Bình luận phim

Unbroken / Không khuất phục: Câu chuyện sinh tồn của Angelia Jolie

06/02/2015

Sống sót là đòn trả thù tuyệt nhất.

Đó là bài học đập liên hồi vào đầu Louis Zamperini từ những ngày thơ ấu, khi cậu bị bắt nạt một cách khắc nghiệt vì là người Ý, khi cậu chạy đua và sẵn sàng gục xuống.

Đạo diễn Angelia Jolie, trái trên trường quay Unbroken

“Nếu chịu được thì sẽ làm được.” Cứ đi đi. Cứ chạy đi. Và nếu ngã, đứng lên lại. Bởi vì, nếu không bỏ cuộc – nếu không dừng lại – thì sẽ không bao giờ thua.

Điều đó đã đưa Zamperini tới Olympics 1936. Và sau đó đưa anh vượt qua lần bị bắn rơi trên Đại Tây Dương, lưu lạc gần bảy tuần ở vùng nước đầy cá mập lởn vởn rồi hơn hai năm chịu đói, lao động khổ sai và tra tấn trong trại tù binh chiến tranh của Nhật Bản.

Chỉ thêm một ngày nữa. Và rồi một ngày sau đó nữa.

Đây là nhịp độ không nao núng, không mệt mỏi – nhưng không bao giờ lặp lại – của Unbroken, bộ phim cảm động, đầy cảm hứng, theo trường phái kiểu cũ một cách an toàn và ung dung từ Angelina Jolie.

Jack O’Connell trong vai Louis Zamperini

Dựa trên tiểu thuyết bán chạy của Laura Hillenbrand (với kịch bản được giúp đỡ từ một số nhà biên kịch tài năng bao gồm Richard LaGravanese và anh em nhà Coen) bộ phim ban đầu cắt giữa thời niên thiếu của Zamperini trong thời Đại khủng hoảng ở California và công việc của anh trong lực lượng không quân Mỹ (anh nhập ngũ ba tháng trước sự kiện Trân Châu Cảng).

Quay trong ánh dương ấm áp và sự để tâm không chút giả tạo tới chi tiết cổ trang, những cảnh California – bố cục, ánh sáng và ghi hình cẩn thận – có một phong cách Hollywood, không cầu kỳ làm ta nghĩ tới Clint Eastwood. (Có lẽ Jolie đã dành sự chú ý nhiều hơn bình thường trên trường quay Changeling hồi năm 2008).

Nhưng khi những cảnh quê nhà và trường trung học qua đi, và chiến tranh thay thế, việc cắt cảnh nhanh hơn một chút, góc quay thêm bi kịch. Và rồi Louis bị bắn rơi. Và rồi lũ cá mập bắt đầu lượn quanh chiếc thuyền cứu sinh mỏng manh của anh.

Rồi anh được Hải quân Nhật Bản cứu và, thật chả ngờ được, mọi chuyện còn tệ hơn nữa.

Takamasa “Miyavi” Ishihara, trái, trong vai “The Bird”

Bảnh trai, lanh lợi và tập trung một cách dữ dội, nam diễn viên người Anh còn ít tên tuổi Jack O’Connell là một lựa chọn phù hợp cho vai Louis. Còn ngôi sao nhạc pop Nhật Bản Takamasa “Miyavi” Ishihara tỏa sáng trong vai “The Bird”, người bắt giam tàn bạo Louis và cũng là tội phạm chiến tranh.

Nếu bộ phim có một khuyết điểm lớn, đó là nó có vẻ như quá lo lắng về việc làm chúng ta sợ hãi (hay đánh mất nhãn PG-13); sau những cảnh tra tấn đãng nhẽ nên để lại cho O’Connell nhiều hơn là một cục thịt máu me, anh chỉ nhận được một bên mắt thâm và ít vết bầm. Nhưng bỏ qua nỗi bực dọc đó bạn sẽ thấy một sự thích hợp thú vị, phổ biến ở đây, khi Jolie ẩn mối quan hệ của hai người đàn ông bằng một ngôn ngữ bạo hành gia đình.

“Tại sao mày lại làm tao phải đánh mày?” kẻ bắt giam hỏi, sau khi đánh đập tù nhân của mình không thương xót. Mối liên hệ giữa họ là mối quan hệ giữa người thắng cuộc và nạn nhân, tuy nhiên lại có mối liên kết cảm xúc và sự thân mật và cả sự phụ thuộc ở đây nữa; mặc dù kẻ bạo hành không xứng để ta đồng cảm, Jolie gợi ra để phá vỡ chu trình, sự thấu hiểu cũng là quan trọng.

Jack O'Connell trong cảnh phim khi nhân vật Louis của anh bị "the Bird" bắt nâng một khối gỗ nếu không muốn bị bắn

Jolie không quá nhấn điểm này – ngoại trừ một cảnh Louis bê một khối gỗ, như một phần của cây thánh giá – nhưng đức tin, và sự chấp nhận đến cùng, là một phần lớn hơn nhiều trong cuộc đời của Zamperini. Và, thực sự, đó có thể là phần quan trọng nhất của bộ phim này. Bởi cuối cùng, có lẽ sự sống sót không phải là đòn trả thù hay nhất.

Có lẽ đó là sự tha thứ.

Lưu ý: Bộ phim bao gồm cảnh bạo lực và ngôn từ nặng.

Unbroken (PG-13) Universal (137 phút)
Đạo diễn: Angelina Jolie. Với các diễn viên chính: Jack O’Connell, Takamasa Ishihara

Đánh giá: ★ ★ ★

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger