Nhân vật & Sự kiện

Hầu Hiếu Hiền, đạo diễn danh tiếng của Nhiếp Ẩn Nương

21/09/2015

Vị đạo diễn kỳ cựu người Đài Loan Hầu Hiếu Hiền không ngạc nhiên trước sự công nhận bất ngờ với giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Cannes năm nay.

Đạo diễn 68 tuổi nhận giải thưởng ngày 24 tháng 5 cho phim Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin), bộ phim truyện thứ 21 của ông – nhưng là phim võ thuật đầu tiên – trong một sự nghiệp thành công trải dài hơn ba thập kỷ.

Hầu Hiếu Hiền giữ vẻ bình tĩnh và không tỏ rõ phản ứng khi được đọc tên, sau đó nói với phóng viên rằng ông đã vui mừng khi được đề cử rồi, trong khi đùa về tuổi tác của mình và nói thêm đây không phải là lần đầu ông tới Cannes.

Hầu Hiếu Hiền nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2015

Đúng vậy, đây là lần thứ bảy phim của ông được trình chiếu tại Cannes từ khi Daughter of the Nile được góp mặt trong lĩnh vực độc lập Directors’ Fortnight năm 1988, dù năm đó đánh dấu lần đầu ông mang về giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim The Puppetmaster thắng giải Ban giám khảo năm 1993, còn Millennium Mambo thắng giải Technical Grand Prize tại Cannes năm 2001.

Nói bằng tiếng Quan Thoại qua người phiên dịch, vị đạo diễn giữ bài phát biểu nhận giải của ông ngắn gọn và thú vị, “Rất khó để làm phim, để tìm tài trợ, tôi muốn cảm ơn toàn bộ đoàn làm phim và diễn viên.”

Không may cho Hầu Hiếu Hiền, ông lại thất bại – lần thứ sáu – trong việc mang về giải thưởng cao quý nhất của Cannes, Cành cọ vàng, được trao cho đạo diễn bản địa Jacques Audiard cho phim Dheepan. Tờ báo Pháp Liberation phê phán quyết định này của ban giám khảo, khẳng định Nhiếp Ẩn Nương là bộ phim xứng đáng hơn.

Trong khi vui mừng với chiến thắng của mình, đạo diễn họ Hầu nói rằng giải thưởng không có ý nghĩa nhiều với ông, nói thêm “nghệ sĩ thực thụ không thể chỉ nghĩ về việc thắng giải” và điều quan trọng nhất trong việc làm phim là “có tâm”.

Thư Kỳ trong vai Nhiếp Ẩn Nương

Ai cũng có thể làm đạo diễn; họ chỉ cần chú ý đến môi trường sống, nơi họ sinh trưởng và con người xung quanh, ông nói. Phim và tiểu thuyết chỉ là cách diễn đạt, ông nói thêm.

Là một phim kiếm hiệp thời Đường, Nhiếp Ẩn Nương tạo một sự đối lập rõ ràng với các phim chính kịch trước đó của Hầu Hiếu Hiền, dù các nhà phê bình phải ngỡ ngàng với việc ông biết cách giữ phong cách và nghệ thuật hình ảnh tối giản tiêu biểu trong khi vẫn trung thành với bản chất của thể loại này.

Nói chuyện với các phóng viên về thắng lợi cột mốc trong sự nghiệp, Hầu Hiếu Hiền phủ nhận các thông tin dự án tốn 10 năm mới hoàn thành, nói rằng chỉ hơn tám năm, phần lớn bởi ông bận bịu với công việc tại giải Kim Mã của Đài Loan và Liên hoan phim Đài Bắc. Đạo diễn Hầu thành lập Học viện điện ảnh Kim Mã năm 2009, một chương trình giảng dạy và phát triển cho các đạo diễn tài năng mới của Đài Loan. Ông cũng là chủ tịch danh dự của Hiệp hội Phim ảnh và Văn hóa Đài Loan.

Ngoài khó khăn trong việc tìm tài trợ cho Nhiếp Ẩn Nương, có kinh phí khá nhỏ là 15 triệu USD – hơn một nửa đến từ Trung Quốc – đạo diễn Hầu nói việc khó khăn nhất trong quá trình làm phim là viết kịch bản, bởi ông phải suy nghĩ xem những hình ảnh kiếm hiệp đẹp mắt trong tâm trí ông có thể được chuyển lên màn ảnh không.

Cảnh trong phim Nhiếp Ẩn Nương

Tạ Hải Minh, một trong các biên kịch của Nhiếp Ẩn Nương, nói Hầu Hiếu Hiền cũng không thỏa mãn 100% với bộ phim được các phê bình coi là hay nhất của ông. Tạ Hải Minh tiết lộ ban đầu vị đạo diễn muốn quay cả phim bằng một camera Bolex cổ chỉ có thể quay được 20 giây một lần, nhưng bị cả đoàn phim thuyết phục đổi ý. Ông đành chấp nhận sử dụng đa số các công nghệ thiết bị quay phim tân tiến nhất.

Sinh năm 1947 tại tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, Hầu Hiếu Hiền cùng gia đình di cư sang Đài Loan khi mới một tuổi và dành phần lớn tuổi thơ ở thành phố Cao Hùng miền nam.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông học điện ảnh tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan, khi đó còn là Học viện Nghệ thuật Quốc gia, trước khi làm trợ lý cho đạo diễn bản địa nổi tiếng Lý Hành vào năm 1973. Ông viết kịch bản đầu tay năm 1975, và đến năm 1980 đạo diễn bộ phim đầu tiên, Cute Girl, còn được biết đến với tên Lovable You.

Kể từ đó, các phim của ông đã được đón nhận tại các liên hoan phim quốc tế danh tiếng. Hai năm liền ông thắng giải Khí cầu vàng tại Liên hoan phim Three Continents năm 1984 và 1985 với các phim The Boys From Fengkuei và A Summer at Grandpa’s. Một năm sau, bộ phim A Time to Live, a Time to Die nhận giải FIPRESCI tại Liên hoan phim quốc tế Berlin. Tại Liên hoan phim Venice năm 1989, bộ phim Bi tình thành thị (A City of Sadness, tạm dịch: Thành phố buồn) thắng giải Sư tử vàng, giải thưởng lớn nhất của liên hoan này.

Cảnh trong phim Bi tình thành thị

Bốn phim của vị đạo diễn đã được tạp chí Hồng Kông Yazhou Zhoukan chọn vào danh sách “100 phim Hoa ngữ hay nhất thế kỷ 20”. Ông cũng được bình chọn là Đạo diễn của thập kỷ cho thập kỷ 1990 trong một cuộc bình chọn của các nhà phê bình phim Mỹ và quốc tế do The Village Voice và Film Comment tổ chức. Ông đã nhận giải Thành tựu trọn đời do cống hiến cho điện ảnh tại Giải thưởng điện ảnh châu Á tháng 3 năm 2014.

Các phim của Hầu Hiếu Hiền không đơn thuần nói tiếng Quan thoại hay Khách Gia. Năm 2003, ông đạo diễn bộ phim Nhật Café Lumiere tưởng nhớ đạo diễn Nhật Bản Yasujiro Ozu, và năm 2008 ông hoàn thành dự án nói tiếng Pháp đầu tiên, Flight of the Red Balloon, nói về một gia đình Pháp qua cái nhìn của một học sinh người Trung Quốc.

Hầu Hiếu Hiền cũng có vài kinh nghiệm diễn xuất, đã góp mặt trong bộ phim Taipei Story năm 1984 của đồng nghiệp cũng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Cannes Dương Đức Xương, cũng như bộ phim hài chính kịch Young Style năm 2013. Ông cũng là một ca sĩ và góp giọng trong nhạc phim của Dust of Angels, một phim Đài Loan do ông đồng sản xuất.

Bất chấp thành công ngất ngưởng về mặt phê bình, rất ít phim của Hầu Hiếu Hiền được phát hành rộng rãi cho khán giả phương Tây ngoài phạm vi liên hoan phim bởi hương vị nghệ thuật của chúng. Hầu Hiếu Hiền sẽ nhận thưởng 5 triệu Tân Đài tệ (164.000 USD) tiền mặt từ chính quyền Đài Loan cho chiến thắng tại Cannes của mình, song ông nói mình không làm phim vì tiền.

Cảnh trong phim Café Lumiere

Khi không làm phim, Hầu Hiếu Hiền tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Ông đã tham gia nhiều sự kiện bênh vực quyền lợi của người lao động nhập cư, hôn nhân với người nước ngoài và bảo tồn các di sản và khu di tích lịch sử.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Want China Times