Nhân vật & Sự kiện

AMC quyết đáp trả Universal: 'Cuộc chiến xinê' nói gì về Hollywood và tương lai của ngành điện ảnh

14/05/2020

Căng thẳng đang tăng cao.

Các hãng phim và nhà rạp lâu nay đã đối mặt với những quyết định khó khăn do đại dịch virus corona, vì cả hai đều đang vật lộn tìm cách duy trì cho qua cơn bĩ cực đóng cửa rạp chiếu phim và giãn cách xã hội.

Giới chủ rạp quá biết các bộ phim đã ra rạp được chiếu ở thị trường video gia đình sớm hoặc các phim sắp chiếu đã thực hiện xong hàng đống hoạt động tiếp thị lại bỏ qua rạp chiếu ra mắt video theo yêu cầu. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhà rạp và hãng phim đã đạt đến điểm bùng nổ, dẫn đến việc chuỗi rạp lớn nhất thế giới thông báo họ sẽ không chiếu phim từ một trong những hãng phim lớn nhất ở Hollywood nữa.

Cuộc gấu ó này làm nổi lên những mối lo ngại kéo dài hàng thập kỷ về sức sống và tuổi thọ của trải nghiệm xem phim chiếu rạp lâu đời và đặt câu hỏi liệu rạp chiếu có thực sự có thể trở lại bình thường sau đại dịch hay không. Nó còn tạo ra một lịch phát hành phim đông nghẹt để các hãng phim tha hồ mà giải đố khi họ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Kết quả có thể là việc suy nghĩ lại về mối quan hệ lâu dài này.

Quỷ lùn đại chiến nhà rạp

Sau khi huênh hoang trên báo chí về thành công kỹ thuật số của Trols World Tourl, Giám đốc điều hành NBCUniversal Jeff Shell đã đề xuất hãng này có thể bắt đầu cho phim của mình phát hành rạp đồng thời với phát hành theo yêu cầu, kể cả khi rạp chiếu mở cửa trở lại.

Giới nhà rạp lâu nay đã cảm thấy bị Universal bỉ mặt sau khi hãng phim thông báo rằng Trolls World Tour sẽ được phát hành đồng thời ngay cả trước khi các rạp chiếu chính thức đóng cửa. Dẫn giải mới của Shell chỉ làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi và thất vọng của giới chủ rạp.

Hiệp hội các chủ rạp quốc gia (National Association of Theatre Owners - NATO) nhanh chóng phản ứng, nói rằng thành công của Trolls World Tour là vì hàng trăm triệu người bị cô lập trong nhà họ và tìm kiếm giải trí, chứ không phải là một sự thay đổi trong sở thích xem phim của người tiêu dùng.

AMC đã dấn một bước, nói rằng họ sẽ không chiếu phim của Universal ở hơn 1.000 địa điểm rạp chiếu của họ nữa.

“Vị thế của AMC trong vấn đề này, tức là chuyện không bao giờ chiếu phim của Universal nữa, dứt khoát không chỉ là phản ứng chính xác của một chuỗi rạp, mà thực ra là phản ứng duy nhất cho họ,” Tom Nunan, giảng viên Trường Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình UCLA, nói. “Kiểu diễn giải đó của Jeff Shell có thể là hồi chuông báo tử cho các chuỗi rạp.”

Jeff Shell, CEO của NBCUniversal

Kể từ năm 2010, khi Netflix chuyển từ cho thuê DVD sang ra mắt dịch vụ phát trực tuyến, mô hình xinê ngày càng bị đe dọa. Người tiêu dùng thường chỉ đi rạp xem phim ba đến năm lần một năm, và với nhiều nội dung có sẵn trên nhiều hạ tầng phát trực tuyến hơn, có nỗi sợ rằng các rạp chiếu phim sẽ tiếp tục thiệt hại nặng.

Tất nhiên, có những nghiên cứu cho thấy những người đi xem phim rạp thường xuyên hơn cũng là những người tiêu thụ nhiều nội dung phát trực tuyến hơn.

Những ai lâm nguy

Giới chủ rạp đang ở vào vị thế đặc biệt dễ bị tổn thương trong đợt bùng phát virus corona vì rạp chiếu bóng bị đóng cửa và doanh thu của họ về cơ bản là bằng 0. Những tay chơi lớn đã buộc phải cắt giảm lao động và cho nhân viên tạm nghỉ, ngừng chia cổ tức, cắt giảm lương và giãn quay vòng nợ để tránh phải phá sản.

Cineworld sẽ không chiếu phim của hãng phim nào không tôn trọng cửa sổ phát hành truyền thống

“Chúng ta đang đối phó với một lĩnh vực kinh doanh bị đắm,” Jonathan Kuntz, giảng dạy môn lịch sử điện ảnh tại Trường Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình UCLA, nói. “Và AMC biết, và các nhà đầu tư của họ biết, và đó là lý do tại sao bạn đang chứng kiến nguy cơ tử vong sắp xảy ra đối với công ty.”

Rạp chiếu làm ăn phát đạt khi có cửa sổ phát hành độc quyền cho một bộ phim. Đó là thứ lùa người tiêu dùng ra khỏi nhà họ. Nếu các hãng phim bắt đầu phát hành phim ở rạp và theo yêu cầu cùng lúc, sẽ không chỉ lấy đi doanh thu vé từ các nhà rạp, mà còn có nghĩa là thất thu cả kinh doanh thức ăn vặt.

Năm ngoái, ngành công nghiệp rạp chiếu Bắc Mỹ thu về 15 tỉ đôla, kết hợp của khoảng 11 tỉ đôla doanh thu bán vé và 4 tỉ đôla quà vặt ăn ở rạp. Trên toàn cầu, doanh thu bán vé tăng vọt lên mức cao mới 42,5 tỉ đôla.

Một số rạp đã về phe sau tuyên bố của AMC. Mooky Greidinger, CEO của Cineworld, đã đồng ý rằng nếu một hãng phim không tôn trọng cửa sổ phát hành truyền thống và quyết định phát hành phim ở dịch vụ theo yêu cầu và ra rạp cùng ngày, Cineworld sẽ không chiếu bộ phim đó.

Scoob của Warner Bros. sẽ lên dịch vụ theo yêu cầu trong tháng 5

Tương tự, Sonny Gourmetley, phó chủ tịch cấp cao của chuỗi rạp Marcus, cho biết chuỗi của ông hiện không chiếu phim nào “phát hành đồng thời”, nhưng vẫn sẽ phát hành các phim độc quyền chiếu rạp.

Trong khi virus corona vẫn buộc các rạp chiếu đóng cửa, lại có kỳ vọng rằng nhiều hãng phim sẽ chọn đưa phim lên dịch vụ theo yêu cầu hoặc trên dịch vụ phát trực tuyến của riêng họ.

Cho đến nay, chỉ có một số ít phim quyết định từ bỏ trải nghiệm xem rạp và đi thẳng vào thị trường phát hành gia đình. Scoob của Warner Bros. sẽ lên dịch vụ theo yêu cầu trong tháng 5, Artemis Fowl của Disney sẽ lên Disney+, và The Lovebirds của Paramount Pictures đã được Netflix nẫng. Chắc chắn, không phim nào trong số này được chiếu rạp và phát trực tuyến hoặc theo yêu cầu cùng một lúc.

Eric Schiffer, Giám đốc điều hành của Patriarch Organization và chủ tịch của Reputation Management Consultants, nói, “Chúng ta sắp đi đến điểm mà công chúng sẽ hò hét đòi phát hành VOD. Có nhu cầu khao khát thứ gì đó sẽ giữ bạn và đưa bạn vào một cuộc hành trình và giúp bạn thoát khỏi thực tại mà chúng ta đang có hôm nay.”

Một nhân viên xúc đầy túi bỏng ngô trong khu vực quà vặt bên trong rạp chiếu bóng Cineplex Cinemas

Khi rạp xinê mở cửa trở lại

Không ngạc nhiên khi các hãng phim tìm kiếm các chiến lược phát hành thay thế trong thời gian này. Không có rạp chiếu đã dẫn đến việc phần lớn các tựa phim bị đẩy lùi lịch ra rạp.

Chưa kể, có mối lo ngại ngày càng tăng rằng tuy người tiêu dùng có lẽ muốn ra khỏi nhà lắm rồi, nhưng họ không sẵn sàng quay lại rạp chiếu phim. Một cuộc khảo sát của Coresight cho thấy 44% những người được thăm dò nói sẽ tìm cách tránh các rạp chiếu phim ngay cả sau khi lệnh đóng cửa được dỡ bỏ và các rạp chiếu được phép mở lại.

“Universal có lý do chính đáng để đẩy thêm nhiều phim VOD hơn,” giáo sư Schiffer nói. “Theo tôi, sao đi nữa thì đó cũng là tương lai. Ngay lúc này người ta thà chết còn hơn vào rạp chiếu bóng.”

Giới chủ rạp đã lên kế hoạch cho những gì xảy ra khi có thể mở cửa trở lại với công chúng. Hiện tại, hầu hết đang xem xét giảm sức chứa, cho phép mọi người tự cách ly hoặc chỉ bán vé ngồi cách chỗ trong mỗi rạp. Khẩu trang có thể sẽ là tùy chọn, trừ khi chính quyền địa phương yêu cầu khác, nhưng sẽ được khuyến khích. Nhân viên sẽ mặc đồ bảo hộ và tiến hành vệ sinh thường xuyên hơn.

Giới chủ rạp đã lên kế hoạch cho những gì xảy ra khi có thể mở cửa trở lại với công chúng

Gourley nói giá vé tại Marcus sẽ được giảm trong những tuần không có bản phát hành mới và rạp trình chiếu phim tư liệu. Cũng sẽ có thức ăn vặt dành cho khán giả xem phim.

Ông cho biết Marcus đang tìm “những phim dạng-sử thi” như Indiana JonesHarry Potter để thu hút người ta trở lại rạp chiếu trước khi phát hành bộ phim mới đầu tiên, Tenet của Christopher Nolan, vào tháng 7.

Tương lai có gì

Trong khi giới chủ rạp tự tin rằng khách hàng sẽ ùn ùn quay lại, những người khác tỏ ra nghi ngờ. Một số dự đoán rạp chiếu sẽ trở thành nơi chỉ dành cho phim bom tấn và phim chuỗi kinh phí lớn trong khi phim hài, tâm lý và phim thể loại kinh phí nhỏ hơn sẽ chuyển sang cho thuê theo yêu cầu.

Trong kịch bản này, có một kỳ vọng rằng sẽ có những nhà làm phim muốn trở thành ứng viên Oscar vẫn sẽ tìm cách phát hành rạp cho phim của họ cũng như những người xem màn ảnh rộng là nơi họ muốn giới thiệu tác phẩm của họ. Hãy nghĩ đến Nolan, Wes Anderson và James Cameron, trong số những người khác.

Trong khi giới chủ rạp tự tin rằng khách hàng sẽ ùn ùn quay lại, nhiều người cho rằng ngay lúc này người ta thà chết còn hơn vào rạp chiếu bóng

“Tôi đã dành một phần lớn thập niên trước trong lĩnh vực kinh doanh phim ảnh, và không có nghi vấn nào về việc một ngày nào đó rạp chiếu sẽ trở thành yếu tố trung tâm cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong lĩnh vực kinh doanh phim ảnh,” Shell của Universal nói trong một cuộc họp từ xa. “Đây là cách người ta làm phim và mong đợi phim của họ được xem như thế.”

“Nhưng mặt trái là, dù chúng ta thích hay không, phần lớn các bộ phim đang được tiêu thụ ở gia đình, và nếu cho rằng chúng ta sẽ không thay đổi thì đó là không thực tế, rằng phần việc kinh doanh này sẽ không thay đổi giống như tất cả các bộ phận khác của ngành điện ảnh sẽ thay đổi,” ông nói.

Sự căng thẳng gia tăng giữa các hãng phim và rạp chiếu phim cũng có thể dẫn đến các cuộc đàm phán mới về ăn chia doanh thu vé. Universal tiết lộ rằng họ có thể giữ 80% số tiền cho thuê Trolls World Tour, thay vì thỏa thuận 50% mà các hãng phim có với các rạp chiếu phim. Vì vậy, tuy Trolls World Tour kiếm được ít tiền hơn so với tiền nhiệm của nó, Trolls, Universal thực sự có thể bỏ túi nhiều hơn.

Tất nhiên, một phần của chuyện đó là do thực tế các bậc cha mẹ bị mắc kẹt ở nhà và tìm kiếm nội dung mới để giữ con cái họ bận rộn. Vì vậy, không rõ nếu liệu bộ phim có nhìn thấy thành công tương tự nếu virus corona không buộc mọi người ở trong nhà hay không.

Tuy nhiên, tỷ lệ ăn chia cho các hãng phim từ video theo yêu cầu thật hấp dẫn. Chắc chắn, một bộ phim như Avengers: Endgame sẽ không thể kiếm được 2,8 tỉ đôla doanh thu từ thị trường theo yêu cầu như nó đã kiếm được tại các rạp chiếu, nhưng những phim ngân sách nhỏ hơn chắc sẽ vận hành sinh lợi bằng chiến lược này.

“Rạp chiếu phim cần phải có mô hình hấp dẫn hơn,” Nunan nói, lưu ý rằng các hãng phim phải trả tất cả chi phí tiếp thị và sản xuất cho một bộ phim, nhưng chỉ thu được 50% doanh thu vé của bộ phim.

Kể từ năm 1948, các hãng phim không được phép sở hữu chuỗi rạp chiếu, vì vậy họ đã buộc phải làm việc với các nhà rạp để chiếu phim khắp cả nước. Tuy nhiên, theo nhiều người trong ngành mối quan hệ đạo-với-đời đó được coi là lỗi thời.

Phần lớn, các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng mối quan hệ giữa rạp chiếu và hãng phim sẽ tiếp tục, rằng những cái đầu lạnh sẽ thắng thế và Universal và AMC sẽ có thể đi đến một thỏa thuận nào đó.

“dù chúng ta thích hay không, phần lớn các bộ phim đang được tiêu thụ ở gia đình, và nếu cho rằng chúng ta sẽ không thay đổi thì đó là không thực tế”

“Phải có trung gian chuyển tiếp,” Nunan nói. “Không thể cứ theo cách hiện có mãi được.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CNBC