Bình luận phim

Đại dịch cúm: lạc mất phương hướng

11/10/2013

Chỉ mới mùa hè trước Hàn Quốc phát hành bộ phim đầu tiên mô tả một căn bệnh chết chóc và Deranged trở thành cú “hit” lớn vào tháng 6. Đến từ cùng một hãng phim (CJ Entertainment), bộ phim hồi hộp về bệnh dịch mới nhất Flu (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại dịch cúm), tác phẩm điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Kim Sung Su (Beat, 1997) trong 10 năm gần đây, một lần nữa tìm kiếm thành công với cùng một tập hợp ngôi sao, mâu thuẫn gia đình và sự hỗn loạn.

Cảnh trong phim Flu

Một container trên tàu đầy những người nhập cư bất hợp pháp được chuyển đến Hàn Quốc và khi nó được mở ra ở Bundang, một trong những thành phố vệ tinh thịnh vượng mới của Seoul, những hành khách bị phát hiện đã chết, chỉ trừ một người đàn ông mắc bệnh rất nặng. Trong khi đó, một anh lính cứu hỏa (Jang Hyeok) phải lòng người mẹ đơn thân (Soo Ae) được anh cứu khỏi một tai nạn. Ngay khi anh bắt đầu kết thân với người phụ nữ, vốn là một bác sĩ, và bé gái dễ thương của cô, căn bệnh dịch chết người vây lấy thị trấn.

Những bộ phim thảm họa đã trở nên nổi bật ở điện ảnh Hàn từ thành công đáng kinh ngạc của Haeundae, bộ phim về sóng thần đã lướt đi với hơn 10 triệu khán giả mùa hè năm 2009. Những ví dụ gần nhất bao gồm The Tower / Tháp lửa, ra rạp vào mùa đông năm ngoái và là phim thậm chí có thể tái hiện thành tích của The Host - bộ phim quái vật sông Hàn của đạo diễn Bong Joon Ho năm 2006 (vượt quá 13 triệu khán giả, vẫn đứng đầu trong biểu đồ doanh thu phòng vé mọi thời đại của Hàn Quốc). Với đầu tư ngày càng lớn, nền công nghiệp phim ảnh Hàn không gặp vấn đề gì trong việc xử lý các yêu cầu kỹ xảo của những bộ phim này, nhưng điểm khác biệt so với những bộ phim thảm họa khác là sự nổi lên của các hàm ý thuộc thể loại khác, đặc biệt là thể loại tình cảm.

Flu tăng tốc và mạch phim nhanh như tiền đề bệnh dịch, những nhân vật chính được giới thiệu nhanh chóng và được sắp đặt cho vai trò sau cùng là bị cuốn theo thảm họa. Biên tập nghẹt thở, cốt truyện súc tích (hoặc quá đơn giản) và góc máy rõ ràng là những điểm nổi bật trong suốt giai đoạn chuẩn bị và khi các sự kiện trong câu chuyện chuyển hướng tối tăm hơn, một cảm giác kinh sợ và cảm thông thích hợp chiếm giữ.

Soo Ae trong vai người mẹ

Tuy nhiên, bất chấp những dàn dựng gọn gàng, có một sự tập trung hơn-mức-bình-thường vào người mẹ và cô con gái, chưa kể đến hình mẫu đại diện cho người cha là anh lính cứu hỏa. Đến giữa phim, tâm điểm đổ dồn vào ba người mặc cho sự hiện diện của vô số nhân vật khác, như các bác sĩ, cảnh sát tham nhũng, chính trị gia, quân đội và những chuyên gia bệnh dịch nước ngoài, người sau lại càng thừa thãi hơn người trước như thể họ chỉ lấp vào những chỗ trống cần thiết nhưng kém thu hút, hoặc, còn tệ hơn, được dùng như những mạch nối các nếp câu chuyện lại với nhau, thiếu đi những động lực hợp lý.

Làm phim về một căn bệnh rất dễ lây lan có thể giết người trong vòng 36 giờ, Flu lại dành một khoảng thời gian quá dài bỏ qua những nỗi kinh hoàng xung quanh, lẽ ra phải là điểm tập trung chính, thay vì gia đình. Chất tình cảm bi thương là một cách thức phổ biến trong điện ảnh thương mại Hàn Quốc mà sự yêu thích của khán giả nội địa đã được chứng minh, nên sự nổi bật của nó ở đây không đáng ngạc nhiên. Deranged làm điều tương tự vào năm ngoái nhưng phim thể hiện sự cân bằng tốt hơn giữa các yếu tố hồi hộp và bản năng tình cảm, dù thực sự, người viết không phải 'fan' của Deranged. Trong Flu, dịch bệnh tạo cảm giác không phải là sự kiện chính, bất chấp quy mô lớn của những diễn biến mà đúng ra thì nó nên có.

Bộ phim dễ dàng dàn cảnh một bệnh dịch nghiêm trọng với sự giúp sức của những bối cảnh ấn tượng, một số lượng lớn vai phụ và một vài đoạn biên tập xuất sắc. Tuy nhiên, so với những tác phẩm lớn khác của Hàn Quốc, điều này lại gây tác dụng ngược khi sự tàn phá leo thang rốt cuộc trở thành đả kích trong sự quá đà, loại bộ phim khỏi tính cấp bách của nó.

Jang Hyeok trong phim

Trong vai một lính cứu hỏa quả quyết và (đôi chút) anh hùng, Jang Hyeok và lựa chọn đúng, nếu không muốn nói là hoàn toàn đáng nhớ. Soo Ae, vào vai người mẹ, đóng tròn vai khi thể hiện được nhiều thay đổi vẻ mặt của nhân vật: vẻ nghiêm túc của một bác sĩ, vẻ vừa thương xót vừa ích kỷ của một người mẹ. Dù vậy, người viết thường gặp phải vấn đề với vai diễn của cô, đó là cô phần nào không dễ mến. Dàn diễn viên phụ cho thấy một vài tài năng như Yu Ji Tae và Ma Dong Seok; đáng buồn là, thật phí phạm khi họ vào những vai châm biếm.

Đạo diễn Kim Sung Su là một tên tuổi lớn của điện ảnh Hàn Quốc ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, đã ghi dấu với hai bộ phim găng-xtơ xuất sắc với nam diễn viên Jung Woo Sung, Beat (1997) và City of the Rising Sun (1998). Bộ phim tiếp theo năm 2003 Please Teach Me English không thể hoàn thành, bất chấp rất nhiều lần khởi quay thất bại. Là bộ phim đánh dấu sự trở lại, Flu chứng tỏ cảm xúc mãnh liệt của anh dành cho điện ảnh ngay từ những cảnh đầu tiên, nhưng khi phim bắt đầu bùng nổ ta không còn thấy sự hiện diện của Kim đằng sau ống kính nữa. Như rất nhiều bộ phim thương mại ra mắt gần đây của Hàn Quốc, kết thúc loạng choạng kém cỏi dưới sức nặng của việc thể hiện chất tình cảm quá đà.

Sau một giờ đầu tiên vững vàng, bộ phim của Kim bắt đầu rời rạc khi cốt truyện trở nên khó hiểu với kế hoạch phức tạp và ngập đầy những nhân vật thừa thãi, thậm chí không cưỡng được một cái kết quá sức cường điệu. Thể hiện nghèo nàn ở nửa sau có khả năng bị trầm trọng thêm bởi sự khởi đầu mạnh mẽ của phim, khó mà trở thành ấn tượng đầu tiên đọng lại khi bạn rời khỏi rạp chiếu bóng.

Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Twitch


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi