Tin tức

Điện ảnh 2011 nhìn lại: Phim độc lập kinh phí thấp lên ngôi ở Hàn Quốc

05/01/2012

Một năm nữa đầy khó khăn cho ngành điện ảnh. Theo Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council), đến cuối tháng 11/2011 có 136 phim Hàn và 278 phim nước ngoài ra rạp, nhưng chỉ một ít trong số đó thành công ở phòng vé và chỉ một nhúm phim trong số những thành công này được khán giả còn nhớ.

Phim tốn kém nhất đã thất bại, còn phim ít được trông đợi nhất lại trở thành thành công bất ngờ của năm.

Báo JoongAng Daily cung cấp một sự tổng kết cho ngành điện ảnh Hàn Quốc năm 2011.

Nhỏ mà mạnh

Trong số nhiều phim Hàn Quốc phát hành năm 2011, Late Autumn, trái, và phim độc lập Re-encounter
được giới phê bình chọn là phim ấn tượng nhất
{Ảnh do nhà phát hành của mỗi phim cung cấp]

“Năm nay chúng tôi có rất nhiều bộ phim nhỏ mà chất lượng,” nhà phê bình điện ảnh Jeong Ji Ouk nói. Theo Jeong Ji Ouk, phim độc lập đã thắng lớn từ nửa đầu năm 2011. Vụ thu hoạch bộn tiền của các phim độc lập đã bắt đầu với Re-encounter hồi tháng 2. Do đạo diễn mới vào nghề Min Yong Keun chỉ đạo, bộ phim về lứa tuổi chuyển tiếp này thu hút 10.000 lượt người xem, một con số trong mơ trong thế giới phim độc lập, nơi những xuất phẩm kinh phí thấp và thời gian chiếu rạp ngắn ngủi là chuẩn mực.

Re-encounter tập trung vào một đôi bạn trẻ và cuộc tái ngộ của họ. Khi còn học trung học, chàng trai và cô gái trong phim yêu nhau, nhưng chàng trai bỏ rơi cô gái khi cô có thai. Năm năm sau, họ gặp lại nhau và đi tìm đứa con mà họ tin là đã được người khác nhận làm con nuôi. “Cá nhân tôi thích Re-encounter nhất [trong số những phim Hàn Quốc phát hành năm nay]. Quả là một phim được làm tốt, và chúng tôi phát hiện nữ diễn viên Yu Da In, một diễn viên có khả năng trở thành một ngôi sao lớn kế tiếp,” Jeong Ji Ouk nói thêm.

Một phim về lứa tuổi chuyển tiếp khác, Bleak Night ra mắt vào tháng 3 nhận được những lời khen ngợi của giới phê bình lẫn khán giả. Bộ phim trụ ở phòng vé khoảng ba tháng trong một lĩnh vực kinh doanh mà ngay cả phim kinh phí lớn cũng chỉ được trình chiếu không đến một tháng. Bộ phim khắc họa tình bạn của ba nam sinh trng học và đã bán được hơn 20.000 vé.

The Journals of Musan ra rạp vào tháng 4 đem về vô số giải thưởng trong lẫn ngoài Hàn Quốc cho đạo diễn mới Park Jung Bum. Lấy cảm hứng từ một người bạn ở Bắc Triều Tiên đã qua đời nhiều trăm trước, Park Jung Bum phản ánh cuộc sống khó khăn của những người từ Bắc Triều Tiên vượt biên sang Hàn Quốc.

Kinh phí lớn mà thảm bại

Sector 7 không đạt được điểm hòa vốn

Thường một công thức đã được chứng minh trong ngành điện ảnh rằng phim kinh phí cao tương đương với thành công, nhưng công thức này không đúng với năm 2011. Sector 7 là một trong số những phim tốn kém nhất năm 2011, có chi phí sản xuất khổng lồ là 14 tỉ won (12,2 triệu USD), nhưng bộ phim 3D này đã không đạt được điểm hòa vốn với chỉ 2,2 triệu lượt người xem.

Những phim tốn kém nhất khác của năm 2011, Quick The Front Line, mỗi phim chi phí 10 tỉ won nhưng cũng không khá được. Nhưng một vài phim ít trông đợi nhất lại thắng lớn. Ví dụ, không ai ngờ War of the Arrows (Cung thủ siêu phàm), một phim dã sử về các cung thủ, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2011. Với chi phí sản xuất chỉ 9 tỉ won, bộ phim đã thu hút 7,5 triệu lượt người xem.

Sunny, bộ phim đề tài bạn gái, cũng thu đậm. Bộ phim có kinh phí sản xuất chỉ 4 tỉ won này đã thu hút khoảng 7,4 triệu lượt xem.

Nhiều dự án tham vọng toàn cầu cũng thất bại. Bộ phim hợp tác Hàn-Nhật-Trung My Way đang thu hút lượng người xem ít hơn kỳ vọng. Phim hành động The Kick, do nhà đạo diễn của Ong-Bak Prachya Pinkaew chỉ đạo, là xuất phẩm hợp tác giữa Hàn Quốc và Thái Lan, nhưng tên tuổi của Pinkaew không đẩy được doanh thu vé lên.

Nhà phê bình phim Sim Young Seop than khóc cho sự thất bại của Late Autumn. Phim được quay ở Seattle, Mỹ, có Hyun Bin và Thang Duy, hai diễn viên hàng đầu ở Hàn Quốc và Trung Quốc, đóng chính.

“Hai diễn viên nói hai ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ quả đã đạt đến sự thông hiểu lẫn nhau, thật là liền lạc,” Sim Young Seop nói. “Thêm vào đó, bộ phim gợi lên cảm giác cô đơn, mà sâu thẳm trong tim ai cũng có.”

Những phim đánh động xã hội

Dogani (The Crucible) là phim đáng chú ý nhất năm 2011. Phim làm sáng tỏ vấn nạn
lạm dụng tình dục xảy ra trong một ngôi trường dành cho người khiếm thính và
làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ của công chúng
[Ảnh: CJ Entertainment]

Nhà phê bình Kim Young Jin không ngần ngại chọn Dogani (The Crucible) là phim ấn tượng nhất năm 2011.

“Đã lâu rồi mới có một bộ phim đem đến một sự thay đổi lớn như vậy cho xã hội,” Kim Young Jin giải thích.

Dựa trên câu chuyện có thật về nạn lạm dụng tình dục ở một trường học dành cho học sinh khiếm thính tại Gwangju, bộ phim quả đã mang lại nhiều thay đổi. Sau khi phim được phát hành, chính phủ Hàn Quốc đã siết chặt những luật lệ liên quan nhằm bảo vệ trẻ em, nhất là những trẻ khuyết tật, tránh nạn quấy rối hoặc lạm dụng tình dục.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


Loạt bài Điện ảnh 2011 nhìn lại:

Mười phim châu Á hay nhất
Công nghệ làm chủ màn ảnh Hồng Kông
11 phim Hollywood xứng đáng được yêu thích nhất
Đài Loan mở rộng chân trời nghệ thuật thứ bảy
Khủng hoảng suy giảm khán giả
Phim độc lập kinh phí thấp lên ngôi ở Hàn Quốc
Phòng vé 2011: Những bài học từ một năm chết rồi!
Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 2011: doanh thu thất vọng
Những phim Hollywood tệ nhất đến ghê răng!
Số liệu thị trường Trung Quốc nói gì
Phim bom tấn nào nhiều sạn nhất năm 2011?
10 phim doanh thu cao nhất năm 2011 - năm thất thu của điện ảnh


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi