ phim thành công vang dội, các nhà sản xuất bắt đầu ca ngợi thắng lợi.

Đạo diễn Fyodor Bondarchuk (giữa) đang chỉ đạo diễn viên Thomas Kretschmann (phải) và Peter Fedorov (trái)
trên hiện trường quay ở thành phố Kolpino, cách St. Petersburg chừng 30km về phía đông bắc

“Khán giả cố gắng hiểu cuộc chiến này và người Nga trong bối cảnh lịch sử của thời đại mới hiện nay,” Anton Zlatopolsky, đồng sản xuất bộ phim và giám đốc điều hành kênh truyền hình lớn nhất của Nga, nói trong một thông báo. “Đạo diễn đang tìm kiếm nguồn cảm hứng mới, những người hùng tạo cảm hứng cho anh, giúp anh tin vào bản thân và dân tộc mình.”

Zlatopolsky nói thêm, “Chúng ta đã thấy trong Stalingrad có đúng nguồn cảm hứng đó và vui mừng rằng sự đầu tư bằng cả trái tim cho bộ phim này của chúng ta đã cộng hưởng với khán giả.”

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi