Nhân vật & Sự kiện

Vết thương dai dẳng hậu Thế chiến II trên ba nền điện ảnh Nhật - Trung - Hàn

09/10/2015

Phim từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng mang chủ nghĩa quốc gia, do những tranh chấp lãnh thổ tồn tại và kỷ niệm lần thứ 70 Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong tháng 8, bộ phim Hàn Assassination trở thành thành công phòng vé lớn nhất của nước này trong năm nay, vượt qua cả Avengers: Age of Ultron, và chiếm vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng những phim nội địa có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Assassination có tất cả những yếu tố của một phim bom tấn mùa phim hè – nhiều cảnh hành động, sức mạnh của dàn diễn viên ngôi sao, đặc biệt dài – nhưng phim cũng chứa đựng những yếu tố mà người xem Hàn Quốc trong những năm trở lại đây yêu thích. Đặc biệt, đây là một tác phẩm mang nặng chủ nghĩa dân tộc trong đó người Nhật đóng vai phản diện.

Cảnh phim Assassination

Assassination lấy bối cảnh những năm 1930, thời kỳ thuộc địa Nhật Bản, và xoay quanh một nhóm người Hàn Quốc có nhiệm vụ giết một tướng nhật và một kẻ sùng bái Nhật Bản. Sự thành công của phim đến vào thời điểm khi đất nước này kỷ niệm lần thứ 70 ngày chấm dứt Thế chiến II, và mối quan hệ giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn căng thẳng, một phần do những hành động trong thời kỳ chiến tranh của Nhật Bản. Nhiều người Hàn Quốc và Trung Quốc nói rằng Nhật Bản chưa thể hiện đủ sự ăn năn về những gì đã làm, đặc biệt sau khi biết việc sử dụng nô lệ tình dục bị nói trại đi là “phụ nữ giải khuây”.

Trung Quốc cũng tăng cường những chương trình yêu nước trong những tháng qua, dẫn đến một cuộc diễu hành quân sự trong tháng 8 kỷ niệm sự thất bại của Nhật Bản. (Mặc dù cũng đáng để xem con số thống kê phòng vé của đất nước này với một số điểm đáng nghi ngờ: Một số nhà phê bình cho rằng chính phủ đã thổi phồng lương vé bán ra đối với một phim Trung Quốc đề tài yêu nước được trình chiếu trước sự kiện kỷ niệm kết thúc chiến tranh). Ngay cả những rạp chiếu phim Nhật Bản cũng cho thấy một làn sóng mới về những phim đề tài chiến tranh, nổi bật trong những năm gần đây.

Tunnel War của Trung Quốc năm 1965

Phim bom tấn đề tài yêu nước không phải mới lạ ở Đông Á – Mỹ chắc chắn không thiếu thể loại này – nhưng người xem tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại ngoảnh mặt với bối cảnh địa chính trị của thế giới thực, và nhu cầu này càng lớn mạnh khi mối quan hệ ngoại giao trở nên tồi tệ. Không ngạc nhiên khi những câu chuyện mang chủ nghĩa dân tộc này trở thành lợi ích về mặt tài chính cho các nhà làm phim. Một nghiên cứu gần đây của Pew chỉ ra rằng ba nước này hầu hết đều có cái nhìn tiêu cực về nhau, được củng cố bởi những khắc họa về mặt văn hóa – Trung Quốc và Hàn Quốc muốn nhìn Nhật Bản trong vai phản diện, trong khi Nhật Bản muốn cảm thấy đã không làm gì quá tệ trong xung đột này.

Trong khoảng một thập niên sau khi Thế chiến II kết thúc, các nước châu Á trước đây bị Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng bắt đầu làm phim khắc họa những vết thương do chiếm đóng bạo lực của Nhật Bản để lại. Tại Trung Quốc Đại lục, những phim như Guerilla Railroad của 1956, Landmine Warfare năm 1962 và Tunnel War năm 1965 đã xây dựng một nguyên mẫu với tên gọi “ác quỷ Nhật Bản”. “Nguyên mẫu này không cho thấy một đặc điểm chuộc lỗi nào và tồn tại chỉ để bị chửi rủa và đánh bại,” Timothy Y. Tsu, giáo sự tại Đại học Kwansei Gakuin Nhật Bản, viết trong tiểu luận “Ký ức trên màn ảnh”.

Trong khi đó, một số phim câm ra đời sớm nhất của Hàn Quốc, chứa đựng đề tài chống Nhật, do được phim Arirang 1926 khuyến khích, cuối cùng đã dẫn tới việc Nhật Bản ban hành kiểm soát phim ảnh vào những năm 1930. Nhưng nhiều năm sau đó, Nhật Bản vẫn xuất hiện trong vai đối địch trong nhiều phim Hàn Quốc, đáng chú ý nhất trong Manchurian Westerns nổi tiếng những năm 1960.

Cảnh phim Hanbando, 2006 của Hàn Quốc

Cuối cùng, những phim chống Nhật được cân bằng bằng cái nhìn giàu sắc thái hơn về cuộc chiến tranh và những con người liên quan ở tất cả các bên. Với mỗi phim kiểu Hanbando – một phim hành động hài của Hàn Quốc năm 2006 trong đó Nhật Bản cố gắng thuộc địa hóa Hàn Quốc một lần nữa – lại có một phim chỉ trích Mỹ, như The Host.

Do mối quan hệ ở Đông Á trở nên tồi tệ giữa ba quốc gia này trong những năm trở lại đây, điện ảnh một lần nữa cho thấy khuynh hướng chủ nghĩa dân tôc. Thành công phòng vé của Assassination rất ấn tượng, nhưng vẫn thua một chút phim bom tấn lịch sử năm ngoái The Admiral: Roaring Currents. Phim đã thành công trong việc tái hiện lịch sử về mặt nội dung – Cuộc chiến Myeongnyang năm 1597, nơi Đô đốc Hàn Quốc Yi Sun Sin đã sử dụng một tá tàu để đánh bại hạm đội 330 tàu của Nhật Bản – trở thành phim có doanh thu lớn nhất của Hàn Quốc. Trong khi Assassination nói về lịch sử cận đại, The Admiral sử dụng câu chuyện về lòng yêu nước của những con người bị áp bức, quen thuộc với phòng vé để nhắc người xem nhớ tới lịch sử chủ nghĩa đế quốc lâu dài của Nhật Bản.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã cho ra mắt phim lịch sử được mong đợi khắc họa sự tàn ác của Nhật Bản: Kim Lăng thập tam thoa / The Flowers Of War năm 2011, khắc họa lại vụ thảm sát, cưỡng hiếp, cướp bóc ở Nam Kinh năm 1937, cũng như sau chiến dịch đó. Phim còn là một nỗ lực của Trung Quốc để tiến vào thế giới phương Tây, với việc dành vai chính cho Christian Bale. Flowers thất bại tại nước ngoài, nhưng người xem Trung Quốc đã lũ lượt kéo đến các rạp và khiến cho Kim Lăng thập tam thoa trở thành phim có doanh thu cao nhất trong năm sau khi khởi chiếu.

Kim Lăng thập tam thoa

Vậy, Nhật Bản thì sao? Đất nước này cũng cho thấy một số đụng chạm trong các phim đề tài chiến tranh – nhưng các tác phẩm có thiên hướng mềm hóa hình ảnh của đất nước này trong vai kẻ xâm lược. Một số, như Fires On the PlainThe Wind Rises của đạo diễn nổi tiếng Hayao Miyazaki, mang đến một quan điểm mâu thuẫn về Thế chiến II, chủ yếu cho thấy lập trường ủng hộ hòa bình. Phim chống chiến tranh gần đây The Emperor in August cũng vậy. Đã có phim như The Eternal Zero năm 2013 trở thành một trong những phim Nhật Bản có doanh thu cao nhất lịch sử cận đại khắc họa những phi công thần phong (kamikaze) giai đoạn cuối cuộc chiến. Miyazaki đã kịch liệt chỉ trích phim khi ca ngợi những phi công tự sát, trong khi đạo diễn của phim, Takashi Yamazaki, không đồng tình. The Eternal Zero chính xác không tô điểm cuộc chiến bằng một luồng sáng tích cực, nhưng đem đến một cái nhìn cảm thông dành cho Nhật Bản.

Tuy nhiên, phim nói về sự việc này nhiều hơn có lẽ là những phim về Thế chiến II chưa được Nhật Bản phát hành. Unbroken năm 2014 chứa đựng những yếu tố người xem phim Nhật Bản yêu thích – Angelina Jolie trong vai trò đạo diễn và ngôi sao Miyavi tronng vai chính – nhưng phim chưa được nhà phân phối Nhật Bản nào chọn. Những nhóm cánh tả chỉ trích Unbroken vì tư tưởng “chống Nhật”, do phim khắc họa lính coi ngục Nhật Bản đã đối xử tàn bạo với tù nhân. Nay, gần một năm sau khi ra mắt tại Mỹ, không có dấu hiệu gì cho thấy Unbroken sẽ được ra mắt tại các rạp Nhật Bản.

The Eternal Zero

Nhưng như người ta nói, tình hình không tệ đến vậy. Mặc cho sự tấn công hàng loạt về mặt truyền thông mang tính hiếu chiến, 2015 cũng đánh dấu việc ba nước Đông Á này đã cùng thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật khác nhiều như thế nào. Trong một năm mà số lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản không ngừng tăng lên, Trung Quốc cho phép phim Nhật Bản đầu tiên trong vòng ba năm được trình chiếu trên đất nước này – và phim đã trở thành một thành công lớn. Stand by Me Doraemon, với sự góp mặt của chú mèo máy nổi tiếng của Nhật Bản, đã gặt hái thành công phòng vé, mặc dù nhân vật này bị Chengdu Daily gắn mác “có tính lật đổ”. Phim truyền hình Hàn Quốc và dòng nhạc đại chúng đã có một chỗ đứng đem lại lợi nhuận tại Nhật Bản, trong khi phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản đã đổ bộ xâm chiếm Hàn Quốc.

Không thể nói người xem ở những đất nước này cảm kích một cách mù quáng đối với bất cứ thứ gì liên quan đến vấn đề yêu nước. Mặc cho số lượng lớn những chương trình chống Nhật lên sóng tại Trung Quốc, nhiều người đã phàn nàn về những chương trình này do sự vô lý của chúng (nhấn mạnh từ việc lính Nhật bị xé làm đôi theo nghĩa đen bởi những động tác võ thuật kỳ diệu đến máy bay bị phá hủy bởi lựu đạn từ dưới đất ném lên).

The Admiral

“Các cơ quan có thẩm quyền đã cấm các chương trình truyền hình nước ngoài – để khiến chúng tôi chỉ xem được những chương trình này?” một người cư dân mạng Trung Quốc viết sau một cảnh bị chế nhạo nhiều trong một phim về đề tài chiến tranh trong đó một người phụ nữ giết lính Nhật bằng cách giấu bom trong đũng quần. Những phim như AssassinationThe Admiral không che giấu khía cạnh chủ nghĩa dân tộc, nhưng chúng cũng là những phim giải trí kinh phí lớn mà người xem yêu thích. Và Kim Lăng thập tam thoa không chỉ là một tác phẩm cổ động; phim nhắm đến Oscar. Bài học là con người có thể giữ chủ nghĩa dân tộc, nhưng họ cũng muốn được giải trí: nếu mối quan hệ được cải thiện trong những năm tới, thì hy vọng rằng nền điện ảnh của cả ba quốc gia sẽ có được người xem mới – của nước khác.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Atlantic