Nhân vật & Sự kiện

10 phim tinh túy của Làn sóng Hàn mới

08/12/2014

Bong Joon Ho có những thành tựu trên trường quốc tế, chủ yếu là nhờ phim nghệ thuật đột phá nhưng cũng kỳ quặc, đầy bất ngờ pha trộn giữa nhiều thể loại như The Host (đừng nhầm với bản làm lại kinh khủng có Saoirse Ronan tuổi thiếu niên năm 2013, trừ phi bạn là người thích tốn thời gian vào những thứ nhàm chán).

Nhưng ông cũng là một phần của thế hệ đạo diễn Hàn Quốc trưởng thành ở đất nước Hàn Quốc dân chủ non trẻ bắt đầu nở rộ cả về mặt văn hóa lẫn nghệ thuật (tới nay hầu hết là nam, ít nhất là những người có thành tựu trên trường quốc tế, mặc dù Liên hoan phim Busan năm 2013 đã vinh danh một số nữ đạo diễn mới ra mắt vì vậy hy vọng sẽ có chút tươi mới).

Mang đến cả hiểu biết sâu sắc về thể loại điện ảnh và một góc nhìn Hàn Quốc độc đáo, cùng với những diễn viên Park Chan Wook (Oldboy), Lee Chang Dong, Hong Sang Soo, Kim Ki Suk và Kim Ji Woon, Bong Joon Ho đang đứng đầu của cái gọi là Làn sóng Hàn (cũng được gọi bằng từ dễ thương Hallyuwood, trong đó Hallyu nghĩa là ‘sóng đến từ nước Hàn’), thứ được ươm mầm từ giữa những năm 90 nhưng bắt đầu phát triển và nhận được sự công nhận quốc tế trong những năm đầu thế kỷ 21.

Gần đây, cũng giống Snowpiercer, Stoker của Park Chan Wook, The Last Stand - phim tiếng Anh đầu tiên của Kim Ji Woon và bản làm lại Oldboy năm 2013, Hollywood đã nhận ra Làn sóng Hàn, vì vậy đối với những người còn đang phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu, thì dưới đây là 10 phim trao tay cho người mới bắt đầu, của tất cả các đạo diễn đã được nhắc đến, và từ tựa đề của các phim này chúng tôi cảm thấy rằng có thể mang đến cái nhìn bao quát nhất về sự nở rộ và ngày càng mở rộng của Làn sóng Hàn Mới.

Joint Security Area (2000)

Mặc dù cuộc sống tại quốc gia có mối quan hệ không mấy ấm êm với nước láng giềng đã là nền cho nhiều phim trong danh sách này, Joint Security Area lại khá lạ trong hướng làm phim liên quan đến vấn đề biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Cái hiếm lạ hơn là ở chỗ phim được làm dưới vỏ bọc một phim ly kỳ đầy chất thương mại hấp dẫn và ở chỗ phim truyền tải một thông điệp chống chiến tranh đầy nhiệt huyết khi chính bản thân phim làm về chiến tranh.

Cảnh trong phim

Là một thành công trong nước của Park Chan Wook (thực hiện hai phim trong những năm 90, đồng thời cũng hoạt động như một nhà phê bình điện ảnh), phim chuyển thể từ tiểu thuyết có tên DMZ của Park Sang Teon, và như bạn mong đợi, lấy bối cảnh tại vùng phi quân sự chia cắt Bắc Hàn và Nam Hàn. Một đêm, một người lính Hàn Quốc (Lee Byung Hun) bất ngờ bỏ trốn, sau khi hai lính Triều Tiên bị giết, khiến mối quan hệ giữa hai nước bị căng thẳng hóa, khi chỉ còn cuộc điều tra của sĩ quan quân đội Thụy Sĩ trung lập Sophie E. Jean (Lee Young Ae) còn đứng giữa việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề.

Phim có sự tương đồng với những phim Mỹ như A Few Good MenThe Caine Mutiny, và chắc chắn không căng thẳng bằng những tác phẩm sau của Park Chan Wook, thường có ăn bạch tuộc sống hay loạn luân, nhưng có một sự xoay chuyển sắc bén theo cách đẩy câu chuyện về tình bạn vào một câu chuyện ly kỳ khoa trương: phim kết thúc như một phim bi kịch, trong đó người tốt bị tàn phá bởi sự xung đột đã hủy hoại nhiều cuộc đời.

Lee Byung Hun trong vai người lính Hàn bỏ trốn, Lee Young Ae (phải)
trong vai sĩ quan quân đội Thụy Sĩ trung lập Sophie E. Jean

Không ngạc nhiên mấy khi phim cũng được làm đầy nghệ thuật với việc Park Chan Wook thể hiện một cách đáng kinh ngạc đòi hỏi về sự căng thẳng, và góc nhìn kiểu Kubrick chuẩn như thần đã tái xuất trong các tác phẩm sau này của ông. Phim không thu hút sự chú ý như bộ ba Vengeance, nhưng vẫn tiềm năng, và tác phẩm ít được xem đến bất ngờ của một bậc thầy sau này.

Save The Green Planet (2003)

Một trong những điều khiến điện ảnh Hàn Quốc thú vị là cách họ không e dè phối hợp giữa nhiều thể loại và tông khác nhau. Tại Mỹ, những cố gắng tương tự đã được thử nhưng hoặc không thành công, hoặc cho thấy phản ứng nghèo nàn của khán giả, nhưng với Làn sóng Hàn Mới điều này gần như là tiêu chuẩn, và không phim nào đại diện xu hướng này tốt hơn tác phẩm điên cuồng hoành tráng Save The Green Planet!.

Byeong Gu (Shin Ha Kyun, trái) bắt cóc và giam giữ sếp mình, Man Shik (Baek Yoon Sik)

Phim dài đầu tay của đạo diễn Jang Joon Hwan, mào đầu như một phim về đề tài trả thù, với Byeong Gu (Shin Ha Kyun),trong chiếc mũ bảo hiểm theo phong cách Steanpunk* kỳ lạ, bắt cóc và giam giữ sếp mình, Man Shik (Baek Yoon Sik). Nhưng hóa ra, Byeong Gu tin rằng người đàn ông này là một người ngoài trái đất đến từ Andromeda. Khi cảnh sát tiến gần, có vẻ như có một lý do tầm thường hơn cho hành động của Byeong Gu, nhưng đạo diễn Jang Joon Hwan không hề dừng tay trong việc làm khán giả của mình rối loạn. Đáng nhẽ phim phải hoàn toàn dở tệ: pha trộn giữa phim ly kỳ, kinh dị phong cách Audition với tính bạo lực thực sự kỳ quái, những yếu tố của hài hước, tình cảm tâm lý bệnh hoạn, lãng mạn kỳ lạ và khoa học viễn tưởng, thỉnh thoảng tất cả chỉ trong một cảnh.

Nhưng sự sáng tạo không ngừng và chất lượng của các ý tưởng đã giúp phim, cùng với mức năng lượng nhẹ nhàng Jang Joon Hwan mang lại: nhà làm phim này đạo diễn như thể ông không bao giờ còn cơ hội lần nữa (mà cũng không hẳn sai: phim này khiến ông mất 10 năm theo đuổi tác phẩm thứ hai, Hwayi: A Monster Boy có mặt ở các rạp Hàn Quốc năm 2013), quay các cảnh với một bảng màu rực rỡ, táo bạo và một phong cách hành động nổi loạn trẻ trung khiến cho phim xuất hiện như một giấc mơ nghệ thuật đương đại. Và phim cũng cố gắng để không bị phong cách trội quá nội dung: như một số tác phẩm cùng thời, phim vẫn là câu chuyện nhân văn đích thực về những hành động phi nhân tính chúng ta làm với người khác.

Memories of Murder (2003)

Kim Sang Kyung và Song Kang Ho trong vai hai cảnh sát tính cách trái ngược nhau

Ai đã quen thuộc với bữa tiệc quái vật kích động trong The Host, hoặc tác phẩm khoa học viễn tưởng hậu khải huyền Snowpiercer... chắc nghĩ mình đại khái đã biết nên trông đợi gì từ phim của Bong Joon Ho. Họ đã sai, bởi đặc điểm đặc trưng của Bong Joon Ho, nếu có, là sự không thể đoán trước.

Đây có lẽ là lý do duy nhất cho tác phẩm về tội phạm lạnh lùng, ảm đạm nhưng đầy hấp dẫn, dựa trên một vụ việc có thật được biết đến như vụ giết người hàng loạt đầu tiên của Hàn Quốc và vẫn chưa được phá giải, vì vậy có sự tương đồng với tác phẩm về cuộc tìm kiếm vô vọng tên giết người theo con giáp của đạo diễn David Fincher, ra đời muộn hơn năm năm. Memories of Murder, cũng như Zodiac, giống phim về cảnh sát hơn là phim về tội phạm, chỉ trích nạn tham nhũng và khả năng non kém của lực lượng cảnh sát địa phương Hàn Quốc, hoặc có lẽ là sự thiếu chuẩn bị ngây ngô của họ đối với loại tội phạm ghê gớm này, thông qua nhân vật hai cảnh sát ganh đua với cách tiếp cận khác biệt mà cuối cùng đều không hiệu quả.

Một cảnh điều tra hiện trường tội ác trong phim

Do Kim Sang Kyung và gương mặt quen thuộc Song Kang Ho thủ vai, người từng đóng vai chính trong Snowpiercer và đã hợp tác nhiều lần với mọi đạo diễn trong danh mục này ngoại trừ Kim Ki Duk, phim cũng là sự nghiên cứu tính cách của hai người đàn ông, một cẩu thả và vô tổ chức trong cách làm việc, một khó tính và cẩn thận được điều từ thành phố lớn Seoul đến để trợ giúp. Nhưng điều khiến phim nổi bật là nhịp điệu đặc biệt của nó, thong thả nhưng độc đáo, đặc biệt đây mới chỉ là phim thứ hai của Bong Joon Ho. Tránh cấu trúc thông thường và cảnh hành động để làm nổi bật cách làm sáng tỏ dần dần, vô vọng, phim gần như không cố gắng đến được sự giải quyết, chuộc lỗi, kết thúc - thoát khỏi mọi thứ ngoài việc chậm rãi thể hiện một thất bại không thể tránh khỏi, thỉnh thoảng xen lẫn một số cảnh hài hước châm biếm ngắn gọn và quan điểm căn bản của Bong Joon Ho về sự lố bịch.

Khó mà lấy một thể loại cụ thể gọn ghẽ như đề tài tội phạm, lại còn dựa trên một câu chuyện có thật, và khiến nó thật ấn tượng cũng như khó nắm bắt, nhưng Bong Joon Ho, chỉ mới làm hai phim, đã có một cái nhìn rất cá nhân, hoàn toàn sáng tạo, điều có lẽ là yếu tố duy nhất giữ nguyên trong các tác phẩm đa dạng về chủ đề, âm hưởng và tính phổ biến.

A Tale Of Two Sisters (2003)

Hai chị em, Su Mi (Im Soo Jung) và Su Yeon (Moon Geun Young)
có lý do nghi ngờ mẹ kế mới của mình (Yeom Jeong Ah, phía sau)

Nhạy cảm thương mại hơn các đồng nghiệp của mình, Kim Ji Woon sẽ là nhà làm phim đầu tiên của Làn sóng Hàn Mới hướng tới Hollywood, với phim hành động bị đánh giá thấp có sự góp mặt của Arnie The Last Stand.

Phim thú vị, nhưng không là một Kim Ji Woon tinh lọc, và trong khi nhiều người sẽ thích A Bittersweet Life hoặc The Good, The Bad & The Weird, chúng tôi (IndieWire) lại chọn A Tale Of Two Sisters, có lẽ là tác phẩm định hình cho dòng phim kinh dị Hàn Quốc, là một trong những tác phẩm hoàn hảo và hay nhất của ông cho đến thời điểm này. Dựa trên một câu chuyện nổi tiếng được nhiều phim chuyển thể Rose Flower and Red Lotus, và ban đầu khiến người xem nhớ đến hình ảnh của một số phim kinh dị Nhật Bản như The RingThe Grudge rất nổi tiếng vài năm trước đó.

Phim của Kim Ji Woon dường như tập trung quanh hai chị em, Su Mi (Im Soo Jung) và Su Yeon (Moon Geun Young) có lý do nghi ngờ mẹ kế mới của mình (Yeom Jeong Ah), cũng là y tá cũ của người mẹ đã mất của họ sau khi Su Mi bắt đầu thấy những thứ khủng khiếp. Nhưng như mọi khi, mọi thứ trở lên phức tạp hơn: đây không đơn giản là một câu chuyện bí hiểm về vụ giết người hay ma quỷ (mặc dù phim đều có nét của hai thể loại này), mà là sự tái hiện tác phẩm hàng đầu Haesu làm theo phong cách Kubrick không ám ảnh trong thứ bạn nhìn thấy (mặc dù có nhiều cảnh tượng kinh khủng), mà trong thứ bạn không thể thấy.

Một cảnh trong phim

Phim không hợp với người hâm mộ phim kinh dị ADD: nhịp độ chậm rãi và thận trọng (từ từ tiếp cận trong hai giờ đồng hồ), và phải công nhận rằng lần đầu khó để dõi theo cách giải quyết nhảy cóc ở hồi ba khi phim giải thích nội dung. Nhưng mặt khác đây cũng là một phim đáng sợ một cách hợp lý, phong phú và nghệ thuật, đặc biệt khi song hành với bản làm lại nhạt nhẽo năm 2009 của Mỹ The Uninvited, với sự góp mặt của Elizabeth Banks và David Strathairn, và tệ đến mức cả phim chẳng có chút bản sắc nào.

Spring, Summer, Fall, Winter...And Spring (2003)

Bộ phim lạc loài của đạo diễn Kim Ki Duk so với những phim toàn bạo lực, nặng nề và/hoặc kỳ thị giới tính khác, Spring đến nay cũng là phim yêu thích của chúng tôi trong số những tác phẩm đóng góp cho Làn sóng Hàn Mới của ông, chậm rãi, những thước phim đẹp đẽ đến đau đớn, đầy tính ngụ ngôn chiêm nghiệm lấy cảm hứng từ Phật pháp. Mặc dù vậy khi nhìn gần hơn (và không thể không xem kỹ đối với những thước phim gợi nhiều giác quan và liên tưởng) bạn sẽ thấy nhiều điểm thiên tài.

Trong phim có những cảnh đối xử tàn bạo với đông vật (đặc biệt là với cá, rắn và ếch, và, phụ thuộc cách bạn cảm nhận về việc dùng đuôi mèo sống làm cọ viết [ảnh trên], có lẽ là mèo nữa), điều đã hạn chế việc phát hành phim của ông tại Mỹ hết lần này đến lần khác, và trong khi phim không có mấy bằng chứng cho thấy sự căm ghét phụ nữ mà ông thường xuyên bị cáo buộc, chúng ta cũng ước gì những nhân vật nữ được phác thảo thoáng qua trong phim này không quá nhỏ bé ngoài lề như thế. Nhưng đây không phải là điều ông tập trung vào: mối quan tâm của ông là việc đánh mất sự tinh khôi cuối cùng có được sự thông thái của một chú tiểu (Kim Young Min, và bản thân Kim Ki Duk vài năm sau này) sống với sư thầy cũng là "chủ nhân" của mình (Oh Young Su) tại một ngôi chùa đơn viện trên một bè nổi giữa một hồ nước tĩnh lặng vây quanh bởi cảnh vật và âm thanh thiên nhiên hài hòa. Một người phụ nữ trẻ (Ha Yeo Jin) đến chùa để tĩnh dưỡng sau một cơn bệnh không xác định, và cuối cùng chú tiểu đã bỏ trốn cùng với cô, chỉ quay lại nhiều năm sau đó khi, như người thầy thông thái của anh thấy từ trước, tình yêu của anh biến thành chiếm hữu, và từ chiếm hữu thành giết người. Tiếp đó, sau cái chết của người thầy và người trò được ra tù, anh trở lại tiếp nhận lớp bụi phủ của ngôi chùa cũ, thậm chí có người theo học như một vòng lặp đớn đau, tàn nhẫn, khoan dung và chấp nhận lặp đi lặp lại.

Từ trái qua: chú tiểu (Kim Young Min), sư thầy (Oh Young Su) và người phụ nữ trẻ
(Ha Yeo Jin) đến chùa để tĩnh dưỡng sau một cơn bệnh không xác định

Xem xét chủ nghĩa bi quan của phim (chúng ta chắc chắn sẽ lặp lại lỗi lầm của mình) và xu hướng bi kịch trong cách kể chuyện, tông phim đầy cuốn hút và trầm lắng đầy khơi gợi kỳ lạ khá ấn tượng, và nếu chẳng có gì cho thấy tài năng của Kim Ki Duk trong các thể loại khác ngoài những phim bạo lực "xem nếu bạn dám" và sự hư hỏng trong phim đoạt giải Venice của ông Pieta hoặc Moebius năm 2013. Hoặc, đề tài hiếp và giết, phim mới nhất của ông, One by One, được lên lịch mở màn cụm Venice Days tại Liên hoan phim Venice năm 2014.

Bộ ba Vengeance của đạo diễn Park Chan Wook (2002, 2003 & 2005)

Sẽ thật xúc phạm khi lên danh sách những phim đại diện Làn sóng Hàn Mới mà không tính đến phim có tính biểu tượng và gây ảnh hưởng nhất cho đến ngày nay Oldboy, và bản làm lại tồi tệ năm 2013, thêm một thực tế là loạt phim chứa đựng đủ các yếu tố của phim đề tài trả thù nói chung, cộng với những trường đoạn dài ấn tượng. Và vì vậy chúng tôi sẽ gian lận một chút và giới thiệu ba phim, loạt phim được gọi là Bộ ba Vengeance của Park Chan Wook trong đó Oldboy là phim thứ hai.

Cảnh trong phim Sympathy for Mister Vengeance (2002)

Định nghĩa về một loạt phim cùng chủ đề, (nhân vật và bối cảnh thay đổi, nhưng câu chuyện có chung ý tưởng, môtíp và kiểu mẫu), loạt phim bắt đầu với Sympathy for Mister Vengeance năm 2002 với sự góp mặt của ngôi sao Song Kang Ho trong vai một người cha giàu có của một cô gái bị chết đuối trong vụ bắt cóc bất thành. Có thể thấy rõ tính bạo lực đầy phong cách và các khái niệm đạo đức kỳ lạ khiến bạn yêu thích, bập bênh qua lại giữa người cha đang đau buồn và kẻ bắt cóc với sự biện hộ đạo đức cho những tội lỗi của chính mình. Đây lẽ ra là phim hoàn chỉnh hơn nhưng đã bị mờ khuất trước phim tiếp sau tài tình hơn, đen tối hơn, và khiến người xem muốn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo hơn (Sympathy chỉ có một sự ra mắt nhỏ trên trường quốc tế theo kiểu nhìn lại quá khứ sau thành công của Oldboy).

Và rồi, hai năm sau Oldboy (đây là các phim liên tiếp của Park Chan Wook) đến Lady Vengeance, có đợt ra mắt tại các rạp trên phạm vi quốc tế, ra đời, và mặc dù phim không bao giờ có được danh tiếng giống như các phim trước đó, thì vẫn đủ để xem đi xem lại nhiều lần.

Lady Vengeance (2005)

Phim cũng được làm mới, nếu không muốn nói là tiến bộ vượt bậc, khi nhân vật chính là một phụ nữ, đặc biệt khi phụ nữ thường là nạn nhân của tội phạm bạo lực trong các phim làm theo thể loại của Làn sóng Hàn Mới. Và với nhịp điệu có chủ ý của phim, bố cục có vẻ ít hiển ngôn hơn các phim trước, nhưng lại có sự hài hước đen tối đến ngạc nhiên, đè nặng về mặt tâm lý và sự thay đổi không ngừng để dựng lên kịch tính quằn quại đã là thương hiệu, phim có lẽ là phim mơ hồ nhất trong loạt phim, nhưng cũng được cho là phức tạp và nhiều lớp lang nhất.

The Host(2006)

Thành công lớn trong nước và nhận được sự chú ý quốc tế với Memories of Murder, mọi con mắt đều đổ dồn về phim tiếp theo của Bong Joon Ho, và đạo diễn này đã không khiến mọi người thất vọng chút nào khi The Host ra mắt ba năm sau đó: trở thành thành công phòng vé lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, phim này cũng nhanh chóng gặt hái danh tiếng quốc tế trong vai trò có lẽ là phim về quái vật hay nhất sau Jaws, và chứng nhận Bong Joon Ho là một trong những nhà làm phim thú vị nhất.

The Host: cuộc tấn công của một quái vật có xúc tu kỳ lạ, dường như được tạo ra bởi dòng sông bị ô nhiễm

Dựa một phần trên một sự kiện có thật về một người làm nghề an táng làm việc cho Mỹ đã đổ một lượng lớn formaldehyde vào hệ thống nước, phim có kiểu tiếp cận rất Hàn Quốc với thể loại này, tập trung vào một gia đình tại Seoul, bị cuốn vào cuộc tấn công của một quái vật có xúc tu kỳ lạ, dường như được tạo ra bởi dòng sông bị ô nhiễm do sự tiếp tay của Mỹ. Không quá sáng tạo trên kịch bản thuần, vừa có chút Ken Loach cũng như Spielberg trong cách tiếp cận của Bong Joon Ho, tập trung chặt chẽ vào gia đình lao động chân tay huyên náo khi họ kiếm tìm thành viên nhỏ nhất mất tích trong gia đình, mặc cho sự vô năng và quan liêu của những người đáng ra phải chịu trách nhiệm, và khía cạnh chính trị sắc nhọn đó là phần đã củng cố bộ phim.

Phần còn lại là một phim quái vật có tính giải trí mạnh, đáng sợ và tuyệt vời: Bong Joon Ho cho thấy ông có thể mang lại một câu chuyện ly kỳ với sự hỗ trợ của CGI đủ khả năng đối đầu với những phim tốt nhất của Hollywood (những phân cảnh ban ngày lúc con quái vật xuất hiện hoàn toàn là đẳng cấp bậc thầy), và sự biến hóa đầy chất lượng trong cách ông chuyển tông, cho thấy những khoảnh khắc thực sự hóm hỉnh giữa sự tàn phá chân thực, đã tạo nên nhóm nhân vật chính dễ mến, dù hoàn toàn khiếm khuyết.

Quái vật CGI của Bong Joon Ho đủ khả năng đối đầu với những phim tốt nhất của Hollywood

Tác phẩm tiếp theo của Bong Joon Ho (phim ly kỳ Mother theo phong cách Hitchcock năm 2009, và Snowpiercer) cũng rất ly kỳ, nhưng giữa các phim này Memories of Murder The Host là bộ đôi khổng lồ mà bất ký nhà làm phim nào cũng thấy khó có thể sánh bằng.

I Saw The Devil (2010)

Trong khi chúng tôi hy vọng đã liệt kê một vài lựa chọn có thể thay thế cho sự bạo lực được tôn sùng trong các phim về đề tài trả thù của Hàn Quốc, có lý do khiến thể loại này trở thành thể loại tiêu biểu và được công nhận của Hollywood, ít nhất trong ý thức của cộng đồng quốc tế. Và đó là bởi thể loại này không chỉ thu hút Park Chan Wook mà còn nhiều nhà làm phim khác nữa, mà nổi nhất là Kim Ji Won, với tác phẩm kinh dị A Tale of Two Sisters.

Choi Min Sik vào vai một kẻ hiếp và giết người hoàn toàn vô lương tâm, loạn trí

Con người của nhiều thể loại phim Kim Ji Won đến với phim thể loại trả thù với bạo lực đầy đủ chất căng thẳng sáng tạo, khéo léo, bệnh hoạn như Oldboy và việc so sánh này cũng có lý do khi phim cũng có sự góp mặt của tượng đài Choi Min Sik của Oldboy. Nhưng trong phim này Choi Min Sik không vào vai người đi trả thù, mà ngược lại là một kẻ hiếp và giết người hoàn toàn vô lương tâm, loạn trí, kẻ trở thành con mồi của bạn trai của một trong những nạn nhân của hắn (Lee Byung Hun).

Đây là một phim đẫm máu đến kinh ngạc, và sự mô tả một cách tạo hình về tội lỗi của kẻ giết người đối với phụ nữ khiến người xem bị chóng mặt, hoàn toàn bối rối. Và phim lại có một ý tưởng kỳ lạ nhất về nỗi buồn gần như suy niệm “chảy xuyên suốt” qua các cảnh lể máu và sự thù ghét phụ nữ, và điều đó, kết hợp với con mắt sắp đặt và dùng màu lạ lùng của Kim Ji Won, đã cứu câu chuyện dâm ô, khủng khiếp này không bị khai thác quá đà. Mặc dù phim cũng có nét đó.

Lee Byung Hun trong vai nhân vật bạn trai của một nạn nhân theo đuổi sự trả thù đến suy sụp điên cuồng

Theo đuổi sự suy sụp của nhân vật bạn trai đến mức độ điên cuồng tương đương sự điên cuồng của kẻ giết người trong quá trình trả thù trống rỗng và cuối cùng là phản tác dụng của anh, tính chất ghê tởm và gây chú ý của phim là hoàn hảo, nhưng phim là sự phác họa bao quát, sắc sảo sự vô ích của việc trả thù, và sức mạnh tà ác lấn át tính thiện là ấn tượng kéo dài và đáng sợ nhất.

Poetry (2010)

Cẩn trọng, nhận thức xã hội và tính nhân văn mãnh liệt trong khi các đồng nghiệp của ông chạy theo những thứ hấp dẫn, đầy phong cách và theo thể loại, Lee Chang Dong có lẽ là người hướng nội trong tập thể này (nói về điện ảnh, chứ người viết cũng chưa bao giờ gặp người đàn ông này). Nhưng sau khi tiên phong Làn sóng Mới với phim Peppermint Candy về một người đàn ông tự tử làm theo kiểu đếm lùi nhiều năm trước Memento hay Irreversible theo phong cách này, Lee Chang Dong đã có chỗ đứng cho mình, và là một trong những trường hợp khiến chúng ta vừa lòng khi thấy được sự trưởng thành và tăng độ nhạy dần dần trong vai trò một nhà làm phim từ phim này đến phim khác.

Và phim Poetry năm 2010 của ông là phim mà chúng tôi muốn đưa vào danh sách này: dù với Oasis năm 2002 ông đã giành được nhiều ca ngợi với việc phác họa một cách vững vàng mối quan hệ giữa một người đàn ông trẻ không thể cân bằng giữa cuộc sống tinh thần và xã hội với một người phụ nữ bị bệnh bại não, và Secret Sunshine năm 2007 giám định về sự tàn phá cảm xúc, Poetry mới là thứ có thể xé lòng khán giả.

Một phim gần như là kiệt tác ít được biết đến về sự đồng cảm đau đớn, khó nói, xoay quanh người bà Mija (do nữ diễn viên xinh đẹp Yun Jeong Hie thủ vai) có cháu trai tuổi vị thành niên dính dáng dến vụ tự tử của một cô gái ở địa phương. Cuộc sống của Mija cao tuổi bắt đầu được hé lộ và bà cố gắng để giữ lại la bàn đạo đức của mình khi bà phát hiện mình đang dần quên mọi thứ - thậm chí cả từ ngữ, thứ bà rất cần để hoàn thành bài tập trên lớp thơ ca của mình.

Bà Mija (do nữ diễn viên xinh đẹp Yun Jeong Hie thủ vai) và đứa cháu trai tuổi vị thành niên

Đây là một phim về sự dịu dàng, tỉ mỉ quan sát từ phần mở đầu chầm chậm đến cao trào gây mủi lòng trong ván cầu lông đau lòng nhất trong điện ảnh. Và diễn xuất trung tâm bản thân đã là điều kỳ diệu; Mija đang ở một độ tuổi và tầng lớp khiến cho bà không giống nhân vật chính của một bộ phim, nhưng Yun đã khiến bà khó quên trong vai một người phụ nữ đấu tranh chống lại sự vô hình và bị loại bỏ ngày một nhiều của tuổi cao, ngay lúc bà thấy mình như đang dần biến mất.

Thỉnh thoảng phim làn sóng Hàn cũng giống như các phim châu Á truyền thống khác: đó là lời khen ngợi cao nhất chúng tôi có thể dành cho Poetry, phim gợi nhớ đến Ozu

Nobody’s Daughter Haewon (2013)

Haewon (Jung Eun Chae, trái) bị bỏ lại một mình tại Seoul: cha cô (không phải người Hàn Quốc)
không bao giờ xuất hiện, mẹ cô chuyển tới Canada ngay đầu phim sau một bữa tối chung cuối cùng

Một khi bạn xem một phim của Hong Sang Soo, bạn sẽ như xem tất cả các phim của ông. Nói thế này có khi là nói giảm và không đúng lắm khi nói về đạo diễn, nhưng nhiều người sẽ đồng ý với quan điểm này: phim của ông (không được phát hành rộng rãi tại Mỹ, nhưng được yêu thích tại các liên hoan), thường đem lại cảm giác là biến thể của cùng một cơ số đề tài, thường làm về sự không kết nối, tự yêu và sự xa lánh, với nét khôi hài từ cấu trúc phim đem đến ấn tượng sai khác trên lớp bề mặt, và các yếu tố tuần hoàn nhất định, như hay có một nhân vật là đạo diễn. Nhưng điều này càng củng cố thêm nội dung tác phẩm đầy thu hút và xuất sắc vượt trội, như Nobody’s Daughter Heawon là một phim xuất sắc giống như các phim khác, vừa dễ xem vừa có chút đảo lộn.

Haewon (Jung Eun Chae) bị bỏ lại một mình tại Seoul: cha cô (không phải người Hàn Quốc) không bao giờ xuất hiện, mẹ cô chuyển tới Canada ngay đầu phim sau một bữa tối chung cuối cùng. Cô vừa chia tay với giáo sư nghiên cứu điện ảnh của mình (Lee Sun Kyun), cũng là một đạo diễn phim, và dư âm của cuộc chia tay tiếp diễn dọc chiều phim.

Những người yêu thích cốt truyện có điểm nhấn sẽ không bao giờ thích Hong Sang Soo (mặc dù phim của ông có cách tường thuật khôi hài), nhưng không ai, tại Hàn Quốc, cũng như trong toàn bộ thế giới điện ảnh, làm được như ông, trong phim này, cũng như nhiều phim khác, tạo ra một nhịp điệu độc đáo – đặc biệt, Nobody’s Daughter Haewon đem đến cảm giác giữa trạng thái mơ và tỉnh, trạng thái mà Haewon vướng vào trong hầu hết phim. Và phim cũng xứng xem nhiều lần, bắt đầu là sự tiếp cận với con người nhẹ nhàng nhưng dần hé lộ sự phong phú và phức tạp, lịch sử lặp lại và bản chất gia đình. Đây là một phim thuộc nhóm những phim đa nghĩa trong điện ảnh đương đại.

Những phim đáng xem khác

Nằm trong nhóm dẫn đầu Làn sóng Hàn Mới là một đạo diễn mà chúng tôi chưa bao giờ nhắc tới: Im Sang Soo với phim The Housemaid năm 2010, một bản làm lại không bám sát phim năm 1960 mới vừa được tìm lại gần đây của đạo diễn gạo cội Kim Ki Young tranh giải tại Cannes và được phát hành rộng tại các liên hoan phim các rạp nghệ thuật.

Cảnh trong phim The Housemaid (2010), bản làm lại của Im Sang Soo

Có một sự đảo lộn thú vị trong chức năng xã hội của bản gốc, trong đó một người hầu nữ thất thường quỷ quyệt quyến rũ, tống tiền và phá hủy hoàn toàn gia đình của một người đàn ông, phim của Im Sang Soo xoay chuyển và biến thành một bản cáo trạng về giá trị gia đình tư sản trong đó người hầu gái là người vô tội và cái gia đình đó là những kẻ hành hạ cô. Nổi bật với những cảnh quan hệ tình dục rõ ràng và khổ dâm ngầm chỉ, sự khủng khiếp và tính tâm lý tình cảm cầu kỳ thỉnh thoảng đã cho thấy mối bận tâm không ngừng của Im Sang Soo đối với tầng lớp và xã hội Hàn Quốc, thứ mà ông khám phá theo cách nhẹ nhàng hơn trong The Taste of Money năm 2012 và thứ khiến ông gặp rắc rối năm 2005 khi phim The President’s Last Bang , đối tượng của một vụ kiện bởi cách phác họa nửa đùa nửa thật gay gắt về vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee do giám đốc CIA Hàn Quốc thực hiện có thực năm 1979.

Như tác giả bài này đã nói đây chỉ là một miêu tả bề mặt một phong trào đang ngày càng lớn và vươn xa theo mỗi năm, thậm chí đã sản sinh những thể loại riêng của mình và có người học theo. Và có nhiều tựa đề nổi danh mà người viết không đề cập trong bài này đều xứng đáng bình luận nếu hợp khẩu vị của bạn.

Những cái tên khác bao gồm Kang Je Kyu, đặc biệt tuyệt phẩm anh em bị chia cắt bởi chiến tranh năm 2004 của anh The Brotherhood of War, phim ly kỳ về đề tài hình cảnh bẩn thỉu, hấp dẫn The Chaser năm 2008, phim ly kỳ hành động điên cuồng năm 1999 Nowhere to Hide của Lee Myung Se, phim lãng mạn Failan năm 2001 của Song Hae Sung, cho thấy nét tinh tế nhẹ nhàng của siêu sao Hàn Quốc Choi Min Sik (trong Oldboy), và bom tấn trên đất nhà lớn nhất của Hàn Quốc năm 2001 My Sassy Girl của Kwak Jae Wong đã giành được lời khen ngợi từ Hollywood với bản làm lại tồi tệ có sự góp mặt của Elisha Cuthbert.

Bae Doo Na (phải) trong một cảnh phim Barking Dogs Never Bite (2000) của Bong Joon Ho

Và trong những đạo diễn người viết đã nhắc tới, chắc chắn sẽ có người ngạc nhiên khi người viết không đưa vào phim gồ ghề hoang dã nhưng theo phong cách giải trí The Good The Bad & The Weird của Kim Ji Woon hay phim hình sự xã hội đen xuất sắc năm 2005 A Bittersweet Life, (một phiên bản làm lại của Mỹ hiện đang được Allen Hughes thực hiện), In Another Country , The Woman on the Beach hoặc Turning Gate của Hong Sang Soo, và câu chuyện về thầy trừ ma cà rồng Thirst của Park Chan Wook, trong khi Peppermint Candy của Lee Chang Dong (nêu trên) và MotherBarking Dogs Never Bite của Bong Joon Ho đều là những đề cử mạnh mẽ, phim sau có sự góp mặt của nữ diễn viên thường hợp tác với Bong Joon Ho và cũng là ngôi sao nổi bật của Cloud Atlas, Bae Doona.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Biên tập: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IndieWire


* Steampunk nguyên là một nhánh nhỏ của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ra đời vào khoảng thế kỳ 19, thời kỳ cách mạng công nghiệp. Đặc điểm của loại tiểu thuyết này là khắc họa những hình ảnh của triều đại Victoria dựa trên các máy móc động cơ hơi nước hiện đại, hoặc tưởng tượng ra thế giới mà máy hơi nước là công nghệ chủ đạo hoặc một thế giới vận hành, tồn tại song song với các công nghệ tương đương.

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi