Tin tức

Yếu tố Trung Quốc trên phim phương Tây

13/07/2015

Trung Quốc không chỉ đóng góp người mua vé. Còn có rất nhiều yếu tố Trung Quốc được đưa vào các siêu phẩm bom tấn.

Yếu tố Trung Quốc, từ võ thuật và gấu trúc đến trang phục sườn xám và ngôn ngữ, đang càng ngày càng xuất hiện nổi bật trên phim ảnh phương Tây.

Diễn viên kung fu Trung Quốc Lý Tiểu Long

Người Trung Quốc

Hollywood có cả một lịch sử chọn diễn viên da trắng vào những phim mà nhân vật thuộc chủng tộc nào đi nữa thì cũng vẫn da trắng, kể cả vai diễn Mr. Yunioshi của nam diễn viên người Mỹ Mickey Rooney trong phim Breakfast at Tiffany's và vai hoàng tử Ai Cập của Christian Bale trong Exodus: Gods and Kings.

Giờ đây chuyện đã thay đổi.

Siêu sao kung fu Lý Tiểu Long có lẽ là gương mặt Trung Quốc đầu tiên quen thuộc ở Hollywood. Các ngôi sao hành động Thành Long, Châu Nhuận Phát và Lý Liên Kiệt đã theo chân Lý Tiểu Long, nhưng trong một thời gian dài, có vẻ như tất cả diễn viên Trung Quốc có vai diễn trong phim Hollywood thảy đều liên quan đến kung fu.

Nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh (phải) và Pierce Brosnan trong Tomorrow Never Dies

Sự xuất hiện của các nữ diễn viên Trung Quốc trong làng điện ảnh thế giới bắt đầu làm cho điều này thay đổi đôi chút.

Với việc Củng Lợi đóng trong Miami Vice, và Dương Tử Quỳnh trong Tomorrow Never Dies, thêm nhiều gương mặt Trung Quốc được giới thiệu trên màn bạc thế giới. Chương Tử Di, Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng, Châu Tấn và Maggie Q đều tham gia vào các xuất phẩm của phương Tây.

Ngoài diễn viên, các đạo diễn Trung Quốc cũng đã tìm đường tiến vào vũ đài quốc tế.

Đạo diễn Lý An đoạt giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Viện hàn lâm lần thứ 85

Đạo diễn đoạt giải Oscar Lý An, với rất nhiều phim thành công đình đám trong bảng thành tích (Brokeback Mountain, Ngọa hổ tàng long, The Life of Pi), đã trở thành cái tên cửa miệng ở Hollywood. Ngô Vũ Sâm làm nên tên tuổi là một đạo diễn phim hành động với Hard Target, Face/OffMission Impossible: II. Đạo diễn kỳ cựu Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã làm The Flowers of War / Kim Lăng thập tam thoa năm 2011, và hiện đang xúc tiến xuất phẩm đồng sản xuất Trung-Mỹ Great Wall.

Ngoài diễn viên và đạo diễn, các nhân vật nền là người Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trong phim phương Tây ngày nay. Dù là những nhân vật rất nhỏ trong cả bộ phim nhưng họ có vai trò then chốt trong tiến triển của bộ phim.

Một cảnh từ phim Kung Fu Panda 3

Biểu tượng của Trung Quốc

Xem ra võ thuật và gấu trúc là hai yếu tố khiến người ta lập tức liên hệ với Trung Quốc, và điều này cũng thể hiện trong phim.

The Karate Kid, do Thành Long và con trai của Will Smith là Jayden Smith đóng, kể câu chuyện một cậu bé bị bắt nạt ở trường, thay đổi cuộc đời sau khi học võ thuật từ ông thợ sửa xe (Thành Long). Phim thu được hơn 1,6 tỉ nhân dân tệ (25,76 triệu đôla) ở Trung Quốc.

Đôi khi, kung fu do diễn viên không phải là người Trung Quốc thực hiện.

Trong Ice Age 2, con sóc chuột phát ra tiếng kêu tương tự tiếng thét của Lý Tiểu Long trong các phim của anh. Vai diễn tượng đài của Keanu Reeves trong The Matrix bật ngửa ra sau, là một trong những động tác kinh điển của bậc thầy võ thuật Hoàng Phi Hồng.

Phim hoạt hình Kung Fu Panda, xuất phẩm thành công ‘khủng’ toàn cầu với phần ba sẽ ra rạp vào tháng 1 năm tới, cũng là sự hợp nhất hoàn hảo võ thuật Trung Hoa với báu vật quốc gia gấu trúc.

Alec Baldwin trong phim Pearl Harbor

Tiếng Trung Quốc

Nam diễn viên Bruce Willis phô diễn kỹ năng ngôn ngữ trong phim Red, khi anh nói "A few years ago, I lived in Wuhan" (dịch: “Nhiều năm trước tôi sống ở Vũ Hán) bằng tiếng Trung. Câu thoại của anh gây náo động trong các rạp Trung Quốc chiếu phim này.

Willis không phải là diễn viên duy nhất nói tiếng Trung trên màn ảnh rộng.

Trong phim Pearl Harbor, Alec Baldwin dạy lính Mỹ cách nói "I am an American" bằng tiếng Trung Quốc. Tom Cruise thét la cho khách bộ hành tránh đường khi anh chạy trên những con phố ở Thượng Hải trong Mission Impossible: III bằng tiếng Trung Quốc. Nicole Kidman tuyên bố mình vô tội khi cô thấy nhân vật nam chính bị chết bằng tiếng Quan thoại trong phim Australia. Nicholas Cage cũng nói một trong những câu thoại được nhận biết nhiều nhất của anh "I prefer to shoot" bằng tiếng Trung Quốc trong phim Lord of War.

Các nữ diễn viên trong trang phục sườn xám trên phim The Flowers of War / Kim Lăng thập tam thoa của Trương Nghệ Mưu

Trang phục Trung Quốc

13 kỹ nữ mặc sườn xám Trung Quốc đi thành hàng trong phim Kim Lăng thập tam thoa của Trương Nghệ Mưu tạo nên một vẻ đẹp phương Đông. 23 chiếc sườn xám của nữ diễn viên Trương Mạn Ngọc trong phim In the Mood for Love của Vương Gia Vệ thu hút sự chú ý của khán giả từ diễn xuất của cô trước tủ quần áo. Kirsten Dunst mặc sườn xám màu đỏ khi dự tiệc trong Spiderman 2. Trang phục Trung Quốc của Kidman trong phim Australia cũng là điểm thuyết phục khán giả đến rạp.

Áp phích phim The Painted Veil

Địa điểm Trung Quốc

Bên cạnh việc sử dụng các yếu tố Trung Quốc, nhiều phim Hollywood còn được quay ở Trung Quốc.

Mission Impossible: III của Tom Cruise chọn siêu đô thị Thượng Hải là một trong những điểm quay. Núi non trong phim Avatar của James Cameron được phỏng theo Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Phim The Painted Veil, có Edward Norton và Naomi Watts đóng chính, quay tại Bắc Kinh, Thượng Hải và tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Angelina Jolie chiến đấu chống các chiến binh đất nung trong Lara Croft Tomb Raider: The Cradle of Life. Vẻ đẹp thanh tú, huyền bí và lịch sử văn hóa phong phú của Trung Quốc còn thể hiện trong phim Countess, được quay ở các phố cổ của Thượng Hải.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn