Tin phòng vé

Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 2011: doanh thu thất vọng

04/01/2012

Tại thời điểm Giáng sinh vừa qua, khi chỉ còn năm ngày nữa là hết năm 2011, doanh số vé bán ở Bắc Mỹ đang thấp hơn doanh số năm 2010 khoảng 500 triệu USD – dù giá vé cao hơn – từ đó thôi thúc các xưởng phim tự vấn bản thân nhằm cố gắng xác định sai lầm nằm ở đâu và giải pháp tối ưu cho thời gian sắp tới.

Phim ảnh là ngành kinh doanh có tính chu kỳ, các nhà phân tích cho hay năm 2010 hưởng lợi lớn từ doanh thu của Avatar, tác phẩm phát hành cuối năm 2009 và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại. Sự sụt giảm hàng nghìn triệu đôla chẳng nhằm nhò gì so với quy mô của ngành điện ảnh. Nhìn chung, doanh số vé bán khu vực Bắc Mỹ năm 2011 ước tính khoảng 10,1 tỉ USD, theo Hollywood.com, trang web biên soạn dữ liệu phòng vé.

Con số này chỉ thấp hơn 4,5% so với năm 2010. Nhưng dù sao đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho các vị quản lý hãng phim, một phần vì bức tranh thực tế xấu hơn nhiều so với ước tính doanh thu thô.

Ví dụ, doanh thu đã được chống đỡ bởi các bộ phim 3D tràn ngập, với giá đắt hơn từ ba tới năm đôla mỗi vé. Các hãng phim đã sản xuất 40 phim 3D trong 12 tháng qua, tăng lên so với 24 phim năm ngoái, theo trang dữ liệu phim ảnh BoxOfficeMojo.com. Các rạp phim cũng tiếp tục tăng giá vé tối thiếu; hiện giờ người xem phải trả trung bình 7,89 đôla mỗi vé, tăng 1% so với năm 2010.

Theo dự đoán, lượng khán giả xem rạp năm 2011 giảm 5,3% xuống 1,27 tỉ người, tiếp tục đà giảm sút 6% của năm 2010.

Hy vọng các bộ phim chính phát hành vào dịp Giáng sinh sẽ nạp năng lượng cho phòng vé. Mission: Impossible – Ghost Protocol của Paramount vững vàng ở ngôi quán quân, thu về 26,5 triệu USD trong tuần thứ hai, đạt tổng doanh thu khoảng 59 triệu USD. Tuy nhiên Sherlock Holmes: A Game of Shadows (Warner Brothers) là vị á quân “hiền lành” hơn nhiều so với kỳ vọng, với doanh số vé bán 17,8 triệu USD, nâng tổng doanh thu hai tuần của phim lên 76,6 triệu USD.

Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 - quán quân phòng vé 2011

Alvin and the Chipmunks: Chipwrecked (20th Century Fox) tiếp tục phấn đấu ở vị trí thứ ba, thu về khoảng 13,3 triệu USD, tổng doanh thu hai tuần là 50,3 triệu USD. Ba bộ phim mới được quảng bá mạnh tay nhận kết quả đạm bạc. The Girl With the Dragon Tattoo (Sony) về thứ tư, thu 13 triệu USD trong tuần và 21,4 triệu USD kể từ khi khởi chiếu hôm 21/12. Adventures of Tintin của Steven Spielberg (Paramount) đứng thứ năm với khoảng 9,1 triệu USD (22,3 triệu USD kể từ khi khởi chiếu hôm 21/12). We Bought a Zoo của Fox chiếm vị trí thứ sáu, thu về khoản khiêm tốn 7,8 triệu USD trong tuần khởi chiếu.

Vậy sai lầm nằm ở đâu? Có nhiều vấn đề, theo lời những nhà quản lý mảng phân phối ở các xưởng phim, họ chỉ ra cuộc chiến tranh giành những đồng tiền dễ kiếm, nhất là ở đối tượng lớp trẻ chịu áp lực tài chính (nhóm khách hàng mà ngành điện ảnh thèm muốn nhất); quá nhiều phim gia đình; và quyền lực ngôi sao tiếp tục hao mòn.

Một điều nữa: “Hãy nhìn lại nội dung,” theo lời Dan Fellman, chủ tịch bộ phận phân phối nội địa của Warner Brothers. “Phim hay luôn đối phó được với hoàn cảnh. Phim dở thì không chống đỡ được nhiều.”

Lớp trẻ, theo các hãng phim định nghĩa là thiếu niên và những người ở độ tuổi 20, hiển nhiên đã tiếp sức cho một số bộ phim đình đám nhất năm 2011, trong đó có Harry Potter and the Deathly Hallows: Part 2 của Warner, tác phẩm đoạt vị trí quán quân của năm với 381 triệu đôla doanh thu vé bán tại Mỹ. (Transformers: Dark of the Moon của Paramount về nhì với trên 352 triệu USD, còn The Twilight Saga: Breaking Dawn – Part 1 của Summit Entertainment đứng thứ ba với trên 269 triệu USD).

Tuy nhiên nhiều bộ phim nhỏ hơn nhắm vào khán giả trẻ hơn thất bại, bao gồm Prom của Walt Disney, Glee: The 3-D Concert Movie của 20th Century Fox, Sucker Punch của Warner, Conan the Barbarian của Lionsgate, và Your Highness, phim hài của Universal. Thể loại phim kinh dị nỗ lực với tư cách một thể loại trọn vẹn, với những tác phẩm vô dụng như Fright Night (DreamWorks Studios), The Thing (Universal) và Priest (Sony).

Bridesmaid thu hút khán giả lớn tuổi hơn

“Tình hình kinh tế của thiếu niên xấu đi như người lớn,” Phil Contrino, biên tập viên trang web BoxOffice.com, giải thích. “Vì họ có ít khoản thu khả dụng hơn và góp phần nhiều hơn vào phản ứng của khán giả trên Facebook và Twitter, khán giả thiếu niên đang trở nên kén chọn,” ông nói thêm. “Đây là cơn ác mộng cho các hãng phim quen đẩy mạnh các bộ phim chung chung.”

Ông Fellman cho biết đã thấy dấu hiệu về việc khán giả trẻ tuổi hơn lựa chọn các hoạt động giải trí khác thay vì phim ảnh.

“Điều này có thể liên quan tới doanh số trò chơi video gần đây,” ông nói. “Thử xem một trò chơi như “Call of Duty” mới bán được 400 triệu USD trong 24 giờ đầu tiên, bạn phải thốt lên, “Cái quái gì thế này? Làm sao có thể thế được?””

Mặt khác, nhiều bộ phim nhắm thẳng vào khán giả nhiều tuổi hơn thu hút doanh thu tốt hơn mong đợi, The Help là ví dụ tuyệt vời nhất. Bộ phim cổ trang này tiêu tốn của DreamWorks khoảng 25 triệu USD để thực hiện và thu về hơn 169 triệu USD tại Bắc Mỹ. “Nhất định chúng tôi hưởng lợi từ những bộ phim ra mắt cuối mùa hè, khi phụ nữ chán ngấy việc đi với chồng hay bạn trai để xem không gì ngoài phim rôbô và siêu anh hùng,” Bruson Green, nhà sản xuất bộ phim nói.

Phim xếp loại R Bridesmaids (Universal) cũng được khán giả xem rạp lớn tuổi ưa thích, theo lời các nhà quản lý khâu phân phối thì có lẽ họ hưởng ứng cơ sở có vẻ mới mẻ: phụ nữ cư xử tồi như nam giới trong The Hangover Part II (Warner), tác phẩm thất bại với 255 triệu USD. Bridesmaids tiêu tốn khoảng 33 triệu USD và thu về 169 triệu USD, gây ra cuộc đua phát triển phim bắt chước ở Hollywood.

Tuy nhiên, bất cứ cái gì thái quá cũng có thể để lại tàn dư, các xưởng phim bắt đầu đắm mình trong phim gia đình, một trong những sản phẩm sinh lợi đảm bảo nhất trong những năm gần đây.

Một số bộ phim mới đạt kết quả tốt, Rio của Fox, The Smurfs của Sony, tuy nhiên một số lại sảy chân ở Bắc Mỹ. Trong số đó có Arthur Christmas của Sony, Kung Fu Panda 2 của DreamWorks Animation và Mars Needs Moms của Disney, trong chừng mực nào đó là thất bại lớn nhất của năm 2011, tiêu tốn ít nhất 150 triệu USD mà chỉ thu về khoảng 21 triệu USD.

Johnny Depp thu hút khán giả một lần nữa với
The Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides

Ngay cả Pixar cũng gặp rắc rối. Hãng phim hoạt hình của Disney này thành công với Cars 2, thu về trên 191 triệu USD vé bán tại Mỹ, song về tổng thể là kết quả tệ hại nhất của Pixar, sau khi điều chỉnh do lạm phát.

Quyền lực ngôi sao, hay thiếu quyền lực ngôi sao, một lần nữa là nhân tố tiêu cực tại phòng vé năm 2011. Tất nhiên có những điểm sáng: Tom Cruise có vẻ là động lực tái xuất với phần mới của Mission: Impossible; Johnny Depp thu hút khán giả một lần nữa với The Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides, thu về 241 triệu USD cho Disney (và trên 1 tỉ đôla trên toàn cầu); Cameron Diaz đáng giá trong Bad Teacher, tác phẩm thu về hơn 100 triệu USD cho Sony.

Song đa số tên tuổi lớn chỉ còn là cái bóng: Harrison Ford và Daniel Craig gây thất vọng trong Cowboys & Aliens của DreamWorks và Universal; Eddie Murphy và Ben Stiller ngã oạch với Tower Heist của Universal; Julia Roberts và Tom Hanks thất bại trong phim độc lập Larry Crowne, New Year’s Eve, thực chất là một dàn sao trong vai khách mời, bị phớt lờ về cơ bản.

Vấn đề nữa, theo lời các nhà quản lý hãng phim, là nỗ lực thất bại của một số ngôi sao trẻ nhằm trở thành sức hút phòng vé lớn hơn. Ryan Reynolds không bao giờ nổi lên nhờ Green Lantern còn Jonah Hill, được khen ngợi nhờ vai phụ trong Moneyball, thất bại với vai chính trong The Sitter. Russell Brand thất bại trong bản làm lại phim Arthur, Taylor Lautner trong Abduction cũng vậy. Còn Amanda Seyfried vật lộn trong Red Riding Hood.

Hai ngoại lệ là Chris Hemsworth trong Thor và Chris Evans trong Captain America: The First Avenger. Cả hai tân binh, được bộ trang phục siêu người hùng trợ giúp, đã tìm thấy những khán giả quan trọng.

Tin vui cho Hollywood là quý đầu năm 2012 có vẻ khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước, khi các xưởng phim có nhiều tác phẩm tạo sự phấn khích nơi khán giả.

Warner có hai phần tiếp theo – Journey 2: The Mysterious IslandWrath of the Titans, trong khi Sony có bản làm lại đáng chú ý của 21 Jump Street. Disney phát hành lại Beauty and the Beast ở dạng 3D, tiếp đó Fox cũng phát hành lại ở dạng 3D phim Star Wars: Episode I – The Phantom Menace. Còn Lionsgate sẽ nhập cuộc với tác phẩm rất được trông đợi The Hunger Games.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Loạt bài Điện ảnh 2011 nhìn lại:

Mười phim châu Á hay nhất
Công nghệ làm chủ màn ảnh Hồng Kông
11 phim Hollywood xứng đáng được yêu thích nhất
Đài Loan mở rộng chân trời nghệ thuật thứ bảy
Khủng hoảng suy giảm khán giả
Phim độc lập kinh phí thấp lên ngôi ở Hàn Quốc
Phòng vé 2011: Những bài học từ một năm chết rồi!
Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 2011: doanh thu thất vọng
Những phim Hollywood tệ nhất đến ghê răng!
Số liệu thị trường Trung Quốc nói gì
Phim bom tấn nào nhiều sạn nhất năm 2011?
10 phim doanh thu cao nhất năm 2011 - năm thất thu của điện ảnh


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.