Movie Blogs

Train to Busan: Sau cơn gột rửa là sự tái sinh

17/09/2016

Hôm nay nhờ được share link mà thanh niên không có tiền mua vé Lotte như tôi mới có cơ hội xem TRAIN TO BUSAN, cũng may mắn là được xem bản đầy đủ so với bản rạp. Theo tôi, phim bị cắt xén dù với bất cứ lý do gì cũng coi như vất đi cái tinh thần chủ đạo của những người tạo ra nó rồi.

Sẽ miễn nói đến nội dung vì đã quá nhiều người biết.

Tôi vốn rất hứng thú với mấy thể loại phim thảm họa pha kinh dị kiểu này, không vì máu me hay mấy màn kỹ xảo gì đâu. Mà đơn giản các bộ phim thảm họa chính là cú hích có thể đẩy con người đến giới hạn thực sự của bình đẳng và đạo đức. Để ở đó chúng ta có thể nhìn thẳng vào bản năng sâu trong mình.

Khi thảm họa kéo đến như cơn lũ, thì bất kể là ai, nam phụ lão ấu, giàu sang hèn mạt, vô sản quyền thế, đều chẳng còn ý nghĩa. Đại dịch zombie trong phim giống với hình tượng trận Đại hồng thủy truyền thuyết trong Kinh Thánh, sẽ quét sạch mọi sinh vật trên thế giới. Khi không còn chỗ cho văn minh, tri thức, hay đạo lý nữa, chỉ có hoảng loạn, cái chết, cùng bản năng cầu sinh, lúc đó chúng ta đều giống nhau, một cái cắn là toi.

Tôi cho rằng đám zombie lúc nhúc tranh nhau cắn xé người kia thực ra chẳng có gì đáng sợ, chúng vô tri và hành động đơn thuần bản năng. Nhưng chính những con người đang cầu sinh kia mới thực sự là phần rùng rợn nhất trong phim, họ vẫn còn nhận thức, và chọn giẫm đạp lên chính phần Người trong mình để giữ cho phần Con được tồn tại.

Hình ảnh đám hành khách trên toa số 13 cố đóng lại cánh cửa khoang khi trước mắt là đồng loại đang chạy đến cầu cứu (gồm đủ trẻ em, phụ nữ có thai, người già, và cả người tàn tật đấy ạ) - mới thực là đáng sợ. Họ sẵn sàng đồng lòng bịt miệng cô gái trẻ cố kêu gào xin cứu bạn trai mình, họ sợ hãi xua đuổi khi bị nam chính nhìn thẳng vào mắt, họ dùng số đông để trốn tránh sự phán xét của lương tâm trong mình. Họ có phải người tốt hay không? Tôi tin đều từng là người tốt đấy. Họ làm vậy là đúng hay sai? Tôi không nhận xét.

Trên quan điểm cá nhân của tôi, thì bản năng cầu sinh trong mỗi cá thể là luôn luôn đúng. Ngay cả hình ảnh lão già đáng ghét hại chết rất nhiều người trong phim để lo cứu bản thân cũng chẳng có gì sai, ít nhất là với lão ta. Nam chính trong phim ở những cảnh đầu cũng nói với con gái của mình: "Lúc này con lo cho bản thân mình quan trọng hơn là cần lễ phép" hay "Con cần lo cho bản thân mình trước, đừng quan tâm đến mọi người". Bạn, tôi, chúng ta, có ai dám chắc chắn đến một lúc nào đó, ở vào hoàn cảnh như thế chúng ta sẽ không trở thành những con người giống họ? làm những việc ta từng nghĩ mình sẽ không bao giờ làm? Chẳng ai trả lời được. Chỉ là sau cùng, ai cũng sẽ phải trả giá cho lựa chọn của mình, như tất cả đám khách trong toa số 13, chết vì tự tay buộc chặt cánh cửa thông sang toa số 14, nơi ngăn cách họ với chính những người họ vừa xua đuổi.

Giữa cái khung cảnh tăm tối đầy máu me và giằng xé của phim, tôi chợt nhớ đến hai câu trong Tam Tự Kinh: "Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn" (con người ta sinh ra vốn ai cũng mang tính thiện, tính ấy giống nhau nhưng sau do thói tục mà thay đổi). Đúng không? Con người về bản chất sơ khai vẫn là thiện, và phim cũng có những điểm sáng để chứng minh điều đó.

Người vợ mang thai quát chồng mình phải chạy lại giúp một cô gái đang bị cắn. Anh chồng chuyên-gia-võ-thuật sẵn sàng mở cửa giải cứu nam chính giám-đốc-tài-chính, người mà mới phút trước đã suýt đóng cửa khoang để bỏ mặc vợ chồng anh ta. Cậu nam sinh vẫn ôm chặt người yêu khi cô đã nhiễm bệnh. Gã lang thang tàn tật phút cuối đã đứng lên che chắn cho hai cô cháu Soo Ahn chạy thoát. Tất nhiên là cả cảnh khi anh chồng một mình chặn cửa cản bọn zombie, quay lại nhìn vợ và cười nói: "Yoon Su Yun, đó là tên con gái của chúng ta, em nhớ rồi chứ?"

Tôi nghĩ những con người ấy làm vậy tất nhiên vì theo một chuẩn mực đạo đức. Nhưng không phải là cái chuẩn-mực-sáo-rỗng của xã hội văn minh kia, mà là đạo đức nội tại vốn có trong họ, là cái bản tính bổn thiện vốn mang từ thuở nhân chi sơ. Họ làm vì bản thân họ cho đó là điều đúng, vì tình yêu thực sự mạnh hơn cái chết và lòng ích kỷ.

Hình ảnh cuối cùng lúc anh nam chính sắp biến đổi thành zombie, ký ức rực sáng lướt qua mắt anh khi anh được bế trong tay cô con gái bé bỏng mới chào đời, đủ khiến anh nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Một ngày trên chuyến tàu Busan ấy đối với nam chính theo tôi là rất đáng sống, đáng hơn rất nhiều cuộc sống mệt mỏi của một giám đốc tài chính. Và những việc anh làm để bảo vệ con gái mình, đẹp đẽ và lớn lao hơn rất nhiều so với những món quà anh từng mua cho con.

Nên anh đã mỉm cười mà ra đi, và hẳn anh vẫn nghe thấy giọng hát mang theo hy vọng của con gái mình trên đường hầm cuối phim. Đó ứng với hình tượng con thuyền của Noah trong trận Đại hồng thủy, sau cơn gột rửa là sự tái sinh.

© Dominic @Quaivatdienanh.com