Nhân vật & Sự kiện

Hoan hô Hollywood! (Thật đấy!)

30/10/2015

Hệ thống đã tan rã. Các phim chất lượng cao với kinh phí trung bình đã đến bờ tuyệt chủng. Truyền hình đang khấm khá. Khán giả thì trốn chạy. Phim đang chết mòn. Các phần tiếp theo phá hủy mọi thứ.

Trên đây là một số trong những lời phản đối quen thuộc xuất hiện mỗi khi các nhà phê bình, phóng viên truyền thông và các chuyên gia giải trí khác đánh giá bức tranh toàn cảnh này, một lời khen thường trở thành lời kêu than về tình hình (càng ngày càng tệ) của nghệ thuật và điện ảnh. Mọi người chỉ đồng ý là “người ta” không làm phim như ngày xưa nữa.

Cate Blanchett và Rooney Mara, trái, trong phim Carol

Dĩ nhiên là trừ khi người ta làm như xưa thật. Ngành điện ảnh Mỹ kỳ dị, gây tranh cãi, khiến nổi cáu và đôi khi làm điên tiết, nhưng thế nào đó, một cách diệu kỳ, tiếp tục cho ra đời đủ số tác phẩm để cho vào tốp 10 phim các nhà phê bình tổng hợp cuối mỗi năm. Các phim đó thường được coi là ngoài lề. Nhưng khi rời một mùa hè đầy những kỷ lục phòng vé bị phá vỡ và đi vào mùa thu tấp nập và đầy hứa hẹn một cách dè chừng, đã đến lúc xem cách thức và thời gian bộ máy này hoạt động – ít nhất là đủ để sản xuất những bộ phim thỏa mãn khẩu vị công chúng và giới phê bình và là minh chứng tiếp theo cho việc điện ảnh vẫn là nghệ thuật đại chúng sống động và quan trọng nhất.

Bởi tất cả những thay đổi trên thế giới truyền thống giải trí theo yêu cầu, đa hạ tầng, trực tuyến, thuận lợi, con số không đổi duy nhất là phim tiếp tục có tác động mạnh tới khán giả. Và chúng tác động tới ta theo cách đã làm vậy một thế kỷ qua – với phong cách thị giác, kỹ thuật kể chuyện, các ngôi sao nổi tiếng, các câu chuyện nhân sinh và dòng phim gia đình – trừ việc phim tự thuật của hãng phim thay vì đưa Marie Curie lên làm huyền thoại như xưa thì giờ đưa Ice Cube lên. Các phim mua vui cho ta, làm ta chán nản, đưa ta chạy trốn, làm ta cảm động và tức giận, tách ta ra khỏi những ưu phiền cuộc sống hoặc tạo cảm hứng để giải quyết ưu phiền đó. Chúng vẫn là, nói cách khác và bất chấp mọi điều, một trong các thú vui cao siêu nhất của đời sống hiện đại.

Với điều đó trong đầu, bài viết đón một mùa mới trên tờ New York Times với tiêu đề Hoan hô Hollywood! đầy đủ thông tin và chất lượng (theo điều kiện khác nhau và có thể bị bãi bỏ bất cứ lúc nào theo quyết định của các bên dưới đây).

Kurt Russell, trái, và Samuel L. Jackson trong The Hateful Eight của đạo diễn Quentin Tarantino

MANOHLA DARGIS Năm 1941, nhà phê bình của tờ New Republic Otis Ferguson viết rằng “Hollywood chỉ là một tâm thế – nhưng của ai?” Câu hỏi đáng được lặp lại nhiều lần, một phần vì ta có thói quen nói về Hollywood như thế đó là một khối đá thải rác chình ình, trong khi thực tế nó là một mớ hỗn độn những con người trái ngược bởi những bộ vest và nghệ sĩ. Hệ thống, những nghi thức của nó, những tay chơi và mạng lưới quyền lợi, khác những gì Ferguson đã viết. Các hãng phim giờ được sở hữu bởi các tập đoàn đa quốc gia mà phim chỉ là một phần khiêm tốn trong phân chia tập đoàn – ví dụ, Disney, kiếm nhiều tiền từ công viên và khu nghỉ dưỡng hơn từ hãng phim giải trí, mà lợi nhuận được dùng để hỗ trợ công viên và khu nghỉ dưỡng. Nhưng mọi thứ vẫn như thế, kể cả thứ này – hãy gọi là nơi, là ý tưởng, là một tập hợp quy ước - mà bằng cách nào đó làm ra các phim hay, dở và thỉnh thoảng là tuyệt vời.

Sức ảnh hưởng của các hãng phim lớn lên trái tim, tâm trí, ví tiền và màn ảnh khiến họ trở thành các mục tiêu rất hợp lý. Có nhiều thứ để than phiền, nhưng nhìn thấy cả ngành kinh doanh sầm sầm này gợi lên ví von kẻ thô lỗ-chống-lại-ta mà các tay hợm hĩnh văn hóa sang chảnh từng dùng để lập luận đối đầu với các phim của hãng lớn. Ferguson phản đối điều này. Ông cho rằng phim gần gũi với đời sống, lý do ông viết Hollywood là “tâm thế của một đất nước đang nhìn vào và đọc về [tâm thế] này.” Điều này vẫn đúng. Ngành điện ảnh chưa bao giờ là một tập đoàn phân cấp từ trên xuống; là khán giả, ta cũng làm nên phim. Và khi ta có thể bỏ qua Avengers: Age of Ultron như một sản phẩm, dự đoán đến cuối 2015 sẽ càng nhiều người nhớ khoảnh khắc họ đem lòng yêu Inside Out gần gũi với đời sống hơn.

O’Shea Jackson Jr. trong Straight Outta Compton

A. O. SCOTT: Cô định làm tôi khóc sao? Inside Out làm được đấy. Tôi không biết phim nào trong dàn phim nghiêm túc do người thật đóng thèm Oscar nghiêm trọng xếp rồng rắn như voi rạp xiếc từ tháng 9 tới Giáng sinh có hiệu ứng như vậy không. Không phải phê bình trước một số phim tự truyện, chuyển thể văn học và Phim Chính kịch Thức thời không nghi ngờ gì nữa là rất xứng đáng, nhưng cũng đáng nhìn lại một chút những gì diễn ra trên phim ảnh vài tháng qua.

Một số lời phê bình chuẩn về mùa hè có chỗ đứng của chúng – toàn những phần tiếp theo và tái khởi động và mấy anh chàng có năng lực siêu nhiên đi cứu thế giới – nhưng hè 2015 cũng đảo ngược vài kiến thức thông thường về Hollywood và khán giả. Ví dụ, khán giả nhẽ ra phải giảm dần, bị cuốn khỏi những chuỗi rạp lớn và các rạp phim nghệ thuật mà hút hồn theo đa dạng các loại hình giải trí thị giác có trên điện thoại, máy tính xách tay và tivi màn hình phẳng rõ nét trên tường nhà. Nhưng lượng khán giả năm nay đã tăng lên, và doanh thu phòng vé cao hơn nhiều, khiến hè này trở thành mùa hè giàu có thứ hai về tiền bạc.

Saoirse Ronan, giữa, trong Brooklyn

Kẻ thắng lớn là Universal, thu về hơn 2 tỉ USD nội địa tính đến thời điểm này của năm. Không phim nào của hãng có siêu anh hùng, dù một số trong đó (Minions, Jurassic World khổng lồ) có thể được coi là phim theo loạt. Và không phải phim nào cũng là tuyệt tác. Nhưng không nghi ngờ gì Universal dẫn đầu trong việc phát hành các phim mà mọi người háo hức muốn xem, kể với bạn bè rồi xem lại lần nữa.

Trong số đó là TrainwreckStraight Outta Compton, đánh bại các kỳ vọng và cũng dạy Hollywood và giới giải trí một bài học được dạy ngày này qua ngày khác và bị quên như cơm bữa. Phụ nữ có xem phim! Người da đen cũng thế! Và, hơn thế, phim ảnh phản ánh cơ cấu dân số thực tế của thế giới ta sống có thể thu hút được rộng rãi và kiếm nhiều tiền. Dù có thể chỉ ra điều đương nhiên là nhiều người mua vé xem Compton là da trắng, và nhiều 'fan' của Trainwreck là nam giới.

Amy Schumer, Nikki Glaser và Claudia O’Doherty trong Trainwreck

Và nhiều phim thú vị nhất của mùa hè – Inside OutMad Max: Fury Road giữa rừng bom tấn, The Diary of a Teenage GirlGrandma giữa các phim độc lập – là về phụ nữ. Không cần phải nói (dù cũng đáng nói lần nữa) và Hollywood vẫn là chảo lửa về phân biệt chủng tộc và chính trị giới tính tụt hậu, đặc biệt liên quan tới vấn đề thuê đạo diễn nữ, nhưng đang có một điều gì đó biến chuyển diễn ra. Thu năm nay, giữa các phim tâm lý xoay quanh những người đàn ông ác độc và phim tự truyện về những nam nhân vĩ đại, có một nhóm các phim chất lượng xoay quanh phụ nữ: Carol được Cannes yêu quý của Todd Haynes, với Cate Blanchett và Rooney Mara thủ vai chính; Brooklyn của John Crowley với Saoirse Ronan; và Suffragette của Sarah Gavron, một bộ phim về các người phụ nữ ủng hộ nữ quyền có thật trong lịch sử với Carey Mulligan, Helena Bonham Carter và Meryl Streep. Ta cũng sẽ có cuộc phiêu lưu mới nhất của James Bond, nhưng cũng có cả tập cuối của Hunger Games.

DARGIS Các hãng phim lớn xứng đáng bị ăn đòn nhiều trận cho việc thiếu sự đa dạng sắc tộc, nhưng cũng đúng là sự thay đổi không thể tránh khỏi đó một phần vì dân số đang dịch chuyển của đất nước, và điều này cũng đã bắt đầu trước và sau màn ảnh. Một báo cáo ngày 25 tháng 8 từ Hiệp hội Đạo diễn Mỹ thông báo rằng đã có một “sự tiến bộ khiêm tốn” trong số phụ nữ được thuê đạo diễn cho truyền hình và Internet. Bản báo cáo nói, điều này có thể vì “miếng bánh đã to hơn” – nghĩa là ngành giải trí truyền thông đang bùng nổ, minh chứng qua 10% tăng trưởng phim truyền hình nhiều tập mùa 2014-2015. Nhiều phim truyền hình nhiều tập hơn có thể (có thể!) dẫn đến nhiều công việc đạo diễn cho phụ nữ hơn, kể cả chủ trì như Jill Soloway (Transparent) vẫn là một thiểu số khó hiểu.

Elizabeth Banks và Hailee Steinfeld trên trường quay Pitch Perfect 2, do Banks đạo diễn

Có nhiều phụ nữ làm phim hơn bao giờ hết, dù chỉ trong thế giới phim độc lập, nơi đạo diễn không cần trả tiền (nhiều) cho diễn viên và đoàn phim và giữ tham vọng khiêm tốn ngang tầm kinh phí. Vậy nên đáng chú ý là phụ nữ đạo diễn hai phim lớn thành công, Pitch Perfect 2Fifty Shades of Grey, hai phim nữa thuộc Universal. Không riêng ai có thể nhận công hết, nhưng những phim này – cùng với phim Fast and Furious mới nhất và Straight Outta Compton – được sản xuất dưới quyền của Donna Langley, nữ chủ tịch của Universal Pictures. Bà Langley, có ghế trong hội đồng về đa sắc tộc của Universal, có lẽ đang chung tay khiến việc đa sắc tộc ăn khách, và là lý do Ice Cube, một trong các nhà sản xuất của Compton, gọi bà là thành viên thứ sáu của nhóm nhạc N.W.A.

SCOTT Khi nhìn vào phim ảnh từ khía cạnh kinh doanh, ta thường nói về các hãng phim và các công ty nằm dưới mác “độc lập”: những nhánh biệt lập còn sót của hãng lớn như Sony Pictures Classics, các cựu binh như IFC và Strand Releasing và các tân binh như Oscilloscope, Drafthouse Films và A24. Và nên chú ý là các phim kinh phí trung bình không theo loạt thường bị chèn ép đến khi biến mất, ngành phim bị chia giữa những phim cực lớn – các loạt phim ăn khách, phát hành toàn cầu – và những phim rất nhỏ, càng có nghĩa là phim sẽ được xem trực tuyến hay tải về nhiều hơn là xem ở rạp. Đó có phải là viễn cảnh tăm tối không? Về mặt nào đó thì có. Tôi ước những đạo diễn tham vọng có kinh phí tầm 20 triệu hay 30 triệu đôla cho dự án mơ ước của họ.

Vui Vẻ và Buồn Bã trong Inside Out

Nhưng các đạo diễn tham vọng vẫn đang tìm cách làm những dự án thú vị. Các vị thánh của thời kỳ hoàng kim trước vẫn còn bên chúng ta. Từ đây tới Giáng sinh ta có phim ly kỳ thời Chiến tranh lạnh từ Steven Spielberg (Bridge of Spies), một phim Viễn Tây từ Quentin Tarantino (The Hateful Eight), một phim tình cảm chính kịch thời xưa từ Haynes (Carol) và một phim tự truyện (chứ không phải gì khác) từ Danny Boyle (Steve Jobs). Đây mới chỉ là những phim được đưa ra từ dư luận liên hoan phim và sự háo hức trong ngành. Và mới chỉ là những phim được ra rạp. Sự mở rộng truyền hình ngoài cáp và nhà đài – cuộc đổ bộ của những Amazon, Hulu và Netflix – đã khuyến khích những thâm nhập sáng tạo và giao thoa ấn tượng. Phim chiến tranh Beasts of No Nation, ví dụ, kết hợp hai ngôi sao HBO: Cary Fukunaga, đạo diễn mùa đầu của True Detective, và Idris Elba, thủ vai người kinh doanh ngoài pháp luật đốn tim khán giả Stringer Bell trong The Wire.

Không chỉ các đạo diễn và biên kịch, mà quan trọng nhất là giữa diễn viên. Trước đây diễn viên hoặc là dùng truyền hình làm bước đệm tới thành danh trên phim hoặc quay về với nó khi các vai lớn không còn nữa. Giờ thang bậc này đã biến mất. Năm nay Oscar Isaac (một trong những cái tên yêu thích của tôi) đi từ phim khoa học-viễn tưởng choáng ngợp mang tính nghệ thuật Ex Machina tới phim truyền hình ngắn tập Show Me a Hero của David Simon trên HBO rồi tới phần Star Wars tiếp theo trong tháng 12. Anh ấy không phải là duy nhất, nhưng sự nghiệp của anh ấy là minh chứng cho chất lượng và phạm vi phi thường của diễn xuất trên màn ảnh ngày nay.

Chris Bridges (Ludacris), Michelle Rodriguez và Tyrese Gibson trong Furious 7

DARGIS Vậy là lại tranh cãi thời đại tệ hại hay tốt nhất nữa, dù có thể chỉ là lúc chuyển giao. Sự đa dạng của phim khắp thế giới và trên màn ảnh to nhỏ gây ngạc nhiên cũng như choáng ngợp. Và khi các nhà sản xuất và người tiêu dùng đã chấp nhận dịch vụ theo yêu cầu thành một tập quán, người người vẫn đi xem phim. Vài năm trước tôi đã lo rạp phim sẽ phải đóng cửa đồng loạt, như khi truyền hình ập vào đất nước này thập kỷ 50, một thời kỳ khủng hoảng và thay đổi trong ngành khác. Nhưng có 40.000 phòng chiếu ở Mỹ. Tôi không thích mấy những phim chiếu trên đó, nhưng phim không chết. Như mọi khi, chúng đang biến hóa.

Và theo một nghĩa nào đó thì phim đang lớn hơn bao giờ hết khi mọi bộ phim truyền hình khao khát trở thành điện ảnh. Một số các phim lớn nhất là ngu ngốc, nhưng một số không đến nỗi tệ, khá khẩm hoặc đến mức rất hay; khi các thuật ngữ phim nghệ thuật và phim nước ngoài, phim truyện tranh hoặc phim bom tấn là khác biệt trong cách phân loại, chứ không phải chất lượng. Có thể cả hai loại đều đã quá nhiều phim, và cả những 'fan' cuồng nhất cũng đang mất hứng, như sự trở lại thảm hại của Fantastic Four cho thấy. Nhưng ngành công nghiệp theo đuổi một thứ chắc chắn cho đến khi khán giả nói “Thôi” cũng là lý do cả tá phim nhạc kịch được phát hành năm 1930 và các ngôi sao từng đi giày đế đinh và giờ mặc áo choàng. Những quái kiệt này sẽ liên tục ra rạp bởi chúng có thể tạo doanh thu khổng lồ, và khi không làm thế, thì cũng không sao: doanh thu của Disney, nhờ các công viên và chương trình truyền hình, tăng 21% cùng năm John Carter thất bại.

Những phim này sẽ luôn ra mắt bởi, như đạo diễn Pháp Olivier Assayas quan sát mới đây, dòng bom tấn là “mô tả rõ ràng nhất về thế giới” mà khán giả sống. Fast and Furious chứng minh ông đúng, tôi nghĩ vậy. Và điều đó dẫn tôi về với Ferguson, đại diện cho phim Hollywood, nhìn thấy nghệ thuật và cuộc sống trong khi người khác nhìn thấy rác rưởi và tuyên truyền đại chúng. Các hãng phim lớn, đã tuồn việc sản xuất ra ngoài cho các hãng làm thuê độc lập nhiều thập kỷ, sản xuất và phát hành ít phim hơn kỷ nguyên phim kinh điển. Nhưng dù thế và bất chấp cơn hoảng loạn trong ngành và những lời than phiền của ta, và mặc cơn sốt dịch vụ theo yêu cầu, kế toán hãng phim, sự hợp nhất truyền thông, sự tầm thường và hài hước, phim được làm để, đúng vậy, tiến gần tới cuộc sống của chúng ta.

SCOTT Tốt quá. Chúng ta khỏi than phiền nữa. Đùa thôi! Nhưng chúng ta – nghĩa là các nhà phê bình, phóng viên, bình luận bên lề và các 'fan' – có thể đoan chắc rằng lời than phiền của mình là có xuất xứ, chính xác và dựa trên lịch sử. Được rồi, điều này chắc cũng sẽ không xảy ra đâu. Phim ảnh luôn thay đổi, và thay đổi rất đáng ngại. Các phim siêu anh hùng có thể đi vào dĩ vãng, nhưng nếu (như vị đạo diễn nhà nghề làm phim theo loạt kinh điển Spielberg dự đoán gần đây) chúng đi theo con đường phim Viễn Tây, có thể cam đoan rằng sự mất tích của chúng sẽ là chủ đề khóc thương của những người hoài cổ trong tương lai.

Michael Fassbender trong phim Steve Jobs

Nhưng đáng ngạc nhiên như khẩu vị thích cái mới của Hollywood – và quan trọng hơn đối với cơ chế lâu dài của nó – là sức duy trì, sự bảo thủ, tôn trọng truyền thống của nó. Chúng ta đang nói về những thương hiệu ra đời đầu thế kỷ 20. Chúng ta cũng đang nói về những thể loại sống lâu đáng kể cho dù phong cách và hệ quy chiếu thay đổi. Từng có những phim về cuộc đời của Cole Porter và Louis Pasteur; giờ người ta làm về Stephen Hawking và N.W.A. Amy Schumer, Kristen Wiig và Melissa McCarthy là những nữ anh hùng phim hài với ngôn từ bậy bạ hơn và thẳng thắn về tình dục hơn Quy chế Kiểm duyệt ngày xưa cho phép. Các phim tình cảm chính kịch ngày nay thường nói về nỗi khổ của các nhân vật đồng tính hay chuyển giới, nhưng nước mắt chúng đem lại có cùng công thức hóa học như khi rơi vì các phụ nữ quỵ lụy vì tình trong các phim ngày xưa.

Mọi thứ càng thay đổi thì càng y như cũ. Vậy quay lại công việc thôi.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times