Joseph Gordon-Levitt vẫn còn giữ cùi vé từ chuyến thăm Trung tâm Thương
mại Thế giới vào tháng 7 năm 2001. Lúc đó anh mới 20 tuổi và là một “lúa
mới” từ Nam California, làm điều mà cả triệu khách du lịch đã làm trước
anh nhưng sau đó thì không. “Tôi nhớ đã lên trên đó,” anh nói gần đây.
“Có những đám mây nằm bên dưới bạn.” Anh so sánh nó giống như cảm giác
“nửa chặng đường lên vũ trụ, nhưng trên một ngôi nhà có cội rễ trên mặt
đất.”
Hai tháng sau, anh đang trong lớp học ở Columbia, theo dõi bài giảng về vở kịch
Titus Andronicus khi hai tòa tháp sụp đổ.
Joseph Gordon-Levitt, trái, cùng Robert Zemeckis, đạo diễn anh thể hiện vai Philippe Petit trong phim The Walk
Philippe Petit thì không cần cuống vé để nhớ về tòa tháp. Tòa tháp của
ông, như ông đã gọi thế. Ông đã viết nên thời khắc lớn thứ nhì của tòa
tháp vào sách lịch sử hàng thập kỷ trước, khi gần một giờ đồng hồ ông
bước đi trên những sợi dây được lẻn chăng giữa hai tòa tháp trước bình
minh ngày 7/8/1974.
Với những kỹ xảo đắt đỏ, Robert Zemeckis đã
mang cả hai người trở lại tòa tháp để kể câu chuyện của Petit. Trong bộ
phim 3D của ông
The Walk, Zemeckis đã mời người yêu phim bình
thường vào một cuộc đua chóng mặt bằng việc tái hiện cảm giác trở thành
chàng trai người Pháp 24 tuổi (Gordon-Levitt) khi anh biểu diễn nghệ
thuật táo bạo độc nhất của mình ngày hôm đó. Bộ phim đã có buổi ra mắt
toàn cầu vào đêm mở màn Liên hoan phim New York tối thứ bảy ngày 26/9;
và ra rạp chính thức vào thứ tư tuần sau đó.
Có điều gì về trò
lập dị của Petit và có người nói kỳ công rồ dại này – được một vài người
thân chứng kiến và sau đó, bụp, biến mất trong cái chớp mắt của một vài
đôi mắt ngạc nhiên – đã truyền cảm hứng cho những tác phẩm sáng tạo nối
tiếp nhau, bao gồm một bộ phim tài liệu, một tiểu thuyết và một quyển
sách tranh cho thiếu nhi? Zimeckis, đạo diễn của bộ phim có thể xem là
tham vọng nhất trong tất cả dự án của ông, nói rằng ông chưa từng nghe
về Petit cho đến một thập kỷ trước, khi ông tình cờ nhìn thấy trong
quyển sách tranh,
The Man Who Walked Between the Towers / Người đàn ông đi giữa hai tòa tháp
của Mordicai Gerstein. Sứ mệnh của ông thực hiện bộ phim bắt đầu ngay
giây phút ấy. “Tôi hoàn toàn đồng cảm với đam mê của ông ấy,” ông nói
trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Sự đồng cảm đó xuất hiện và
bạn biết rằng mình sẽ phải làm điều này bất kể ra sao đi nữa.”
Philippe Petit bước qua một sợi dây kéo căng giữa hai tòa tháp Trung tâm Thương mại vào năm 1974
“Điều này” dường như bất chấp mọi sự giải thích hay phân tích nào. Bộ phim tài liệu năm 2008 đã dùng tựa đề,
Man on Wire / Người đi dây,”
từ một báo cáo rút gọn của cảnh sát. Báo cáo miêu tả rằng hành động của
Petit là “tạo ra một trạng thái mạo hiểm không phục vụ cho mục đích hợp
pháp nào.”
Liệu mục đích hợp pháp, trên thực tế, có là một công
trình nghệ thuật phi thường? Gần như rất dễ dàng để nói thế trong dòng
hồi tưởng. Một đài kỷ niệm ngược thời gian. Tất cả những gì còn lại của
kẻ thống trị Ozymandias trong bài thơ bất hủ của Shelley là “hai chân
sỏi đá không mình (thân mình) mênh mông” trong sa mạc. Đôi chân “không
mình” ở đây đã tan biến. Nhưng tác phẩm điêu khắc Petit đã tạo ra khi
ông kết nối những tòa tháp cách xa nhau ba phần tư dặm trên không trung,
từ bắc đến nam, với chiều dài của một sợi thép xoắn không rộng hơn ngón
chân cái của bàn chân trái đã giúp ông đứng lên để trượt, để nhảy, quỳ
gối, nằm xuống, nghiêm chào và bước đi, lùi và tiến, lùi và tiến – phải,
nghệ thuật điêu khắc đó vẫn còn lại trong những tác phẩm đã nhận được
cảm hứng nhờ vào cuộc đi ấy. Tất cả đã được tạo ra sau khi tòa tháp sụp
đổ.
Nhưng liệu việc nghĩ lại này có quá dễ dãi dán nhãn ông Petit là một nghệ sĩ và cuộc đi dây của ông là kiệt tác?
Trái: Phillippe Petit năm 1974, phải: Joseph Gordon-Levitt, người thể hiện nhân vật Petit trên phim
Cuộc đi dây là điểm tựa cho quyển tiểu thuyết
Let the Great World Spin / Hãy để thế giới vĩ đại quay
của Colum McCann, và tác giả không hề nói mập mờ. Màn đi dây của Petit
chính là công trình nghệ thuật, McCann đã nói với người viết trong một
email, cũng như cả sự nghiệp của ông Petit, bao gồm những màn đi dây
trên cao đặc trưng khác, nếu như không phải là tất cả. “Tôi nhìn nhận
Petit ở cùng địa hạt của Christo và Jeanne-Claude, những nghệ sĩ luôn
kiếm tìm dáng vóc lớn hơn,” ông nói. Christo và Jeanne-Claude cũng từng
dùng New York như tấm bạt nền khi họ tạo ra cả một dòng sông những tấm
bạt có màu nghệ tây kéo qua Công viên Trung tâm 10 năm về trước.
McCann
nói rằng Petit “có trách nhiệm và nhận thức của một nghệ sĩ quan
trọng.” Công việc của ông ấy “có vị trí chủ yếu trong bộ não. Cơ thể chỉ
đi theo bộ não. Ông ấy chuyển ý nghĩ ra cơ thể. Và ông ấy chiếm lĩnh
những không gian mới. Ông ấy đoạt lại không gian công cộng. Ông ấy biến
những khoảng không ấy thành những thứ mà chúng ta phải suy nghĩ về chúng
một lần nữa.”
Zemeckis, đạo diễn phim, cũng không hề mập mờ.
“Đầu tiên và trước hết ông ấy là một nghệ sĩ,” ông nói. Ông cũng từng
nhìn thấy những nghệ sĩ ngoài vòng pháp luật. “Tôi nghĩ ông ấy là kiểu
người vô chính phủ, giống như một nhà từ thiện vô chính phủ,” Zemeckis
nói. “Có thể là người duy nhất vào lúc đó giống như nghệ sĩ graffii nổi
tiếng Banksy bây giờ.”
Trong màn biểu diễn năm 1974, có lúc Petit nằm trên dây cáp chăng giữa hai tòa tháp
Gordon-Levitt, người đã dành tám ngày trong một cuộc gặp riêng ở quê nhà
Catskills của Petit để học hỏi về cả việc đi dây lẫn người đi dây,
không quá gắn bó với những gì mà người đàn ông đó và công việc của ông
được gọi tên. “Tôi nghĩ khá vui khi kiểu như chơi đùa và hủy hoại ý niệm
nghệ thuật là gì, kinh doanh biểu diễn là gì, đại chúng là gì, văn hóa
là gì,” anh nói. Nhưng “nếu bạn quá chú trọng đến việc tự hỏi, phải, như
những gì tôi đang nhìn vào, liệu nó là nghệ thuật, hay rạp xiếc, liệu
nó có thuộc về một viện bảo tàng hay xuất hiện trên tivi không – nếu bạn
loay hoay với tất cả những danh hiệu và luật lệ đó, bạn có thể bỏ lỡ
trải nghiệm đáng giá.”
Tự thân giới nghệ thuật có thể cẩn trọng
với các danh hiệu, có thể thậm chí hơi bảo thủ, yêu cầu tiền lệ mang
tính lịch sử chính xác, những thứ không có trong trường hợp màn đi dây
của Petit. Paul Schimmel, người đã điều hành bảo tàng hồi tưởng đầu tiên
về nghệ thuật biểu diễn khi ông là người phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật
Đương đại ở Los Angeles, nói rằng có thể có sự chồng chéo với các nghệ
sĩ biểu diễn, nhưng “ cánh cửa mà họ bước vào thật sự có tác động lên
những gì chúng ta hiểu họ là ai,” và với Petit, “nhận thức của tôi là
việc ấy thật sự thoát khỏi những truyền thống hết sức khác biệt một cách
nền tảng.” Người biểu diễn mạo hiểm Evel Knievel có lẽ là so sánh thích
hợp hơn, ông nói thêm, bởi“ý niệm về sự giải trí và cảnh trí.”
RoseLee
Goldberg, người điều hành và sáng lập tổ chức về nghệ thuật biểu diễn
Performa, nói rằng bà đã chứng kiến một màn đi dây khác của Petit – màn
này thì hợp pháp – vào năm 1989, khi ông băng qua sông Seine từ lối đi
bộ khu Trocadero đến tầng hai của tháp Eiffel. “Chắc chắn rằng sự duyên
dáng trong ý tưởng của ông ấy đã vượt qua bản thân hành động, và nâng
tầm công việc này thành thơ ca,” bà nói qua email. Việc Petit đã làm
“quá tinh khiết đến nỗi nó có thể và nên được công nhận một cách sâu sắc
là nghệ thuật” – nhưng không phải nghệ thuật biểu diễn, thứ gần như
dính chặt với nghệ thuật thị giác và tạo hình và ý đồ của người nghệ sĩ.
Cảnh sát đưa Philippe Petit đi sau màn đi dây giữa hai tòa tháp bị xem là không hợp pháp
Vậy Philippe Petit ngoài đời thật, hiện đã 66 tuổi, nhìn nhận thế nào về
điều ông ấy làm? “Tôi chưa bao giờ gắn danh hiệu cho những sáng tạo của
mình trong đời,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Không phải tôi nói những gì tôi làm là nghệ thuật. Tôi làm những gì tôi
làm vì tôi không có lựa chọn. Tôi biết rằng khi tôi bước đi trên những
sợi dây, đó luôn là câu chuyện mà tôi đang kể. Tôi viết chúng trên bầu
trời.”
Ông chỉ ra rằng hầu hết những người đi dây là từ các rạp
xiếc và gia đình nghề xiếc, ngược lại ông đã lớn lên với việc nghe nhạc
opera, học vẽ, tô màu và đấu kiếm.
Nhưng nếu ông tự tách mình
khỏi các rạp xiếc, ông cũng tự tách mình khỏi giới nghệ thuật, và thậm
chí không có nhận thức về các nghệ sĩ như Chris Burden và Marina
Abramovic, những người đã đặt cơ thể mình vào hiểm nguy cùng thời điểm
ông đang bước từng bước vào khoảng không, mà chẳng có tấm lưới nào che
chắn.
“Tôi luôn ở trong một trạng thái đơn độc lạ lùng khi thực
hiện các dự án,” ông nói. “Khi bạn sững sờ trước viễn cảnh của chính
bạn, khi bạn bị thúc giục bởi giấc mơ của chính bạn, làm việc và biến
chúng thành hiện thực, tôi nghĩ đây là một kiểu bịt mắt không chỉ cần
thiết mà còn là điều gì đó xảy đến một cách tự nhiên.”
Cảnh trong phim The Walk
Về công việc của Petit, Gordon-Levitt nói, ”không chỉ là cảm giác hồi
hộp để thưởng thức khi bạn đang nhấm nháp đậu phộng; những gì ông ấy tạo
ra là điều khiến bạn phải dừng mọi sự chú ý khác, và kinh ngạc, và tim
bạn đập nhanh hơn và bạn nghĩ rằng, Chúa ơi, thật đẹp đẽ.”
Petit nói rằng khi lần đầu Zemeckis tiếp cận ông để làm một bộ phim dựa trên hồi ký của ông,
To Reach the Clouds / Vươn đến tầng mây,
ý tưởng là chính ông kể lại, tự vào vai, tự bước đi trên sợi dây, và
công việc của vị đạo diễn sẽ là, thông qua ma thuật công nghệ, khiến ông
trông trẻ hơn.
Nhưng ông nói ông vui với những gì bộ phim thể
hiện, với màn hóa thân của Gordon-Levitt, và khi Zemeckis trình chiếu bộ
phim cho ông xem, nó là “một sự gợi nhớ những gì đã xảy ra sáng hôm
đó.”
Một gợi nhớ về buổi sáng hôm đó, tất nhiên, gợi đến điều
khác nữa, chính là tòa tháp đã bị phá hủy và hàng ngàn sinh mạng mất đi.
Gordon-Levitt
nói rằng dù cho buổi gặp mặt là về việc học đi trên dây, anh và Petit
cũng đã học được rất nhiều về nhau. (Trong phim Gordon-Levitt tự mình
thực hiện vài màn đi dây đơn giản, mặc dù cách mặt đất vài bước chân;
với những chuyển động phức tạp hơn, có một người đóng thế, hoặc
Gordon-Levitt đeo dây cáp bước qua một mảng tấm ván sơn xanh lá cây.)
Anh nói anh bị chinh phục bởi “sự lạc quan tuyệt đối” của Petit và cách
ông hiểu được “sức mạnh của suy nghĩ tích cực” kể cả trong thời khắc bi
kịch nhất, và vì sao “việc nhớ đến những kỷ niệm ấp ám, những điều đẹp
đẽ về bất kỳ điều gì bạn đã mất đi, là rất quan trọng.”
Gordon-Levitt trên trường quay The Walk
Họ cùng chia sẻ những nỗi mất mát riêng - anh trai của Gordon Levitt,
Dan, một nghệ nhân múa dây lửa tràn đầy đam mê với nghệ thuật xiếc, đã
mất năm năm trước, và tương tự là con gái của Petit, Gypsy, khi cô bé
mới lên 9. “Tôi đã kể ông ấy nghe về Dan. Sự thật là Dan đã yêu thích
Man on Wire,
bản phim tài liệu. Nó đã cổ vũ rất nhiều cho con đường của anh ấy. Và
anh ấy đã bị ám ảnh lạ thường với khoảnh khắc bạn đi bước chân đầu tiên –
tại nơi mà tất cả mọi điều bạn làm sẽ dẫn đến điều này, và giờ đây có
thể nói, ‘chính là khoảnh khắc này’.”
Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times