Vị đạo diễn Hàn Quốc đang là tâm điểm chú ý với những lời chỉ trích gay gắt trong Arirang, nhắm vào những người đồng nghiệp của ông.
Kim Ki Duk, một trong những đạo diễn Hàn Quốc nổi danh ở nước ngoài đang gây xôn xao với bộ phim Arirang, được trình chiếu trong hạng mục Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes.
Chỉ đích danh từng người, Kim Ki Duk trút hết tất cả những giận dữ và phê phán đối với đồng nghiệp của ông và nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.
Bộ phim u ám, trong đó Kim Ki Duk một mình làm tất cả các công việc từ viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất cho đến diễn xuất, là bức chân dung tự họa đầy cảm xúc với những lời than vãn của chính ông về những lý do đã đẩy ông vào đường cùng. Kim Ki Duk đóng ba vai – người được phỏng vấn, đi cắm trại trên một ngọn núi hoang vắng không hề có nước; người phỏng vấn với mái tóc búi cao và một bóng hình Kim Ki Duk.
Trong phim, ông gọi đạo diễn Jang Hoon, từng làm việc với ông, là “kẻ phản bội”. Ngay sau khi Jang Hoon nổi tiếng nhờ bộ phim đầu tay Rough Cut do Kim Ki Duk viết kịch bản, anh đã ký hợp đồng với Showbox, một công ty sản xuất phim lớn. Jang Hoon trở thành ngôi sao với phim điện ảnh tiếp theo Blood Brothers, mang về doanh thu 5,46 triệu USD.
“Tôi thấy mình thật đáng thương khi bị anh ta phản bội và ký hợp đồng sản xuất Blood Brothers với một nhà sản xuất phim lớn bởi anh ta không thể cưỡng lại sức hút của đồng tiền,” Kim Ki Duk nói trong bộ phim.
Một cảnh trong Arirang
Kim Ki Duk cũng phê bình cả ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, chỉ trích việc “có quá nhiều phim về cái chết – chặt đứt người và hành hạ cho tới chết.”
“Tôi được nhận giải thưởng vì đã chiến thắng tại một liên hoan phim nước ngoài. Có nhiều cảnh trong phim khắc họa Hàn Quốc theo hướng tiêu cực. Họ có thực sự xem bộ phim đó hay không vậy? Thật là mỉa mai,” ông nói.
Mặc dù không nêu ra một cái tên cụ thể nào, ông gửi đến những nam nữ diễn viên thường đóng vai phản diện rằng “khi bạn đóng vai phản diện tốt như vậy đồng nghĩa bạn thực sự là kẻ xấu xa.”
Kim Ki Duk là nhân vật đại diện cho phim độc lập kinh phí thấp của Hàn Quốc. Ông nổi tiếng thế giới sau khi đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Venice và Berlin lần lượt với hai bộ phim 3-Iron và Samaritan Girl. Tuy nhiên, tên tuổi của ông không được nhiều khán giả Hàn Quốc biết đến.
Kim Ki Duk trở lại sau ba năm vắng bóng với Arirang. Tin đồn ngày càng lan rộng về tình trạng đáng thương của ông – rằng ông đã gần như tàn tật vì hàng loạt cú sốc và sự phản bội mà ông phải gánh chịu.
Ông biến mất sau bộ phim năm 2008 Dream, trong đó nữ diễn viên chính – Lee Na Young – suýt chết khi quay một cảnh treo cổ. Với bộ phim Movie is Movie do ông viết kịch bản và sản xuất, ông không nhận được đồng nào vì nhà phân phối đã phá sản.
Kim Ki Duk biến mất sau bộ phim Dream năm 2008
Nhưng sự trở lại đáng trông đợi không phải là lý do duy nhất khiến dư luận chú ý đến ông. Ông thu hút mọi ánh mắt, xuất hiện một cách lập dị và kỳ quặc hơn bình thường. Mặc một chiếc áo khoác xám, mái tóc buộc cao, ông trình diễn những động tác trông giống như võ thuật. Hoàn toàn trái ngược với bộ phim kỳ quặc của ông, ông luôn nở nụ cười.
“Tôi đang say ngủ và Cannes đã đánh thức tôi dậy. Bộ phim là một cách tự hỏi tôi là ai và điện ảnh là gì,” Kim Ki Duk nói trước buổi chiếu Arirang.
Trong bài phỏng vấn duy nhất ông thực hiện – ông đã từ chối mọi lời mời phỏng vấn và nói rằng “bộ phim đã nói lên tất cả” – với kênh truyền hình Pháp Canal Plus, ông đã khóc trong khi hát bài Arirang.
“Giờ đây tôi thấy mình thanh thản hơn so với một năm, hai năm hay ba năm trước đây. Tôi đang tự chữa trị cho mình, tôi là bác sĩ của chính tôi. Nhưng tôi không muốn chữa lành hoàn toàn. Làm phim, theo một cách nhìn nào đó, cũng là một căn bệnh,” ông nói sau khi cho biết ông thực sự cần bộ phim này.
“Tôi nhận thức rằng bộ phim của mình có thể làm xuất hiện rất nhiều bệnh nhân, nếu theo chiều hướng đó thì quả là một tội ác. Nhưng tôi tin rằng ở đâu đó, có những người sẽ thay đổi nhờ tác phẩm của tôi. Vì vậy tôi cảm thấy rất mâu thuẫn,” ông nói thêm.
Ông đã khóc rất nhiều trong khi hát ca khúc trong phim và thốt ra những lời bình luận như, “Tôi thấy hạnh phúc nhất khi được làm phim, nhưng những kẻ xấu xa cứ tìm mọi cách ngăn tôi lại.”
Phần gây sửng sốt nhất của bộ phim là phần cuối khi ông làm một khẩu súng ngắn và nói rằng “sẽ giết những kẻ phản bội”. Tiếng súng được nghe thấy ba lần ở ba tòa nhà khác nhau và phim kết thúc bằng cảnh ông kéo cò súng với khẩu súng nhắm vào chính mình.
Kim Ki Duk tại Cannes 2011
Bộ phim nhận được nhiều ý kiến trái chiều – nửa khen ngợi những nỗ lực mang tính thử nghiệm của Kim Ki Duk, nửa phê bình ông và cho rằng bộ phim chỉ là những lời than vãn cá nhân.
“Đó là một bộ phim chỉ có Kim Ki Duk mới làm được. Phim đã thử nghiệm nhiều thứ không thể thấy trong các phim khác. Ông làm cho bộ phim trông giống một phim tài liệu, nhưng thực ra đó là một phim chính kịch với cái nhìn xuyên suốt sự nghiệp và cuộc đời ông,” nhà phê bình phim Jeong Chan Il trả lời báo chí sau buổi chiếu phim.
Indiewire, một trang thông tin và truyền thông có trụ sở tại Mỹ, viết, “Với lời kể ở ngôi thứ nhất, bài luận thẳng thắn của Kim Ki Duk về quỹ đạo cuộc đời bất bình thường của ông vừa đẹp đẽ, vừa gây nản lòng lại vô cùng khéo léo.”
Variety, một trang thông tin giải trí của Mỹ, đề cập rằng bộ phim là “một trải nghiệm mà bạn sẽ cảm nhận khi ngồi cạnh một kẻ say trong quán rượu và luôn miệng nhắc bạn nhớ rằng ông ta từng rất nổi tiếng”.
“Thật mệt mỏi khi xem, kể cả đối với những người hâm mộ của Kim Ki Duk. Đại diện của ông sẽ đảm bảo rằng bộ phim được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim nữa, tuy nhiên khả năng phim công chiếu rộng rãi là rất ít.”
Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald