Giải thưởng - LHP

Xung đột về chủ quyền lây ảnh hưởng sang Liên hoan phim

15/01/2011

Liên hoan phim Quốc tế Tokyo được tổ chức khi đang xảy ra tình trạng căng thẳng sục sôi giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh vấn đề chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư.

Trung Quốc rút khỏi Liên hoan phim Quốc tế Tokyo

Trung Quốc đã rút khỏi Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 23 do vấn đề về chủ quyền với Đài Loan và tuyên bố sẽ tẩy chay các hoạt động khác liên quan đến liên hoan phim này.

Trưởng phái đoàn Trung Quốc, ông Giang Bình, nói với các nhà tổ chức liên hoan phim rằng phái đoàn Đài Loan không được tham dự liên hoan phim dưới tên Đài Loan, mà phải là “Đài Loan, Trung Quốc” hoặc “Đài Bắc Trung Quốc”, danh xưng Đài Loan đã sử dụng khi tham gia Thế vận hội, ngay trước khi các ngôi sao bắt đầu bước xuống thảm xanh đánh dấu sự khai mạc liên hoan phim.

Ông Giang, cũng đồng thời là phó tổng giám đốc Cục điện ảnh của Tổng cục quảng bá điện ảnh và truyền hình quốc gia (SARFT), trả lời với các phóng viên: “Chúng tôi phản đối việc các nhà tổ chức giới thiệu hai phái đoàn là ‘Trung Quốc và Đài Loan’. Và yêu cầu giới thiệu Đài Loan là 'Đài Bắc Trung Quốc hoặc Đài Loan thuộc Trung Quốc' của chúng tôi đã bị những nhà tổ chức từ chối.”

Ông bày tỏ: “Rất đáng tiếc là phái đoàn Trung Quốc đã phải quyết định rút khỏi các sự kiện liên quan tới liên hoan phim bởi vì các nhà tổ chức đã ngầm vi phạm chính sách Một Trung Quốc. Chuyện này không liên quan tới đồng bào Đài Loan của chúng tôi. Đây là lỗi của những nhà tổ chức Tokyo.”

 

Bất chấp sự rút lui của Trung Quốc, The Piano in a Factory vẫn sẽ tham gia tranh giải

 

Theo như tin tức từ các báo địa phương thì chín bộ phim Hoa ngữ dự định sẽ chiếu trong chuỗi các bộ phim Trung Quốc tại liên hoan phim lần này sẽ không được chiếu nữa.

Hai bộ phim Trung Quốc khác là Buddha Moutain (Quan Âm sơn ) và The Piano in a Factory (Cây dương cầm trong nhà máy) dự kiến sẽ tham gia vào hạng mục tranh giải của liên hoan phim.

Người phụ trách quan hệ công chúng của bộ phim The Piano in a Factory , cho tờ Global Times biết là bộ phim sẽ vẫn tham gia tranh giải tại liên hoan phim, trong khi đội ngũ làm phim Núi Quan Âm nói rằng họ sẽ làm theo chỉ đạo của SARFT.

Trung Quốc luôn giữ vững quan điểm rằng Đài Loan là một phần không thể nhượng lại của đất nước này. Đài Loan đã nằm dưới sự cai trị thuộc địa của Nhật Bản từ 1895 đến 1945.

Lỡ dịp xuất hiện trên “thảm xanh”

Nhiều ngôi sao hạng A đang chuẩn bị cho sự xuất hiện hoành tráng tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo đã trở thành các nạn nhân mới nhất của những quan hệ bất ổn qua lại giữa hai bờ eo biển sau khi cả hai phái đoàn Đài Loan và Trung Quốc đều bỏ lỡ lễ khai mạc với sự tham gia của rất nhiều ngôi sao trong vụ tranh cãi này.

Mặc dù việc đã dành rất nhiều ngày để chuẩn bị cho sự kiện kéo dài 11 ngày này, các diễn viên Đài Loan đã không thể bước được lên tấm “thảm xanh” thân thiện với môi trường.


Sự kiện thảm xanh của Liên hoan phim Tokyo đã thiếu đi sự tham dự
của cả hai phái đoàn Trung Quốc và Đài Loan

 

“Không muốn tiêu thụ phim ở thị trường đại lục nữa à? Các anh chị có phải người Trung Quốc không?“ – ông Giang đã hỏi các diễn viên Đài Loan như vậy.

Bất chấp sự phản đối liên tục từ phía các quan chức Đài Loan, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường của mình, và cũng gây áp lực buộc các nhà tổ chức liên hoan phim phải thực hiện thay đổi. Đây là vấn đề về chủ quyền và Bắc Kinh “sẽ không nhân nhượng” – ông Giang cho biết.

Các nhà tổ chức liên hoan phim bày tỏ sự thất vọng về động thái của Trung Quốc và cho biết đây là lần đầu tiên họ gặp phải vấn này. Họ cho rằng hai bên nên “trao đổi riêng với nhau”, theo như tờ Liberty Times tiếng Hoa (tờ báo chị em của Taipei Times ) cho biết.

Ông Trần Chí Khoan, trưởng phái đoàn Đài Loan và cũng đồng thời là giám đốc ban điện ảnh của Cơ quan thông tin chính phủ, phát biểu rằng ông không chấp nhận lời yêu cầu của ông Giang.

Ông bày tỏ sự ngạc nhiên về thái độ cố chấp đột ngột này và cho biết rằng ngay từ đầu phái đoàn của ông đã đăng ký tham gia sự kiện thường niên này với cái tên “Đài Loan” như trong những năm trước.

Cái tên này đã được các nhà tổ chức chấp nhận và “chúng tôi không có lý do gì để nhượng bộ lần này” – ông tuyên bố.

“Nếu không vì sự khăng khăng của ông Giang thì cả hai phái đoàn đều có thể đã tới được thảm xanh” – ông trả lời các phóng viên.

Thay vào đó, họ đã bỏ lỡ dịp này giữa lúc vụ tranh chấp đang xảy ra.

Trong một buổi họp báo vào ngày 24/10 tại Tokyo, các ngôi sao nói rằng họ rất bối rối và sửng sốt về vụ việc này, mặc dù theo như đạo diễn phim Monga Nữu Thừa Trạch thì đây không phải là lần đầu tiên những việc như thế xảy ra.

Trong những ngôi sao hạng A đã tới Tokyo tuần vừa qua để ủng hộ cho các bộ phim có Từ Nhược Tuyên, Trương Quân Ninh, Nguyễn Kính Thiên và Triệu Hựu Đình.

Từ Nhược Tuyên bật khóc nói: “Trương Quân Ninh đang chuẩn bị bước lên [thảm xanh] trông thật xinh đẹp trong bộ váy của cô ấy vào đêm [23/10] đó…, Nguyễn Kính Thiên, bình thường không hay đeo cà vạt, hôm đó anh ấy đã thắt cà vạt thật đặc biệt để trông thật đẹp trai.”

Sau khi vỡ lở tin tức là phái đoàn Đài Loan sẽ không được bước lên thảm xanh, “Nguyễn Kính Thiên đã giật cái cà vạt của anh ấy xuống” – cô cho biết.

Theo như thông tin từ một số bài báo, sự vắng mặt của các ngôi sao Đài Loan đã khiến người hâm mộ điện ảnh Nhật Bản cảm thấy rất ngơ ngác và các ngôi sao Đài Loan khác bày tỏ sự ủng hộ với phái đoàn Đài Loan phải chịu sự cấm đoán. Người ta nhìn thấy có những người hâm mộ vẫn đang nắm chặt tấm ảnh của các ngôi sao Đài Loan mà không nhận ra rằng chẳng ai sẽ tới tham dự nữa.

 

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, các ngôi sao Đài Loan vẫn không được xuất hiện
trước người hâm mộ, tất cả những gì các ngôi sao có thể làm là tự chụp ảnh chính mình


Căng thẳng gia tăng giữa hai bờ eo biển

Tại Đài Bắc, các chính trị gia của các đảng đồng loạt lên án hành động nực cười của Trung Quốc, cho rằng thật là đáng tiếc khi một sự kiện văn hóa đã bị chính trị hóa như vậy.

Chủ tịch Đảng dân chủ tiến bộ Thái Anh Văn cho rằng động thái này “cho thấy rất rõ ràng” là Trung Quốc chưa bao giờ ngừng gây áp lực lên chủ quyền của Đài Loan. Bà cho rằng chính sách nhân nhượng của chính phủ đối với phía Bắc Kinh “không đạt được kết quả gì”.

Theo như lời bà: “Tham vọng của Trung Quốc đối với chủ quyền của chúng tôi rõ ràng là luôn luôn tồn tại. Chính quyền [hiện tại] không nên quá ngây thơ... về vụ việc này.”

Khi được yêu cầu nhận xét, Thủ tướng Ngô Đôn Nghị cho biết ông ủng hộ phái đoàn Đài Loan và gọi hành động của ông Giang là “thô bạo”.

Ông Ngô phát biểu: “Rõ ràng là ông Giang, trưởng phái đoàn Trung Quốc, đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi đã tham dự các liên hoan phim, trong đó có cả [liên hoan phim] Tokyo dưới cái tên Đài Loan trong nhiều năm.”

Ông nói rằng ông Trần Chi Khoan “đã làm một việc đúng đắn” khi bác bỏ yêu cầu thô bạo của phía đại diện Trung Quốc rằng phái đoàn Đài Loan nên thay đổi danh xưng của mình thành “Đài Loan, Trung Quốc”.

Ông cho biết ông hy vọng Bắc Kinh sẽ thừa nhận sự tồn tại và chủ quyền của nước Cộng hòa Đài Loan, đồng thời thúc giục phía Trung Quốc thấu hiểu rằng cả hai bờ eo biển Đài Loan hiện tại đều đang theo đuổi sự phát triển hòa bình.

Ông cũng nói ông tin rằng Cơ quan sự vụ Đài Loan của Trung Quốc sẽ giải quyết với vụ việc yêu cầu “phi lý” này của phái đoàn.

Phát ngôn viên của Nội các Giang Khải Thần cũng thúc giục phía Trung Quốc không nên xâm phạm vào quyền tham dự liên hoan phim của Đài Loan.

Trong khi đó về phía cơ quan lập pháp, nhà làm luật của Quốc dân đảng ông Chu Thủ Huấn, hiện tại đang công tác tại Ủy ban đối ngoại và quốc phòng, phát biểu rằng ông cảm thấy hối tiếc về toan tính chính trị hóa một sự kiện nghệ thuật của Trung Quốc.

Mâu thuẫn chính trị với Tokyo là nguyên nhân?

Liu Junhong, một thành viên của Viện nghiên cứu Nhật Bản học tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, nói với Global Times rằng vấn đề Đài Loan không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế văn hóa mà còn mang tính chất chính trị.

Liên hoan phim Quốc tế Tokyo được tổ chức khi đang xảy ra tình trạng căng thẳng sục sôi giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh vấn đề chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư.

 

Vì sự tranh chấp xung quanh vấn đề Đài Loan,
Trung Quốc đã rút khỏi Liên hoan phim Tokyo lần thứ 23

 

Quan hệ Trung Nhật đã trở nên căng thẳng kể từ khi Nhật Bản giam giữ thuyền trưởng một tàu Trung Quốc va chạm với một tàu tuần tra Nhật Bản ở gần quần đảo Điếu Ngư trong vùng biển Hoa Đông.

Tháng này, hàng nghìn người biểu tình Nhật Bản đã tập hợp bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để phản đối việc cách xử lý của chính quyền Trung Quốc đối với vụ đụng tàu. Những người phản đối Trung Quốc sau đó đã tập hợp vào 23/10 tại thành phố thuộc Takamatsu, 600 km về phía Tây Tokyo, khẳng định quyền sở hữu của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư.

Ở Trung Quốc, ngày 24/10 vừa qua đã có thông tin về những người phản đối Nhật Bản tại Lan Châu, tỉnh Cam Túc, nơi hàng trăm người đã yêu cầu một chiến dịch tẩy chay hàng Nhật, tiếp nối một cuộc biểu tình khác vào 23/10 tại Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên.

Ông Liu Jiangyong, phó giám đốc của Viện nghiên cứu quốc tế tại Đại học Thanh Hoa trả lời tờ Global Times rằng: “Trung Quốc có quyền phản đối bất kỳ đề nghị nào về ‘một Trung Quốc, một Đài Loan’.”

Ông nói thêm Nhật Bản phải biết Đài Loan là một trong những mối quan tâm chủ đạo của Bắc Kinh và rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp, trong khi đó Nhật Bản không thể làm cho tình huống này thêm phức tạp đặc biệt là khi quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật đang trở nên xấu đi.

Trong một dấu hiệu chứng tỏ hai chính phủ đang cố gắng xoa dịu sự căng thẳng, bộ trưởng ngoại giao của hai nước đã trao đổi những phát biểu khuyến khích sự hợp tác giữa hai bên trong hai ngày vừa qua.

Ngày 22/10 rồi, bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehare cho biết, với tư cách là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, Nhật Bản và Trung Quốc nên hợp tác để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chiến lược của hai nước.

Để hồi đáp, người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc phát biểu trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của bộ ngoại giao vào 23/10: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản có thể chung sức hợp tác với chúng tôi để duy trì và phát triển mối quan hệ song phương chiến lược hai bên cùng có lợi.”

Liên hoan phim Quốc tế Tokyo được sáng lập vào năm 1985, là một trong những liên hoan phim có ảnh hưởng nhất châu Á. Năm nay khoảng 200 bộ phim, trong đó có sáu bộ phim tới từ Đài Loan sẽ tranh giải thưởng Tokyo Sakura Grand Pix, giải thưởng được trao cho bộ phim xuất sắc nhất. Đài Loan sẽ đưa ra lực lượng hùng hậu nhất trong nhiều năm nay, trình chiếu những bộ phim thành công phòng vé như Monga, Juliets, The Fourth Painting (Đệ tứ trương họa), Let the Wind Carry Me, Zoom Hunting (Liệp diễm) và Taipei Exchanges (Câu chuyện thứ 36).

 

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times; Taipei Times