Nhân vật & Sự kiện

Lược sử điện ảnh võ thuật Hồng Kông

14/08/2020

Trước khi Lý Tiểu Long làm cho phim kung fu — giao chiến tay không — trở nên đại chúng, điện ảnh võ thuật Hồng Kông toàn là phim võ hiệp — giao chiến có vũ khí, thường là đao kiếm

Các ngôi sao võ thuật ngày nay rất nổi tiếng, còn các tiền bối của họ thì sao? Những đạo diễn hàng đầu? Nên xem những phim nào? Thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp ở đây.

Từ Phương trong A Touch of Zen / Nữ hiệp (1971); Lý Tiểu Long và Thành Long trong Enter the Dragon / Long tranh hổ đấu (1973); Chân Tử Đan trong Diệp Vấn 2 (2010), ba phim võ thuật Hồng Kông với sự tham gia của những ngôi sao lớn nhất thể loại này

Phim võ thuật là gì?

Phim võ thuật Hồng Kông thường rơi vào hai thể loại lớn, kiếm hiệp và kung fu. Phim kiếm hiệp có chiến đấu với vũ khí, thường là đao kiếm, còn phim kung fu thường có giao chiến tay không. Hai thể loại phim khá khác biệt, dù các phim kung fu đôi khi có cảnh chiến đấu với gậy (còn gọi là côn), một vũ khí được các sư Thiếu Lâm ưa chuộng, và kẻ phản diện thường dùng vũ khí.

Từ wuxia / võ hiệp dịch nôm là “người hùng võ thuật” và có nguồn gốc từ truyền thống văn học võ hiệp phong phú từ Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc Đại lục.

Các nam và nữ kiếm khách hành hiệp đóng vai trò chính trong thể loại này sống trong thế giới võ thuật nửa thần thoại gọi là giang hồ. Các “nam hiệp” và “nữ hiệp” có nhiều mặt tính cách khác nhau, dù nói chung họ là người nghĩa hiệp, và thường đứng về bên thiện.

Lý Liên Kiệt trong Phương Thế Ngọc (1993), một ví dụ của phim kung fu

Kung fu là cụm từ chung miêu tả các môn võ Trung Quốc. Kung fu được chia thành hai phái truyền thống chính, Bắc và Nam phái, và hai cách tiếp cận khái niệm, nội công và ngoại công.

Trong hai phái này, có nhiều môn phái khác nhau, như Hồng Gia quyền (một hệ phái nổi tiếng của Nam phái) và Vịnh Xuân (môn võ Lý Tiểu Long học đầu tiên). Võ thuật trong các phim kung fu cũng chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật nhào lộn của Kinh kịch, bản thân là một biến thể phong cách hóa nặng từ võ phái miền Bắc.

Nhờ thành công hiện tượng của Lý Tiểu Long đầu thập niên 70, phim kung fu được thế giới biết đến nhiều hơn phim kiếm hiệp. Đúng hơn, những người xem phim nước ngoài bình thường không biết đến sự hiện diện của truyền thống phim kiếm hiệp lâu dài và phong phú của Hồng Kông.

Siêu sao Lý Tiểu Long (phải) từng là môn đệ của bậc thầy võ Vịnh Xuân Diệp Vấn (trái)

Trước đầu thập niên 1970, phần lớn phim võ thuật là phim kiếm hiệp. (Một ngoại lệ nổi bật là loạt phim Hoàng Phi Hồng lâu đời phát hành từ 1949 tới 1970.) Sự nổi tiếng của phim kiếm hiệp ở Hồng Kông giảm đi vào đầu những năm 70 và, được khích lệ từ thành công của Lý Tiểu Long, các nhà sản xuất xoay sang làm phim kung fu. Phim kung fu trở nên nổi tiếng toàn cầu vào 1973 với thành công của các phim của Lý Tiểu Long, bao gồm Long tranh hổ đấu.

Phim kiếm hiệp có một đợt tái xuất vào những năm 1990, khi các nhà làm phim như Từ Khắc tái thể hiện dòng phim này qua những phim như Swordsman II (Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại). Về mặt khái niệm, những phim 1990 dựa trên dòng “kỳ ảo” của phim truyện chưởng ngày xưa, bắt nguồn từ Thượng Hải vào những năm 1920.

Những phim này cho các nam và nữ hiệp những năng lực cao cường gần như mang tính phép thuật, và các phim dựa vào hiệu ứng cũng nhiều không kém kỹ thuật đấu kiếm. (Dù các nam nữ hiệp truyền thống hơn có thể thực hiện những động tác nguy hiểm, gồm nhào lộn, phi thân, năng lực của họ vẫn chưa tới mức siêu nhiên.)

Lâm Thanh Hà trong phim Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (1992)

Thập niên 90 cũng chứng kiến mối quan tâm dành cho phim kung fu lên trở lại, xuất phát từ thành công của những phim Once Upon a Time in China (Hoàng Phi Hồng) của Từ Khắc, có Lý Liên Kiệt trong vai Hoàng Phi Hồng. Kiếm hiệp di chuyển vào các phim hành động sử thi lớn vào đầu những năm 2000, như Hero (Anh hùng) của Trương Nghệ Mưu, trong khi kung fu nổi tiếng trở lại với loạt phim Diệp Vấn, ra mắt vào năm 2008 và kết lại năm ngoái với Ip Man 4: The Finale.

Những ngôi sao lớn của dòng phim này

Những ngôi sao lớn của phim kung fu là những cái tên cửa miệng — Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt.

Lý Tiểu Long, đôi chút như một triết gia của giới võ thuật, là một hiện tượng ở đầu những năm 1970. Từng là một người ngoài ở Mỹ, nam diễn viên, qua đời vào năm 1973, qua năm tháng đã tăng danh tiếng kể cả ở những nơi không ngờ tới trên thế giới. Lý Tiểu Long vẫn là một võ sư mà nhiều người khao khát trở thành.

Thành Long (phải) trong phim Túy quyền II (1994)

Thành Long, khởi nghiệp là một người đóng thế, nổi danh vào những năm 1980. Các nỗ lực quảng bá anh như một Lý Tiểu Long mới thất bại, và anh có danh tiếng khi phát triển hình ảnh nghịch ngợm của riêng mình, đi kèm võ thuật nhào lộn và những pha nguy hiểm.

Lý Liên Kiệt, sinh ra ở miền bắc Trung Quốc, có thành công nở rộ vào những năm 1980, nhưng tạo nên tên tuổi vào những năm 1990 qua phim của đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc. Lý Liên Kiệt sau trở thành một ngôi sao thành công tầm quốc tế.

Hồng Kim Bảo đã là một thế lực hùng mạnh ở ngành phim Hồng Kông suốt nửa thế kỷ, trong vai trò diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo võ thuật và người đóng thế. Hồng Kim Bảo là một người to lớn, và một phần của cuộc vui là trông ông thực hiện những màn nhào lộn tưởng như phá vỡ những định luật về trọng lực.

Hồng Kim Bảo trong phim Eastern Condors (Phi ưng phương Đông) (1987), cũng do ông đạo diễn

Cùng với Hồng Kim Bảo, diễn viên kỳ cựu Chân Tử Đan là ngôi sao võ thuật lớn nhất ngày nay, và thành công của các phim Diệp Vấn đẩy anh tới gần vị thế siêu sao.

Những cái tên lớn từ phim kung fu những năm 1970 gồm La Liệt và Lưu Gia Huy, trong số rất nhiều cái tên khác. Xưa hơn trong quá khứ, anh hùng võ hiệp được Quan Đức Hưng định nghĩa, qua vai Hoàng Phi Hồng trong hơn 80 phim từ 1949 tới 1970. Quan Đức Hưng thường sử dụng môn võ Nam phái nổi tiếng Hồng Gia quyền.

Phim kiếm hiệp cũng có ngôi sao riêng, nổi tiếng nhất là Vương Vũ lạnh lùng và phong cách, ngôi sao của những phim kinh điển thời đầu của Trương Triệt. Vương Vũ sau chuyển sang đóng phim kung fu và đạo diễn. Khương Đại Vệ, được chọn thay thế Vương Vũ ở hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ sau khi ông rời đi, cũng trở thành một ngôi sao lớn dưới sự chỉ đạo của Trương Triệt, cũng như Địch Long. Phú Thanh hào hoa, một học trò nữa của Trương Triệt, cũng nổi tiếng.

(Từ trái qua) Các ngôi sao phim hành động Khương Đại Vệ, Địch Long và Trần Quan Thái nghỉ ngơi ở hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ năm 1972

Phim kiếm hiệp cũng có nhiều ngôi sao nữ. Những nam 1950 và 1960, trước sự xuất hiện của làn sóng phim kiếm hiệp mới vào 1966-1967, điện ảnh Hồng Kông nhắm tới khán giả nữ — các phim tình cảm sướt mướt là những phim ăn khách lớn — và phim chưởng luôn có những nhân vật nữ chính, dù họ không được thể hiện như những nhân vật nữ độc lập.

Làn sóng phim võ thuật mới của Hồ Kim Thuyên tiếp tục xu hướng này, đưa hai diễn viên Đài Loan lên thành sao, Từ Phong và Trịnh Phối Phối. Dù cả hai không luyện tập võ thuật — Trịnh Phối Phối xuất thân là diễn viên múa — cả hai diễn như chuyên gia trong các phim như Come Drink with Me (Đại túy hiệp) (Trịnh Phối Phối) và A Touch of Zen (Từ Phong). Phim kiếm hiệp đông đảo những nữ hiệp ấn tượng.

Những năm 1990, Lâm Thanh Hà, một diễn viên chính kịch từ Đài Loan, nổi lên trong vai nhân vật ái nam ái nữ Đông Phương Bất Bại trong Swordsman II của Từ Khắc và Trình Tiểu Đông. Cùng với Lý Liên Kiệt, Lâm Thanh Hà trở thành ngôi sao lớn nhất của phong cách phim võ thuật mới. Lâm Thanh Hà mang nét hào hoa và sức mạnh chính kịch khiến các vai diễn của cô vượt lên khiếm khuyết trong kỹ thuật đánh võ.

(Từ trái qua) Hoàng Gia Đạt, Mao Phục Tích và Hồng Kim Bảo trong phim Hapkido / Hiệp khí đạo (1972)

Ngược lại, “Lý Tiểu Long nữ” Mao Phục Tích, ngôi sao kung fu lớn nhất những năm 1970 — và có lẽ mọi thời đại — có rèn luyện võ thuật. Mao Phục Tích biết hiệp khí đạo, một môn võ của Triều Tiên, và có thể thực sự chiến đấu. Mao Phục Tích có được danh tiếng ở Mỹ trong thời kỳ bùng nổ kung fu đầu những năm 1970, và đứng thứ hai về sự nổi tiếng ở nước ngoài chỉ sau Lý Tiểu Long.

Từ giữa những năm 1980, Dương Tử Quỳnh (trong những phim đầu để tên Michelle Kwan) đã là một ngôi sao hành động nữ nổi tiếng, dù dành phần nhiều thời gian đóng phim ở nước ngoài. Dương Tử Quỳnh đã xuất hiện trong những phim như Fong Yai Suk (Phương Thế Ngọc) và The Tai Chi Master (Thái cực Trương Tam Phong), cả hai phim bên cạnh Lý Liên Kiệt, và Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngọa hổ tàng long) của Lý An. Dương Tử Quỳnh, cũng là một cựu diễn viên múa, biểu diễn mọi cảnh hành động và học các môn võ cần cho mỗi phim võ thuật cô tham gia. Là một diễn viên lâu năm, gần đây cô đóng vai Chỉ huy Philippa Georgiou trong phim truyền hình Star Trek: Discovery.

Từng có nhiều võ đường và bậc thầy võ thuật ở Hồng Kông, và điều này cung cấp một lượng tài năng đều đặn cho các nhà làm phim. Ví dụ, đạo diễn/biên đạo võ thuật Lưu Gia Lương là con của đại sư Hồng Gia quyền Lưu Trạm, đã dạy Lưu Gia Huy, sau xuất hiện trong 36th Chamber of Shaolin (Thiếu Lâm tam thập lục phòng) của Lưu Gia Lương. Với sự suy giảm của những võ đường này, nguồn nam nữ diễn viên võ thuật tiềm năng đã giảm đi.

Những đạo diễn phim võ thuật nổi tiếng nhất?

Hai người khổng lồ của dòng kiếm hiệp là Trương Triệt và Hồ Kim Thuyên.

La Liệt và Trịnh Phối Phối trong cảnh phim Golden Swallow (Kim yến tử) (1968), do Trương Triệt đạo diễn

Trương Triệt danh tiếng, làm việc ở Thiệu Thị Huynh Đệ, tái định nghĩa dòng phim vào giữa những năm 1960 theo nhiều cách. Ông đã khiến cảnh hành động thực tế hơn và sử dụng các kỹ thuật quay phim và biên tập hiện đại để khiến các phân đoạn đánh nhau mang tính điện ảnh hơn. Ông mang đến máu me và bạo lực cho thể loại, và phát triển ý tưởng người hùng nam tính nổi loạn đồng điệu với thời kỳ này.

Khi dòng phim kiếm hiệp lặng đi, Trương Triệt có bước chuyển thành công sang đạo diễn các phim kung fu, dù chất lượng các thành phẩm của ông trở nên rời rạc.

Hồ Kim Thuyên cũng quan trọng không kém. Hồ Kim Thuyên dựa trên văn học và Kinh kịch để tạo ra những phim đẹp mắt, trí tuệ và mang tính lịch sử văn học đem lại những màn võ thuật duyên dáng và mạnh bạo. Ông cũng có cách sử dụng kỹ thuật biên tập tân tiến. A Touch of Zen của Hồ Kim Thuyên vượt ra ngoài dòng phim để trở thành một tuyệt tác của điện ảnh thế giới.

Bạch Tĩnh (trái) và Từ Phong trong A Touch of Zen (1971)

Một khía cạnh quan trọng của phim võ thuật là đa phần đạo diễn không phải chuyên gia võ thuật, và kết quả là giao các cảnh võ thuật cho những biên đạo võ thuật chuyên ngành. Nhìn chung, các biên đạo có toàn quyền chỉ đạo các cảnh hành động, biên đạo thân thủ của diễn viên, và quyết định chuyển động của máy quay.

Cấp độ tự chủ này không có ở Hollywood. Ví dụ, Trương Triệt đã làm việc với biên đạo Lưu Gia Lương trong phần đầu sự nghiệp của ông.

Một số biên đạo võ thuật sau trở thành đạo diễn. Lưu Gia Lương trở thành một thế lực hùng mạnh trong phim kung fu ở vai trò đạo diễn, với nhiệm vụ trưng ra sự thuần khiết của võ công Nam phái trong phim của ông.

Một biên đạo võ thuật nổi danh khác cũng đạo diễn phim là Viên Hòa Bình, được các đồng nghiệp gọi là “đạo diễn võ thuật vĩ đại nhất thế gian”. Viên Hòa Bình cũng đã chỉ đạo các cảnh hành động trong The Matrix.

Đạo diễn Viên Hòa Bình (trái) trên phim trường bộ phim Master Z: The Ip Man Legacy năm 2018

Trình Tiểu Đông, đã làm việc với Từ Khắc trong một vài phim ăn khách những năm 1990 — như A Chinese Ghost Story (Thiến nữ u hồn) — trong vai trò đạo diễn, cũng là một biên đạo võ thuật chuyên nghiệp.

Lý Tiểu Long không có nhiều may mắn với các đạo diễn, bất hòa với La Duy kỳ cựu, đã đạo diễn anh trong hai phim võ thuật, và tự đạo diễn phần lớn các phân đoạn võ thuật. Lý Tiểu Long cũng tự đạo diễn anh trong Way of the Dragon (Mãnh long quá giang). Tương tự, Thành Long cũng thường tự đạo diễn, và anh luôn thiết kế các phân đoạn đánh nhau trong phim, dù anh có là đạo diễn của phim hay không.

Nên xem những phim võ thuật Hồng Kông nào?

Bạn có bao nhiêu thời gian? Thế giới điện ảnh võ thuật là bao la bất tận. Với phim kiếm hiệp, One-Armed Swordsman (Độc thủ đại hiệp) và Golden Swallow của Trương Triệt là những khởi đầu hay, cùng với Come Drink with MeA Touch of Zen của Hồ Kim Thuyên.

Vương Vũ trong Độc thủ đại hiệp (1967)

Với phim kung fu, các phim của Lý Tiểu Long dĩ nhiên là bắt buộc phải xem — Fist of Fury (Tinh võ môn) có lẽ là phim nhập môn hay nhất — cũng như Project APolice Story của Thành Long. Những phim hay nhất từ thời kỳ kung fu của Trương Triệt gồm có Heroes Two / Phương Thế Ngọc và Hồng Hy QuanMen from the Monastery / Phích lịch thập kiệt. Executioners from Shaolin / Hồng Hy Quan của Lưu Gia Lương là một tác phẩm vượt trội với chất lượng chính kịch vững chãi bên cạnh hành động, trong khi 36th Chamber of Shaolin của ông là lời mào đầu thiết yếu cho chân lý đằng sau việc luyện tập võ công Nam phái, cũng là một sách yếu lược đầy đủ thông tin về các kỹ thuật của nó. The Eight-Diagram Pole Fighter / Ngũ lang bát quái côn của Lưu Gia Lương có những cảnh đấu côn thực sự tuyệt vời.

Các phim Thiếu Lâm ban đầu của Lý Liên Kiệt phô diễn những màn wushu ấn tượng — là phiên bản không giao chiến của võ thuật được chính quyền Trung Quốc cho phép — còn diễn xuất của anh trong hai phim Once Upon a Time in China là điểm nhấn trong các lần hợp tác sau này của anh với đạo diễn Từ Khắc.

Lý Liên Kiệt trong Once Upon a Time in China (1991)

Về hài và kung fu, Hồng Kim Bảo rất thú vị trong Pedicab Driver / Quần long hí phụng, và Drunken Master của Thành Long là sự tổng hòa hay giữa tính cách tinh quái trên màn ảnh và sức mạnh võ thuật của anh.

Swordsman III – The East is Red / Đông Phương Bất Bại: Phong Vân tái khởi là một ví dụ cực kỳ dễ tận hưởng của dòng phim kung fu kỳ ảo của những năm 1990.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post