Bình luận phim

13 giờ: Lính ngầm Benghazi là một phim hành động của Michael Bay

04/02/2016

Cùng khoảng thời gian Tổng thống Obama đọc Thông điệp liên bang cuối cùng của ông, bộ phim 13 Hours về cuộc tấn công ở Benghazi năm 2012 có buổi chiếu ra mắt tại New York. Không rõ thông điệp nào đem lại những lời lẽ được vỗ tay khen ngợi nhiều hơn.

Cảnh báo: Bình luận phim là hạng mục khó đọc nhất trên Quái vật Điện ảnh, thường dễ gây hiểu lầm là dịch Google, được chọn dịch từ những nguồn bình luận phim đặc biệt cảm tính, đầy tính áp đặt với cách viết chẳng mấy dễ chịu và không bàn đến khía cạnh kỹ thuật của bộ phim. Nếu bạn thích đọc kiểu bình phim mướt mát gần giống với bài PR, hoặc nếu bạn tìm kiếm kiểu bình phim "khoe chữ" phân tích góc máy, cảnh quay, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, cao trào... thì có thể dừng đọc và tìm đến các trang web khác.

Mặc dù đạo diễn Michael Bay không hề thể hiện vấn đề nghị sự cụ thể nào – ngoài sự sùng bái ông dành cho những người hùng cơ bắp chống lại hỏa lực mạnh hơn – 13 Hours liên quan đến chính trị ngoại giao gần đây, và cuộc tấn công đẫm máu xảy ra trong thời gian Hillary Clinton là Ngoại trưởng Mỹ.

Thế nên đây là một bộ phim sẽ bị bình phẩm rất nhiều năm nay – hầu hết bởi những chuyên gia chính trị và ứng viên đảng Cộng hòa.

Thực tế, phim không hề đề cập đến bà Clinton. Phim dành phần lớn sự ghê tởm cho những kẻ ẩn danh, được cho là các quan chức CIA và Lầu Năm Góc bạc nhược; thảm họa ở Libya này, theo phim gợi ý, là thất bại do giận dữ, chứ không phải do chính sách. (Như mọi phim chiến tranh bảo thủ của Hollywood kể từ The Green Berets, cho rằng lính Mỹ có thể chiến thắng bất cứ xung đột nào chỉ cần các sếp lớn và nhân viên bàn giấy chịu nỗ lực hành động.)

Thực ra, với một phim chống chính trị gia, bàn luận chính trị chẳng thú vị chút nào. Chúng ta không biết Libya vỡ nợ thế nào, hay lịch sử lâu đời của khu vực này hay thậm chí tại sao người Mỹ có mặt ở đó. "Đất nước của anh phải phối hợp (hành động)," một người Mỹ đốp chát với một người Libya ở cuối phim – như thể một kẻ quan sát bàng quan người Mỹ nào đó đột nhiên bị lôi vào chuyện này.

Những màn đấu súng sáng lòe trời đêm

Phim của Bay sẽ vẫn có vai trò trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, đặc biệt vì ngày phát hành của nó. Nhưng ngoài yếu tố quân sự chuyên nghiệp quen thuộc, 13 Hours (tít phụ trên poster, "Những người lính ngầm Benghazi" không xuất hiện trong phần ‘credit’ đầu phim) tránh né hầu hết tranh cãi liên quan đến bà Clinton để tập trung vào điều Michael Bay thực sự quan tâm.

Là làm một phim Michael Bay.

Không phải thứ dễ làm giả, như bạn biết nếu từng xem một phim của Peter Berg. Mọi người đều biết phép ẩn dụ – một lá cờ Mỹ tung bay đâu đó, những cái cười toe toét, những cảnh ánh mặt trời vàng. Phim của Bay thảy đều được thiết kế để trông hoành tráng, như những phim quảng cáo nước ngọt Coke kiểu cũ, nhưng với những cảnh xe cộ nổ tung và va đụng.

Tuy nhiên, Bay làm điều đó vẫn hay nhất. Vì Bay vẫn tin tưởng.

Phim có bốn trong số năm đại cảnh hành động là những màn trình diễn, và được quay một cách hứng khởi, nếu có phần rối rắm – xe rượt đuổi điên cuồng trên những đường phố Bắc Phi ngoằn ngoèo, những màn đấu súng sáng lòe trời đêm, lực lượng dân quân bò trườn đột kích rùng rợn. (Có lúc, cách dàn dựng rối rắm điển hình của Bay phục vụ cho câu chuyện, nhấn mạnh rằng không ai biết ai là kẻ xấu thực sự, hay từ đâu ra.)

Không ai biết ai là kẻ xấu thực sự, từ đâu ra

Phim cũng ca ngợi, như hầu hết phim của Bay đều thế (kể cả Pain & Gain bị đánh giá thấp) tình đồng đội của những chàng trai gan góc. Hầu hết chuyên viên an ninh trong phim là cựu quân nhân, những người kỳ cựu cùng chia sẻ những chuyến phiêu lưu và sự hy sinh. Đáng lẽ không phải đến Libya để chết vì đất nước mình, nhưng họ sẵn sàng sống chết vì bạn bè.

Và khi phim bám sát những nhân vật giản dị này, và những màn bạo lực đột ngột bùng nổ, là lúc phim hay nhất.

Thật không may trong khi Bay có con mắt nhà nghề, ông lại không có cái tai nhà nghề, và kịch bản của Chuck Hogan đầy rẫy những thứ vớ vẩn, lời thoại đao to búa lớn dường như chỉ nhằm khen ngợi rẻ tiền. ("Tôi cần một bị đầy tiền và một chyến bay tới Benghazi," một người hùng vênh váo gầm gừ. "Ông đừng ra lệnh nữa, ông đi mà làm," một nhân viên an ninh khác nạt nộ ông sếp CIA bạc nhược.)

Tuy nhiên, ít ra Bay cũng cưỡng lại được thôi thúc thông thường của ông là dành những lời thoại đó cho những diễn viên như Mark Wahlberg hay Dwayne Johnson mà đã chọn những diễn viên thực thụ.

John Krasinski trong vai Jack

John Krasinski là một ngôi sao giỏi chưa mấy nổi tiếng vào vai Jack, một tân binh mà chúng ta sẽ theo sát trong sứ mệnh kinh hoàng này; James Badge Dale và Pablo Schreiber là hai trong số các chuyên viên trong nhóm. Tất cả đều hay, và hầu hết là những gương mặt chưa quen thuộc bổ sung vẻ hiện thực và căng thẳng cho bộ phim. Chuyện gì cũng có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lúc nào.

Và thường là thế.

Xin nhắc lần nữa, đây không phải là một phim – như Zero Dark Thirty, hay Black Hawk Down hay Jarhead – có quan điểm phức tạp về chính sách ngoại giao của nước Mỹ, và người đã ra lệnh tiến hành. Ngoài việc không tin tưởng Washington và các đồng nghiệp nói chung, và sự ngưỡng mộ dành cho trung tâm và những người lính thực địa, mục tiêu rõ ràng nhất của 13 Hours là làm một phim hành động về một trận chiến Alamo* thời hiện đại.

Nhưng trong lúc chúng ta theo dõi những con người này, Bay đảm bảo chúng ta sẽ không thể nhìn ngó đâu khác. Hay là thôi nhấp nhổm – dù chúng ta đều đã biết kết cuộc khủng khiếp – mong rằng tất cả bọn họ cuối cùng sẽ sống sót trở về nhà.

Dù đã biết kết cuộc khủng khiếp, chúng ta đều mong tất cả họ sống sót trở về

Lưu ý phân loại: phim có ngôn ngữ thô tục, bạo lực và máu me.

13 Hours: The Secret Soldiers of Benghazi (phân loại R) phát hành ở Việt Nam với tựa 13 giờ: Lính ngầm Benghazi (thời lượng 144 phút)
Đạo diễn Michael Bay. Với các diễn viên chính: John Krasinski, James Badge Dale, Pablo Schreiber

Đánh giá: ★ ★ ½

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


* Cuộc chiến Alamo, Texas năm 1836 giữa Mỹ và Mexico, dẫn đến tách Texas ra khỏi Mexico, sáp nhập vào nước Mỹ. (ND)