Tin tức

Yêu miêu truyện thất bại ở Trung Quốc: Có phải thế hệ đạo diễn thứ 5 đã hết thời?

18/01/2018

Với lượng tiền đổ vào ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi nghe một nhà làm phim khoe rằng đã chi 200 triệu đôla để tái dựng “cả một thành phố” cho bộ phim của họ. Tuy nhiên, người ta thất vọng khi nhà đạo diễn đó lại là Trần Khải Ca.

Hiroshi Abe, trái, trong vai học giả người Nhật và Sandrine Pinna trong vai Dương quý phi trong Yêu miêu truyện

Giờ đây thoải mái trong sự thành danh về mặt thương mại, Trần Khải Ca, 65 tuổi, không còn là kẻ nổi loạn, vụt nổi tiếng thế giới vào những năm 1980 và 1990 bằng những bộ phim thách thức tín điều như Yellow Earth (1984) và Bá vương biệt Cơ (1993). Nhưng vẫn hơi mất phương hướng khi nghe ông bộc lộ niềm mê đắm về nhiều món đồ chơi mà ông được trao cho để trình diễn với Yêu miêu truyện.

Phát biểu với South China Morning Post hồi tháng 9/2017, sau khi chiếu trước 8 phút Yêu miêu truyện tại Liên hoan phim Toronto, Trần Khải Ca đã nói về bối cảnh ‘khủng’ của bộ phim mà cuối cùng sẽ được biến thành một công viên giải trí chủ đề, lực lượng diễn viên quần chúng mà ông đòi hỏi cho cảnh quay và 1.200 hiệu ứng hình ảnh ông dàn trận trong bộ phim dài hai tiếng hơn. Ông nói, tất cả là để thu hút khán giả trẻ tuổi thích sự phô trương và hoành tráng.

Tuy nhiên, chuyện không diễn ra như vậy. Được phát hành ở Trung Quốc vào ngày 22/12, doanh thu phòng vé của phim tính đến ngày 3/1/2018 là khoảng 500 triệu nhân dân tệ (77 triệu USD) nhợt nhạt so với hai phim có doanh thu cao nhất mở màn ngay trước kỳ nghỉ năm mới, cả hai phim đều tương đối ít phụ thuộc vào kỹ thuật số nâng cấp khoa trương.

Bộ phim hài kinh phí thấp The Ex-Files: The Return of Exes thậm chí còn đè bẹp cả Star War: The Last Jedi ở phòng vé Trung Quốc

Youth, phim chiến tranh của Phùng Tiểu Cương, là một sử thi có tác động sâu rộng nói về một đoàn kịch quân đội vào cuối những năm 1970, trong khi The Ex-Files: The Return of Exes là phần thứ ba của một chuỗi phim hài chất lượng thấp thấy rõ.

Vậy đã có gì sai?

Không giống như người cùng thời-trở thành-đối thủ lâu năm Trương Nghệ Mưu, làm phim theo bản năng hơn là lý trí, Trần Khải Ca luôn là một nhà làm phim sâu sắc. Ông đã chuyển tải những câu chuyện về đạo đức xoay quanh mối quan hệ tan vỡ của con người ở Trung Quốc (đặc biệt về thời ly loạn của Cách mạng Văn hóa, trong đó Trần Khải Ca, là một Hồng quân trẻ, đấu tố cha mình, đạo diễn Trần Hoài Ngai) và quan điểm về nghệ thuật và nghệ sĩ trong những giai đoạn khủng hoảng xã hội và chính trị.

Sau đó đến đầu những năm 2000, khi Trần Khải Ca dường như đầu hàng những cái bẫy rập của sự nổi tiếng và mất phương hướng, chỉ đạo bộ phim ly kỳ khiêu dâm Killing Me Softly nói tiếng Anh và phim võ hiệp kỳ ảo The Promise không gây được ấn tượng cả về đề tài lẫn tay nghề.

Trương Bá Chi trong phim The Promise

Khi người viết bài này gặp Trần Khải Ca tại Hồng Kông vào lúc The Promise phát hành, năm 2005, ông hút xì gà suốt buổi trò chuyện — một dấu hiệu đáng lo ngại về sự ngạo mạn ngày càng tăng của ông, có lẽ thế.

Khi The Promise cháy rụi, những bộ vest đắt tiền và khói thuốc tan biến, và một loạt các dự án chợt đến mà Trần Khải Ca nói là có thể “thăm dò con đường đưa Trung Quốc trở thành như bây giờ”. Ít nhất, đó là cách ông miêu tả công việc của mình khi gặp lại người viết vào năm 2008, để thảo luận về Forever Enthralled, một bộ phim về ca sĩ opera Trung Hoa Mai Lan Phương sống sót qua Thế chiến hai và sau đó là Cách mạng Văn hóa nhờ ứng biến và cần cù.

Với hai bộ phim tiếp theo, Trần Khải Ca tiếp tục suy ngẫm hơn về Cách mạng Văn hóa. Mặc dù lấy bối cảnh thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên, nhưng Sacrifice (2010) khám phá chủ nghĩa hoài nghi có thể đầu độc ngay cả mối quan hệ thân thiết nhất giữa cha mẹ và con cái, trong khi đó Caught in the Web (2012) sử dụng “tòa án mạng xã hội” của một người phụ nữ trẻ để tiết lộ xu hướng ngược đãi vẫn ăn sâu ở Trung Quốc như thế nào, nhiều thập niên sau cái gọi là “kẻ thù giai cấp”.

Quách Phú Thành, phải, trong phim Đạo sĩ hạ sơn năm 2015 của Trần Khải Ca

Thời gian đó Trần Khải Ca bắt đầu lên kế hoạch cho Yêu miêu truyện, chuyển thể cuốn tiểu thuyết Nhật Bản bối cảnh triều đại nhà Đường (618-907) và tập trung vào một nhà sư điều tra cái chết Dương quý phi, phi tần huyền thoại vì vẻ đẹp của cô, cũng như cái chết của cô khi đối mặt với một cuộc nổi dậy chống lại Đường Huyền Tông.

Với rất nhiều nguồn lực được sử dụng, có vẻ như Trần Khải Ca tùy nghi nói bất cứ điều gì ông nghĩ trong đầu với Yêu miêu truyện. Câu hỏi đặt ra là liệu ông còn có điều gì đáng kể để nói về Trung Quốc ngoài những phê phán khơi khơi về tha hóa đạo đức trong các phim cổ trang (bộ phim năm 2008 của ông, Đạo sĩ hạ sơn / Monk Comes Down the Mountain, diễn ra ở một thành phố hư cấu của Trung Quốc vào những năm 1930).

Nhìn lại, 2017 là một năm hỗn hợp cho Trần Khải Ca và các nhà làm phim thế hệ thứ 5 khác. Trương Nghệ Mưu cũng lãnh đòn nặng, với phim The Great Wall nói tiếng Anh, trong khi diễn xuất được khen ngợi của Điền Tráng Tráng trong Love Education của Trương Ngãi Gia (thậm chí Điền Tráng Tráng còn được đề cử giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Kim Mã) cho thấy chắc có lẽ Điền không sớm khôi phục sự nghiệp đạo diễn của mình.

200 triệu USD đầu tư để tái hiện kinh thành Trường An của nhà Đường với cảnh đời sống cư dân tấp nập xuất hiện rất nhiều trong Yêu miêu truyện. Trong ảnh: Shota Sometani (phải) trong vai cao tăng Khổng Hải, Hoàng Hiên trong vai Bạch Cư Dị

Tóm lại, có vẻ cần nhiều hơn là xây dựng cả một thành phố cổ tốn kém để khiến khán giả Trung Quốc ngày nay khám phá lại những nhà làm phim thành công của ngày hôm qua.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post