Nhân vật & Sự kiện

Đạo diễn Denis Villeneuve và cuộc chiến chống ma túy trong Sicario

14/09/2015

Sicario mở màn với đặc vụ FBI do Emily Blunt thủ vai dẫn đầu nhóm giải cứu mặc giáp toàn thân bước vào một nhiệm vụ nguy hiểm.

Câu chuyện với nhân vật chính là nữ, đặc biệt làm trong ngành luật pháp, là tín hiệu đầu tiên cho thấy đây không phải bộ phim thông thường về cuộc chiến chống ma túy.

Từ trái qua: Emily Blunt, Josh Brolin, Matt Page và Benicio Del Toro trong Sicario

Sicario (có nghĩa là “sát thủ” – nhóm cầm vũ khí, được giao nhiệm vụ bảo vệ nơi bào chế ma túy trong một đường dây cũng như đối đầu các băng đảng khác – trong tiếng Tây Ban Nha) không sử dụng các ống kính góc rộng như ví dụ điển hình nhất của thể loại này, Traffic, với cốt truyện về các nhóm ông trùm và con nghiện ma túy, các ông trùm và đầy tớ, đặc vụ ngầm và kẻ môi giới. Không có những tay buôn thuốc phiện như trong Savages hay luật sư cho tập đoàn ma túy trong The Counselor, những nhân vật bé trong các thương vụ làm ăn tỉ đôla. Và những tay trùm thống trị các bộ phim như Escobar: Paradise Lost hay loạt phim Narcos mới trên Netflix không có mấy thời lượng.

Thay vào đó, Sicario, bộ phim mới nhất của đạo diễn Canadia Pháp Denis Villeneuve, ra rạp ngày 18/9, tiếp cận khán giả một cách hoàn toàn tối giản, gần như nghẹt thở khi đưa ba nhân vật chính (và khán giả) vào vùng biên giới thiện ác phân tranh giữa Mỹ và Mexico.

Ngay sau khi cuộc đột nhập của cô cho thấy không có con tin mà là một ngôi nhà đầy xác chết, nhân vật của Blunt được gọi tham gia một nhiệm vụ mật dẫn đầu bởi một mật vụ chính phủ thích dép xỏ ngón (Josh Brolin) và một cố vấn người Colombia (Benicio Del Toro) với kế hoạch và động cơ mờ ám. Cô sớm thấy mình trong một vòng xoáy làm mờ – có khi xóa hẳn – những lằn ranh giữa đúng sai đã làm nên sự nghiệp của mình.

Emily Blunt trong một cảnh phim

Với Sicario, Villeneuve sử dụng chiến tranh ma túy để lục lọi những góc khuất trong xã hội Mỹ. “Bộ phim là về bóng ma,” Villeneuve nói. “Về ảo tưởng người Mỹ cho rằng họ có thể giải quyết vấn đề bằng bạo lực, hay cho rằng mình cao hơn luật pháp các nước khác.”

Bạo lực – cả về mặt con người hay chính trị – lay động trong các phim gần đây của Villeneuve. Polytechnique, bộ phim 2009 kể lại vụ thảm sát 14 nữ sinh năm 1989 tại một trường kỹ thuật, nối tiếp bằng Incendies, đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất, khám phá những vật lộn tôn giáo và chính trị trong một đất nước vô danh ở Trung Đông. (Cả hai phim đều đã phát hành tại Mỹ năm 2011.)

Như Incendies, Sicario khám phá vòng xoáy (gần như bất tận) của bạo lực. Và cũng như ông đã làm trong bộ phim chính kịch đề tài bắt cóc Prisoners năm 2013, bộ phim đầu tiên của ông với một hãng phim Mỹ, Villeneuve cũng thể hiện sự bấp bênh của thù hận trong Sicario.

Sự hứng thú của ông với những chủ đề không hề dễ chịu lại khá xa lạ với các diễn viên của ông, họ vui vẻ nhại giọng Canada Pháp của Villeneuve khi kể lại những ví dụ cho thấy tính cách dễ gần, luôn vui cười của vị đạo diễn trên trường quay.

Đạo diễn Denis Villeneuve, trái, và Benicio del Toro trên trường quay Sicario

“Phong cách vui vẻ của ông ấy chỉ là vỏ bọc cho bệnh ám ảnh điên rồ với mặt tối thôi,” Blunt cười nói.

Villeneuve, 47 tuổi, sống ở Montreal, chỉ nhún vai khi được hỏi điều gì đưa ông tới những chủ đề như vậy. “Thưa, tôi không biết gì về cảm hứng đó,” ông nói.

Nhưng rồi ông cũng sẵn sàng làm một phim không dính máu. Sau đó ông đọc được kịch bản của Taylor Sheridan.

Một diễn viên chuyển sang làm biên kịch, Sheridan ngồi xuống viết kịch bản Sicario mùa xuân năm 2011, không lâu sau khi nhân vật của anh (Phó cảnh sát David Hale) giã từ Sons of Anarchy. Thời điểm đó, tổng thống Mexico tuyên chiến với các tập đoàn ma túy và số lượng hy sinh chồng chất – mà không làm suy suyển mảy may ngành kinh doanh phi pháp này.

Tức giận khi thấy sự đẫm máu này không được đưa tin ở Mỹ, và vừa thích thú vừa ghê sợ việc tăng cường quân sự hóa của Mỹ với cuộc chiến ma túy, anh vạch ra một cốt truyện tập trung vào bóng tối trong công cuộc thi hành luật pháp và trong đầu anh là sự phá vỡ quyền lực tối thượng không tránh khỏi của một quốc gia khác. Anh không chịu ảnh hưởng từ Traffic, với nhiều câu chuyện đơn lẻ, mà từ các phim có góc nhìn hẹp như Zero Dark Thirty, Black Hawk Down và Platoon.

Benecio Del Toro trong một cảnh phim

“Tôi xem đây là phim chiến tranh,” anh nói. “Và đến điểm nào đó sẽ không còn là về chiến tranh nữa, mà là chúng ta có nên đấu tranh như thế này không?”

Dù bị áp lực từ các nhà sản xuất tiềm năng phải thay đổi giới tính của nhân vật Kate, Sheridan từ chối. Và sự mới mẻ đó – một nhân vật nữ chính thi hành luật pháp đảm nhiệm việc dẫn dắt khán giả qua khung cảnh địa ngục – đã làm Blunt hứng thú.

“Tôi chỉ nghĩ việc những lý tưởng của nhân vật dần bị cuốn trôi khỏi cô ấy trong suốt chiều dài phim là một điều rất mạnh mẽ,” Blunt nói.

Kịch bản không hề có câu chuyện nền cũng thu hút Blunt, vốn ghét việc nhồi nhét thông tin cho khán giả mà đầy rẫy các phim đã làm thế. Chúng ta biết rất ít về Kate ngoài một số chi tiết: cô đã ly dị, cô đơn và, như Blunt cười nói, rất cần một áo lót mới. Nhân vật của Del Toro, Alejandro, trải qua một bi kịch kinh khủng nào đó trong quá khứ, nhưng chi tiết chính xác được tiết lộ chậm và tằn tiện.

Không nhân vật nào bí hiểm hơn nhân viên chính phủ mờ ám Matt – điều khiến Brolin ba đầu suýt từ chối vai diễn.

Josh Brolin trong một cảnh phim

Nhưng Villeneuve và Blunt không chấp nhận bị từ chối, và sự động viên của họ (mà Blunt đùa là quấy nhiễu trực tuyến) dần khiến ông đổi ý. Nam diễn viên sớm tìm được tiếng nói với nhân vật, đến từ chuyến viếng thăm tiệm bán đồ lướt sóng Rip Curl ở đại lộ số 3 tại Santa Monica, California. “Tôi ở đó với 17 cái quần soóc, tự chụp ảnh mình rồi gửi cho Denis,” ông nói. “Rồi tôi biết mình đã hứng thú.”

Thực chất đây là một chủ đề thân thuộc với Brolin. Như Del Toro, đã tham gia những phim như Traffic, Escobar: Paradise Lost, Savages và American Gansgster, ông cũng biết về cuộc chiến ma túy trên màn ảnh. Và nam diễn viên cũng đã nghiên cứu về buôn bán ma túy khi tham gia Cartel, một phim báo thù bị hủy năm tuần trước khi khởi quay dự định ở Mexico.

“Chúng ta đều nói về ISIS, với sức mạnh tầm 15.000 hay 20.000 người,” Brolin nói. “Cuộc chiến này to lớn hơn, nguy hiểm hơn, bạo lực hơn nhiều. Tuy nhiên ta vẫn giả bộ là nó không tồn tại.”

Mười lăm năm trước, Traffic đưa ra một cuộc tranh luận về chính sách xã hội và hiệu quả của việc tuyên chiến với ma túy. Ted Koppel và Nightline còn dành một tuần cho các tập của chương trình nói về vận chuyển ma túy và hậu quả.

Từ đó đến nay chẳng khá gì hơn. Theo một nghiên cứu mới từ quỹ từ thiện Pew, việc sử dụng thuốc trái phép đã tăng lên, cũng như số lượng tù nhân có tội trạng ma túy trong nhà tù liên bang (chủ đề của bộ phim tài liệu The House I Live In). Và dù chính phủ Mexico đã bắt giữ được một số tay trùm ma túy hung ác nhất, bạo lực đã tăng đột biến và trở nên ghê rợn hơn khi các tay chơi bé tranh giành vị trí đứng đầu.

“Chẳng có gì thay đổi, và sẽ không thay đổi trừ khi ta thay đổi chiến thuật,” Del Toro nói. “Bởi dùng lửa dập lửa không có tác dụng.”

Câu kết luận gần như tuyệt vọng đó, bao trùm Sicario. Nhưng câu hỏi chiến thuật gì có thể cải thiện tình thế gây khó cho các nhà làm phim.

“Hợp pháp hóa ma túy giải quyết tất cả, hay chỉ tạo ra các vấn đề mới?” Sheridan hỏi. “Điều duy nhất giải quyết được là những người dùng ma túy nhận ra tác hại họ gây ra cho người khác và quyết định không dùng nữa. Tôi nghĩ đó gần như là một ảo tưởng thế giới mới.”

“Nhưng câu trả lời là gì? Tôi chẳng biết.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times