Tin tức

7 huyền thoại phim võ thuật Hồng Kông phía sau máy quay

10/03/2022

Làm thế nào mà một thành phố nhỏ như Hồng Kông lại thống trị việc làm phim võ thuật toàn cầu?

Không ai có thể làm được những phim như thế như người Hồng Kông, và những nhà làm phim của đặc khu này luôn cho thấy sự nỗ lực và trí tưởng tượng.

Chúng ta hãy nhìn lại những người chủ chốt trong ngành công nghiệp này — một số còn là diễn viên — đã giúp phim Hồng Kông thành công ở trong lẫn ngoài nước.

Thành Long năm 1995. Anh là người đi tiên phong trong điện ảnh võ thuật Hồng Kông, đạo diễn các phim của mình cho phép bản thân tự do sáng tạo hơn

1. Thành Long, ngôi sao tham vọng

Tiếng tăm của Thành Long trong vai trò một nhà sản xuất phim đồng thời là doanh nhân cứng rắn thường khiến người hâm mộ quốc tế ngạc nhiên.

Sau Vương Vũ và Lý Tiểu Long, Thành Long luôn tham vọng trở thành một trong những diễn viên võ thuật đầu tiên nhận thấy làm đạo diễn chính phim của mình sẽ mang lại sự tự do sáng tạo mà bản thân muốn, và đạo diễn là một điều kiện để anh ký hợp đồng với hãng Gia Hòa (Golden Harvest) năm 1980.

Thành Long đã dùng sức mạnh ngôi sao để củng cố vai trò nhà sản xuất phim của mình, mặc dù anh luôn làm việc trong phạm vi của hãng Gia Hòa. Anh được có một năm để làm phim của anh, điều chưa từng có tiền lệ trong ngành công nghiệp làm phim nhanh nhạy của thành phố này.

Thành Long cũng hiểu rằng anh tập trung quan tâm vào thành công phòng vé ở Hồng Kông trước, rồi đến châu Á, trước khi nỗ lực bán phim của mình ra nước ngoài. Cách tiếp cận này đã được đền đáp cuối những năm 1990, khi anh phân chia thời gian giữa việc làm những phim nội địa đình đám và phim Mỹ như Shanghai Noon, và đã trở thành một gương mặt quốc tế của điện ảnh Hồng Kông.

2. Trương Triệt, nhà tư tưởng

Đạo diễn Trương Triệt của Thiệu Thị Huynh Đệ ở Hong Kong, năm 1971

Là một đạo diễn phim võ hiệp và kung fu có nhiều tác phẩm, Trương Triệt cũng là người có sức ảnh hưởng lớn ở hậu trường Thiệu Thị Huynh Đệ. Ông chủ hãng phim Thiệu Dật Phu kiểm soát chặt chẽ công ty, song ông hiểu được giá trị của việc lắng nghe nhân viên, và Trương Triệt trở thành một cố vấn đáng tin cậy.

Mặc dù Trương Triệt không quyết định rằng hãng phim nên tập trung vào phim võ thuật trong những năm 1960, song ý tưởng của ông là đưa những màn đánh nhau — và bạo lực đẫm máu — vào thể loại phim này, và ông còn hướng sự chú ý vào nam nhân hơn là nữ nhân thống trị trong những phim võ hiệp trước đó.

Trương Triệt còn là người đứng sau ý tưởng quay phim mà không đồng bộ âm thanh, và lồng tiếng diễn viên sau, một kỹ thuật cho phép những phim có ngôi sao nói tiếng Quảng Đông thành công ở những quốc gia nói tiếng Quan Thoại.

Trương Triệt đã liên tục phát triển các ngôi sao võ thuật cho Thiệu Thị Huynh Đệ, gồm Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, và Trương Phú Thanh.

3. Thiệu Dật Phu, doanh nhân

Thiệu Dật Phu tại TVB City, một tổ hợp trường quay truyền hình thuộc sở hữu của TVB ở Vịnh Thanh Thủy, Hồng Kông, năm 1989

Sẽ không có những phim võ thuật mà chúng ta biết và yêu thích nếu không có ông trùm Thiệu Dật Phu của hãng Thiệu Thị Huynh Đệ huyền thoại. Chú ý đền thành công của phim hành động James Bond trên thương trường quốc tế, Thiệu Dật Phu quyết định tập trung vào phim hành động võ thuật từ giữa những năm 1960.

Sáng kiến này được gọi là “Thế kỷ võ thuật màu sắc của Thiệu Thị” và điểm câu khách dữ dội là phim màu, cho phép đạo diễn Trương Triệt làm nổi bật màu máu đỏ trên màn ảnh.

Thiệu Dật Phu đã phát triển một hệ thống trường quay xuất sắc, xây dựng khu phức hợp trường quay rộng lớn Movietown, nơi có bối cảnh Trung Quốc xưa nổi tiếng đã thể hiện trong hàng trăm phim võ thuật.

Ông Thiệu xem việc làm phim là một hình thức sản xuất, song ông vẫn cảm thấy nên duy trì chất lượng trong một quy trình về cốt lõi là sản xuất hàng loạt.

4. Hồ Bằng, người theo chủ nghĩa truyền thống

Hồ Bằng năm 1995. Ông là bộ não đằng sau huyền thoại võ thuật nổi tiếng Trung Quốc Hoàng Phi Hồng

Một nhân vật ít được biết đến ngày nay, Hồ Bằng đã đạo diễn hơn 80 phim về huyền thoại võ thuật Hoàng Phi Hồng từ năm 1949 trở đi. Những phim tiếng Quảng Đông đã quảng bá văn hóa miền nam Trung Quốc và kung fu phong cách miền nam, đồng thời thiết lập khuôn mẫu cho phim võ thuật sau đó bằng cách nhấn mạnh các giá trị Nho giáo.

Hồ Bằng có ý tưởng cho phim Hoàng Phi Hồng trong lúc đọc một câu chuyện trên báo về người hùng này trên một trong những con thuyền Star Fetty đi qua cảng Victoria của Hồng Kông, và nghĩ cách tiếp cận để trẻ hóa điện ảnh tiếng Quảng Đông, vốn đang gặp khó lúc bấy giờ.

“Tôi nghĩ… tại sao không làm một phim võ thuật với màn đánh đấm kiểu Quảng Đông? Trước đó chưa ai từng thử làm,” ông nói. Những phim về Hoàng Phi Hồng đã trở thành loạt phim dài nhất trên thế giới.

5. Từ Khắc, người nhìn xa trông rộng

Từ Khắc năm 2017

Đạo diễn / nhà sản xuất Từ Khắc ở khắp nơi cuối những năm 1980 và 1990, gần như một tay trẻ hóa thể loại phim kiếm hiệp và võ thuật — đó là chưa kể đến phim ma — với loạt phim Once Upon a Time in China / Hoàng Phi Hồng, Swordsman / Kiếm kháchA Chinese Ghost Story / Thiến nữ u hồn.

Từ Khắc đã thành lập công ty sản xuất phim của riêng mình, Film Workshop, cho ông cơ sở vững chắc để phát triển phong cách làm phim độc đáo và hiện đại hóa phim nội địa. Ông đã đưa wushu, phong cách trình diễn võ thuật hoa mỹ ở Trung Quốc, vào võ thuật Hồng Kông với Lý Liên Kiệt, và thử nghiệm hiệu ứng đặc biệt đạt những kết quả khác nhau.

Đạo diễn Từ đã thống trị đầu những năm 1990, mặc dù ảnh hưởng của ông suy giảm khi sự bùng nổ phim võ thuật chấm dứt ở thập kỷ đó.

6. Trâu Văn Hoài, người theo chủ nghĩa quốc tế

“Tôi sẽ không rời khỏi Thiệu Thị Huynh Đệ,” nhà sản xuất phim quyền lực Trâu Văn Hoài nói với giới báo chí năm 1970 — để rồi rời công ty này và thành lập hãng phim đối thủ Gia Hòa cuối năm đó.

Trâu Văn Hoài (trái) chào đón Lý Tiểu Long trong quá trình quay phim Mãnh long quá giang ở Rome, năm 1972

Trâu Văn Hoài phát hiện ra Mao Anh và lôi kéo Vương Vũ rời khỏi Thiệu Thị trước khi cộng tác với Lý Tiểu Long, mà thành công đã biến công ty Hồng Kông này thành một đấu thủ quốc tế trong hai thập niên.

7. Vương Vũ, quân bài liều mạng

Vương Vũ nổi tiếng với vai chính trong những phim kinh điển như One-Armed Swordsman / Độc thủ đại hiệp, song ngôi sao nóng tính này — anh thật sự thích tham gia vào những cuộc ẩu đả — đã làm rung chuyển ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông vào đầu những năm 1970.

Việc một diễn viên ngôi sao đạo diễn một phim ở Thiệu Thị Huynh đệ lúc bấy giờ là điều gần như không tưởng, song Vương Vũ đã đề nghị Thiệu Dật Phu cho anh cơ hội đó. Kết quả là một thành công vang dội, Chinese Boxer / Long hổ đấu, chú trọng đến võ thuật thay vì kiếm hiệp và đã kích hoạt làn sóng phim võ thuật kéo dài hàng thập kỷ.

Vương Vũ trong một cảnh phim Độc thủ đại hiệp

Vương Vũ không hề biết sợ đã thêm màu sắc vào bối cảnh công nghiệp điện ảnh nội địa.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post