Mỗi một nỗi sợ hãi có một loại ma quỉ riêng.
Mất kiểm soát cảm xúc? Ma sói đây, sẵn sàng biến bạn thành quái vật.
Hiểm họa tiếp xúc thể xác? Toác cổ họng vì cái hôn hôi thối của ma cà
rồng.
Nhưng có một thứ còn kinh hoàng hơn nữa.
Những yêu
quái đó chỉ đe dọa đưa thêm thứ gì đó vào con người bạn. Còn xác sống
lấy đi thứ mà bạn trở thành — và vét sạch sành sanh. Xác sống là kẻ xóa
sạch bản thân. Nó vĩnh viễn vô danh. Nó hủy diệt linh hồn.
Cảnh trong phim White Zombie
Xác sống còn có ở khắp nơi. Tìm kiếm nhanh trên mạng có gần 900 phim nói
về xác sống; hơn một phần ba số phim đó xuất hiện trong vòng năm năm
trở lại đây (mà đó là còn chưa tính đến các video game zombie, phim
truyền hình và tiểu thuyết).
World War Z của Brad Pitt (phát hành ở Việt Nam với tựa
Thế chiến Z)
công chiếu cuối tuần này là phim mới nhất và công phu nhất, tự hào về
diễn viên ngôi sao chính và những đại cảnh về một bệnh dịch toàn cầu (và
một kinh phí làm phim xác chết ăn thịt người lớn nhất từ trước đến giờ,
khoảng 200 triệu đôla). Đây là một phần của trào lưu mới nhất: Tận thế
vì thây ma sống.
Nhưng đây không phải là dạng duy nhất của thứ yêu quái này.
Có
zombie siêu nhiên, và zombie khoa học giả tưởng. Có zombie hài, zombie
yêu và zombie vừa ca hát vừa nhảy múa. Thậm chí còn có zombie thực sự
không phải là zombie gì cả.
Và chúng sắp đến bắt bạn rồi đó — ngay bây giờ.
Zombie là yêu quái cổ xưa nhất lẫn mới nhất của chúng ta.
Nó
là người châu Phi, đến Tân thế giới trên tàu nô lệ với tín đồ thống
khổ. Sau, đức tin này bắt rễ lan ra, nhất là ở Haiti và New Orleans,
những nơi có các câu chuyện về phù thủy báo thù và những sinh vật không
suy nghĩ, không nháy mắt của họ.
The Mummy (1932)
Tuy nhiên, khi Hollywood bắt đầu làm phim kinh dị, họ trông vào những
chuyện kinh dị của châu Âu Europe. Những câu chuyện kinh điển của Anh —
Dracula, Frankenstein — cung cấp những cảm hứng đầu tiên. Ngoài ra,
những truyền thuyết ở vùng thôn quê được chuyển thể thành những câu
chuyện trên màn bạc.
Nhưng zombie không có phả hệ văn chương nào
cả, và — với cội nguồn từ nhóm dân tộc thiểu số và một nền văn hóa bị
hiểu sai — không hấp dẫn gì với Hollywood. Rốt cuộc, các ông trùm điện
ảnh thừa nhận sức mạnh của huyền thoại Ai Cập với
The Mummy năm 1932 — một bộ phim đã sản sinh ra cả một chuỗi phim riêng. Nhưng ba cái màn bùa chú vẫn là điều cấm kỵ.
Tuy
nhiên, cùng năm đó hai nhà làm phim độc lập đầu tiên, Victor và Edward
Halperin, quyết định mạo hiểm. Họ mua quyền làm phim quyển sách của tác
giả William Seabrook — một nhà phiêu lưu điên rồ thờ quỷ Xa-tăng từng
khoác lác về việc ăn thịt người sống — và, sử dụng phim trường mượn,
quay phim
White Zombie trong vòng chưa đến hai tuần.
Và, khoảng 20 năm sau bộ phim Hollywood đầu tiên, cuối cùng điện ảnh đã có một phim zombie.
Mặc
dù được làm sơ sài, diễn xuất tệ, bộ phim này đã có một sức hấp dẫn như
mơ, lạ thường. Một phần là nhờ diễn xuất mãnh liệt đặc trưng của Bela
Lugosi trong vai Murder Legendre, zombie đầu sỏ; còn đa phần là nhờ cảnh
tượng máu me khủng khiếp về những cỗ máy tự động không chịu dừng dù có
người ngã vào trong máy.
Đối với một quốc gia đương đầu với
người thất nghiệp, vô gia cư, vô vọng lang thang trên đường phố, đây là
một nỗi kinh hoàng rất gần với hiện thực.
Cảnh trong phim The Ghost Breaker
Mặc dù phim làm ra tiền, nhiều hãng lớn vẫn lảng tránh đề tài này. Những
câu chuyện zombie kinh điển đòi hỏi ít nhất một vài nhân vật da đen,
một điều không có khả năng gây hào hứng với miền Nam phân biệt chủng
tộc. Mà cũng chẳng có quan điểm tôn giáo thích hợp để làm hài lòng những
nhà kiểm duyệt theo Cơ Đốc giáo (có lẽ đây là nguyên nhân tương tự
trong việc Hollywood loại bỏ các phù thủy ra khỏi phim hài, hoặc phim
dành cho thiếu nhi).
Đã có những kỳ vọng hấp dẫn. Một phim độc lập khác,
Ouanga,
bám lấy câu chuyện gốc, với bối cảnh Haiti (thực tế phim được quay ở
Jamaica) và một ngôi sao người Mỹ gốc Phi, Fredi Washington, mới nổi từ
phim
Imitation of Life.
Mặc dù bộ phim năm 1936 này cọc
cạch, nhiều lúc ngớ ngẩn (Sheldon Leonard trong vai một đốc công người
da đen) phim xử lý những vấn đề như "cái chết", và tình yêu giữa những
con người có màu da khác nhau (bị người tình da trắng hất hủi,
Washington tạo ra hai zombie để bắt cóc cô vợ sắp cưới tóc vàng của anh
ta). Và phim cho thấy một sự quan tâm thực thụ vào việc tạo bối cảnh văn
hóa cho sinh vật này.
Không có phim nào khác đáng chú ý. Mặc dù ít ra
The Ghost Breakers về
danh nghĩa là đặt bối cảnh ở vùng Caribê, xác sống trong phim này làm
người ta cười khúc khích. Những phim khác thì xóa sạch hoàn toàn câu
chuyện gốc, bỏ hết mọi dấu vết về voodoo để đề cao biến thể của những
nhà khoa học điên khùng.
Ngoại lệ duy nhất từ một hãng phim lớn
là RKO, nhà sản xuất Val Lewton cho ra đời những phim kinh dị ít tốn
kém, có tính nghệ thuật tránh được khuôn sáo và thường bám theo những
nền văn hóa đa dạng. Năm 1943, bộ phim
I Walked With a Zombie của ông dựa theo một bài báo, lai nó với Jane Eyre, và đặt bối cảnh trên hòn đảo Saint Sebastian hư cấu.
Cảnh trong phim I Walked With a Zombie
Phim cũng có sức hấp dẫn, tạo ra một thế giới nên thơ của những bà vợ
các ông chủ thực dân xanh xao lang thang vô định trong những đêm tối
tăm, ngột ngạt. Đây là phim zombie đầu tiên tìm kiếm một sự ẩn dụ ở các
yêu quái của nó một cách công khai cố ý, kết hợp lời nguyền xác sống của
văn hóa dân gian châu Phi với kiểu sống mà như chết của giới thượng lưu
hiện đại.
Phim rất tuyệt. Nhưng không là duy nhất.
Và rốt
cuộc zombie loạng choạng quay về với những hãng phim nhỏ đủ loại, ở đó
nhu cầu kinh phí thấp rất tiện dụng của chúng — trang phục cũ nát, chút
phấn hóa trang — khiến chúng trở thành một bộ phận được nhiều người ưa
thích của dòng phim kinh dị rẻ tiền và thậm chí phim hài rẻ tiền hơn.
Voodoo Man.
The Zombies of Mora Tau.
Zombies on Broadway.
Cho đến khi một tay từ Pittsburgh cho chúng cuộc sống mới.
"Xác
chết chưa chôn đang trở lại với cuộc đời và tìm kiếm nạn nhân con
người. Chúng tôi ở đây thật khó mà tường thuật chuyện này với các bạn,
nhưng dường như đây là một sự thật..."
-
Night of the Living Dead, 1968
Đây là phim nổi tiếng nhất về zombie từng được làm. Và phim không hề dùng từ "zombie" lấy một lần.
Chúng
là "những thứ này". Chúng là "những quái vật đó". Chúng là "người hành
động như thể đang bị thôi miên." Chúng là "chẳng ra cái giống gì". Chúng
là "mớ hỗn độn".
Tuy nhiên, có một điều mà
Night of the Living Dead không bao
giờ gọi chúng là zombie — vì chúng không giống bất cứ zombie nào chúng
ta thấy trước đó. Chúng không phải là sản phẩm của phép thuật, và chúng
không không làm theo lệnh của nhà khoa học điên khùng nào đó. Thực ra,
chúng không làm theo lệnh ai hết. Chúng chỉ lang thang, vô định, đói
khát, tìm kiếm thức ăn.
Tìm kiếm chúng ta.
Tuy nhiên,
trong việc lột trần huyền thoại cũ của loài yêu quái này, Romero đã cho
chúng những huyền thoại mới. Từ giờ trở đi, zombie sẽ không chỉ do con
người tạo ra, mà còn do phóng xạ, hoặc viruse. Không có đầu óc, đói khát
thịt đồng loại, chúng sẽ ăn tươi nuốt sống. Và khi những nạn nhân đó
chết đi họ cũng sẽ trở thành zombie, phát tán dịch bệnh.
Night of the Living Dead
ra mắt năm 1968, và đem đến quái vật hoàn hảo cho một thời đại yếm thế.
Dracula, ít ra, có tình yêu; Frankenstein, một giấc mơ. Thế còn xác
sống thì chẳng có gì ngoài không đầu óc, tham ăn vô độ — và không hề có
tương lai. Ăn ngấu nghiến cho đến hết sạch, không tạo ra thứ gì ngoài
thêm những kẻ ăn ngấu nghiến khác, chúng chỉ lê bước tiến tới sự tuyệt
chủng không tránh khỏi.
Romero bóc trần câu chuyện này thêm nữa, với
The Crazies,
năm 1973, xóa sạch bất kỳ yếu tố siêu nhiên hay giả tưởng nào. Trong
phim đó, thực ra, xác sống còn chưa hề chết. Chúng là những công dân
bình thường, bị nhiễm vũ khí sinh học của Mỹ khiến họ thành ra một cơn
cuồng phong dịch bệnh — điên cuồng đốt, hiếp, giết.
Cảnh phim 28 Days Later
Dù sao đi nữa, phim này là một cái nhìn nhân bản còn ảm đạm hơn
Night of the Living Dead và, cuối cùng, đẻ ra một trường phái phim không hẳn zombie riêng, bao gồm
28 Days Later,
28 Weeks Later,
Planet Terror và bản làm lại
The Crazies
năm 2010. Vì trong những phim này, lũ người quái ác không còn là xác
chết không biết suy nghĩ nữa. Chúng vẫn sống, vẫn là con người như chúng
ta — chỉ tước hết mọi luân lý đạo đức và sự kiềm chế.
Thảng khi, một phim như
The Serpent and the Rainbow của Wes Craven làm hồi sinh truyền thuyết cổ. Những phim khác chế nhạo zombie của Romero — không phải phim hài gây trố mắt
The Ghost Busters hay
Scared Stiff, mà châm biếm thực sự trong những phim dí dỏm lạ thường như
Shaun of the Dead,
Zombieland và
The Revenant.
Warm Bodies
thậm chí còn đưa thêm vào chuyện tình Romeo-và-Juliet – trong khi ghìm
nén tục ăn thịt đồng loại, để tránh một cái kết cuộc chàng-ăn thịt-nàng
gây thất vọng.
Dù hài hước hay nghiêm trọng, còn sống hay là đã
chết, thế giới giờ đây là của George Romero. Chúng ta chỉ lảo đảo trong
thế giới đó, khi lại một virus bí ẩn khác được phát tán, lại một lũ đói
khát nữa đem đến ngày tận thế.
Đến nay, lũ quái vật này, và truyền thông của chúng, đang ăn thịt nhau. Có loạt phim truyền hình thành công vang dội
The Walking Dead (dựa theo một cuốn truyện tranh) trong đó "những kẻ cắn cổ" đang ngốn sạch nền văn minh. Có loạt phim dường như bất tận
Resident Evil (dựa theo một video game), với sát thủ zombie Alice.
Cảnh phim Shaun of the Dead
Và có
World War Z (dựa theo một tiểu thuyết, "một lịch sử
truyền miệng về chiến tranh zombie") trong đó bọn nhai trệu trạo điên
cuồng này tràn ngập khắp hành tinh, và trông chờ vào nhân viên Liên hợp
quốc Brad Pitt cứu lấy nền văn minh nhân loại.
Không rõ — sau
nhiều lần viết lại kịch bản, quay phim lại và hoãn phát hành — còn giữ
được bao nhiêu ý tưởng gốc của tác giả Max Brooks. Quyển tiểu thuyết đầy
tham vọng của ông không phải chỉ là một câu chuyện kinh dị, mà còn là
một danh mục mua sắm hãi hùng của sự sụp đổ của các quốc gia trong đó có
Trung Quốc thâm trầm, nước Mỹ kiêu ngạo và Iran hiếu chiến thảy đều
phát đại dịch.
Nhưng ý tưởng dạy đời, hiện đại của tác giả cuốn sách cũng xuất phát từ
Night of the Living Dead.
Vì trong thế giới zombie của Romero, chúng ta không phải sợ hãi chạy bổ
đến một thầy pháp voodoo nào đó, hay là có một bà thầy cúng ghen tuông
nào sai khiến xác sống đi bắt cóc vợ sắp cưới của chúng ta. Thứ duy nhất
chúng ta phải sợ hãi là chính chúng ta.
Cảnh trong World War Z
Nghi lễ và bùa chú cổ xưa không chịu trách nhiệm gì ở đây. Chỉ có là
chúng ta thôi — sự dốt nát của chúng ta, sự tham lam của chúng ta, nỗi
sợ hãi của chúng ta, cơn giận dữ vô lý của chúng ta. Và nó theo suốt
cùng chúng ta. Chúng ta chính là những người đầu độc thế giới của chúng
ta, xã hội của chúng ta. Và chúng ta là những người tấn công nhau khi
làm việc, cho đến khi cuối cùng chúng ta rút về cố thủ trong pháo đài
nhỏ bé của mình, tay súng ướt đẫm, chờ đợi, chờ đợi...
Chúng ta đã gặp kẻ thù đó rồi. Và chúng ta là bữa ăn trưa của chúng.
Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi