Nhân vật & Sự kiện

Đặng Tụy Văn: Gian khổ và vinh quang cùng Thâm cung nội chiến

13/05/2013

Thâm cung nội chiến 2 hiện là một thất vọng về tỷ suất người xem lẫn phê bình so với phần trước thành công rực rỡ. Nhưng bất chấp tỷ suất người xem tuột còn 19 phần trăm, Đặng Tụy Văn không hối hận đã quay lại với nhân vật của cô trong phần tiếp theo này.

Như phi - Đặng Tụy Văn trong Thâm cung nội chiến 2

Trong một phỏng vấn gần đây với Tencent QQ, Đặng Tụy Văn khẩn khoản người xem hãy đánh giá chất lượng tổng thể của Thâm cung nội chiến 2, và nói về những khát vọng tương lai trong nghiệp diễn và đời riêng của cô.

Thâm cung nội chiến tái xác định sự nghiệp

Năm 2004, sự nổi tiếng của Thâm cung nội chiến đưa Đặng Tụy Văn, Lê Tư, Xa Thi Mạn, và Trương Khả Di lên đài danh vọng khắp Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á. Trước khi bộ phim được phát sóng, Đặng Tụy Văn không nghĩ vai diễn Như phi của cô lại đưa cô đến với sự ưa chuộng cùng khắp đến thế.

“Tôi cho diễn xuất của tôi trong [Thâm cung nội chiến] chỉ đạt 50 điểm. Tuy nhiên, thành công của bộ phim này dựa trên sự chín muồi của nhiều yếu tố. Từ bộ phim đó trở đi, tôi nhận ra rằng khán giả hiện đại chuộng nhân vật nữ mạnh mẽ và không thích phụ nữ yếu đuối. Họ thích phụ nữ có cá tính mạnh mẽ và rõ ràng, dù là tàn nhẫn,” Đặng Tụy Văn nói.

Từ trái qua: Lê Tư, Xa Thi Mạn trong Thâm cung nội chiến 2004

Dù một số phim bộ gần đây của giám chế Lý Thiêm Thắng và biên kịch Châu Húc Minh không thành công về mặt tỷ suất, Đặng Tụy Văn không hề hối hận đã tham gia Thâm cung nội chiến 2 và xem bộ phim này là công sức đồng đội. Cô nói, “Một khi đã nhập cuộc, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện rút ra. Tôi chỉ hy vọng làm hết sức mình cho đến khi chúng tôi cập bến.” Đặng Tụy Văn nói thêm, “Thành công hay thất bại không quan trọng. Điều chúng tôi cần làm là xem xét vấn đề và nghĩ xem làm thế nào để phim bộ Hồng Kông hoàn thiện hơn.”

Do lối sống căng thẳng và làm việc kéo dài, khán giả Hồng Kông thường thích những phim giải trí nhẹ nhàng hơn như Mái ấm gia đình thay vì những phim bộ đòi hỏi suy nghĩ như Thâm cung nội chiến 2. Đặng Tụy Văn đồng ý rằng một phim bộ hay phải hấp dẫn được lượng khán giả rộng rãi, nhưng cô cũng khuyến khích người xem nên đánh giá chất lượng của bộ phim.

Đặng Tụy Văn cũng tin rằng phim bộ nên khai thác sâu hơn những vấn đề xã hội, và phản ánh những câu chuyện đời thường. “Ví dụ, trong Xứng danh tài nữ, xem Sài Cửu [nhân vật của Lê Diệu Tường], có rất nhiều người hâm mộ thích một nhân vật dưới cơ như vậy. Tứ đáy xã hội anh dần dần leo lên thành kẻ đối đầu với chủ. Điều này phản ánh khát vọng của mọi người bình thường, đem lại cho họ sự khích lệ. Khi khán giả xem phim này, họ cảm thấy cực kỳ hài lòng và yêu thích.”

Đặng Tụy Văn (phải) trong Xứng danh tài nữ

Vượt 'stress' để hoàn thành vai diễn trong Thâm cung nội chiến 2

Công nghiệp truyền hình Hồng Kông khét tiếng về điều kiện làm phim lung tung bừa bãi, theo tiết lộ của nhiều diễn viên bao năm nay.

Một trong những người lớn tiếng phản đối nhất là nữ diễn viên kỳ cựu Đặng Tụy Văn, cô đã chịu nhiều lo lắng khi quay bộ phim mới nhất cho TVB, Thâm cung nội chiến 2, đến mức cơ thể cô có những phản ứng tệ hại.

"Điều kiện làm việc cho bộ phim này quá sức kinh khủng. Chúng tôi không hề được có kịch bản trước đủ lâu, và đôi lúc chỉ nhận được kịch bản trước một ngày quay một tập nào đó," Đặng Tụy Văn cho biết.

"Tôi không đủ thời gian để chuẩn bị tươm tất, thế nên tôi rất căng thẳng. Đến độ mặt tôi bị đau khi dùng bông phấn hóa trang. Mà nếu không trang điểm, mặt tôi sẽ đen sạm hoặc đỏ bừng. Cơ thể tôi phản ứng kịch liệt với stress và phát đủ thứ tín hiệu cho tôi biết. Tôi đã phải đi bác sĩ."

Nói bằng tiếng Quan thoại qua điện thoại từ Hồng Kông với The Strait Times (một tờ báo của Singapore - ND), cô nhấn mạnh rằng đây là một trong những trải nghiệm "stress" nhất mà cô từng trải qua.

Diễn xuất của Đặng Tụy Văn (giữa) trong một cảnh phim Thâm cung nội chiến 2

Được hỏi cô có hài lòng với diễn xuất của mình trong phim này không, một trong những phim bộ TVB được trông đợi nhất năm nay, Đặng Tụy Văn nói: "Thật khó nói là tôi hài lòng với diễn xuất của mình. Tôi đã làm hết sức với điều kiện có được, nhưng tôi đã phải lo lắng trong suốt thời gian đó.

"Tôi cần phải tin vào chính mình, và vào khán giả. Có rất nhiều người trông đợi bộ phim này vì họ đã xem tôi trong phần đầu."

Thực tế, có rất nhiều gập ghềnh trong bộ phim mới này của cô, bởi đây là phần tiếp theo của Thâm cung nội chiến 2004, đã thành công cả về thương mại lẫn phê bình.

Bộ phim về những phụ nữ thủ đoạn chốn thâm cung được nhiều người xem là có tính ẩn dụ cho những trò chính trị văn phòng thời đại bây giờ. Là một bom tấn truyền hình xét về tỷ suất người xem - tập cuối của Thâm cung nội chiến ghi kỷ lục tỷ suất người xem cao nhất kể từ năm 1998 cho giờ phim cuối tuần.

Ngoài một số diễn viên của phần đầu quay lại như Đặng Tụy Văn và Trần Hào, Thâm cung nội chiến 2 còn là tác phẩm của giám chế lừng danh Lý Thiêm Thắng và biên kịch Châu Húc Minh, bộ đôi năng động đứng sau phần phim đầu và những phim bộ TVB được đón nhận tốt như Thiên và địa (2011), Lấy chồng giàu sang (2008) và Bão cát (2006).

Thâm cung nội chiến 2 là tác phẩm hợp tác cuối cùng cho TVB của Lý Thiêm Thắng và Châu Húc Minh trước khi họ rời hãng truyền hình này theo đuổi cơ hội ở Đại lục cũng như mở công ty chế tác riêng.

Mặc dù không nối tiếp câu chuyện ở phần đầu, phim nói về cùng một đề tài quyền lực chính trị và âm mưu trong cung.

Như phi - Đặng Tụy Văn (trái) và Thuần phi - Ngũ Vịnh Vy (giữa)

Lần này, phim đề cập đến những âm mưu nham hiểm giữa những phi tần trong cung ít hơn, và nói về phức tạp trong quan hệ nảy sinh từ đồn đãi và thêu dệt nhiều hơn.

Đặng Tụy Văn nói: "Tôi chắc chắn khán giả thấy được phần phim này cũng có tính đương thời y như phần đầu, những chuyện đồn đoán và thêu dệt mà ai cũng gặp lúc nào đó trong đời.

"Thực ra, là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, thường xuyên trong sự quan tâm của giới truyền thông, tôi đã đối mặt không ít đồn đoán, hầu hết do giới truyền thông Hồng Kông phát tán. Tôi cảm thấy mình có thể liên hệ rất tốt với câu chuyện trên phim."

Trong phim, nhân vật Như phi của cô là đích ngắm cho người em gái ganh ghét Thuần phi (Ngũ Vịnh Vy), cô này đã gieo rắc những tin đồn hiểm ác về Như phi. Quan hệ của họ càng xấu đi khi cả hai cùng phải lòng kép hát Cao Lưu Phi (Trần Hào).

Trong khi đó Như phi tìm được niềm an ủi ở tỳ nữ thân tín Tương Lăng (Thái Thiếu Phân).

Như phi - Đặng Tụy Văn (trái) và tỳ nữ Tương Lăng - Thái Thiếu Phân

Bây giờ đóng vai người tốt, thay vì một kẻ xảo trá trong phần đầu, là "càng khó hơn", Đặng Tụy Văn nói. "Bạn phải đảm bảo rằng 'cái tốt' đó là chân thực. Bằng không, người ta sẽ thấy đó là một người tốt giả dối và cuối cùng sẽ ghét nhân vật," cô giải thích.

"Ngược lại, vai phản diện rất dễ nhớ và để lại một ấn tượng lâu dài chỉ vì cô ta quá xấu xa, nên dễ diễn."

Nhắc đến khâu kịch bản, Đặng Tụy Văn lại phàn nàn về điều kiện làm phim Thâm cung nội chiến 2. "Bạn có hiểu tại sao không có kịch bản thì cực đến thế nào không? Lời thoại và sắc thái của câu chuyện trong một phim cổ trang là rất phức tạp, và tôi cần đọc đi đọc lại kịch bản nhiều lần để cảm nhận được câu chuyện và hóa thân vào nhân vật. Với phim đương đại nếu không có kịch bản trước, tôi nghĩ sẽ không gây bất mãn đến thế.

"Từ giờ trở đi, tôi phải chắc chắn là luôn có kịch bản sẵn sàng trước khi tôi đồng ý tham gia một dự án phim như thế này nữa."

Quan điểm của Đặng Tụy Văn đối với vấn đề này rất khác Trần Hào, mà Life! cũng đã có cuộc trao đổi.

Trần Hào nói bằng tiếng Quảng Đông qua điện thoại từ Hồng Kông: "Tôi quá quen với việc có kịch bản vào giờ chót rồi. Thực tế, có một số phim mà tôi đã quay xong cả bộ mà vẫn không biết phim nói về cái gì. Thế nên không có kịch bản trước chẳng gây phiền phức gì cho tôi cả."

Một cảnh diễn Kinh kịch của Trần Hào (đứng) trong phim

Điều khó với anh là "huấn luyện gian khổ" phải có cho vai diễn kép hát Kinh kịch của anh. Để đóng vai một kép hát Kinh kịch, Trần Hào phải hát và tập luyện "6-7 tiếng đồng hồ chỉ vì một cảnh ngắn."

"Mất nguyên cả ngày để diễn một cảnh hát Kinh kịch ngắn, thế nên không hề dễ chút nào. Tôi thực sự hiểu cân ngạn ngữ, 'một phút trên sân khấu, 10 lần nỗ lực ngoài sân khấu'." Anh cười và nói thêm: "Tuy nhiên, nếu bạn nghe hát Kinh kịch, bạn sẽ hiểu đạt được âm vực đó khó đến mức nào."

Những vai diễn sắp tới

Gia nhập TVB từ năm 1985, Đặng Tụy Văn thích thể hiện các nhân vật đa dạng. Bất chấp sự cạnh tranh đến từ các diễn viên trẻ hơn, Đặng Tụy Văn vẫn giữ một địa vị vững chắc trong ngành công nghiệp truyền hình. Danh tiếng hiện nay của cô đến theo năm tháng, và sự nổi tiếng của cô vẫn ở đỉnh cao sự nghiệp. Khi được hỏi nguyên nhân thành công sau bao thập niên, Đặng Tụy Văn nói, “Tôi sẽ diễn xuất cho đến hơi thở cuối cùng. Đam mê diễn xuất của tôi chưa bao giờ giảm.” Niềm đam mê đó thúc đẩy cô làm việc cật lực và không tự mãn, bất kể cô đã đoạt bao nhiêu giải thưởng.

Lớn lên trong một gia đình đơn thân, Đặng Tụy Văn đã phát triển tính cách độc lập và thường thể hiện những nhân vật mạnh mẽ trên màn ảnh. Đặng Tụy Văn không thích thể hiện phụ nữ tham vọng trong sự nghiệp. “Thật bi kịch nếu một phụ nữ buộc phải mạnh mẽ. Tôi hy vọng được đóng vai một phụ nữ đời thật; sự mạnh mẽ của cô không đến từ sự nghiệp, mà từ trái tim.”

Đặng Tụy Văn đoạt giải Ảnh hậu TVB lần thứ 43 năm 2010

Đặng Tụy Văn khao khát một nhân vật không hòa hợp với xã hội, chẳng hạn người tự kỷ, người mẹ đơn thân, hoặc bị chứng liệt não. Đặng Tụy Văn hy vọng có thể làm cho công chúng hiểu nỗi khó khăn tuyệt vọng của những con người này, để nghiệp diễn viên của cô thêm ý nghĩa.

Đột nhiên nhớ đến bạn cũ, nữ diễn viên quá cố La Huệ Quyên mất vi bệnh ung thư, Đặng Tụy Văn buồn bã nói thêm, “Tôi cũng muốn diễn vai một người trên giường bệnh tử. Một phụ nữ dùng năng lượng tích cực của mình để ảnh hưởng đến người khác kể cả khi bên bờ vực cái chết.”

Ở tuổi 47, Đặng Tụy Văn đã nhận được vô số giải thưởng nghề nghiệp, nhưng cuộc sống riêng của cô vẫn trống trải. Hiểu rằng “tình yêu không cần lý do”, Đặng Tụy Văn hy vọng tìm được người đàn ông tính tình hiền lành, hiểu cô và chấp nhận những thiếu sót của cô. Cuối ngày, Đặng Tụy Văn mong muốn sống một cuộc đời ít sôi động hơn. Đặng Tụy Văn nói, “Có lúc, tôi ước mình đến một nơi không ai biết tôi và sống một cuộc đời lặng lẽ.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Strait Times và Popular Asians


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi