Tin tức

Trung Quốc Đại lục học gì từ sự suy tàn của điện ảnh Hồng Kông

09/07/2019

Vào ngày 6 tháng 6, bộ phim hành động / tội phạm Hồng Kông Chasing the Dragon II: Wild Wild Bunch đã ra mắt ở Trung Quốc Đại lục. Tuy nhiên, phần tiếp theo này chỉ kiếm được 305 triệu nhân dân tệ (44,3 triệu đôla) ở phòng vé so với 575 triệu nhân dân tệ của bộ phim đầu tiên, còn trên trang web đánh giá bình phim Douban, nó có điểm thấp 5,7/10, giảm đáng kể so với 7,2/10 của phần đầu.

Nhiều cư dân mạng Đại lục nhận xét bộ phim không thú vị hay sáng tạo và báo hiệu rằng kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hồng Kông sẽ không bao giờ quay trở lại.

Áp phích phim Chasing the Dragon II: Wild Wild Bunch

“Tôi đi xem bộ phim này bởi vì tôi thực sự thích bộ phim đầu tiên Chasing the Dragon. Mặc dù các nhân vật chính của Chasing the Dragon II: Wild Wild Bunch rất nổi tiếng, bộ phim đã thất bại và cốt truyện khó hiểu,” một cư dân mạng bình luận trên Douban.

Chasing the Dragon rất thành công vì đã đưa khán giả trở lại thời kỳ hoàng kim của phim Hồng Kông, nhưng đó chỉ là thành công phù du nhất thời. Chasing the Dragon II: Wild Wild Bunch không thể chỉ theo phong cách cũ mà không có tạo ra bất kỳ đột phá nào,” Sử Văn Học, một nhà phê bình điện ảnh ở Bắc Kinh, nói với Global Times.

Một thời đại đã qua

“Nói rằng một bộ phim có điểm thấp báo hiệu sự suy tàn của điện ảnh Hồng Kông là không đúng. Mà phải nói, chúng ta cần nhận ra rằng chính ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông trì trệ đã dẫn đến một bộ phim không hấp dẫn vẫn được thực hiện,” Lưu Huy, giám đốc Học viện Sân khấu và Điện ảnh tại Đại học Thâm Quyến, nói với Global Times.

Chasing the Dragon II: Wild Wild Bunch với bốn nam chính tên tuổi (từ trái qua): Nhậm Đạt Hoa, Cổ Thiên Lạc, Lương Gia Huy, và Lâm Gia Đống

Lưu Huy nói rằng Hồng Kông là một thành phố rất phát triển vào những năm 1950 so với các thành phố khác ở Đông Nam Á, và nhiều người thấy cuộc sống ở thành phố này rất mới mẻ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các thành phố khác đã khiến Hồng Kông dần mất đi vị thế và văn hóa đô thị của nó trở nên kém hấp dẫn, từ đó khiến ngành công nghiệp điện ảnh mất sức hút.

“Phim Hồng Kông chủ yếu dựa vào thị trường bên ngoài ở nhiều nước Đông Nam Á, chiếm gần 70%, trong khi thị trường địa phương rất nhỏ, chỉ khoảng 30%. Do đó, khi Hollywood bắt đầu thâm nhập thị trường châu Á, phim Hồng Kông đã mất khả năng cạnh tranh,” Triệu Vĩ Phương, giáo sư cao học Học viện Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, nói với Global Times.

Theo nhà phê bình Sử Văn Học, sự thất thoát tài năng và thị trường bị thu hẹp cũng đã góp phần vào sự qua đi của kỷ nguyên vàng này. Do khủng hoảng tài chính năm 1997 tại Hồng Kông, đầu tư vào các ngành công nghiệp khác nhau đã giảm một cách toàn diện. Số lượng nhân viên trong ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông tiếp tục giảm từ 20.000 ở mức cao nhất xuống dưới 5.000 trong năm 2003.

Chasing the Dragon II: Wild Wild Bunch không thể chỉ theo phong cách cũ mà không có tạo ra bất kỳ đột phá nào (ảnh: Lương Gia Huy trong một cảnh phim)

Sau khi Đại lục và Hồng Kông ký Thỏa thuận hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn vào năm 2003, phim Hồng Kông đã dần hội nhập vào thị trường Đại lục. Một số nhà làm phim và diễn viên, như đạo diễn phim Từ Khắc và ngôi sao hành động Thành Long, bắt đầu chuyển trọng tâm sự nghiệp sang Đại lục.

Cạnh tranh từ Đại lục

“Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc phát triển nhanh chóng sau năm 2003. Doanh thu phòng vé tăng hơn 30% mỗi năm nhưng sau đó trở nên bão hòa vào năm 2015. Các nhà làm phim nhận ra rằng họ cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng phim thay vì số lượng,” giáo sư Triệu Vĩ Phương nói.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc Đại lục đã chứng kiến sự phát triển tích cực. Phòng vé ở Đại lục lớn thứ hai trên thế giới và được dự đoán sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong vài năm tới. Trong khi ngành công nghiệp đã phát triển nhanh chóng, giám đốc Lưu Huy lưu ý rằng để tạo ra một môi trường lành mạnh cho những bộ phim xuất sắc, đào tạo về nghề làm phim và hệ thống phim trường cần phải được cải thiện.

Một cảnh trong Chiến lang 2: Phim có yếu tố yêu nước là xu hướng trong tương lai cho toàn ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc

Tránh một sụt giảm nữa

Sự thăng trầm của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông có thể cung cấp một số bài học cho Đại lục.

“Điều quan trọng là phải có khát vọng làm phim. Chúng ta cần học bài học từ Hồng Kông rằng vốn đầu tư không được kiểm soát thị trường bởi vì nó có thể dẫn đến việc sản xuất nhiều phim kém chất lượng và làm khán giả thất vọng. Trong khi đó, chúng ta cần kiểm soát thị trường phim bằng cách chỉ nhập một số lượng phim nhất định từ Hollywood mỗi năm thay vì từ bỏ thế chủ động và bị Hollywood kiểm soát một cách thụ động như Đài Loan,” giáo sư Triệu nói.

Triệu Vĩ Phương lưu ý rằng Trung Quốc hiện cần sản xuất nhiều phim từ nền văn hóa phong phú của đất nước. “Những bộ phim như Wolf Warrior 2The Wandering Earth đã rất thành công vì các đạo diễn kết hợp nhiều yếu tố nhân văn và yêu nước trong đó, cộng hưởng với nhiều người Trung Quốc,” ông nói.

“Chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm sản xuất, mô hình kinh doanh của Hồng Kông và khả năng quan sát sắc bén của họ về thị hiếu của khán giả. Trong khi đó, chúng ta cần tập trung vào việc bồi dưỡng tài năng, làm những bộ phim trưởng thành hơn và am hiểu chính sách,” nhà phê bình Sử Văn Học nói.

Một cậu bé Trung Quốc ngắm nhìn áp phích The Wandering Earth tại một rạp chiếu ở Bắc Kinh

Sử Văn Học lưu ý rằng năm biện pháp có lợi cho ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông mà chính phủ trung ương ban hành vào tháng 4, bao gồm không giới hạn số lượng phim Hồng Kông có thể vào Đại lục, gợi ý phim có yếu tố yêu nước là xu hướng trong tương lai cho toàn ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.

“Trung Quốc cần sản xuất nhiều phim sử dụng sáng tạo các yếu tố Trung Quốc,” Sử Văn Học nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times