Giải thưởng - LHP

Hồng Kông khởi động liên hoan phim với tiêu điểm Trung Quốc

19/01/2011

Liên hoan phim độc lập của Hồng Kông khởi động hôm 22/10 với một đội hình phản ánh quang cảnh luôn thay đổi của nền điện ảnh đang nở rộ của Trung Quốc, trên đường trở thành thị trường có doanh thu phòng vé xếp thứ hai trên thế giới trong năm năm.

Liên hoan phim châu Á Hồng Kông (HKAFF) lần thứ bảy qui tụ hơn 60 bộ phim độc lập đến từ khắp châu Á, nhưng năm nay liên hoan chiếu sáng tác phẩm của các đạo diễn Trung Quốc, theo các nhà tổ chức cho biết.


Poster chính thức của Liên hoan phim châu Á Hồng Kông


“Phim của Trung Quốc đại lục là tiêu điểm của liên hoan phim năm nay,” giám đốc liên hoan phim Gary Mark tiết lộ với hãng tin AFP.

“Trước đây các bộ phim của Trung Quốc đều hoặc là quá mang tính nghệ thuật hoặc là phim bom tấn hoành tráng, nhưng nền điện ảnh đang trưởng thành. Giờ đây chúng ta đã thấy đa dạng các loại phim, vì cả các đạo diễn mới lẫn kỳ cựu đều bắt đầu khám phá những thể loại mới.”

Liên hoan phim năm nay, diễn ra đến ngày 8/11, sẽ trình chiếu một loạt phim Trung Quốc, từ The Piano in the Factory (tạm dịch: Cây dương cầm trong nhà máy) của đạo diễn mới Trương Manh và bộ phim kungfu hài khác thường The Butcher, the Chef and the Swordsman (Đao kiếm tiếu) của Ô Nhĩ Thiện, đến tác phẩm được yêu thích của liên hoan phim – bộ phim tài liệu về Thượng Hải I Wish I Knew (Hải thượng truyền kỳ) của đạo diễn từng đoạt giải thưởng Giả Chương Kha.

Chiếu mở màn liên hoan phim năm nay cũng bao gồm hai phim Hồng Kông: bộ phim thần bí bạo lực Revenge: A Love Story (tạm dịch: Báo thù: Một chuyện tình) của Hoàng Tinh Phủ, và phim tình cảm Lover’s Discourse (tạm dịch: Diễn văn tình nhân) của hai đạo diễn mới ra mắt Tăng Quốc Tường và Jimmy Wan, phim đã được chiếu ra mắt ở Liên hoan phim Quốc tế Pusan vào đầu tháng 10.

Một phim khác được lên lịch chiếu là Under the Hawthorn Tree (tạm dịch: Dưới bóng sơn trà) của đạo diễn được ca ngợi Trương Nghệ Mưu, phim sẽ khép lại liên hoan năm nay.

Trương Nghệ Mưu, từng ba lần được đề cử giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất, còn được biết đến là người chỉ đạo lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh và là đạo diễn của những tác phẩm bom tấn như Anh hùngThập diện mai phục.


The Piano in the Factory của đạo diễn Trương Manh


Với Tăng Quốc Tường – con trai của diễn viên Hồng Kông nổi tiếng Tăng Chí Vỹ - thành công tương lai của ngành phim ảnh Hồng Kông phụ thuộc phần lớn vào việc phim Hồng Kông có trở thành chủ lực ở thị trường Trung Quốc đại lục hay không.

“Hiện nay mỗi nhà làm phim đều muốn nhảy vào thị trường Trung Quốc. Với các nhà làm phim Hồng Kông, Trung Quốc đại diện cho một cơ hội bất ngờ, vì đó là một thị trường rộng lớn, ở ngay sân sau của chúng ta,” anh nói.

Tăng Quốc Tường cho biết anh có thể quay phim độc lập ở Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh được trả về cho Trung Quốc năm 1997 – trong khi thực hiện những bộ phim thương mại lớn hơn ở Trung Quốc.

“Tôi may mắn có được cái tốt nhất của cả hai thể loại,” trích lời chàng đạo diễn trẻ hiện đang ở Bắc Kinh thực hiện tác phẩm thứ hai của mình – Lecuna.

Lời đề nghị tập trung vào Trung Quốc của liên hoan phim xuất hiện do con số rạp chiếu ở Trung Quốc mọc lên như nấm – trung bình mỗi ngày có một rạp khai trương, theo tập đoàn quốc doanh China Film Group cho biết.

Doanh thu phòng vé Trung Quốc được trông đợi sẽ đột phá mức 1,5 tỉ đôla trong năm nay, sau mức 909 triệu đôla năm 2009 và khoảng 150 triệu đôla năm 2003.

Hiệp hội Sản xuất phim Trung Quốc ước tính thị trường phim ảnh nước này sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2015, thu về hơn 6 tỉ đôla doanh thu phòng vé mỗi năm.


The Butcher, the Chef and the Swordsman cũng nằm trong đội hình phim Trung Quốc được trình chiếu tại HKAFF


Liên hoan phim Hồng Kông cũng sẽ trình chiếu các phim đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan, bao gồm bộ phim siêu nhiên của đạo diễn gốc Bangkok Apichatpong Weerasethakul - Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (tạm dịch: Chú Boonmee có thể nhớ lại quá khứ), từng giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.

Nhà điện ảnh nổi tiếng của Đài Loan Lý Quốc Hoàng – được biết đến nhờ cộng tác với đạo diễn thắng giải Hầu Hiếu Hiền và chuyên gia điện ảnh Vương Gia Vệ - là chủ đề của bộ phim tài liệu tưởng niệm Let The Wind Carry Me (tạm dịch: Để gió đưa tôi đi), ghi lại những tác phẩm của ông.

Năm 2006, Vương Gia Vệ trở thành đạo diễn Trung Quốc đầu tiên ngồi vào ghế ban giám khảo liên hoan phim Cannes, nơi trước đó ông từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc.

Liên hoan phim cũng sẽ tưởng nhớ đạo diễn phim hoạt hình Nhật Bản Satoshi Kon, vừa qua đời hồi tháng 8. Liên hoan cũng sẽ chiếu bốn trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, gồm cả Paprika, được cho là chịu ảnh hưởng từ phim kinh dị Inception của Christopher Nolan, do Leonardo Dicaprio đóng vai chính.

Những bộ phim đáng xem tại Liên hoan phim châu Á Hồng Kông 2010:


Johnnie Got His Gun! (Johnnie có súng!)

Bộ phim tài liệu về Đỗ Kỳ Phong – cha đẻ của nhiều bộ phim thuộc nhiều thể loại, nhưng lại nổi tiếng với các tác phẩm hành động tội ác ly kỳ đã mang về cho ông danh tiếng trên trường quốc tế. Bộ phim tài liệu được một nhà làm phim người Pháp quay, ghi lại những hiểu biết của ông về ngành làm phim.


Paprika

Liên hoan phim châu Á Hồng Kông tưởng nhớ đạo diễn phim hoạt hình Nhật Bản vừa qua đời hồi tháng 8, Satoshi Kon. Tác phẩm cuối cùng và gây chú ý nhất của bậc thầy hoạt hình này – Paprika – được cho là lấy cảm hứng từ Inception của Christopher Nolan. Câu chuyện kể về bộ phận cải tiến nhỏ của DC cho phép người dùng xem và khám phá giấc mơ của người khác. Mục đích ban đầu là dùng trong điều trị tâm lý, nhưng thiết bị này lại rơi vào tay những kẻ khủng bố.


   


Lover's Discourse (Diễn văn tình nhân)

Sáu câu chuyện tình trong một bộ phim, Lover’s Discourse trông giống như phiên bản Hồng Kông của Love Actually nhưng không có kết thúc viên mãn mà là nhiều cảnh buồn bã đậm chất Hồng Kông. Với những tên tuổi lớn như Trần Dịch Tấn, Từ Tử San, Lâm Gia Hân, Phạm Hiểu Huyên, đây là bộ phim bom tấn hứa hẹn của mùa thu. Vé của các buổi chiếu tại liên hoan phim đã bán hết, nhưng bộ phim chắc chắn sẽ sớm trở lại các rạp.


   


Under the Hawthorn Tree (Dưới bóng sơn trà)

Bản phim của Trương Nghệ Mưu phỏng từ cuốn tiểu thuyết ăn khách Under the Hawthorn Tree - cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc năm 2007. Câu chuyện kể về tình yêu thuần khiết trổ hoa giữa đôi nam nữ có gia cảnh khác biệt vào những năm 1970 ở Trung Quốc. Đạo diễn bậc thầy Trương Nghệ Mưu đã quảng bá đây là "chuyện tình đẹp nhất trong lịch sử". Nhưng các nhà phê bình nói rằng bộ phim đã cố ý giảm nhẹ cốt truyện gốc và bỏ lỡ điểm trọn vẹn của tiểu thuyết: nhận thức tình dục của đôi tình nhân trẻ vẽ nên những đường thẳng song song với lịch sử hiện đại dữ dội của Trung Quốc.


   


I wish I knew (Hải thượng truyền kỳ)

Vốn được chuẩn bị để góp phần vào Shanghai Expo, Giả Chương Kha đã tạo nên một bức chân dung trung thực về thành phố Thượng Hải thông qua những câu chuyện do hậu nhân của những người có ảnh hưởng ở Thượng Hải và nhân sĩ đương thời kể lại. Người Trung Quốc sẽ thích xem cách Giả Chương Kha phỏng vấn với những nhân vật như Hàn Hàn, con gái của Phí Mục – Phí Minh Nghi, và Đỗ Mỹ Như – con gái của thành viên bang phái lớn nhất Đỗ Nguyệt Sanh. Được quay với phong cách trầm mặc, quyến rũ đặc trưng của Giả Chương Kha, quang cảnh thành phố Thượng Hải đã được ống kính máy quay nắm bắt.


   


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AFP & CNN Go