Tin tức

Từ Monster đến Brave CitizenToxic Parent: Bạo lực học đường qua ba phim khác nhau

08/02/2024

Phải chăng phim bộ Netflix The Glory đã tạo ra hiệu ứng cánh bướm trong việc gia tăng những bộ phim về bạo lực học đường?

Những bộ phim khắc họa thực tại đắng lòng về trường học — bắt nạt và đi vào chi tiết trong giao tiếp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh — đã tiến lên màn bạc gần đây nhiều hơn. Những bộ phim này, như Monster của Hirokazu Kore-eda, Brave Citizen của đạo diễn Park Jin Pyo và Toxic Parent của Kim Soo In, đưa mọi người đi sâu vào những vấn đề trọng tâm và làm thay đổi cách nhìn của xã hội.

Đối với vấn nạn bắt nạt học đường dường như không thể giải quyết được, các phim bộ truyền hình gần đây cho nhân vật tự tay trả thù. Ảnh: The Glory của Netflix đã tạo ra hiệu ứng cánh bướm trong việc gia tăng những bộ phim về bạo lực học đường

Monster thắng giải kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes, là xuất phẩm hợp tác giữa đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda và Yuji Sakamoto, biên kịch phim bộ chủ đề bạo hành con cái Mother (2010).

Monster xoay quanh bà mẹ đơn thân, Saori, do Sakura Ando thủ vai, tới trường của đứa con trai học lớp năm, do Soya Kurokawa thủ vai, sau khi thấy con mình có hành vi kỳ lạ.

Bộ phim sử dụng một cách tiếp cận đặc biệt trong xử lý vấn đề bạo lực trường học. Thay vì chỉ thẳng vào một phía là cội nguồn vấn đề, bộ phim truyền tải thông điệp khiến người xem tự soi vào bản thân.

“Con quái vật lớn nhất là kẻ đứng ngoài xúi giục,” Kore-eda nói trong một phỏng vấn qua zoom với các phóng viên.

Monster sử dụng một cách tiếp cận đặc biệt trong xử lý vấn đề bạo lực trường học. “Con quái vật lớn nhất là kẻ đứng ngoài xúi giục,” Kore-eda nói trong một phỏng vấn

“Lần đầu tiên tôi nhận được cốt truyện từ biên kịch Sakamoto, thật thú vị khi tôi không thể hiểu chính xác chuyện gì đang xảy ra, nhưng sự căng thẳng thì dai dằng,” ông nói.

“Vô tình, tôi thấy mình đang tìm kiếm con quái vật. Phải đến khi khán giả xem đến phần ba, họ mới bắt đầu hiểu được tình hình. Nhiều người có thể sẽ nhận ra rằng những con quái vật đó không phải ai khác mà là chính họ. Kịch bản khéo léo xoay mũi tên theo nhiều hướng khác nhau, cuối cùng hướng ngược lại vào chính mình, đây là điểm nổi bật của kịch bản.”

Góc nhìn của Kore-eda trong Monster cho thấy những cụm từ tưởng chừng vô hại như “bình thường” hay “hãy là đàn ông” lại có thể gây sức ép và làm tổn thương những đứa trẻ.

“Nếu người ta tìm thấy quái vật trong phim, đó sẽ là những người ngoài cuộc, giống như chúng ta,” đạo diễn Kore-eda giải thích

“Nếu người ta tìm thấy quái vật trong phim, đó sẽ là những người ngoài cuộc, giống như chúng ta,” ông giải thích.

“Bối cảnh lớp học của bộ phim là mô hình thu nhỏ điển hình,” Kore-eda nói thêm. “Quái vật chúa trong lớp học đó không phải là những cậu bé trêu chọc và bắt nạt các nhân vật chính, mà là những kẻ giấu mặt trong nhóm, xúi giục từ bên lề.”

Brave Citizen, dựa trên webtoon cùng tên, miêu tả một giáo viên dạy thay non trẻ, do Shin Hye Sun thủ vai, tìm cách trả thù một kẻ bắt nạt học sinh trơ trẽn và vô kỷ luật, do Lee Jun Young thủ vai.

Kẻ bắt nạt học sinh cậy gia thế góp quỹ trường học và câu chuyện mở ra khi giáo viên, đã bí mật — theo đúng nghĩa đen đằng sau chiếc mặt nạ — bảo vệ nạn nhân bị bắt nạt học đường, cuối cùng phải đối mặt với kẻ bắt nạt trên võ đài, sau lời thách đấu tay đôi của cậu ta.

Câu chuyện Brave Citizen mở ra khi giáo viên, đã bí mật — theo đúng nghĩa đen đằng sau chiếc mặt nạ — bảo vệ nạn nhân bị bắt nạt học đường

Bộ phim không chỉ đề cập đến cuộc đấu tranh của những học sinh bị bắt nạt mà còn đề cập đến sự kém cỏi của nhà trường trong việc xử lý những tình huống như vậy, cùng với vấn đề vi phạm quyền lợi của giáo viên.

Trong câu chuyện, cậu học sinh học lại một năm học thêm để đến tuổi trưởng thành hợp pháp. Phần này được thêm vào vì cốt truyện liên quan đến những trận đấu võ giữa giáo viên và học sinh.

Bộ phim đưa ra một giải pháp tuyệt diệu cho vấn nạn bắt nạt học đường dường như không thể giải quyết được, phù hợp với sự phổ biến của các phim bộ truyền hình gần đây cho nhân vật tự tay trả thù.

cuối cùng phải đối mặt với kẻ bắt nạt trên võ đài, sau lời thách đấu tay đôi của cậu ta

“Khi chuyển thể webtoon gốc thành kịch bản, mọi người đã chỉ ra rằng việc miêu tả bạo lực học đường trong kịch bản quá dữ dội,” đạo diễn Park Jin Pyo cho biết. “Vấn nạn bắt nạt học đường, quyền lợi của giáo viên và phụ huynh lạm dụng quyền lực, mà chúng ta bỏ qua giờ đây được vạch trần.”

Một phim khác, Toxic Parent, cho thấy tình thương quá mức của cha mẹ, mặc dù nhằm mục đích trở thành pháo đài bảo vệ con cái ở tuổi vị thành niên, thay vào đó lại có thể gây hại.

Trong phim, Hye Young, do Jang Seo Hee thủ vai, từ chối chấp nhận khả năng tự tử do cảnh sát gợi ý khi phát hiện đứa con gái gương mẫu của mình, mà cô tưởng ngày hôm đó con mình đi học, đã chết.

Toxic Parent cho thấy tình thương quá mức của cha mẹ, mặc dù nhằm mục đích trở thành pháo đài bảo vệ con cái ở tuổi vị thành niên, thay vào đó lại có thể gây hại

Đạo diễn Kim Soo In, ra mắt tác phẩm đầu tay, đã khéo léo dệt nên hiện thực ít được tiết lộ về những vấn đề mà nhà trường và thanh thiếu niên phải đối mặt.

Cô rút ra từ kinh nghiệm của chính mình và những câu chuyện nghe được trong thời gian làm giảng viên ở Daechi-dong, khu vực ở phía nam Seoul nổi tiếng với nền giáo dục căng thẳng.

Bộ phim được coi là sự phản ánh bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp xung quanh cuộc sống học đường và giới trẻ.

“Trước đây, những bộ phim như Friend (2001) nêu bật giáo viên bạo lực, nhưng giờ đây người ta ngày càng nhận thức rằng rốt cuộc cha mẹ lại chính là nhân vật phản diện,” Shim Young Sub, nhà phê bình phim, nhà tâm lý học và giáo sư Đại học Daegu Cyber, nói.

Giờ đây người ta ngày càng nhận thức rằng rốt cuộc cha mẹ lại chính là nhân vật phản diện

Nhà phê bình phim Heo Nam Woong cũng cho rằng “bạo lực học đường không còn có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận phân đôi nạn nhân và thủ phạm như kiểu cũ, vì vấn đề ngày càng trở nên phức tạp hơn.”

Heo Nam Woong nói thêm: “Theo nghĩa đó, Monster dạy chúng ta rằng chúng ta không thể thông cảm với nỗi lo lắng của học sinh bằng những phương pháp lỗi thời và người lớn nên tiến bộ hơn nữa bằng cách sử dụng góc nhìn của người thứ ba.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily