Tin tức

Yêu miêu truyện: Trần Khải Ca thích nghi với khung cảnh điện ảnh thay đổi bằng dự án xa hoa

18/10/2017

Trần Khải Ca, thuộc thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc, bung toàn lực cho phim chính kịch cổ trang này, bao gồm dành năm năm và 200 triệu USD xây dựng một thành phố.

Đạo diễn Trần Khải Ca, phải, đang chỉ đạo trên trường quay Yêu miêu truyện

Những liên hoan phim trong thập niên 90 không thể nào không nghiêng mình trước tầm nhìn hùng vĩ của Trần Khải Ca. Với Farewell My Concubine / Bá vương biệt Cơ (1993), Temptress Moon (1996) và The Emperor and The Assassin (1998), những bộ phim chính kịch cổ trang đầy màu sắc của vị đạo diễn gốc Bắc Kinh thể hiện một Trung Quốc đầy sức sống, và khán giả phương Tây mê mẩn hình ảnh và những ngôi sao điện ảnh quyến rũ trong phim của ông.

Kể từ đó xã hội Trung Quốc lẫn bản chất công việc làm phim đã thay đổi vô cùng, nhưng bản thân Trần Khải Ca không định thay đổi, dù là để tốt hơn.

“Đôi khi tôi bối rối về việc mình có thể tiếp tục làm bao nhiêu nữa trong tương lai. Tôi nghĩ có những câu chuyện quan trọng vẫn chưa được kể nên không thể bỏ cuộc,” Trần Khải Ca nói với The South China Morning Post trong một phỏng vấn tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vừa qua, nơi ông làm thành viên ban giám khảo hạng mục Platform và chủ trì một buổi "sneak peek" giới thiệu bộ phim hành động cổ trang sắp tới của ông, Legend of the Demon Cat / Yêu miêu truyện.

Tái hiện kinh thành Trường An, mất năm năm xây dựng với kinh phí 200 triệu đôla

Trần Khải Ca, 65 tuổi, hiện đang hoàn tất những chỉnh sửa cuối cho bộ phim, phim đầu sau sáu năm kỳ công. Nỗ lực xây dựng mọi thứ gần như thật của ông rất đáng kinh ngạc, bao gồm cái mà ông gọi là “cả một thành phố” cần năm năm xây dựng với kinh phí 200 triệu USD – tách riêng với kinh phí làm phim – và sau sẽ trở thành một công viên trò chơi giải trí.

Đam mê kể chuyện về đời Đường đi trước thời đại của vị đạo diễn là dễ hiểu trong giai đoạn thế giới đang hỗn loạn. “Tôi cảm thấy tệ là văn hóa truyền thống, gồm Khổng giáo, đã bị bỏ quên hoàn toàn ở Trung Quốc,” Trần Khải Ca nói, một người tự xưng mình là Phật tử. “Đời sống của những thành phố ngày xưa đã không còn, không may là vậy.”

Đạo diễn hy vọng thế hệ trẻ có thể thấu hiểu bộ phim mới và thành phố cổ xưa ông tạo ra. Trong thời kỳ phồn thịnh, Trường An (Tây An ngày nay) là một thành phố đông dân đa văn hóa và đỉnh cao của nền văn minh Trung Hoa.

Đại cảnh sử dụng hiệu ứng tạo cảm giác kỳ ảo

“Hơn 10.000 thi sĩ sống trong thành phố đó kể cả người nước ngoài – Hàn Quốc, Nhật Bản và người từ Trung Á cũng sống ở đó – có thể là quan lại triều đình. Tương tự người trẻ ngày nay đang tìm kiếm cái gọi là sự tự do. Nên tôi cố gắng nói với họ ngày xưa Trung Quốc cũng như thế.”

Trần Khải Ca xin lỗi về việc chỉ có thể chiếu sáu phút phim ở Toronto, dù ông hy vọng người xem có thể đánh giá cao quy mô và phạm vi của xuất phẩm đồng sản xuất Trung-Nhật này, sẽ phát hành ở Trung Quốc cuối tháng 12 và ngay sau đó ở Hồng Kông. Phim có khả năng ra mắt thế giới tại Liên hoan phim quốc tế Berlin vào tháng 2 năm 2018, Trần Khải Ca tiết lộ.

Dựa trên tiểu thuyết Samana Kukai của Yoneyama Mineo lấy bối cảnh năm 850 sau Công nguyên, bộ phim nói về một yêu tinh mèo phá phách trị an của Trường An. Một thi sĩ Trung Hoa và một vị sư Nhật Bản điều tra cái chết của Dương Quý phi, thê thiếp đẹp nhất lịch sử Trung Quốc, phát hiện ra dấu vết con mèo hung dữ để lại.

Trương Vũ Ỷ trong vai Xuân Cầm

Trần Khải Ca nói năm sáu con mèo đen đã được đưa vào bộ phim. “Đôi khi chúng tôi muốn con mèo phải giận dữ hoặc rất, rất ngoan, hay nó thật dịu dàng. Tất cả bọn mèo đều có người bảo vệ kỹ càng hàng ngày, trong đó có cả con trai tôi!” ông nói.

Quay trong năm tháng, Legend of the Demon Cat được quay theo cách cũ, thuê hàng nghìn quần chúng, dù có tới 1.200 cảnh quay sử dụng hiệu ứng hình ảnh – gồm cả cho con mèo. Ở một phương diện nào đó Trần Khải Ca chấp nhận dùng hiệu ứng là để thu hút khán giả ngày càng trẻ tuổi ở Trung Quốc.

Ông chỉ ra độ tuổi trung bình đã giảm từ 40 khi ông vào nghề xuống 21 tuổi rưỡi ngày nay và con số đó vẫn tiếp tục giảm. “Tôi nhớ 30 năm trước khi Bernardo Bertolucci ở Bắc Kinh,” ông nói về lúc đạo diễn người Ý quay The Last Emperor, Trần Khải Ca có góp mặt trong vai chỉ huy Cấm vệ quân.

Một đại cảnh cần đến hàng ngàn người trong phim

“Chúng tôi nói chuyện rất nhiều và đồng ý sẽ không bao giờ cho tí hiệu ứng nào vào phim của mình. Chúng tôi đã sai biết mấy!” ông cười một mình.

“Tôi chưa quen với quy trình đó nhưng vẫn đưa ra ý kiến của mình. Tôi nói làm cảnh có hiệu ứng không có nghĩa bạn muốn cho người ta biết nó là giả. Bạn phải làm bất cứ gì có thể để khiến nó là thật. Lần này tôi làm việc với ê kíp người Nhật và họ hoàn toàn hiểu điều tôi muốn. Thành phố đẹp và nhìn rất thật.”

Trần Khải Ca thuộc “thế hệ thứ năm” của điện ảnh Trung Quốc, cùng với Trương Nghệ Mưu khởi nghiệp làm quay phim cho phim đầu tay Yellow Earth của ông. Ông nói sõi tiếng Anh, nhờ hai năm làm học giả khách mời tại Đại học New York cuối thập niên 1980. “Đó là do Quỹ Rockefeller tài trợ. Họ thuê phiên dịch trong một năm, sau đó tôi phải tự xoay xở.”

Hiroshi Abe trong vai học giả người Nhật Abe no Nakamaro

Sau đó các phim của ông có thành công tầm quốc tế. Năm 1993 Farewell My Concubine đoạt Cành cọ vàng ở Cannes, rồi ở giải Oscar, bộ phim được đề cử Quay phim xuất sắc nhất và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất; phim thắng giải Quả cầu vàng và BAFTA phim nước ngoài hay nhất.

Trần Khải Ca có cảm thấy là thành viên của cộng đồng phim quốc tế không? “Có, nhờ những liên hoan phim chất lượng cao như Cannes, Venice, Toronto và Berlin. Các liên hoan phim này mang lại hy vọng cho những nhà làm phim trẻ làm phim. Nếu không sao họ sống được trong một thị trường chạy theo tiền bạc nơi mà thành công thương mại là tất cả?”

Bất chấp sự tăng vọt trong lượng người xem phim rạp ở Trung Quốc, điển hình gần đây là thành công phá kỷ lục của Wolf Warrior 2 của Ngô Kinh, Trần Khải Ca có phần lo lắng hơn về việc thiếu rạp phim nghệ thuật trong nước.

Diễn viên Nhật Bản Shōta Sometani trong vai cao tăng Khổng Hải

“Chúng ta cần chiếu những phim như vậy cho những người muốn xem phim nghệ thuật. Nhưng tôi luôn tin khi có sóng lớn thì mới thấy cá to! Nên có hy vọng.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post