Nhân vật & Sự kiện

Dây trói, ái tử thi và người mẫu: Quá trình làm phim Ác quỷ sàn catwalk - bộ phim khủng khiếp nhất của năm

04/07/2016

Ngày thứ ba trong lịch quay tuần bận rộn của bộ phim thứ mười của mình, Neon Demon, bộ phim về cơn ác mộng ảo ảnh thời trang, về một cô gái trẻ bị quyến rũ vào thế giới người mẫu đen tối và xấu xa, đạo diễn người Đan Mạch Nicolas Winding Refn đang vui hết sức.

“Với một bộ phim độc lập, bạn luôn phải chạy đua,” anh nói, ngồi giữa phim trường với hàng tá thành viên êkíp làm phim bận rộn xung quanh. Họ đang nghỉ trưa, và một đám đông đang lang thang trong khu hầm Nhà hát Orpheum nổi tiếng của Los Angeles, nơi Refn đang quay một cảnh lạ mắt với đèn màu và dây trói.

Refn đã lởn vởn trong đầu ý tưởng cho Neon Demon, bộ phim nghệ thuật kinh dị cho phái nữ – theo lời anh – phục vụ cô gái tuổi thiếu niên trong ông, cả thập kỷ nay. Nhưng có một thời gian dài, anh không biết phải biến ý tưởng thành phim như thế nào. Chỉ ba năm trước, anh mới có được sự đột phá, khi đạo diễn một phim quảng cáo cho Gucci, với khuôn mặt đắt giá nhất của Los Angeles lúc đó: Blake Lively.

“Tôi quay phim quảng cáo với Blake Lively, và đó là lúc khái niệm này sinh thành,” Refn nói. “Có điều gì đó xảy ra và tôi bỗng có một hình ảnh rất chi tiết. Nó làm nên cả bộ phim. Lúc đó là lúc tôi nhận ra, ‘ĐÂY chính là cách làm phim này.’”

Trong bộ phim quảng cáo năm 2012 đó, Lively mặc bộ váy vàng kim quyến rũ, mái tóc vàng búi kiểu Hollywood cổ điển. Cô nâng niu một chai nước hoa Gucci Premiere trong khi ngắm nhìn ngọn đồi nhìn xuống Los Angeles từ cửa sổ của một khu biệt thự. Cộ bị quyến rũ bởi ánh đèn của thành phố trong thung lũng, rồi bước vào một buổi chụp hình trong phim với chính Refn.

Gam màu vàng và hình ảnh tôn thờ cái đẹp đó được thể hiện rõ trong Neon Demon, trong một cảnh nửa tỉnh nửa mơ khi nhân vật chính, do Elle Fanning đóng, mặc một bộ váy tương tự và chạy trốn trong cơn cuồng dại tự cao tự đại.

Vậy ‘khái niệm’ nảy nở từ phim quảng cáo Gucci và in sâu vào bộ não của Refn, tạo nên bộ phim ngụ ngôn ác mộng về sự đen tối trong tâm hồn của những cô gái bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài của mình là gì? Anh chỉ cười. “Tôi không tiết lộ được.”

Nhưng Refn tiết lộ những câu hỏi được đặt ra trong quá trình làm phim, lâu trước khi Neon Demon được công chiếu lần đầu tại Cannes với những lời đánh giá đa chiều. Nhiều phim bắt đầu quay với kịch bản như là Kinh thánh, nhưng được quay không theo thứ tự thời gian. Refn quay theo trình tự trong phim, luôn luôn thay đổi và hợp tác với diễn viên và đoàn làm phim, cho phép bộ phim thay đổi trong quá trình quay.

Đó là lý do dù đã bấm máy nhiều ngày nhưn Refn và đoàn làm phim chưa chắc phim sẽ đi đến đâu. Tới lúc quay xong Neon Demon, anh đã vứt bỏ hoàn toàn cái kết ban đầu, và tạo nên kết thúc mới được kết thành từ sự hợp tác giữa nhân vật Jessie của Fanning, cô người mẫu 16 tuổi, và Ruby, nhân vật chuyên gia trang điểm của Jena Malone – nhân vật này trong phim có cảnh làm tình với một xác chết, nhưng cũng là người chăn dắt Jessie vào nghề trong cơn thèm muốn của bản thân.

Ngày thứ ba đó, khi được hỏi câu chuyện kể về cái gì, đạo diễn chỉ cười. “Thật khó nói khi không có bối cảnh. Nhưng điều tuyệt nhất là sự bí ẩn không biết đó.”

Refn tự thừa nhận, anh thích sự mạo hiểm, thích cảm giác làm việc không phải đi theo đường kẻ sẵn, mà là theo những đường cong tự được tạo nên trong quá trình làm phim. Điều này khiến anh không quá bận tâm về đánh giá trái chiều dành cho bộ phim tính tới nay. Các nhà phê bình không ai đồng ý – họ thường không đồng ý khi đối mặt với phim mang tính thách thức một cách không xấu hổ – và có những người khen bộ phim tuyệt vời nhưng cũng có người chê nó nông cạn.

“Điều tuyệt vời của việc sáng tạo là thách thức đó,” anh nói. “Tôi thích việc mất kiểm soát. Tôi thích nhìn vào vực thẳm đó, và biết rằng chỉ có hai lựa chọn, một là thành công, hai là thất bại. Đó là cách tạo hưng phấn.”

Hôm đó, Refn, nổi tiếng với phim xoay quanh các nhân vật nam, mang tính phong cách cao và đầy bạo lực như Bronson, Drive, và Only God Forgives, đang quay cảnh phim diễn ra trong một hộp đêm với ánh sáng mập mờ. Đây là cảnh mở đầu của Neon Demon khi cô người mẫu trẻ của anh, Jessie (Elle Fanning đóng), lần đầu bước chân vào thế giới đầy cám dỗ của thời trang.

Với ngân sách khá khiêm tốn, 7 triệu USD, anh không có quá nhiều tiền để phung phí. Refn dành cả buổi chiều điều chỉnh ánh sáng với nhà quay phim Natasha Braier, Fanning và các bạn diễn Jena Malone, Abbey Lee, và Bella Heathcote trong những cảnh phim thử thách vào nghề của các cô người mẫu lạnh lùng.

Elle Fanning trong cảnh phim

Bước khỏi nhà hát tối tăm ra một bãi đỗ xe đầy nắng, Malone cũng bình thản không kém về cách làm phim chưa biết hồi kết này.

“Mới là ngày thứ ba mà! Tôi không biết. Tất cả còn đang thay đổi!” cô nói. “Chúng tôi gần như đang viết kịch bản. Xem cảnh này ra sao, đóng góp cho những mối quan hệ nhân vật như thế nào, đây là điều tuyệt vời. Thay vì tất cả được định sẵn, bạn có thể phát hiện một diễn biến mới và thay đổi nó… Tôi chưa bao giờ quay phim như thế này.”

Cô nói về cảnh vừa quay, khi Ruby mời Jessie đi chơi và giới thiệu cô với các người mẫu lớn tuổi hơn, Gigi (Heathcote) và Sarah (Lee) – những người còn chưa biết “ma mới” này sắp cướp hết công việc của họ.

“Kể cả khi đang đóng, tôi nhận thấy có sự tương tác mới giữa tôi và Abbey và Bella, và bạn chỉ có thể nhận ra điều đó trong một căn phòng ồn ào tiếng nhạc và đầy mồ hôi,” Malone nói. “Refn là kiểu đạo diễn không cho là có câu trả lời nào sai. Anh ấy chỉ muốn có thêm câu hỏi, nhưng cũng không muốn phải tự trả lời. Anh luôn đưa ra những ý tưởng mới và yêu cầu bạn khai thác sâu hơn.”

Malone, 31 tuổi, vừa kết thúc một năm sáu phim khi Neon Demon được đưa tới cho cô trong thời điểm cô dự tính dành để nghỉ ngơi. Trong vai Ruby vừa quan tâm chăm sóc, vừa khao khát tấn công, nữ diễn viên dày dạn kinh nghiệm này xây dựng một nhân vật quanh những tính cách “xấu hổ và chịu nhục, vẻ đẹp và dục vọng, sự bao quát và ham muốn, tự tin và tự ti.”

Jena Malone (trái) và Elle Fanning trong cảnh phim

“Điều đầu tiên anh ấy nói với tôi là, ‘Phim này như truyền thuyết về Narcissus và Echo, và cô đang đóng Echo’,” Malone nói về Refn. “Nhưng giờ cô ấy là một cô gái thực chứ không chỉ là nhân vật trên giấy nữa.”

Khi phóng viên The Daily Beast quay trở lại phim trường vài tuần sau, Refn đã thay đổi phong cách.

Sau khi quay phim khắp Los Angeles và trong một nhà nghỉ tối tăm tại Pasadena với Keanu Reeves, Refn và đoàn làm phim đã đóng đô tại khu biệt thự Canfield-Moreno xa hoa ở Silverlake. Có tên khác là Biệt thự Paramour, khu nhà xây dựng vào những năm 1920 theo phong cách Mediterranean Revival từng là nơi ở của ngôi sao phim câm Antonio Moreno, người có cô vợ giàu sang đã qua đời khi lái xe chệch hướng trên đường Mulholland vào ban đêm.

Căn biệt thự có những hành lang dài thăm thẳm như bị ma ám với những hình thú vật bị lột da nhồi bông trang trí ở hai bên, một bể bơi khổng lồ tạo một phong cách rất gothic cho cảnh kết đầy máu của Neon Demon. Nhưng Refn cũng đang dùng địa điểm này để tái tạo cảnh mở đầu phim, khi Jessie, trong bộ váy không tay màu xanh điện và máu giả bôi đầy người, xuất hiện để được chụp ảnh, gặp Ruby lần đầu trong phòng thay đồ.

Fanning, vui vẻ và hoạt bát hơn nhân vật của mình, gặp phóng viên một cách hào hứng, dù máu giả vẫn bám đầy người cô. Cô cho biết, cái kết họ vừa viết nên khiến cảnh mở đầu phải thay đổi.

“Lần trước, tôi đang ngồi và Jena phải cúi,” cô nói. “Vấn đề là ở vị trí của chúng tôi, và chúng tôi cũng bỏ nhiều lời thoại, vì Nic không thích lời thoại lắm. Chúng tôi không nói nhiều! Tất cả cần đi vào trọng tâm. Trong một số cảnh, quá dài và có nhiều lời thoại làm nền, đến mức phải tự hỏi, sao phải mất thời gian diễn giải nhiều vậy? Cứ nói thẳng vào vấn đề đi. Nic luôn bảo, ‘Làm thứ cần thiết. Không cần những thứ dài dòng.’”

Fanning đã hoàn toàn thích nghi với phong cách làm phim thay đổi mỗi ngày của Refn. “Vào cuối tuần, chúng tôi sẽ viết lịch các cảnh,” cô nói. “Hôm trước anh ấy bảo, ‘Tôi không thích cái kết này, tôi sẽ thay đổi cái kết. Nếu điều này không xảy ra thì sao?’ Chúng tôi cũng không ngờ, nhưng phải biết tin tưởng đạo diễn. Anh biết mình đang làm gì và đang theo dõi tất cả.”

Refn cũng cho biết thêm, việc quay phim theo trình tự có hiệu ứng domino với những cảnh khác trong phim. “Khi chúng tôi bắt đầu, Elle và tôi bắt đầu một hành trình làm một bản anh hùng ca,” anh nói. “Nhưng rồi bản anh hùng ca đó biến thành một thứ khác. Khi đi theo hướng đó, bạn phải biết đặt câu hỏi, và nhận ra là đoạn đầu không còn phù hợp, nên phải được thay đổi.”

“Không khí của cả cảnh đầu đó phải thay đổi, vì không khí của cả bộ phim đã thay đổi.”

“Cái kết đã thay đổi nhiều mới mức, hàng ngày đoàn làm phim chỉ bàn tán về việc ai sẽ chết,” Refn nói. “Tôi cũng không biết. Vì ai cũng có mục tiêu riêng của mình, câu chuyện riêng, và bạn có thể làm quá nhiều thứ!”

“Cô có phải là nhân vật phản diện của Neon Demon không?” phóng viên hỏi Fanning. Cô nhìn đạo diễn, nghĩ rồi cười. “Chúng tôi cũng không biết!”

Refn nhìn nhận lại cách làm phim của mình, và ảnh hưởng của nó với tác phẩm cuối cùng. Việc thay đổi liên tục có thể biến bộ phim trở nên hay hơn hay dở hơn, và điều đó có phải là vấn đề không? “Nó hay hơn hay dở hơn không quan trọng, vì đó chính là bộ phim nó phải trở thành.” Nhưng dù luôn có phong cách làm phim, anh cũng thừa nhận, những ưu tiên làm phim của anh đã thay đổi theo thời gian.

“Khi trẻ hơn, khi làm Pusher hay những phim kiểu đó, tôi luôn đặt câu hỏi, tôi có thể làm phim thật đến thế nào? Trong phim đó, ma túy là thật, họ thực sự sử dụng thật – hồi đó như thể mọi thứ không thể trở thành đủ thật để làm tôi hài lòng,” anh nói. “Và điều đó thật ngu ngốc và ngớ ngẩn, nhưng hồi đó tôi trẻ và tự phụ. Và làm những điều ngu ngốc. Rồi tôi làm Bronson, và đó là phim thay đổi phong cách của tôi. Vẫn là cùng quy trình đó, nhưng làm tăng tính hiện thực hơn là làm thực.”

Có cả đau đớn và sung sướng trong việc làm phim một cách ngẫu nhiên như thế này, anh cho biết, khi bạn ôm trọn không khí punk rock bằng cách làm phim không có lưới đỡ. “Có nhiều đêm, tôi buồn và đau khổ, một cảm giác thật sự tuyệt vọng, vì cái kết tôi nghĩ là sẽ làm được cuối cùng lại không làm được, nhưng tôi không biết phải thay nó bằng gì,” anh thừa nhận. “Nhưng tôi thích cảm giác gây nghiện của nỗi sự thất bại này. Vì sợ thất bại mới tạo nên sự sáng tạo. Kẻ thù của sáng tạo là gu thẩm mỹ tốt.”

Đạo diễn Nicolas Winding Refn (phải) cùng diễn viên Elle Fanning

Một sự thất bại tài chính làm anh nợ hàng triệu đôla vào thời đầu sự nghiệp đã khiến Refn rất nhạy cảm với thành công tài chính của các bộ phim của mình. Phim gần đầy nhất của anh, một bộ phim tội phạm nghệ thuật Only God Forgives, cũng khiến các nhà phê bình bất đồng, và thu về 10 triệu USD với ngân sách bằng một nửa doanh thu. Drive, phim đầu tiên của anh với Ryan Gosling, vẫn là thành công lớn nhất của anh, với doanh thu 76 triệu USD. Thế nhưng…

“Nhiều người vẫn hỏi tại sao Drive không kiếm nhiều tiền hơn ở Mỹ, nhưng thật ra điều nên thảo luận là tại sao khi đưa phim khỏi các thành phố lớn, nó rớt như ruồi chết,” Refn nói. “Điều thú vị là ở những thị trấn nhỏ, chắc có khoảng năm đứa choai choai đi xem phim và bốn đứa thất vọng, nhưng đứa thứ năm thì tuyên bố luôn, “Tôi sẽ đến New York!’”

Trong phim tài liệu My Life Directed By Nicolas Winding Refn, vợ anh, Liv Corfixen, quay được những áp lực và nỗi lo lắng anh chịu đựng khi làm phim Only God Forgives ở Thái Lan. Máy quay của cô quan sát khi chồng lo lắng về ngân sách, lôi Gosling dự những buổi tuyên truyền để kiếm những đồng tiền làm phim quý giá, và đọc những bài phê bình chê bai không thương tiếc sau khi phim chiếu ở Cannes.

“Có khái niệm là thành công có thể đong đếm được,” anh nói, “và tất cả phải hoàn hảo và tuyệt vời và dễ dàng. Nhưng đó không phải thực tế. Tôi làm phim rất khác biệt. Tôi biết điều đó.”

Tạo được sự độc lập nghệ thuật ngoài hệ thống chung trong khi vẫn bảo đảm bạn kiếm được tiền không chỉ là một bài học về sự cân bằng. “Gần như là chơi bắn súng kiểu Nga,” anh nói. “Bạn có bao nhiêu viên đạn, và bạn làm thế nào để chúng không bắn nổ tung đầu bạn?”

Nhưng nhà làm phim người Đan Mạch này vẫn giấu sự lo lắng của mình trước mặt đoàn làm phim, và chắc chắn là trước mắt báo chí. “Tôi chính là Sex Pistols của điện ảnh,” anh nói. “Và tôi thích từng khoảnh khắc.”

Refn cùng Elle Fanning tại Liên hoan phim Cannes

Anh giải thích, nhà soạn nhạc Cliff Martinez đã cho anh biệt danh đó, khi anh đau khổ về những bài phê bình đầu của Only God Forgives tại Cannes.

“Tôi chưa từng thấy sự tấn công nào mạnh mẽ tới vậy,” Refn nhớ lại. “Đây là sự tấn công cá nhân…" Sau vài giờ, Cliffe nói, “Nhìn kìa, họ chỉ có nói về anh thôi. Có nhiều người ủng hộ anh đang nói đỡ cho anh, người khác thì đang muốn đánh đổ anh, nhưng không ai trong số họ sẽ quên hôm nay.”

Và sau đó, Refn bao trọn sự so sánh với Sex Pistols. Họ cũng là những kẻ nổi loạn nổi tiếng trong thời kỳ của mình. Nhà punk rock cực đoan không biết hổ thẹn của điện ảnh cũng không phải là một hình ảnh tồi cho nhà làm phim này.

Rồi Refn phải trở lại với cảnh quay, khi một Fanning trang điểm trắng bệch đọc một đoạn độc thoại bên bể bơi. Refn cười. “Cảnh này là, bạn muốn là ai? The Ramones hay Maroon 5? Bạn tự tính đi.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast