Disney và Pixar gần đây vừa công bố phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình ra mắt năm 2003 Finding Nemo, mang tên Finding Dory, sẽ ra mắt vào năm 2015. Chỉ vài phút sau khi có thông tin này, trong giới điện ảnh lập tức xuất hiện nhiều ý kiến mạnh mẽ.
Nhiều nhà phê bình và phát ngôn tỏ ra thất vọng với việc một hãng phim
nổi tiếng độc đáo và luôn đổi mới quay lại với một ý tưởng cũ kỹ, trong
khi một số người khác đưa ra những lời nhận xét mỉa mai về sự hoài cổ
của những tên tuổi lớn đang mất đà đi lên. Nhưng Matt Singer đã nhận xét
chính xác một điều: Pixar từng có lịch sử làm những phần hậu truyện
không những không bị chỉ trích – tới nay họ có ba phim thuộc loại phần
tiếp theo, với năm nay ra một phim nữa là bốn – mà trong số các phim đó,
còn có những phim được cho là hậu truyện thành công nhất trong lịch sử
điện ảnh, tức
Toy Story 2 và
Toy Story 3, cả hai đều
chễm chệ ngồi đầu danh sách những phim có điểm cao nhất trên
RottenTomatoes. Là phần tiếp theo của một trong những phim được yêu
thích nhất của Pixar,
Finding Dory chắc hẳn có nhiều khả năng gặt hái thành công không kém.
Vậy vấn đề ở đâu?
Finding Dory
Câu trả lời hơi phức tạp một chút. Thái độ chống đối trên mạng có thể
chứng minh cho việc khán giả gần đây không hài lòng lắm với những nỗ lực
sáng tạo mới nhất của Pixar, và từ đó họ đã trở nên thiếu tin tưởng
hãng này. Điều tiếp theo có vẻ là một nghịch lý, nhưng một phần vấn đề
cũng là vì khán giả từ lâu đã có sự tin tưởng nhất định với Pixar. Các
hãng phim thường được khán giả đánh giá như những tập đoàn kinh doanh
lớn không hơn không kém và dù họ chịu trách nhiệm sản xuất các tác phẩm
sáng tạo giải trí, điều ngầm hiểu là, như với bất cứ hoạt động kinh
doanh nào, mục đích chính vẫn là sinh lời.
Nhưng về mặt nhận
thức, Pixar luôn có hình ảnh khác. Công ty mẹ của hãng này là Disney
nhưng Pixar vẫn có những hoạt động riêng biệt, thoát khỏi thương hiệu
của Disney. Trụ sở Pixar nằm ở Emeryville, không phải Hollywood, tạo cảm
giác rằng họ thoát khỏi những ảnh hưởng của hệ thống chung trong ngành;
không khí làm việc của hãng cũng thoải mái hơn, tạo sự tự tin và hạnh
phúc trong nhân viên; thành công của họ cũng phần nào có được từ tầm
nhìn độc lập của Steve Jobs, tạo cho hãng phim một hình ảnh mới mẻ. Gần
như ở mọi mặt, Pixar không hoạt động như một tập đoàn bình thường, và ta
không nghĩ về nó như thế.
Toy Story 3
Trong vòng 15 năm, từ khi
Toy Story ra mắt vào 1995 đến
Toy Story 3
vào năm 2010, Pixar đã hưởng lợi từ uy tín hiếm thấy của mình đối với
giới phê bình phim và khán giả, đắm mình trong ánh hào quang của hết
thành công này đến thành công khác, ngày càng nhấn mạnh sự bất bại của
quá trình sáng tạo của họ. Nhưng từ năm 2010, khi chuẩn bị cho ra mắt
Cars 2,
câu chuyện Pixar bỗng chứng minh hai sự thực Hollywood cùng một lúc:
thành công không bao giờ là bất tận, và bạn chỉ giỏi bằng tác phẩm gần
đây nhất của bạn. Việc Pixar vấp ngã có vẻ là sớm muộn cũng phải tới,
nhưng trong vòng hai năm, tiếng tăm và uy tín của họ gần như vỡ tan
thành nhiều mảnh, và dù chất lượng của 11 bộ phim được cho là tuyệt tác
của hoạt hình hiện đại vẫn tồn tại, ấn tượng của giới điện ảnh về thiên
tài sáng tạo của họ đã không còn.
Tất cả là hậu quả của ba cú lỡ nhịp lớn, đến gần như là cùng một lúc. Thứ nhất là
Cars 2,
được đánh giá không những là phim tệ nhất của 13 bộ phim được sản xuất
đến nay của hãng này, mà còn là câu chuyện kém hấp dẫn nhất trên đời và
không ai, trừ trẻ em rất nhỏ và John Lasseter, có thể thấy thích thú với
nó. (Trong nhiều năm, Pixar từ chối làm phim phần tiếp theo, và chỉ sau
khi chịu sức ép từ phía Disney, họ mới làm phim dự tính phân phát ở
dạng băng đĩa luôn,
Toy Story 2, bộ phim sau này vẫn được công
chiếu ở rạp.) Dù người ủng hộ Pixar vẫn cho rằng người sáng lập hãng
phim, một người hâm mộ giải đua xe Nascar, là yếu tố chính dẫn đến sự
tồn tại của bộ phim có vẻ chỉ được sinh ra để làm thỏa cơn “khát” của
ông, thì sự thực vẫn rõ ràng là bộ phim tồn tại vì những lý do tài
chính.
Cars, dù là phim được cả giới phê bình và khán giả đón
nhận hồ hởi, cũng không hẳn là phim được đánh giá cao nhất của hãng,
nhưng những món đồ chơi liên quan tới bộ phim thu về cả một núi tiền cho
tất cả các bên liên quan; không khó rút ra kết luận là lợi nhuận từ
viêc bán thêm đồ chơi là sự thúc đẩy chính dẫn tới sự tồn tại của phần
hai.
Brave
Cú lỡ nhịp thứ hai là
Brave, một kịch bản mới của Pixar nhưng lại mang âm hưởng của nhiều tác phẩm trước. Được đánh giá cao hơn
Cars 2 – và sau đó còn đoạt giải Oscar, vượt mặt đề cử được mong đợi nhiều hơn
Wreck-It Ralph – bộ phim vẫn thua xa những tuyệt tác từng tạo nên tên tuổi hãng. Nếu
Brave chỉ là một bước vấp ngã nhỏ trong một danh sách phim hoàn hảo, ít người sẽ quan tâm; phim cũng chất lượng tương đương
A Bug’s Life, một bộ phim giờ mọi người cũng khá thờ ơ. Nhưng xuất hiện sau
Cars 2,
Brave không chỉ là một bộ phim bình thường có thể bỏ qua, mà bỗng trở thành điều chứng minh cho sự xuống dốc không phanh của hãng.
Sai
lầm cuối cùng có vẻ lạc đề, nhưng cũng quan trọng không kém. Andrew
Stanton, một trong những nghệ sĩ sáng tạo trụ cột của Pixar, đạo diễn
của cả
WALL-E và
Finding Nemo, cho ra mắt phim người thật đóng đầu tiên vào năm 2012 với
John Carter,
bộ phim bạn có thể nhớ (cũng có thể là không) được đánh giá là một thảm
họa mà chẳng ai đi xem, có xem thì cũng không ai thích, một giấc mộng
với ngân sách khổng lồ suýt khiến Disney phá sản. Một bài giới thiệu
Stanton trên tờ
New Yorker được viết sau khi phim được đưa vào
phần hậu kỳ, cho rằng cách làm việc của Pixar – làm một “bản nháp” rồi
sẽ có một đội ngũ làm phim chỉnh sửa câu chuyện và bắt đầu lại từ đầu –
không hợp khi làm phim với người thật đóng, vì việc quay lại đắt đỏ hơn
nhiều, hoặc nhiều khi không thể làm được, và sự đóng góp sáng tạo cần
được đưa vào trước khi quá trình quay phim bắt đầu. Bộ phim kể về một
họa sĩ bước vào thế lửa bỏng, và điều này gần như mô tả thế bế tắc của
hãng phim lúc bấy giờ.
Up
Và chỉ cần thế thôi. Hiện nay, Pixar đang có bảy dự án khác nhau đang đưa vào sản xuất, sắp ra mắt là
Monsters University (sẽ phát hành ở Việt Nam với tựa
Lò đào tạo quái vật), tiền truyện của một phim ra mắt vào những năm đầu của hãng,
Monsters Inc. – phim cũng vừa được chiếu lại ở dạng 3D.
Nếu
ta có thể rút ra một xu hướng ở đây, đó là Pixar hiện đang không hẳn
hướng tới những phim có thể thu về lợi nhuận cao, mà chỉ cần những phim
chắc chắn sẽ thu về lợi nhuận, và với một số người, điều đó cũng tệ
không kém. Uy tín của Pixar không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của phim,
mà còn vào sự độc đáo và sáng tạo của chúng, vào trí tưởng tượng cần
thiết để biến câu chuyện của họ trở nên màu nhiệm.
Toy Story 2 và
Toy Story 3
là những phim hay, nhưng niềm vui chúng mang lại không thể bằng như
những phim khác: một ngôi nhà bay trên bầu trời bằng bóng bay với một
giấc mơ, một công ty quái vật cần sự sợ hãi của trẻ em thì mới có năng
lượng, một chú cá với nỗi đau trong tim bơi khắp đại dương tìm con trai.
Chuyển thể thành dạng 3D và những phần tiếp theo “nhử” khán giả không
hợp với một hãng phim nổi tiếng với hình ảnh trí tượng tượng độc đáo. Là
những nỗ lực riêng lẻ, có thể sẽ không có vấn đề gì cả -
Finding Dory
vẫn có thể là một bộ phim hay – nhưng những quyết định được đưa ra,
nhiều người có thể cảm thấy không thoải mái. Thật khó để không cảm thấy
rằng dường như Andrew Stanton và các cộng sự đã bị thảm họa
John Carter
dọa hết hồn hết vía và để đổi lại, họ đang thu sự sáng tạo táo bạo của
mình lại và bắt tay vào làm thứ gì đó an toàn hơn. Một phim tiền truyện
có vẻ an toàn. Phim chuyển 3D cũng an toàn. Phần tiếp theo của
Finding Nemo nếu không an toàn thì là cái gì, và chắc hẳn mọi người cũng đang mong đợi điều này.
Finding Nemo
Điều này trở thành vấn đề với khán giả và các nhà phê bình vì nó khiến
chúng ta phải đối mặt với sự thực phũ phàng về Pixar, và tất cả các hãng
phim khác: rằng lợi nhuận vẫn là tất cả. Chúng ta có thể dễ dàng gào
lên phản đối những phim rõ ràng được làm ra để kiếm tiền, vì qua đó, ta
có thể tôn vinh những phim mà ta cho rằng có mục đích cao cả hơn, nhưng
như thế, ta cũng quên rằng tất cả các phim đều có mục đích là kiếm tiền.
Chắc hẳn Pixar rất muốn
Finding Dory thu được lợi nhuận. Chắc hẳn họ cũng từng muốn
Finding Nemo
thu được lợi nhuận, điều nó đã làm, và điều tuyệt vời hơn nữa là nó
cũng là một thành công sáng tạo thêm vào đó. Thật sự có đáng ngạc nhiên
không, khi một dự án phim hàng triệu đôla của một tập đoàn hàng tỉ đôla
được thiết kể để kiếm tiền? Rằng lý do duy nhất các bộ phim có quy mô đồ
sộ như thế là vì những phim lớn sẽ thu về khoản tiền lớn cho chủ các
hãng phim? Ta có thể cảm thấy ấm áp khi cho rằng những nghệ sĩ khiêm tốn
tại Pixar làm phim chỉ vì nghệ thuật, vì sự đam mê, rằng mục tiêu của
họ trong sáng. Nhưng chính vì bạn thực sự nghĩ thế, thì Disney đã có
được sự trợ giúp trong việc bán vé cho bạn rồi.
Sự ức chế với một
dự án phim phần tiếp theo – không phải một ý tưởng mới, và vì thế nó
phải có giá trị thấp hơn, ta nghĩ thế - chỉ chứng minh rằng trong ta
luôn ức chế với hai mục tiêu song song của mỗi hãng phim, đó là sáng tạo
và kiếm tiền. Ta luôn có thể cảm thấy dằn vặt khi xem một bộ phim được
các nghệ sĩ tạo ra với mục đích trở nên giải trí (hay cảm động, thúc đẩy
trí óc) nhưng lại được chủ hãng phim tạo ra để sinh lợi. Mục tiêu sau
không làm mục tiêu trước mất hiệu lực – còn không thể khiến mục tiêu
trước trở nên kém hiệu quả, ta hoàn toàn có thể dung hòa cả hai. Việc
khán giả tỏ ra ngờ vực về
Finding Dory là điều tốt – chúng ta
luôn nhìn bằng con mắt sáng suốt về một thứ đang được chào bán cho chúng
ta. Nhưng bạn cũng phải hiểu rằng, nếu ngày mai Pixar công bố cho ra
mắt một kịch bản mới hoàn toàn về một chiếc xe cẩu mơ ước rời khỏi những
công trường, thì trong ý tưởng dường như độc đáo đó, cũng có những cân
nhắc về tiền bạc, và bạn cũng nên nhìn nó với ánh mắt ngờ vực không kém.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi